Trường Cao Trung Phật học: Dấu ấn thưở nào

Thứ năm - 23/01/2020 17:25

Trường Cao Trung Phật học: Dấu ấn thưở nào

Tăng Ni sinh khóa I là những đứa con đầu lòng của trường, vạn sự khởi đầu nan, cho nên bằng hữu chúng tôi cùng đồng hành trên một con đò tri thức tự bảo nhau cố gắng học tập để ông lái đò vững niềm tin và đầy đủ nghị lực hoàn thành sứ mạng của mình.
hn1Ngược dòng thời gian khoảng ba mươi năm, nơi đất Thánh Đại Tòng Lâm bên kia cầu Ly Trần chỉ là cỏ cây rậm rạp, vài ba cái am thất nhỏ. Tăng Ni ít ỏi, người qua lại thưa thớt. Thế rồi nhân duyên hội tụ, tôi là người được tham gia vào công tác đốc thúc xây dựng Ni viện Thiện Hòa đầu tiên. Tôi nhớ không lầm là vào năm 1988, Thầy Hộ Pháp (Hòa thượng hiệu trưởng bây giờ), bảo phải gấp gáp chặt cây, gọi xe, đổ đất, san lấp mặt bằng để kịp tiến độ thi công, bởi vì nơi đây (Ni viện Thiện Hòa) là cái vũng nước rộng lớn, rất trủng.

Lúc ấy, tôi từ Tịnh thất Phước Tánh (thôn Vạn Hạnh) mỗi ngày đạp xe lên Đại Tòng Lâm cùng với mấy huynh đệ ở trong khu vực đó, thay Thầy Phước Hải (Ni trưởng Như Như) trông coi công việc, dưới sự chỉ đạo của Thầy Hộ Pháp, khẩn trương làm một dãy nhà lá, vách đất để có chỗ ở tạm cho Ni sinh về đăng ký thi tuyển sinh vào lớp Cơ bản Phật học.
Hình ảnh vị Thầy với chiếc xe đạp mini màu đỏ cọt kẹt mỗi ngày đi từ Phước Hải (Gò Dầu) về xem công trình và cung cấp lương thực, tài chánh cho mọi người vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Hạnh nguyện đào tạo tăng tài, mở trường nội trú, giáo dưỡng chư Ni đã tiềm ẩn trong Thầy từ lâu lắm, nay đầy đủ duyên lành, Thầy đã nhận lãnh trách nhiệm trước đại Tăng làm người phụ trách dẫn dắt Ni sinh.

Khi dãy nhà lá mọc lên thì Thầy cùng các huynh đệ ở Chùa Phước Hải cùng về với Đại Tòng Lâm, nơi chỉ có rừng tràm bạt ngàn sương gió, không hề có điện nước, đất đai ẩm thấp, cỏ rác bao vây, muỗi mòng đủ kiểu. Lúc ấy, lớp học bổ túc giáo lý đã bắt đầu hình thành, hoạt động nhộn nhịp. Tăng sinh lưu trú ở Tòng Lâm bên nầy cầu Ly Trần gần quốc lộ 51 nên rộn ràng xe cộ, đông người qua lại hơn hẳn bên Ni.
Thế rồi, cũng từ những ngày tháng gian khổ khó khăn ấy, hai vị Thầy của chúng tôi đã đồng lòng chung sức để xây dựng ngôi trường Phật học ngày một phát triển rực rỡ như hôm nay.
Năm 1990, lớp Cơ bản Phật học (tiền thân của Trung cấp Phật học) khóa đầu tiên chính thức khai giảng trong niềm hân hoan của mọi người. Giai đoạn này kinh tế rất eo hẹp, Ni viện chỉ là một dãy nhà lá dài thòng như đoàn tàu thống nhất quê hương, mọi sinh hoạt của Ni sinh đều gói gọn nơi đây chứ không còn chỗ nào khác nữa.

Các bạn biết không, trời mùa nắng chỗ ở chật hẹp mà lại đông người, nên nóng nực vô cùng. Còn những khi trời mưa thì ôi thôi gió chướng cây tràm kêu kẽo kẹt, ếch nhái, ễnh ương, kì đà, kì nhông mừng vui đồng cất lên một điệu nhạc rùng rợn, sởn tóc gáy, nổi da gà. Lúc ấy, có những người từ Thành phố về bảo rằng: “ở đây ghê quá…chắc tui bay thôi bạn ơi!!!”. Ấy thế mà tình người ở đây sao ấm áp quá và trong thời tu học dần dần các bạn ấy cũng quen nếm mùi tân khổ, và nhiều người trong số đó nay đã thành danh chi mỹ, tất cả đều xuất thân từ ngôi trường này đó các bạn ạ!!!
img 20191010 0074
Niềm trăn trở nhìn đàn con thơ dại chen chúc chỗ ăn, chỗ ở quá khổ cộng với tâm nguyện kiến tạo Tòng Lâm thôi thúc, quý Thầy đã từ từ thay thế những dãy nhà lá tạm bợ bằng những phòng liêu lợp ngói sáng trưng. Rồi ngôi Đại hùng Bảo điện cũng sừng sững vươn lên rực rỡ với biết bao công sức của đàn na trong những năm tháng đầy gian lao, vất vả.

Lật lại trang sử hào hùng của dấu ấn Tòng Lâm thuở nào, tôi đã trải nghiệm và nhớ rất rõ mình đặt cọc tiền để người ta đi mua gỗ về làm nhà, có một xe gỗ trên đường về đã bị trạm Kiểm lâm ở Long Thành tịch thu. Chủ xe về báo cho hai Thầy biết để tìm cách nào đó chở gỗ về vì thợ mộc đang chờ. Lúc ấy, chẳng biết tính sao, hai ông già bảo tôi chạy xe honda lên đó liên hệ xin và trình bày cho Trạm Kiểm lâm biết số gỗ này là đem về để làm nhà cho quý cô ở tu học chứ không phải buôn bán gỗ lậu mong họ thông cảm. Thế là, không chần chờ gì nữa, tôi liều mạng cùng con ngựa sắt chạy cái vèo đi làm sứ giả. Khi lên tới Trạm Kiểm lâm, tôi vào văn phòng xin gặp vị lãnh đạo và xuất trình giấy tờ có liên quan đến ngôi trường Phật học. Nhận hồ sơ và họ hẹn ngày mai sẽ giải quyết vì còn phải trao đổi với các Ban ngành nữa. Thế là tôi quay về Tòng Lâm và hôm sau đúng hẹn lại lên, họ không phạt gì hết nhưng phải đóng tiền giữ xe gỗ mấy ngày đêm qua. Hú hồn! cuối cùng, xe gỗ cũng lăn bánh về Ni viện trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người.

Công trình vẫn tiếp tục xây dựng dãy nhà liêu Phước Đức. Lúc ấy, trời mưa gió không có gì để che chắn nên tường bị sập đổ đè một em thợ hồ, lại một lần thất kinh hồn vía, thời điểm đó không có xe gì để chở em đi cấp cứu. Tôi lật đật chạy xe honda lên chùa Phước Hải nhờ xe Dashu của Phật tử Minh Hải - Thiện Quang xuống chở em đi bệnh viện Long Thành, quýnh quáng làm hồ sơ nhập viện. Tôi khai đây là em ruột của mình, mà đến khi được hỏi tên tuổi thì ngơ ngác không biết đường trả lời! Tường sập đè em ngất xỉu, vì hết hồn nên mặt mày tái mét như tàu lá chuối, thở không ra. Nằm ở bệnh viện một đêm, tờ mờ sáng hôm sau em tỉnh dậy, ngơ ngác tự hỏi “ủa, sao mình ở đây? Có đau ốm gì đâu mà nằm bệnh viện”. Thế là em trốn viện bỏ về không báo cho ai biết. Sáng hôm sau, em lại đến Ni viện làm tiếp. Vừa thấy em, tôi hết hồn hỏi tới tấp: “ủa, sao em về mà không nằm cho bác sĩ điều trị?”. Hắn bảo: “tự nhiên sao con lại ở trên bệnh viện Long Thành vậy hả cô? Sáng sớm thấy không có ai nên con đi ra đường đón xe về nhà rồi bây giờ đi làm cô ạ!”. Thế là tôi lại phải phi nước đại, chạy lên bệnh viện xin lỗi và thanh toán tiền cho họ. Thiệt là hết nước!
Tiếp đến là đổ bê tông sàn chánh điện, tôi cũng là người cỡi con ngựa sắt xuống chợ Bà Rịa cũ mua những cái xô, thùng, xẻng… về để làm vì khi ấy Tăng Ni sinh cùng quý vị ở chung quanh phụ làm rất đông, vì vậy tôi phải nhiều lần đi mua gom hết chợ mà dụng cụ vẫn cứ thiếu mãi rất vất vả, không phải đầy đủ như ngày hôm nay. Mệt thật nhưng cũng rất vui! Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình vinh dự được là chứng nhân lịch sử của ngôi trường này từ khi còn là đồng hoang, cỏ cháy cho đến tận bây giờ.
hn2

Năm 1994, mãn khóa lớp Cơ bản Phật học khóa I, mỗi người đi mỗi hướng, kẻ về lại Thầy tổ, quê hương, người thì tiếp tục trên con đường học vấn ở nơi khác, chỉ có tôi và Như Diên là người ở lại bám trụ đất Tòng Lâm này học tiếp lớp Cao Đẳng khóa I rồi sau đó phụ giúp công tác đào tạo Tăng tài từ ngày đó cho đến hôm nay.
Trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng phải kinh qua biết bao thăng trầm, vinh nhục, buồn vui lẫn lộn khen chê. Với tâm kiên định, lòng hy sinh chấp nhận tất cả rồi thì việc khó nào cũng sẽ qua. Chính nhờ những năm tháng gian khổ ấy mà tôi góp nhặt được những bài học vô giá trong đời sống tu tập để làm hành trang trong kiếp nhân sinh thời mạt pháp. Với sự đóng góp thầm lặng, cống hiến công sức nhỏ bé của mình trong công tác giáo dục, tôi thầm ước mong vùng đất này ngày càng phát triển, rạng ngời. Nguyện làm cánh chim không mỏi, kề vai gánh vác ngôi nhà chánh pháp để không hổ thẹn với chén cơm manh áo của đàn na và thâm ân sữa pháp của quý Ngài luôn kỳ vọng “tre tàn măng mọc, kế vãng khai lai, truyền đăng tục diệm”.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ với Ni sinh các khóa hậu bối những năm tháng Ni viện Thiện Hòa thời mới thành lập, thiếu thốn mọi bề. Vì chưa có phòng học, nên mỗi ngày Ni sinh đến lớp phải đi qua cầu Ly trần đến chùa Tòng Lâm ngoài để học. Trời nắng thì không nói làm gì, nhưng hễ đến mùa mưa là nước ngập lênh láng, đĩa đầy đường, con nào con nấy dài thòng lòng lại to tổ bố sợ ơi là sợ! Vậy mà chúng tôi vẫn phải bặm gan lội qua đến lớp không dám nghỉ học bữa nào vì nội quy thuở ấy rất nghiêm.
Bếp núc thì chật chội, tạm bợ, chỉ nấu thức ăn đại khái, kê bốn hòn đá chẻ ngoài trời, bắt cái chảo thật lớn để nấu cơm. Lúc đó chia phiên mỗi Ni sinh phải trực nhật một bữa để lo cơm nước cho đại chúng đi học về là có dùng. Nhưng than ôi! Củi, rác không đủ mà lại nấu chảo cơm to ngoài trời trống trơn, gió bốn bề tha hồ thổi tứ tung bát nháo, vì vậy cơm thường là trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoẹt, chẳng ngon lành gì. Thức ăn thì ban rẫy cung cấp chút đỉnh rau cải, bầu, bí, mướp, rau lang v.v... chỉ có nước tương và muối sả là chính. Vậy mà Ni sinh chúng tôi người nào cũng hăng say tu học. Những năm tháng đó chưa bao giờ được nghe đến từ “cúng dường Trai tăng” hay “dâng y” như bây giờ.
Vào mùa nắng nóng là nước giếng, nước ao đều khô cạn không đủ để dùng. Vì vậy, nước ban ngày ưu tiên cho nhà bếp, ban đêm cho ban rẫy tưới rau, Ni chúng tắm giặt cũng tiết kiệm nước lắm, bản thân tôi rón rén tranh thủ mọi người ngủ trưa thì ra giếng múc vét từng gáo nước lóng cho trong để dành chiều mới tắm giặt nhưng chỉ vỏn vẹn trong chừng một thùng cỡ bốn gàu nước nhỏ thôi, thật khổ lắm lắm!!!
Chưa hết, mùa mưa đến thì ướt át, rét buốt, lạnh lẽo ê răng, nhà lá vách đất ẩm thấp, cho nên những tình nguyện viên như: rết, bò cạp, rắn, thằn lằn, gián, muỗi mòng, ốc sên… thi đua hoạt động hết công suất. Đồng chí nào bị bò cạp chích là sốt và tê tê như điện giật đến 24 tiếng đồng hồ mới hết, thật là rùng rợn, cực khổ quá chừng. Ấy thế mà chúng tôi nhờ vào sự chịu khó, chịu thương của hai Bồ tát mà Ni chúng vẫn nhịp nhàng an vui tu học đúng tiến trình bốn năm tốt nghiệp một khóa. Phần thưởng của khóa một là vài cuốn vở, sách tượng trưng để khích lệ Tăng - Ni sinh thời buổi “gạo châu củi quế”.
Tăng Ni sinh khóa I là những đứa con đầu lòng của trường, vạn sự khởi đầu nan, cho nên bằng hữu chúng tôi cùng đồng hành trên một con đò tri thức tự bảo nhau cố gắng học tập để ông lái đò vững niềm tin và đầy đủ nghị lực hoàn thành sứ mạng của mình. Vì “ông lái đò” còn phải chạy đôn chạy đáo lo cơ sở vật chất cho Tăng Ni có một nơi riêng biệt để sinh hoạt độc lập và tu học yên tĩnh hơn. Cho đến tận bây giờ, Thầy cũng chưa từng được nghỉ ngơi, thanh thản, vì vẫn đau đáu lo cho sự nghiệp đào tạo tăng tài. Đối với thâm ân như trời biển đó, chẳng biết đến bao giờ mới báo đáp được, thế nên, bốn chúng tôi (Như Dung, Hạnh Nhân, Hạnh Nghiêm, Như Diên) cùng gồng mình, kề vai gánh vác công tác giáo dục tại bổn trường từ khóa IV đến nay để gọi là đền đáp công ơn của quý Ngài trong muôn một.
NS. Thích nữ Hạnh Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây