Rừng Thiền Lưu Dấu

Thứ hai - 03/02/2020 18:35

Rừng Thiền Lưu Dấu

Rừng thiền Đại Tòng Lâm một dấu ấn in đậm trong tâm hồn đứa học trò khoá một, dù đi xa nơi nào nhưng mỗi lần nghe đến Đại Tòng Lâm –Ni viện Thiện Hoà, hoặc nghe vị nào xuất thân từ đó lòng không khỏi bồi hồi, dễ làm quen, dễ gần gũi, dễ thương yêu.
Gió chiều hiu hiu thổi, không gian im lặng, thả hồn theo những đợt sóng nhấp nhô trên biển, từng ngọn sóng trắng xoá ào ạt vào bờ rồi vội vã chạy ra khơi, không ngừng nghỉ, vào rồi ra, ra lại vào. Biển thì bao la, nước cũng vô cùng trong xanh vắt thật đúng là đại dương vô tận. Những vật nhơ theo ngọn sóng tấp vào bờ. Nhìn hình ảnh đó bất giác nhớ đến câu “Biển cả không dung thây chết chánh pháp không nạp người bất tịnh.”
Có những lúc cho thân tâm thư giản nghỉ ngơi sau những tháng ngày rong ruỗi, một mình ra biển ngồi nhìn biển khơi bao la, tâm bình thản, ngâm mình dưới nước cũng thật là thú vị. Chung quanh yên tĩnh, nhưng rồi dòng ký ức lại lôi tâm nhớ về miền đất xa xôi của quê hương thân yêu, nơi đã nuôi dưỡng đào tạo bao thế hệ Tăng Ni góp phần làm rạng danh cho dòng sử Việt trong hiện tại và tương lai. Mái ấm Đại tòng Lâm – Ni viện Thiện Hoà không thể nào phai nhòa trong lòng những người con mang ân nặng đã từng sống trên mảnh đất Thánh dù đã cách xa ba mươi năm dài đăng đẳng.
Cách đây ba mươi năm (1988) nghe tin trường Đại Tòng Lâm mở lớp chiêu sinh, cùng với chị NT hai chị em khăn gói lên đường đi đến vùng đất mới. Từ Hàng Xanh đón xe ra Bà Rịa thời đó đi rất là vất vả, chen nhau mà ngồi, không có xe nhiều như bây giờ, đường sá toàn là ổ voi, cũng phải mất bốn giờ đồng hồ mới ra tới. Đến cổng Đại Tòng Lâm vừa bước xuống xe hai chị em nhìn nhau cười ngất, vì lỗ mũi ai cũng đen thui như hai ống khói bể, mặt mày áo dài lọ nghẹ bám đầy, thời đó xe chạy bằng than, trên xe nóng như lửa đốt. Vào cổng Đại Tòng Lâm ngôi chánh điện nép mình bên hàng cổ thụ cao vút, trong chánh điện vang tiếng công phu chiều, thỉnh thoảng điểm nhẹ tiếng chuông, khiến ngườì nghe niềm bình an đang len nhẹ vào tâm hồn. Trời chiều khung cảnh Tòng Lâm vắng vẻ, tiếng chim kêu gọi đàn bay về tổ ấm, muốn đi vào trong kia phải đi qua cầu Ly Trần, đúng thật là Ly Trần, vào đây mọi suy nghĩ viễn vông đều tiêu tan khung cảnh hoang vu, không một bóng người, dưới hồ những bông sen màu hồng phấn, màu trắng mấy đám lục bình xanh rì có điểm hoa màu tím cố vươn lên khoe sắc cùng các bạn súng như để nuối tiếc một ngày đã qua nhanh, xung quanh hồ có nhiều cây tràm, rừng tràm bạt ngàn tận trời xa.
 
9c1b64f7af9457ca0e85
Tượng Đức Bổn Sư màu trắng uy nghiêm thiền tọa dưới cây bồ đề, nhìn xa hơn có những ngôi tịnh thất nép mình trong chiều tà như Viện chuyên tu, Thiền viện Huệ Chiếu, chùa Viên Thông… cũng may cô NT biết đường dẫn đi không thì chẳng biết đâu mà bước. Từ ngoài đường vô Ni trường, hai chị em líu lo nói chuyện, nghĩ có một ngôi trường khang trang như ni trường Từ Nghiêm, Dược Sư… để chiêu hiền đãi sĩ, nhưng khi vô đến nơi bốn bề vắng lặng, trước sân chỗ lồi chỗ lõm, nước ngập đất bùn sình, cỏ dại mọc dày, đi cẩn thận từng bước, mấy ngôi nhà tranh vách đất nhìn mà muốn khóc, một thoáng bỡ ngỡ... Nhưng chiều rồi đi về thành phố cũng không còn xe, thôi thì… đành nhắm mắt đi theo chị NT. Qua tịnh thất một vị Sư cô xin nghỉ lại, cũng may là vị này cùng quê với chị NT nên được ăn cơm và ngủ một giấc ngon lành cho đến khi ông mặt trời xuất hiện.
Những ngày đầu mọi thứ đều xa lạ, nhưng Ni sư Quản viện và Ban Điều hành đã khéo léo làm cho tâm của đại chúng thật bình an, những ngày mới bắt đầu, cuộc sống mới đã khai sinh. Hơn tháng sau sinh hoạt của đại chúng bắt đầu ổn định, Ni chúng được đi học, buổi sáng xếp hàng ngay thẳng đi ra Đại Tòng Lâm học, đi trong im lặng hình ảnh đó chẳng khác gì chư Ni tiền bối thời Đức Phật còn tại thế dưới sự lãnh đạo thanh tịnh của Ngài Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di Mẫu, mỗi buổi sáng trì bình khất thực, đúng ngọ tìm gốc cây mà thọ trai, thọ trai xong kinh hành, thiền quán… tùy theo nhân duyên có vị sau một thời gian tu tập đã chứng thánh quả. Một năm, sáng đi trưa về không kể nắng mưa, Chư Tăng thì sướng hơn học và ở một chỗ, lớp học thời đó chưa chính thức được gọi là lớp bổ túc giáo lý của tỉnh Đồng Nai, nhưng vô học được lớp đó không phải là dễ, phải trải qua một kỳ thi, ai trúng tuyển mới được vinh dự vào học. Có những ngày mưa lụt nước lên trên đường vẫn khăn gói tới lớp, hai bên là ruộng bước chân xuống nước đỉa đeo vô chân, tiếng hét, tiếng chạy thật là kinh khủng, nếu không đủ duyên bền tâm thì khó mà ở lại được. Liêu Tinh Tấn chỗ ni chúng ở cũng là nơi sử dụng làm chánh điện, tọa thiền, họp hành, ăn cơm ngủ nghỉ cũng ở trên đó, từng dãy dài được làm từ những cây tre đan vào nhau, y như đoàn tàu bắc nam thời bao cấp, nằm ngủ nhiều người trở mình chẳng khác chi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh rời ga, nhà tắm lộ thiên làm bằng bẹ dừa nên khi tắm phải nhờ bạn bè đứng canh cửa. Có đêm đang ngon giấc mọi người giật mình vì tiếng la thất thanh của một ni sinh, ban đầu không ai biết là chuyện gì xảy ra, thắp đèn dầu lên mới hay một bạn mới bị bò cạp đến làm quen và hỏi thăm sức khỏe. Bao nhiêu gian khổ từ ngày đầu khai mở, Ni chúng sống dùm bọc thương yêu tu học dưới sự hướng dẫn của Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, thầy Hiệu trưởng, chư vị giáo thọ sư, Ni sư Quản viện, Ban lãnh chúng, rồi những dãy nhà ngói khang trang được mọc lên nhờ sự ủng hộ của chư vị mạnh thường quân gần xa, tiếng vang của trường bắt đầu được nhiều người biết đến.
 
1
Ấn tượng nhất là hai ngày đêm đổ bê tông chánh điện Ni viện, chư Tăng Ni các tự viện quanh khu vực Tòng Lâm và Vạn Hạnh làm không ngưng nghỉ, thợ và chư Tăng trộn xi măng đưa lên tầng cao, chư Ni thì gánh nước trộn hồ, không khí náo nhiệt cả một góc trời Tòng Lâm. Các dãy nhà ngói chư Ni đều cùng nhau lợp ngói không thua gì các chú thợ chuyên nghiệp. Có những đêm đang ngon giấc bị đánh thức bởi tiếng gọi của Ban Lãnh chúng là xe ngói gạch đã về các em nhanh chân ra phụ, một hàng dài tay chuyền tay trong tích tắc những xe gạch ngói đã bốc xuống hết, ni sinh lại về phòng an giấc tiếp, có tiếng hô canh thức chúng lại tinh tấn lên chánh điện tọa thiền công phu. Thỉnh thoảng những đêm có trăng Ni sư Quản viện và ni chúng ra ngoài trời chất củi đốt lửa nướng khoai mì khoai lang, bắp rang thầy trò quây quần bên nhau vang tiếng cười đầy tình đạo vị, cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng đầm ấm yêu thương. Ni sư kể những nghịch cảnh và những thuận duyên trong lúc ra làm Phật sự, đại chúng sống ấm áp trong tình thương của Ni sư như mẹ hiền đối với đàn con dại. Tuy nhiên Ni sư rất nghiêm nghị, kêu ai làm việc gì thì không có một lý do gì để từ chối. Tiếng gọi thương yêu nhất của đại chúng dành cho Ni sư là Thầy Nhất. Có những đêm chia nhau trực Ni viện, khoảng hơn một giờ khuya thấy Thầy Nhất đi đốt nhang trước tượng Quan Âm lộ thiên và chung quanh trường mấy chị em hỏi, “còn sớm sao Thầy không ngủ”? Vẫn chiếc áo tràng lam bạc màu Thầy nói “Thầy đốt nhang cầu mẹ hiền Quan Thế Âm và chư vị Hộ pháp Thiện thần gia hộ cho các con luôn tinh tấn tu học và bình an.”
 
2
Những kỉ niệm đong đầy trong những ngày êm đềm sống đời Ni sinh dưới mái trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm của tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, tuy cũng có những thoáng buồn giận vu vơ nhưng vội tan biến khi bình minh ló dạng bắt đầu một ngày mới.
Tuyển Phật Trường năm 1993 là Đại Giới đàn đầu tiên được chính thức mở còn in đậm trong tâm của chư vị giới tử đắc giới sau bao năm chờ đợi được thọ giới, và rồi cách ba năm nhiều đại giới đàn được mở tiếp. Vô số giới tử mang ân vị Tổ khai sáng Thánh địa Đại Tòng Lâm- Hoà thượng thượng Thiện hạ Hoà, Ngài đã có cái nhìn cao rộng, hy sinh thân mình, vật chất tạo dựng mãnh đất thiêng để cho hôm nay chúng ta được an tâm thừa hưởng gia tài quý báu này. Quý thầy giáo thọ học trò tăng ni sinh đã cùng nhau chặt cây tràm, dựng nhà tranh trét vách đất, cùng ăn cơm sống trộn lẫn với cát khi cơn gió mùa hè đi ngang, rồi trồng mai làm cỏ đậu, gánh nước tưới khoai, đi lên tận núi Thị Vải trồng tràm, không biết những cây tràm năm xưa còn lưu dấu những giòng chữ được khắc trên đó hay không? Những nồi cháo nấm tràm ngày nào bây giờ ngồi đây vẫn còn hương vị thơm như đang nếm được vị đắng đắng của nấm, vị cay cay của gừng sớ ảt, vị bùi bùi của gạo trắng và tình yêu thương của những người đang học làm Phật.
Lớp học năm năm đi qua nhanh chóng ngày ra trường cũng đã tới, chia tay trong tình lưu luyến, mỗi người chọn cho mình một đường đi khi đôi cách đã vững chải hơn, các bậc ân sư cũng vui hơn khi thấy những cánh chim đầu đàn bắt đầu bay vào vũ trụ bao la, chăm lo tu học trang nghiêm giới thân huệ mạng để dấn thân phụng sự chúng sanh báo Phật ân đức, thầy tổ. Có vị lên thành phố vào các trường đại học, có vị trở lại bản trường học tiếp lớp Cao đẳng Chuyên khoa. Những phần thưởng, những tấm bằng là biết bao công sức của Thầy Hiệu trưởng, Ban giáo thọ, Ni sư Quản viện và rất nhiều tấm lòng hộ trì chánh pháp của chư thiện nam tín nữ trong nước đến hải ngoại. Thầy Hiệu trưởng bỏ ăn mất ngủ mỗi khi đi họp về có chuyện liên quan đến trường lớp bây giờ cũng đã nở nụ cười mãn nguyện, Quý thầy giáo thọ cũng đở khô hơi khan cổ vì giảng hoài mà học trò không hiểu bài, Ni sư quản viện cũng thấy nhẹ lòng bớt đi lo âu, tất cả đều đã được đền bù tuy chưa hoàn hảo nhưng tạm gọi là vui mừng khi thấy đàn con trưởng thành hơn.
Hữu hình hữu hoại lẽ thường
Hoa Đàm dẫu rụng mùi hương vẫn còn
Công lao ghi tạc nước non
Một đời vì đạo dấu son rạng ngời.”
Rồi có vị ra đi khi nhân duyên trần thế đã mãn, một sự mất mát lớn trong mấy năm, ba vị trong Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm viên tịch, có vị giáo thọ sư đã về hầu Phật, quý Ngài ra đi trong sự bàng hoàng của đám học trò, chúng con còn nhỏ dại đang cần sự che chở của quý Ngài. Những Phật sự, hạnh nguyện, danh thơm, bóng hình, bước chân… của quý Ngài còn in đậm dấu trong rừng thiền Đại Tòng Lâm. Chư vị tăng Ni sinh cũng nối tiếp theo, có vị mất khi khoá học chưa ra trường, ai không đau lòng trước cảnh sinh ly tử biệt khi nghe tin những người bạn đã một thời chịu thương chịu khó cùng chung hưởng những ngọt bùi khi mới bước chân đến Thánh Địa này, bao kỷ niệm còn đây bao ân tình còn đó mà người thì đã xa rồi. Có nhiều vị giáo thọ, nhiều bạn bè từ ngày rời trường đến giờ chưa gặp mặt, hy vọng trong ngày kỷ niệm ba mươi năm thành lập trường thầy trò chúng ta sẽ gặp nhau không thiếu một ai. Ba mươi năm đi qua rất nhiều thành tựu của bản trường, có chín khóa cơ bản, bảy khóa cao đẳng đã ra trường, đào tạo nhân tài gánh vác việc giáo hội từ quốc nội đến hải ngoại, cơ sở vật chất quá khang trang bề thế đã thay đổi hoàn toàn cảnh vật Đại Tòng Lâm, đó là công đức to lớn của chư vị Thầy Tổ đã cống hiến công sức xương máu của mình để tô điểm ngôi nhà Phật giáo sánh vai cùng các nước Phật giáo trên thế giới.
Thoáng hiện trong sương một chữ
Thầy Với cùng chữ Bạn thuở nào đây
Trăng mờ sương xuống in cành lá
Thấp thoáng rơi rơi nặng ân Thầy.”
Rừng thiền Đại Tòng Lâm một dấu ấn in đậm trong tâm hồn đứa học trò khoá một, dù đi xa nơi nào nhưng mỗi lần nghe đến Đại Tòng Lâm –Ni viện Thiện Hoà, hoặc nghe vị nào xuất thân từ đó lòng không khỏi bồi hồi, dễ làm quen, dễ gần gũi, dễ thương yêu. Tiếng hát của bạn chung lớp ngày nào thoáng hiện trong tâm…“Nguyên thủy trường tôi mang tên Hoà Thượng, vì đất chốn này công lao là Thầy, Thầy là người khai sơn đó, người sống trong lòng tăng ni tình thương với ân sâu dày…” Xin chia tay, hẹn có dịp trở về rừng thiền đảnh lễ chư vị ân sư, thăm lại trường xưa, gặp lại bạn bè, đi lại trên mãnh đất Tòng Lâm-Thiện Hòa vô vàn kính quý.
Thích nữ Giới Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây