An Lạc trong từng phút giây

Thứ hai - 27/01/2020 17:38

An Lạc trong từng phút giây

Chính hình ảnh thanh tịnh, vượt mọi tật xấu, phiền não mới là bài pháp giàu sức thuyết phục gây khởi tín tâm ban đầu nơi Phật tử. Nhất là trong thời đại ngày nay phần nhiều dung tục hóa việc tu hành, không hiểu kinh giáo, chẳng giữ oai nghi, mở miệng thì oang oang nói phá chấp thì hình ảnh của một vị Tăng - Ni đúng nghĩa thật ngày càng hiếm.
Oai nghi là vẻ đẹp biểu hiện qua tư thế, hành động, ngôn ngữ, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực một tập thể, xã hội của một cá thể trong đời sống hằng ngày. Do đó người có oai nghi dễ thành công, thường được người khác trọng vọng. Đặc biệt, oai nghi đối với hàng xuất gia đi theo con đường giải thoát của đấng Từ phụ lại càng quan trọng hơn bởi sự xuất hiện của Tăng chúng chính là đại diện sống cho cả Phật bảo và Pháp bảo, gây tín tâm trong lòng chư Phật tử. Cho nên, chư Tổ có lời dạy rằng:
“Tịnh hạnh thành ư đạo nghi.
Thanh bạch viên ư giới phẩm”.

Thế nào là oai nghi thật sự? Tại sao phải giữ oai nghi? Những câu hỏi ấy vừa khó trả lời chính xác, vừa khó thành tựu nếu chúng ta không biết được lợi ích của sự giữ gìn oai nghi. Kinh Hoa Nghiêm viết: “Giữ gìn trọn đủ, pháp dạy oai nghi hay khiến ngôi Tam Bảo chẳng đoạn”. Điều này là sự khẳng định cho vai trò của sự giữ gìn oai nghi của hàng đệ tử Phật.
Đầu quyển hạ bộ Sa di luật nghi yếu lược có định nghĩa về oai nghi: “Oai nghi giả, vị hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”, tức là hàng đệ tử Phật có oai nghi nếu biết giữ gìn tịnh giới, hạnh tốt đầy đủ, tăng tướng oai nghiêm làm người khác tuy “úy” mà từ trong tâm lại yên vui; đi đứng hành xử đúng pháp thành “nghi” làm người khác nể trọng, Từ đó, khí chất dần trở nên thanh cao, phước tướng, đức tướng được tỏ bày. Nếu oai nghi không phải vì hành cho người thấy, vì lợi dưỡng, danh tiếng mà từ thật tâm thâm nhập Phật pháp, hành trì công phu, giới luật mà sanh ra thì người tu trong tâm chứa đức sư tử, ngoài thân hiện uy tượng vương xứng đáng là một bậc pháp khí.
Người xuất gia có nhiều nhân duyên khác nhau nên đường tu cũng không giống nhau, Nhưng có một bài học mà ai cũng trải qua đó là học bốn quyển Thiền môn trường hàng luật: Tỳ-ni - Sa-di - Oai nghi - Cảnh sách. Để thúc liễm sơ tâm nên hành hai mươi bốn phép oai nghi để tạo thành nề nếp. Nhưng “tướng do tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”, nên nếu hành oai nghi mà tâm không đúng của người xuất gia thì đó là oai nghi giả tạo. Dù sớm dù muộn điều che giấu cũng sẽ lộ ra. Bởi vậy, ban đầu học tập oai nghi sơ đẳng rồi tìm cầu kinh giáo hành trì, tu tâm dưỡng tánh, mọi hành động đều chánh niệm tỉnh giác thì không lúc nào cũng chăm chăm giữ oai nghi mà oai nghi của người xuất gia vẫn hiển hiện vậy.
 
1
Kinh Mạ ý nói: “Phật là cha, Pháp là mẹ. Thuận lời Phật, làm theo Pháp, ấy là hành động đúng với cha mẹ.” Kinh Pháp Hoa dạy: “Đối với diệu pháp, phải đọc, phải tụng, phải giải, phải nói, phải làm”. Đọc tụng là học hiểu, giải nói là truyền bá, làm là thực hành. Đó là những việc phải có đối với giáo lý. Giáo lý còn, không phải còn ở trong sách, trong tủ, mà còn ở nơi sự hiểu biết và sự thực hành của chúng ta. Bởi vậy, phải học hành giáo lý và truyền bá giáo lý mới hoàn thành nhiệm vụ chánh của người xuất gia là nhiệm vụ “trú trì chánh pháp”.
Vậy cái hành oai nghi ấy chính là từ việc hành đúng pháp dần dần tỉnh sát tự mình biết mình, làm chủ bản thân trong mọi hành động, việc làm. Pháp ấy không khác gì pháp trong Kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Quán niệm thân thể nơi thân thể, tinh chuyên và ý thức về thân thể, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời” mà trong kinh đức Phật đã khẳng định lợi ích của pháp này: “Có một con đường duy nhất để thanh lọc bản thân, vượt thắng phiền não, tiêu trừ ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng đắc Niết bàn”. Vậy hành oai nghi là để tiến tới tỉnh sát, làm chủ chính mình là một phép tu dễ hành nếu về với tâm chân thật của mình. Người tu cần phải thể hiện đạo hạnh, thể hiện một bản tâm trong sáng qua sinh hoạt hằng ngày, trang nghiêm thanh tịnh trong bốn oai nghi.
Ngoài ra, oai nghi còn là cơ sở gieo tín tâm nơi phật tử. Hình ảnh các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từ xa xưa đã thuyết nên những bài học đạo đức không lời, xây dựng lối sống mọi người biết quan tâm, gần nhau hơn và là hình ảnh đẹp tuyệt vời, lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của đông đảo quần chúng. Chính sự tiến bộ trong đời sống tâm linh của thành viên Tăng đoàn đã toát lên cốt cánh từ bi, hiền hòa, thanh tịnh dễ đi vào lòng người.

Kinh A-na-luật-bát-niệm chép Tôn giả A-na-luật ở bên bờ suối thanh vắng ngồi suy nghĩ rằng: “Đạo pháp là ít ham muốn, ham muốn nhiều không phải đạo pháp. Đạo pháp là biết vừa đủ, không biết vừa đủ không phải đạo pháp. Đạo pháp là thanh vắng, ồn ào khoái lạc không phải đạo pháp. Đạo pháp là tinh tiến, biếng nhác không phải đạo pháp. Đạo pháp là chế ngự tâm ý, tâm ý phóng đãng không phải đạo pháp. Đạo pháp là định ý chuyên nhất, suy tưởng mông lung không phải đạo pháp. Đạo pháp là trí tuệ, giác sát, ngu si lầm lạc không phải đạo pháp”. Câu kinh trên có thể hiểu rằng tinh thần của Phật Pháp là tinh thần “nghịch lưu”. Bởi có nghịch lưu mới cứu đời được. Mà nghịch lưu được chăng khi cử chỉ hành động không khác người đời, thậm chí có một vài trường hợp còn không bằng người tại gia.
 
2

Chính hình ảnh thanh tịnh, vượt mọi tật xấu, phiền não mới là bài pháp giàu sức thuyết phục gây khởi tín tâm ban đầu nơi Phật tử. Nhất là trong thời đại ngày nay phần nhiều dung tục hóa việc tu hành, không hiểu kinh giáo, chẳng giữ oai nghi, mở miệng thì oang oang nói phá chấp thì hình ảnh của một vị Tăng - Ni đúng nghĩa thật ngày càng hiếm. Đây không phải là thực trạng mà là trách nhiệm để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, câu thúc bản thân, tránh gây phá kiến nơi Phật tử. Họ không là đại tín chủ ta, họ không phải là Phật tử chùa ta, hoặc thậm chí họ là người thuộc tôn giáo khác nhưng ta không thể gây cho họ tà kiến xấu về một vị xuất gia, đi theo con đường của Phật-đà. Cho nên giữ oai nghi vừa là tu mà lại vừa có công đức vô lượng vậy.
Tổ Quy Sơn từng khuyên: “Xuất ngôn tu thiệp điển chương, đàm thuyết nãi bàng kê cổ, hình nghi đĩnh đạc, ý khí cao nhàn”, Ngài Đại Vân cũng giáo huấn: “Giải đạo giả, hành trụ tọa ngọa, vô phi thị đạo. Ngộ pháp giả, túng hoành tự tại vô phi thị pháp” (Người rõ đạo đi đứng nằm ngồi không lúc nào không phải đạo, người tỏ chánh pháp dọc ngang thong thả không lúc nào không phải pháp). Cho nên oai nghi là thể hiện nội tâm vững mạnh phát sanh do tu tập tinh tấn, miên mật và thường sanh công đức vô lượng. Người giữ oai nghi chân chính xứng đáng được nhân thiên cúng dường.
Oai nghi là một pháp tu đến giải thoát, cũng là thể hiện phạm hạnh cao quý thanh tịnh của một người xuất gia, hình ảnh đại diện cho Phật bảo và Tăng bảo dễ gây lòng tin vào chánh pháp nơi hàng tại gia. Cho nên đã là người tu thì không nên xem thường oai nghi. Tuy không thể làm hình tượng Tăng già tốt lên nhưng cũng không làm cho hình ảnh cao quý ấy xấu đi mới xứng đáng là người con Phật thuần thành. Bờ đê không sập ngay mà đổ từ những kẻ hở bị ăn mòn, phá vỡ dần từ bên trong. Sống xứng đáng và tu tập chân chánh chính là trách nhiệm của bao thế hệ Tăng già. Hãy nhớ câu dạy của Ô Sào thiền sư: “Chớ làm các việc ác, Thường làm các việc lành, Giữ tâm ý tịnh thanh, Là lời chư Phật dạy”, làm kim chỉ nam cho đường tu của chính mình.  
Thích Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây