Ơn Thầy như ánh Thái dương

Thứ năm - 30/01/2020 16:16

Ơn Thầy như ánh Thái dương

Cách đây 29 năm, giã từ thành phố Sài Gòn hoa lệ, ngập tràn ánh đèn màu chiếu khắp phố đêm, tôi đến Đại Tòng Lâm tham học lớp “Bổ túc Giáo lý”. Lúc bấy giờ cơ sở vật chất rất khiêm tốn, chỉ là hai mái nhà tranh đơn sơ, đêm về bên ngọn đèn leo lét học tu, chung quanh là rừng rậm cỏ mọc um tùm bên những rừng tràm lộng gió, thỉnh thoảng vài chú rắn ghé thăm làm Ni chúng sợ hết hồn, đã vậy có Ni sinh ngây thơ đến nỗi khen bò cạp dễ thương, bị chích một lần sợ mãi không quên!

Tuy nói là lớp Bổ túc giáo lý, nhưng Ni sinh chúng tôi rất lấy làm hân hạnh và nghĩ rằng quá đầy đủ nhân duyên phước báo khi được học với các vị Giáo thọ kỳ túc như: Hòa thượng Nhựt Quang, Hòa thượng Quảng Hiển, Hòa thượng Quang Đạo, Hòa thượng Đắc Huyền, Hòa thượng Quảng Hạnh, Hòa thượng Nguyên Trực, Hòa thượng Nhuận Hải, Hòa thượng Giác Hạnh… Tất cả đều là những bậc trí huệ siêu xuất. Mỗi vị giảng dạy có phong cách, cái nhìn, quan điểm sống tu và làm việc khác nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục đích khuyến hoá Tăng Ni sinh nỗ lực tu học trong những ngày còn trên ghế nhà trường, để mai này tiếp bước tiền nhân không để mai một chí nguyện xuất trần. Mỗi giờ học là một giờ vui, mỗi giờ học là sự lắng đọng tâm tư để hiểu ra vấn đề, tiếp nhận ơn đức trí tuệ chư vị Giáo thọ sư truyền trao. Dẫu mai xa mái trường gần 25 năm nhưng âm hưởng của lớp học dưới mái trường Phật học viện khi xưa vẫn còn vang vọng, khắc sâu trong tâm trí, trái tim của mỗi học trò.
shgd
Trong các môn học, chúng tôi thích nhất vẫn là môn Sinh hoạt Giáo hội của Hoà thượng Quảng Hiển. Mỗi tuần chúng tôi mong đợi đến giờ của Hoà thượng để được đón những niềm vui Phật Pháp, một môn học thực tiễn của giáo đoàn truyền thừa từ khi Tăng bảo có mặt cho đến hôm nay.
Tôi còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên vào học, Hoà thượng tặng cho mỗi Ni sinh mỗi người một quyển Tiểu sử Hoà thượng Thiện Hoà và dạy rằng “Ai học thuộc tiểu sử Hoà thượng sẽ được 20 điểm”. Ý Hoà thượng muốn Tăng Ni phải hiểu tầm quan trọng sự chứng ngộ của đức Thích Ca Mâu Ni nơi cội bồ-đề và lòng biết ơn của những người đời sau đối với chư tiền bối hữu công. Có lẽ bài “Trạng thái giác ngộ của Phật” có ý nghĩa nhận thức sâu sắc trên lộ trình tu tập giải thoát của những ai cầu thoát ly sanh tử, cho nên nhiều Ni sinh học thuộc lòng không vấp một chữ, trong lớp nhiều người đạt điểm tối đa.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chỉ là một Ni sinh bé nhỏ, cũng chỉ biết học và trả bài lấy điểm mà thôi. Nhưng khi rời xa bảng đen phấn trắng, có thời gian suy gẫm, nghiên cứu và thực tế việc tu hành, độ sanh… lúc đó mới có thể thấu hiểu, chiêm nghiệm được những lời Thầy dạy khi xưa là quan trọng như thế nào đối với việc tu tập, tự giác chuyển hoá thân tâm để trở thành người tu tốt, xứng đáng là bậc thầy mô phạm của trời người. Có thể học thuộc từng chữ một “Trạng thái giác ngộ của đức Thế Tôn”, nhưng chưa bao giờ giác ngộ được như Phật. Có thể đọc tiểu sử Hoà thượng Khai sơn vanh vách nhưng chưa bao giờ thực sự nhớ ơn Hoà thượng trong mỗi bước chân đi. Tu tập chính là sống trong sự tỉnh thức, sự giác ngộ. Sống đời phạm hạnh thọ dụng tứ thánh chủng là phải nhớ tứ trọng ân trong đó ơn sư trưởng giáo huấn, khai tâm là quan trọng. Bởi nếu không có Thầy truyền trao lửa tuệ làm sao ta có thể thắp nên ngọn đuốc sáng mà đi. Nếu không trở về từng bước chân giác ngộ, chạy theo ngũ dục lạc, bán giới thân huệ mạng để đổi một chút mật ái dục thế gian thì mặc áo nâu sòng cũng chỉ là giáp sắt nơi chốn địa ngục. Nếu không tri ân, báo ân, thì cũng chỉ là loại vô ơn, vong nghĩa, chỉ có những kẻ ngu si mới tự dập tắt ngọn lửa của thầy nhen nhóm để chạy vào hố tham ái dục hừng hực đốt cháy mắt thân.

1Chính lòng biết ơn Hoà thượng Khai sơn đã đặt nền móng cho sự phát triển cơ sở Phật giáo mà từ mảnh đất hoang hoá khi xưa, Hoà thượng Hiệu trưởng đã kiến tạo thành ngôi Đại Tòng Lâm Phật giáo rực rỡ uy nghiêm với nhiều hạng mục đã và đang xây dựng xứng ngang tầm vóc quốc tế. Công đức thật vô lượng vô biên, bất khả tư nghì. Những ai đã từng xây dựng chùa tháp mới thấu hiểu sự khó nhọc của việc xây dựng như thế nào? Chưa trải qua xây dựng kiến tạo chùa tháp thì không thể cảm nhận được sự khó khổ đó, cũng vậy, chưa từng leo núi làm sao biết núi như thế nào?
Đứng trên tháp Hiền Kiếp Thiên Phật, ta có thể nhìn thấy toàn cảnh quan của Đại Tòng Lâm, màu xanh của lá, của núi rừng Thị Vải linh thiêng, của màu ngói mới từ các ngôi tự viện xa xa. Mỗi con đường là những kỷ niệm khó quên, thắm đượm từng giọt mồ hôi của Thầy và trò lao động, trồng cây, cuốc đất, chặt cây, đào hố, giữ vật liệu xây dựng... Mỗi luống hoa đều ghi lại hình ảnh tôn nghiêm, từ ái, đạo hạnh... của bậc chơn tu, đức hạnh khả phong, cả cuộc đời hy sinh vì mạng mạch Phật pháp.

Ba mươi năm qua gắn bó với ngôi trường, Hoà thượng chưa từng rảnh rang ngơi nghỉ, lặng lẽ âm thầm làm việc ngày đêm. Mỗi nửa đêm Hoà thượng đã thức giấc, y hậu chỉnh tề trì kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Đại Bảo Tích… hết bộ kinh này qua bộ kinh khác cầu mong cho Phật giáo hưng thịnh. Sương khuya chưa tan, Hoà thượng trong chiếc áo vàng thấp thoáng đi đốt từng nén nhang dâng hương cúng Phật khắp Thánh địa. Đi dự họp về là Hoà thượng đạp chiếc xe đạp đi coi công trình xây dựng, chỉ bảo thợ làm. Tăng sinh trẻ các khoá ai cũng quý kính đức tinh tấn cùng sự hy sinh tận tụy của Hoà thượng mà cố gắng học tu. Hoà thượng chống tích trượng giữ gìn ngôi nhà Phật pháp, lớp lớp học trò lần lượt tốt nghiệp ra trường, nhiều học trò giờ này đã vào bậc Thượng tọa, Ni sư... vẫn hết lòng cung kính nhớ ơn Hoà thượng. Những thành công mà Tăng Ni sinh đạt được ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân chính là niềm tin mà bậc Thầy đã nhen nhóm cho chư Tăng Ni sinh đầy đủ can đảm để tiến về phía trước.

Có được những thành công này ai trong chúng tôi cũng nhớ ơn Hoà thượng, nên ngày truyền thống đều về thăm lại trường xưa, nơi ông lái đò vẫn ngày đêm dõi theo bước đăng trình của những đứa học trò thương mến của mình.
Trải qua sáu nhiệm kỳ, Thánh địa Đại Tòng Lâm đã chín lần mở tuyển Phật trường, mỗi lần truyền 1giới cho hơn 2.000 giới tử. Tiễn chân hơn 2.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có nhiều vị đã đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… là trụ trì các tự viện, tham gia công tác lãnh đạo Giáo hội, giáo thọ sư các trường Phật học. Trong mười ban ngành hoạt động của Giáo hội, Hoà thượng đều rất quan tâm và chỉ đạo kịp thời trong tất cả Phật sự, kết quả mỹ mãn. Chư Ni tỉnh BR-VT cũng từ đây nhờ ơn Hoà thượng mà yên ổn tu hành, chưa bao giờ Hoà thượng trách mắng Ni chúng. Ngài nghĩ rằng Ni lưu kém phước, đáng khích lệ tu hành hơn là quở phạt. Hoà thượng quả là thiên đường của lòng bao dung độ lượng.

Nhờ sự khích lệ của Hoà thượng mà chư Ni tỉnh BR-VT dám dấn thân làm nhiều Phật sự, phụng sự Giáo hội, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Đi xa hơn nữa tất cả những thành tựu Phật sự to lớn đều nhờ ân đức của Ban Trị sự tỉnh Giáo hội mà đứng đầu là Hoà thượng đã hết lòng lo lắng, nhiệt tâm.
Đời mạt pháp có những con bọ chét đang cắn xé từng miếng thịt sư tử, mặc áo ca sa của Phật mà hủy hoại cấm giới, không tuân giữ pháp lục hòa, phá hoại Phật pháp, “lạm xí Tăng luân”, là những cây chùm gửi trên cây đại thọ Phật giáo, làm cho Hoà thượng phải đau đầu nhức óc không biết phải làm sao cho thanh tịnh Tăng đoàn. Nhưng gương đức hạnh tri ân, báo ân của Hoà thượng, hy sinh cả cuộc đời cho thánh địa Đại Tòng Lâm Phật giáo, hồn thiêng núi rừng Thị Vải sẽ gia hộ cho Hoà thượng được an bình, sống lâu để cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, uy tín và đức nhiếp chúng của Hoà thượng giúp cho Phật giáo tỉnh nhà được hưng long.
Ni sinh Thích nữ Như Minh
(Khóa I)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây