Chuyện Đất - Chuyện Người - Chuyện Giới Đàn: Đôi chút nhớ

Thứ ba - 21/01/2020 15:54

Chuyện Đất - Chuyện Người - Chuyện Giới Đàn: Đôi chút nhớ

...Đường đất gồ ghề, bụi bặm, ngoằn ngoèo năm nào đã trôi vào lịch sử, cho nhựa láng boong thẳng tắp theo quy trình, người – xe tha hồ qua lại không còn hồi hộp sợ vấp ngã, đau chân. Tự nhiên mà tôi thương cái cảnh giới tử Ni đầu trần, chân đất, bình bát, 3 y, trang nghiêm hàng ba thẳng tắp tiến về đại Tăng cầu chánh giới
Thật khó nhớ hết chuyện của Trường Phật học, của 9 Giới Đàn trong 30 năm đằng đẳng trôi qua nơi Đại Tòng Lâm thánh địa.
Đọc qua các chủ đề, thấy đề nào cũng hay và đong đầy ý nghĩa. Chẳng biết chọn đề nào để hạ bút đây! Chạnh nghĩ, chuyện của đất, chuyện của người, chuyện của Giới đàn làm tôi miên man bao kỷ niệm. Ký ức chẳng thứ lớp cho rạch ròi và câu cú văn thơ bỗng dưng nghèo như “cùng tử”, khiến tôi chẳng biết viết sao cho phù hợp. Thôi thì, viết đại những gì còn lưu lại trong ký ức về chút hương của đất, về chút tình của người, về vài hình ảnh tôi đã khắc ghi và cảm nhận.

Cảm nhận về ĐẤT
gioi su ni huong dan gioi tu tien ve tuyen phat truongĐẤT hồi ấy vẫn trinh nguyên hồn cố địa. Rừng tràm rợp bóng, che mát lối đi, nghe bước chân người xưa dội về hiện tại, cho Tòng Lâm vang Thánh địa đến muôn đời. Gió mênh mông, đổ về bát ngát, hả hê tung bụi mịt mù, nắng cháy rát da… Nơi “TUYỂN PHẬT TRƯỜNG” chưa có Chánh điện, Tăng xá đơn sơ, mái tranh vách lá nghèo nàn, mà chư tôn đức trong BTS vẫn vững tin gióng lên trống pháp oai hùng. Chấn động 3 miền, Giới Sư bi tâm đoái tưởng, giới tử tựu về có hơn ngàn vị, làm cho đất thăng hoa và tình người nở nụ, đánh dấu son thứ nhất Đại Giới đàn 1993. Có lẽ nét đẹp khó quên vẫn là hình ảnh giới tử cung đón Giới sư làm ấn tượng bao người. Đường bụi bặm gồ ghề sỏi đá, chen nắng vàng đổ lửa trên vai, vẫn kiên trì chờ đợi bước chân Sư. Qùy mọp xuống - hai hàng Giới tử, lạy trên từng bậc giới đức trang nghiêm. Chẳng ngại bụi bết áo y, chân trầy gối sước, bởi giới châu tròn minh tịnh, Thầy sẽ trao và trò mong mỏi bao ngày. Không trải thân thì làm sao tròn giới tướng và giới thể đâu bắt nguồn từ kẻ vô tâm.
Giới trường bên Ni tuy đỡ hơn một chút, vì tầng dưới chánh điện vừa xây xong, có nơi tác pháp, kiến đàn. Đỡ phần này nhưng còn ngổn ngang bao việc khác. Bởi lớp học, liêu phòng đều dành cho Giới sư, Giới tử và chư tôn đức Ni ở xa về. Ni chúng tại Ni trường lớn nhỏ, tập trung vào mấy nhà lá, nhà làm rẩy, mấy hành lang phía sau, tạm “sống bụi” để Giới đàn thành tựu, lòng mừng vui và hăng hái chấp lao. Thầy Quản viện cũng chẳng có liêu riêng, chỉ cái giường sắt cũ kỷ đặt ở ngoài hè, góc liêu Tinh Tấn. Ngân khoản để tổ chức Giới đàn chẳng biết tìm đâu.

1Đặt niềm tin vào Tam Bảo, cứ thế mà Thầy quyết tổ chức cho thành công. Và tất cả mục đích là thành công cho đàn giới. Thế mới biết tình người lúc đó, nghèo mà giàu, giàu bởi đức hy sinh. Tôi vẫn nhớ Sư bà Tạng Liên lúc ấy, suốt mấy ngày Đàn giới vẫn ngồi ở hành lang để đón tiếp chư tôn đức Giới sư và Ni khách mà nụ cười luôn hân hoan vui vẻ, chẳng lộ chút nhọc nhằn. Tôi thưa: Sư bà ngồi suốt thế mệt lắm, xin vào trong nghỉ chút cho khỏe! Sư bảo: Mình là chủ, người ta là khách. Khách đến mà đón tiếp không chu đáo là thất lễ. Hơn nữa phòng xá thiếu thốn, nhường cho khách coi mới được con ơi! Như vậy mà Ngài toạ vị để làm gương cho chúng tôi. Giờ Sư Bà không còn nữa, nhưng hình ảnh của bậc trưởng thượng già nua vấn y vàng cũ kỷ, ngồi ở hành lang Thiện Hoà tiếp đón khách Sư năm xưa với lời dạy chân tình, phát xuất từ trái tim và hành động thiết thực chân thành đó đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Còn đây nữa, cái ngại ngùng xưa ấy. Ông Trưởng ban Tôn giáo - Nguyễn Hoài Hải và phái đoàn hoan hỷ ghé thăm. Tuy chào đón nhưng chẳng biết tiếp ông chỗ nào cho phải vì phòng khách đã trở thành phương trượng của Hoà thượng Giới sư Ni và tất cả đã đâu vào đấy, từ liêu phòng, vườn cây, nhà lá… đã trưng dụng đến tận cùng. Dường như khắp khuôn viên Ni viện, người là người chật chội cả lối đi. Chúng tôi lúng túng, ngại ngùng trở nên ngượng nghịu. Thế là ông và phái đoàn chợt hiểu, dạo sơ một vòng rồi từ giã với ánh mắt cảm thông. Thiết tưởng đó cũng là những chuyện của những con người đáng nhớ!

Nhớ hơn nữa là mùa khô thiếu nước. Nước cho ăn, cho tắm rửa mấy ngày và mấy ngàn người. Bảy cái giếng vẫn không thể nào cung cấp đủ. Hồi ấy đâu có nước máy như bây giờ, nên cái chuyện gởi bớt người qua Huê Lâm, hai Thiền Viện và các thất lân cận tắm nhờ là điều cấp thiết. Đúng là “nhất cận thân, nhì cận lân” và tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng lóng lánh nét đẹp của văn hóa quê mình. Kinh nghiệm này, nên tám Giới đàn sau Ban Kiến đàn đều chọn tháng cuối mùa mưa để tổ chức. Có thể người sau tiếp bước nên ghi khắc điều này như một bài học khôn đáng quý.
Giới đàn đầu tiên, thỉnh Giới sư khắp xứ, từ Sài Gòn, Thủ Đức và các tỉnh miền Tây, đều là những bậc uy danh giới đức, như: NT. Chí Kiên Chùa Thiền Quang - TP.HCM, NT. Giác Ngọc Chùa Phước Huệ Sa Đéc, NT. Như Ngộ Chùa Thiên Phước, NT. Đạt Lý Chùa Long Nhiễu Thủ Đức, NT. Như Hoa Chùa Từ Nghiêm, NT. Tịnh Danh Chùa Phổ Hiền, NT. Như Châu Chùa Pháp Thắng Vũng Tàu, NT Hạnh Thông Chùa Linh Bửu, NT. Như Ấn Chùa Huê Lâm 2, NT. Tạng Liên TX Ngọc Bích Vũng Tàu, NS. Như Ý Chùa Niệm Phật TP.HCM… còn nhiều vị nữa mà tôi không nhớ hết, nhưng chắc chắn một điều là lòng tôi luôn tôn kính họ. Những giới đàn sau, ba vị Hòa thượng Ni Đường đầu ba giới đàn vẫn gắn bó với Thiện Hoà đến Đàn Giới thứ 6. Duy nhất có NT. Chùa Phước Huệ, chín Giới đàn xuyên suốt chẳng chùn chân. Hơn một trăm (100) tuổi nhưng Ngài hãy còn uy nghi minh mẫn, nhớ từng bài thơ xưa, nhớ chuyện Giáo hội năm nào, nhớ chuyện quê hương thăng trầm mấy thuở, kể cho chúng tôi nghe xong chỉ biết chắp tay mà ngưỡng mộ cúi đầu.
Bây giờ nhìn lại, các vị Giới sư đã già nua tuổi tác. Có người đã vĩnh viễn ra đi như NT. Chuà Thiền Quang, chuà Long Nhiễu, chùa Pháp Thắng, Chuà Từ Nghiêm, TX Ngọc Bích, NT Hạnh Thông, NT Như Ấn… Người còn lại thì cũng dần đi vào cõi vô dư biền biệt. Vẫn biết đó là quy luật, nhưng sao lòng tôi cứ mãi ngậm ngùi!
Qua Giới Đàn Thiện Hoà 2, thì Đại giảng đường bên tăng đã xây dựng, có thể gọi là to nhất bấy giờ, dung chứa cả ngàn người. Chắc hẳn là Hòa thượng Hiệu trưởng Thích Quảng Hiển và chư tôn đức trong BTS rất mừng, vì không còn cái cảnh hồi hộp cho cái nơi “TUYỂN PHẬT TRƯỜNG” nghèo nàn, tạm bợ, sợ gió to bay mất và lửa cháy bất ngờ. Chúng tôi cũng cảm thấy lòng phấn khởi và thầm lặng tự hào “trường mình giờ đã đẹp, chẳng còn sợ người chê”! Trải qua các Giới Đàn, BTC đều cung thỉnh chư vị Hòa thượng tôn túc uy danh vào Ban Thập sư, như Ngài đệ nhứt Phó Pháp chủ, Chủ Tịch HĐTSTW GHPGVN Thích Trí Tịnh, HT. Trí Nghiêm, HT. Trí Quảng, HT. Quảng Liên, HT. Minh Hạnh, HT. Đồng Huy, HT Minh Thành, HT. Pháp Chiếu, HT. Tịnh Trí, HT. Minh Thông, HT. Nguyên Trực, HT. Thiện Phụng, HT. Minh Hiển, HT. Giác Hạnh, HT. Giải Thiện,… làm tăng thêm uy đức cho giới đàn và niềm tin cho giới tử. Thương nhất là TT. Minh Phát, trong đàn giới đầu tiên, Ngài cũng là một trong những người nhiệt tình nhất cho Giới đàn được thành công. Đặc biệt của các Giới đàn Thiện Hòa, ngay lần đầu tiên ngoài chương trình khảo hạch giáo lý cho giới tử, còn có cuộc thi tụng bốn Bộ luật Trường Hàng. Một số giới tử đã thành công ở lãnh vực này, nhưng số người tham gia hãy còn khiêm tốn. Từ khởi điểm đó, mỗi kỳ giới đàn là số lượng giới tử tham gia tụng đọc Luật làu làu đông hơn trước. Và đã trở thành niềm khích lệ, khơi dậy ý thức cầu tiến của các bậc làm thầy cũng như giới tử: “Hễ đến thọ giới đàn Thiện Hoà, thì phải học thuộc lòng bốn quyển Luật.” Riêng giới tử Ni còn thi thêm môn Luận bởi Ni trưởng Quản viện Ni viện Thiện Hòa và chư tôn đức Ni quan niệm rằng: “văn dĩ tải đạo” và “văn là người”, qua đó chúng ta có thể tìm kiếm được nhân tố tốt cho Giáo hội. Nếu ai đã từng là giới tử ở đây, hoặc đã từng về đây chứng kiến sẽ cảm động biết dường nào vì cái cảnh mấy trăm người, không đủ bàn ghế nên kê viết tập lên đùi, hay cong người cúi xuống nền chánh điện cho ý tưởng và thơ văn trồi lên thành bài thành bản. Chính trong những dịp này Ban giám khảo đã bắt gặp nhiều bài văn hay, rất có giá trị.

1Tôi vẫn còn nghe vang vọng đâu đây giọng nói rõ ràng, sang sảng, rành mạch của Hòa thượng Trí Nghiêm dạy giới tử trong ngày bế mạc Giới đàn Thiện Hoà 3 năm 2000. Lời của Ngài không văn hoa trau chuốt, nhưng chân thiết rúng động lòng người. Ý của Ngài cô đọng ở đức tu, khí chất hùng hồn đầy bi lực làm cho cả hội chúng sững sờ, bái phục: “Sư Cụ 80 tuổi hơn, mà minh mẫn và dõng dạc, oai hùng!” Lúc bấy giờ tôi thấy các vị chính quyền đều hướng mắt về Ngài rất chăm chú và thỉnh thoảng gật gật đầu như để tỏ bày đồng quan điểm. Nói đến đây tôi lại nhớ đến cái đãy của Ngài mới cảm động làm sao? Từ Nha Trang vào, Ngài mang cái đãy bị rách một lủng cỡ lọt quả chanh. Hòa thượng Hiệu trưởng cuả chúng tôi xin phép được thay cho Ngài đãy mới. Ngài từ chối: “Cái đãy đó là nhà ở của mấy mẹ con chuột. Nếu thay mới, mai mốt về lại phương trượng xưa, thì mấy mẹ con của chuột sẽ không có đường vô “nhà” ở, tội nghiệp!”. Ôi lòng từ bi của các vị chân tu sao đẹp quá, khiến tôi nhớ đến đàn rệp của Hòa thượng Hư Vân mà cảm kích vô cùng! Dù đã trôi qua thời gian rất dài, nhưng mỗi lần nhắc đến giới đàn, chị em chúng tôi lại không quên nhắc đến Ngài với tất cả lòng trân trọng và tiếc nuối. Tiếc vì Ngài không còn nữa, để sữa pháp được thấm nhuần cho nhiều kẻ hậu lai.
Đặc biệt, bảy giới đàn liên tiếp đều tôn xưng Tổ Khai sơn THIỆN HÒA, đó là một cách tri ân vô cùng cao quý của đàn hậu bối, đối với một bậc cao tăng ở thế kỷ nầy. Giới đàn năm nay - 2016 được vinh danh Hòa thượng thượng Đồng hạ Huy, cố Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Ngài là người rất hiền lành, đức độ và nghiêm trì giới luật tinh chuyên, giới tử trong đàn giới nầy cũng rất đông, không kém các giới đàn trước.
Giới đàn năm 2018, BTC tôn danh Tổ sư Bảo Tạng, làm nức lòng ngưỡng mộ của Tăng Ni và giới tử khắp nơi. Ngài rất nhiều công trạng đối với việc hoằng truyền chánh pháp từ miền Trung vào mảnh đất Nam bộ nầy, nhất là tại địa phận miền Đông - Bà Rịa-Vũng Tàu. Giới đàn mang tên Tổ là một may mắn, vinh hạnh cho giới tử biết bao nhiêu! Cảm ơn ân đức sâu dày. Cảm ơn thầy truyền trao chánh giới!
Mấy giới đàn sau, chư Tôn Đức Ni tại tỉnh nhà được thỉnh vào hàng Thập Sư cho ba giới. Chứng tỏ Ni Giới tại tỉnh nhà đã trưởng thành và lớn mạnh, có thể sánh vai cùng Ni Giới các tỉnh bạn mà vững bước đi lên. Nếu khẳng định, chúng ta dám khẳng định rằng: chín giới đàn qua đã làm cho Đại Tòng Lâm – BR-VT vang danh đây đó, góp phần cho vườn hoa Giáo hội được thơm hương. Nếu đánh giá một cách khách quan thì hương thơm kia, là nhờ sự đóng góp công sức, tài lực, từ bao người, từ nhiều phía nhưng chắc chắn đó là hiệu quả của sự đồng tâm hiệp lực hy sinh của chư tôn đức tăng ni xa gần,trong và ngoài tỉnh. Thế mới biết: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, là nghĩa đó vậy.
 
3

Từ năm 1990 đến 2019, 30 năm tròn trịa Đại Tòng Lâm đã cho ra trường 8 khóa Trung cấp và 6 khóa Cao đẳng. Hiện tại TC khóa 9 và CĐ khóa 7 còn đang theo học, đầu năm 2020 họ sẽ tốt nghiệp - ra trường như những đàn anh chị. Cũng từ chiếc nôi ĐTL – NVTH mà Tăng Ni sinh các khóa đã ra trường, phần đông đều trở thành người hữu dụng cho Giáo hội khắp nơi, khắp xứ. Thật không phụ lòng các bậc ân sư tiền bối. Với một bề dày công sức và chiều dài lịch sử, khai đất, xây dựng, mở trường, đào tạo tăng tài, và tổ chức 9 Đại Giới đàn hoành tráng, có tầm cỡ vì chưa có lần nào Giới tử dưới con số ngàn. Mỗi Giới đàn mỗi trang nghiêm cấp tiến, xứng danh Tòng Lâm Thánh địa. Hiện tại Đại Tòng Lâm, Ni viện đều thay da đổi thịt, xây dựng kiến trúc nhiều hơn, quy mô hơn để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni - Phật tử và việc tổ chức giới Đàn, cũng như các pháp hội khác. Qua rồi cái cảnh tạm bợ, nghèo khó năm xưa. Bây giờ Tòng Lâm có ngôi Đại tự khang trang, có Giảng đường tầm cỡ, có cảnh trí huy hoàng, tràng giang tăng xá. Đường đất gồ ghề, bụi bặm, ngoằn ngoèo năm nào đã trôi vào lịch sử, cho nhựa láng boong thẳng tắp theo quy trình, người – xe tha hồ qua lại không còn hồi hộp sợ vấp ngã, đau chân. Tự nhiên mà tôi thương cái cảnh giới tử Ni đầu trần, chân đất, bình bát, 3 y, trang nghiêm hàng ba thẳng tắp tiến về đại Tăng cầu chánh giới, và cũng có A-nan của thế kỷ nầy, tác hành pháp như Ngài A-nan thời Phật. Đẹp làm sao bức tranh cầu đạo cuả Di mẫu ngày nào, giờ sống lại mấy ngàn năm hậu thế.

Chuyện của ĐẤT
 
ĐẤT xưa nhiều đổi mới, mới thấy ân tình của Đất thật bao la. Đâu phải nói ngoa là TÒNG LÂM THÁNH ĐỊA, mà sự nhiệm mầu đã khẳng định tuổi tên. Cám ơn ĐẤT, ĐẤT của trời của Phật, của chùa chiền, Bảo tháp, Phật Học Viện, Thiền Viện, Đạo tràng tu… gần 50 ngôi, nguy nguy tọa vị, lớn nhỏ đủ màu, đủ kích cỡ thật dễ thương. Nhờ vậy mà thành quần thể ĐẠI TÒNG LÂM tên tuổi.
Chuyện của NGƯỜI
NGƯỜI kim cổ gần xa. Ai cũng đẹp, cũng đáng tôn vinh là Sư Tổ. Tổ khai nguồn tạo đất, Tổ thừa kế dựng xây, đem mối đạo truyền trao cho hậu thế, dẹp bớt ma đồ, dân Phật thêm đông:
Giới châu truyền thọ chín kỳ.
30 năm chẳng kể gì công lao.
Tôn sư đức tợ trời cao.
Tòng Lâm lưu dấu xiết bao ân NGƯỜI!
Chuyện Đất, chuyện của Người, chuyện Giới Đàn kể sao cho hết, nhớ đôi điều để góp mặt với Kỷ Yếu 30 năm. Có thể thừa với những người đã biết, nhưng biết đâu cũng thỏa mãn cho kẻ chưa từng nghe. Không hay lắm, nhưng đó là những gì rất thực. Xin kính ghi và trân trọng biết ơn người kiểm duyệt, kẻ lên trang in ấn, cùng độc giả lưu tâm./.
NS Thích nữ Hạnh Nghiêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây