Một Góc Tâm Hồn

Thứ sáu - 31/01/2020 16:45

Một Góc Tâm Hồn

Nhớ mỗi ngày lội bộ ra Tòng Lâm để học, trưa đói bụng vẫn trang nghiêm lối về dưới cái nắng hào phóng của núi Thị rừng Tòng mà tưởng chừng như chữ nghĩa vừa học xong đã ngạo nghễ, nhảy múa trước mắt mình. Chưa nói đến những buổi mùa mưa, lội nước mênh mông, sợ ơi là đĩa đói! Bây giờ nhớ lại thương nhớ rưng rưng! Và đã có lúc ta gọi nơi đây là: NI TRƯỜNG NẮNG
Nhà thơ Chế Lan Viên có câu:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.”
Có lẽ chính điều này mà dù ra trường gần 30 nay, tâm hồn tôi vẫn luôn nhớ về Trường xưa, Viện cũ với bao nhiêu kỷ niệm tha thiết, chân tình. Những kỷ niệm đó vẫn âm thầm sống trong một góc hồn tôi, để có những đêm về nó lại trồi lên ý thức bằng bao giấc mơ linh động, diệu kỳ; cho tôi gợi lại một vài kỷ niệm xưa, góp vào Kỷ Yếu 30 năm thành lập Trường cùng với các bạn.
2
Chắc hẳn tôi không quên những ngày đầu mới đến. Đất mênh mông gai góc và nắng cháy rát da người. Trường chưa xây, viện trống không và đầy cỏ mọc. Cỏ cao vút, cứng ngắt đến khó làm. Một dãy nhà lá vừa mọc lên, tăng thêm vẻ vụng về, non dại, không đủ cho số chúng bấy giờ. Rồi thêm dãy nữa và vài nhà lá “dã chiến” mọc lên. Nghèo! Thiếu! Khó khăn! Gian khổ! Chẳng phải một bề mà trùm lên đôi vai của người lãnh đạo cũng như Ni chúng dại khờ. Tất cả cơ sở bấy giờ đều tạm bợ. Chỗ ăn, ở, học, tu… như thuở sơ khai của nhân loại. Thế mà chúng tôi vẫn vui vẻ, an bần miễn sao được học, được tu là quý nhất. Rồi liêu Tinh Tấn mọc lên với xi-măng và ngói đỏ - ngôi nhà đầu tiên, tài sản đầu tiên của Ni viện. Chị em chúng tôi lâng lâng với vạn triệu nỗi mừng. Tiếp tục liêu Phước Đức, Trí Huệ, Nhẫn Nhục,… được hình thành sau đó. Có ai biết rằng tinh thần vì sự học, sự tu, vì viện, vì trường bao giờ chúng tôi cũng đặt lên hàng đầu, nên cái chuyện lợp ngói, dời cây, vận chuyển gạch, xi-măng, sỏi, sắt… lúc nửa đêm về, vẫn hoan hỷ nụ cười trên đôi môi của những thành viên đầy nhiệt huyết.
Nhớ mỗi ngày lội bộ ra Tòng Lâm để học, trưa đói bụng vẫn trang nghiêm lối về dưới cái nắng hào phóng của núi Thị rừng Tòng mà tưởng chừng như chữ nghĩa vừa học xong đã ngạo nghễ, nhảy múa trước mắt mình. Chưa nói đến những buổi mùa mưa, lội nước mênh mông, sợ ơi là đĩa đói! Bây giờ nhớ lại thương nhớ rưng rưng! Và đã có lúc ta gọi nơi đây là: NI TRƯỜNG NẮNG
Nhớ mùa trồng đậu phụng, kéo nhau hớn hở ra đồng, kẻ cuốc, người cày, kẻ bỏ tro, người gieo hạt. Toàn là “bạch diện thư sinh”, chỉ có ít ỏi một số người tương đối “thành thạo”. Người xưa nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Còn chúng tôi ở đây: “Có công hì hục, bảy ngày cũng xong”. Lẽ ra, người chuyên nghiệp chỉ cần năm ba người và năm ba bữa là hoàn tất. Còn chúng tôi, lực lượng nhân sự đầy đồng, mà thời gian dài thế đó. Thế mới có bao vụng về thành kỷ niệm hôm nay. Mùa gặt đậu cũng xôn xao không kém. Sáng đi học, chiều nhổ gặt kéo về, vui không kể hết. Tối lại quây quần dưới ngọn măng-sông (manchon), chị hát em nghe, lặt hái tưng bừng. Thật ra thì đậu cũng nhiều đấy, nhưng chẳng ép được lít dầu nào cho đỡ tiền Thầy đi chợ. Chúng tôi hoan hỷ cúng chùa này, chùa nọ chút ít cho vui, luộc đãi khách và tự đãi mình nữa chứ. Thích nhất là sau mùa nhổ đậu, trời mưa độ tuần lễ, mọng đậu mọc lên, nõn nà non trẻ, lại cùng nhau xách rổ hái về xào cho chúng ăn là tuyệt đỉnh. Hạt đậu ngày xưa giờ nằm trong tiềm thức. Mộng đậu ngọt lịm ngày nào, choàng trên ký ức thân thương! Sao mà nhớ nhung lắm vậy!

Những cánh chim của Thiện Hoà, có nhớ những đêm học Luật? Có nhớ những buổi thuyết trình? Có nhớ những giờ Nữ công gia chánh? Tuy buổi sáng học ở trường, chiều lao động nhưng tối về đừng nói mệt mỏi mà biếng lười, phải học Luật, học Giới, tập thuyết trình….đủ thứ học cho ngoan. Thầy Quản viện luôn bắt ta năng động, học làm bánh, nấu ăn, may vá, vẽ vời… hoà vui, văn nghệ. Nội viện Thầy trò, huynh đệ sinh hoạt trẻ trung. Lâu lắm rồi ta chưa sống được trong môi trường tập thể nên nếu không như vậy, thì không khéo sẽ cũ kỷ già nua. Già nua sớm sẽ điêu tàn, tuổi trẻ sẽ về đâu và tương lai Phật giáo sẽ thế nào? Cám ơn Thầy đã cho chúng con được sống ở NI TRƯỜNG TRẺ.

Năm năm gắn bó, chị em chúng tôi lại mãn khoá rời Trường, xa Viện. Mỗi người mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, mỗi nơi chốn, mỗi hoạt sinh. Viện cũng đã qua rồi cái thời thô sơ, nghèo nàn, thiếu thốn, nhường lại cho sự phát triển khang trang, đàn em nhiều hạnh phúc. Chúng tôi không còn cái cảnh thèm một gói mì cũng chẳng dám mua. Thật ra, cũng đâu có tiền để mà mua, đừng nói chi đến sữa, bánh… thỉnh thoảng Thầy cũng cho ăn chút chút, vì bây giờ lo gạo, thức ăn… cho 120 Ni chúng no đủ học hành là cả gánh nặng khó khăn bội phần. Hơn nữa, việc kiến thiết dựng xây cũng làm Thầy lo toan đủ thứ. Chị em chúng tôi, tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu và thương Thầy vô hạn. Tôi nghĩ các chị em, nhất là chị em ở những khoá đầu càng thương nhau da diết. Bởi thấm thía cái cảnh: “Cha mẹ nghèo con cực khổ gian nan”. Chị em mình cùng nhau một số phận. Đến hôm nay, có nhiều vị đã thành công, chắc cũng nhờ lấy đây làm động lực?
Cám ơn cái khó một thời. Cám ơn cái nghèo một thuở. Cám ơn đồng cam cộng khổ, nhắc nhở dắt dìu. Xin cám ơn tất cả!
 
1
Cám ơn nghèo khó một thời
Nuôi ta khôn lớn cho đời nở hoa
Cám ơn gian khổ đi qua
Dạy ta trưởng dưỡng thiết tha chí nguyền
Cám ơn Thầy đã hoằng truyền
Giúp con vững bước trùng tuyên Pháp mầu
Cám ơn thiện hữu cùng nhau
Xẻ chia nỗi khổ niềm đau buổi đầu
Cám ơn Chánh Pháp cao sâu
Cám ơn tất cả nhiệm mầu nhân duyên!
Góp nhặt một vài kỷ niệm, xin gởi đến tất cả đệ huynh, đến bạn bè thân hữu. Ba mươi năm, một chặng đường. Trường - Viện đã trải qua bao gập ghềnh sóng gió nhưng ý hướng trồng người, đào tạo Tăng Ni thành người hữu dụng của quý Ngài đã tròn theo tâm nguyện. Chúng con, những cánh chim đầu đàn của Trường, những đứa con đầu của Viện, được uống những dòng sữa Pháp nơi đây, không bao giờ quên cội nguồn ân sư-người mở lối. Hôm nay, từ một góc hồn đơn lẻ, xin hướng về nguồn cội để thầm lặng tưởng niệm TRI ÂN.

Tri ân Trường một thời nuôi con trẻ Cám ơn Viện một thuở đã cưu mang. Chúng con nay, dù đã phải xa tràng Nhưng lòng mãi dệt từng trang thương nhớ.
Ni sư Thích nữ Như Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây