Bản chất của Trí tuệ

Thứ tư - 29/01/2020 20:59

Bản chất của Trí tuệ

Trong kinh đức Phật thường giáo thị: “mượn tướng để đạt đến lý tánh, nương giả huyễn để đạt đến lý chơn, chuyển mê khải ngộ, chuyển phiền não thành bồ-đề, chuyển sanh tử thành niết-bàn.”
1Khổng Phu Tử đã thấu triệt tâm lý cuộc sống của nhân sinh bằng một câu nói bất hủ, dung thông mọi tầng lớp trong xã hội loài người: “Học dã hảo, bất học dã hảo. Học giả như hòa như đạo, Bất học giả như cảo như thảo.”
Thâm ý của Ngài muốn dạy rằng người có học thức hay không cũng đều hữu dụng cả. Người học thức ứng xử nhạy bén và nhìn xa hiểu rộng có thể đảm trách nhiều công tác trọng đại. Ví như mạng sống của con người Á Đông nhờ thực phẩm ngũ cốc, nếp gạo mà nuôi sống. Trái lại, người thiếu học thức thì trình độ kiến thức quá ư hạn hẹp, không tiếp thu được những lời hay ý đẹp của những bậc hiền triết, nên chỉ sử dụng trong phạm trù phụ thuộc hay tùy tùng mà thôi. Trong những thời xa xưa như đức Khổng Phu Tử còn đặt nặng về học thức của con người, ngày nay chúng ta sống trong thế giới văn minh hiện đại của thế kỷ 21, thử hỏi nếu thiếu kiến văn, học thức, thì làm sao bắt kịp và tiếp cận giao lưu với thế giới bên ngoài.
Là con người Việt Nam, là hàng đệ tử tứ chúng của đấng Đại giác Thế Tôn, của bậc đại trí tuệ, lẽ nào mặc nhiên làm ngơ trước những thảm họa của cuộc sống, đâu biết rằng đời là giả tạm, nương gá giả hợp, nhưng thiếu nó trong thời “nghiệp trọng phước khinh, chướng thâm huệ thiển,” hay “gạo châu, củi quế”, có nghĩa ly tướng để tìm đến lý tánh. Trong trường hợp này không thể nào đạt kết quả tốt đẹp. Trong kinh đức Phật thường giáo thị: “mượn tướng để đạt đến lý tánh, nương giả huyễn để đạt đến lý chơn, chuyển mê khải ngộ, chuyển phiền não thành bồ-đề, chuyển sanh tử thành niết-bàn.”
Bởi những lẽ trên, người tu sĩ trẻ hiện đại muốn trở thành nhân tố hữu dụng trong tương lai cho “lợi đạo, ích đời” không ngoài phạm trù hai phương sách “Phước trí nhị nghiêm thân”: Phước điền: Chúng ta nên áp dụng hành thập thiện nghiệp đạo mà ứng xử ba món bố thí ba-la-mật để trau dồi đức hạnh.
Dùng trí hữu lậu tức là học thức, kiến thức hay kiến văn để tiếp thu những tinh hoa, những kim ngôn vô giá của bậc hiền triết hay đấng siêu phàm nhập thánh, để rồi ta lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc hạ thủ công phu để đạt đến lý tánh giác ngộ mà đấng Đại giác Thế Tôn đã từng thực hiện, có thành quả cao trên lộ trình tu tiến.
Để có hiệu năng như trên, chúng ta cũng nên ứng xử trí tuệ bằng hai lãnh vực:
Hữu lậu trí: Trí tuệ còn hạn hẹp, khuôn khổ chưa vượt ra ngoài ba cõi. Còn gọi là “phương tiện trí tuệ”, có nghĩa mượn ngôn ngữ văn tự, ngoại ngữ, khoa học để làm phương tiện hoằng hóa, độ sanh, và sẽ tìm cho mình hướng đi thiết thực bằng những phương tiện siêu thoát.
Một khi phương tiện đã thâm hậu và không còn vướng kẹt (xả ly, hành xả) rồi, bấy giờ mới bắt đầu đoạn trừ nhị chướng (ngũ pháp thực hiện ba giải thoát môn, tam vô lậu học) thì sẽ đạt đến đỉnh cao của quả vị giải thoát vô lậu trí.
Muốn thế, đời sống chúng sanh không quá trăm tuổi, cần hệ thống hóa cuộc đời bằng ba giai đoạn của thời gian:
Tuổi xuân xanh: Từ 6 tuổi đến 30 tuổi là giai đoạn chứa đầy sức sống, kể cả thể xác lẫn tinh thần, dễ tiếp thu, nhạy bén, năng động, rất cần để tiếp cận miệt mài với sách đèn và tu hành có giới hạn, chừng mực, dành thời gian cho việc nghiên tầm thánh điển.
Tuổi trung niên: Từ 30 tuổi đến 50 tuổi. Đem sở học, sở kiến hay sự kinh nghiệm của thánh hiền áp dụng thực tiễn vào cuộc sống cho mình, đạo pháp và dân tộc hay nhân sinh.
Giai đoạn tuổi đời còn lại. Buông bỏ tất cả “thế sự thăng trầm quân mạc vấn”, cần tỉnh thức để trạch pháp tùy theo căn cơ và hạnh nguyện mà chính mình, lập chí hành trì pháp môn mình đã lựa chọn để khêu sáng ngọn đèn Vô lậu trí vào trong Bát thức tâm vương, chuyển tám thức này thành tứ trí. Bấy giờ chúng ta mới vượt qua vòng luẫn quẫn trong ba cõi, và làm tròn được sứ mệnh của kẻ “xuất trần thượng sĩ”.
Đời là vô thường, sanh trụ dị diệt, thành trụ hoại không, đừng hẹn đến ngày mai, bởi ngày mai chỉ là ảo tưởng còn chính thực tại mới khai sáng cho quá khứ và tương lai.
Tựu trung, để xứng danh “truyền đăng tục diệm”, là “sứ giả của Như Lai”, là “mạng mạch hay đống lương” cho tòa nhà Phật pháp, ngoài hai phương sách trên, chúng ta cũng nên nghiền ngẫm và thực hiện câu sám mà chư Tổ để lại trong nhiều thời khóa tụng:
“Thị nhựt dĩ quá,
Mạng diệc tùy giảm,
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc?
Đại chúng đương cần tinh tấn,
Như cứu đầu nhiên,
Đản niệm vô thường,
Thận vật phóng dật.”
 
2
HT Thích Nguyên Trực
 Từ khóa: phiền não

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây