Hai mươi năm: Một Chặng Đường Khoá IV

Thứ năm - 06/02/2020 18:29

Hai mươi năm: Một Chặng Đường Khoá IV

Trường chúng tôi không hoa lệ, khiêm tốn thấp thoáng giữa rừng tràm mênh mông, được bao bọc với vài chục ngôi tự viện, tịnh thất thanh tịnh và thoát tục. Nơi đây đã đào tạo nên bao tăng tài Phật giáo, nơi đây là niềm ước mơ, niềm tự hào của bao hành giả trẻ tuổi học Phật như chúng tôi, được đến sống và học tập nơi Phật địa luôn là niềm ấp ủ từ khi vừa thế phát xuất gia.
1Ký ức luôn là những hình ảnh đẹp, đặc biệt đối với những Tăng – Ni sinh Khóa IV, Trường Phật học Đại Tòng Lâm trong chúng tôi không chỉ đẹp mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa đặc biệt. Dẫu đã hai mươi mùa Xuân đi qua, nhưng thời gian không thể xóa mờ ký ức, ngược lại càng khiến chúng tôi hiểu và trân trọng hơn về những tháng ngày an vui dưới mái Trường Phật học Đại Tòng Lâm.

Trường chúng tôi không hoa lệ, khiêm tốn thấp thoáng giữa rừng tràm mênh mông, được bao bọc với vài chục ngôi tự viện, tịnh thất thanh tịnh và thoát tục. Nơi đây đã đào tạo nên bao tăng tài Phật giáo, nơi đây là niềm ước mơ, niềm tự hào của bao hành giả trẻ tuổi học Phật như chúng tôi, được đến sống và học tập nơi Phật địa luôn là niềm ấp ủ từ khi vừa thế phát xuất gia.

Ngày vui đã về với chúng tôi. Mùa Xuân năm Mậu Dần (1998), Phật địa Tòng Lâm lần thứ 4 đón chào những bước chân của Tăng - Ni sinh trên khắp mọi miền đất nước. Lúc bấy giờ, danh từ Trường Phật học còn mới mẻ với tất cả mọi người. Cả nước không quá 3 ngôi trường Phật học, chính vì thê khóa IV Trung cấp chúng tôi khá đông, Tăng sinh đến 125 vị nội trú ở chùa Đại Tòng Lâm; Ni sinh 160 vị, nội trú tại Ni viện Thiện Hòa. Trung cấp Khoá IV chúng tôi là một điểm mốc giao thoa của cũ và mới, đánh dấu sự chuyển mình của Phật địa Tòng Lâm Phật giáo.
Gần 10 năm thành lập trường (1989 – 1998), tất cả mới tạm gọi bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện. Khi chúng tôi mới đến, Tòng Lâm không như bây giờ, đường vào trường ngang qua hồ Tịnh Liên trên chiếc cầu bê tông không lấy gì làm chắc chắn, tuy nhiên hoa sen trong hồ rất siêng khoe nở đã che dấu sự thô kệch nghèo nàn của chiếc cầu, tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc dễ thương; ngang qua hồ là từng dãy tràm hoa vàng vi vút tạo nên cảnh “huỳnh mai” đặc sắc, phong cảnh Tòng Lâm bấy giờ rất thiên nhiên, xanh và gần gũi.

Khoá IV chúng tôi, tất cả các môn học đã ổn định, trên cơ bản như hiện nay như: Sơ đẳng Giáo khoa thư; kinh Tứ thập nhị chương, Nhị khoá Hiệp giải; Hán Văn; Anh văn; tiếng Việt;... Tăng, Ni xá cũng đã hoàn toàn được nâng cấp bằng bê tông, đời sống không còn phải ăn vỏ thanh long nhưng vẫn rất đơn sơ đạm bạc. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ăn cơm 80 rất khó nhai với củ cải kho, thế nhưng Ni sư Như Diên thường dạy chúng tôi rằng: “Cơm vào bụng sẽ chín từ từ”, câu nói rất đơn giản nhưng khiến cho tôi nhớ mãi. “Cơm vào bụng sẽ chín từ từ”, đối với tôi mang nhiều tầng ý nghĩa đặc biệt, bao hàm sự bao dung ngút ngàn, bao hàm đức từ bi và sức kham nhẫn trước những người trẻ tuổi. Hai mươi năm qua dù đi đến đâu, có lúc gặp những điều bất như ý, tôi đều nhớ đến câu nói giản đơn của Ni sư, câu nói năm xưa như một động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong suốt thời gian qua.

Nhớ lại, khủng bố nhất vẫn là môn Sa di Luật Giải của Thầy Quản viện. Chúng tôi chữ Hán lõm bõm, thậm chí nửa chữ bẻ đôi còn chưa rành như tôi, nhưng mỗi lần lên lớp đều đuợc Thầy “chiếu cố”, chúng tôi “được” học đến 10 trang Sa di Luật Giải mỗi buổi học. Thế là từ đó trước và sau buổi học của Thầy, chúng tôi đều tập thể “diện bích”, từng trang sách của chúng tôi, chi chít chú thích âm nghĩa. Kết quả của công phu “diện bích” này là trình độ chữ Hán của chúng tôi đã tăng cao ngoài sức tưởng tượng. Sau một năm học tập chúng tôi hoàn toàn đã tự dịch được bản Hán cổ phức tạp của môn Sa di Luật Giải. Rất tiếc vì Phật sự khá nhiều, Thầy chỉ dạy chúng tôi trong 2 năm đầu, Thầy không còn lên lớp dạy nữa cũng là lúc chúng tôi phát hiện ra cách truyền đạt đặc biệt của Thầy. Trong áp lực chúng ta phát huy đuợc tiềm năng sống, chính Thầy đã thức dậy tiềm năng tiếng Hán trong chúng tôi. Hình bóng Thầy trong chúng tôi chẳng dịu dàng, không như chuối ba hương hay như chùm khế ngọt, Thầy là hiện thân của từ phụ, uy nghi vững chãi, nghiêm khắc mà ấm áp. Chúng tôi nếu phạm sai lầm, ảnh hưởng đến sự an ổn của đại chúng, Thầy sẽ sẵn sàng dùng roi để răn dạy. Thầy đánh rất đau! Hôm nay nhìn lại, chúng tôi ước gì được Thầy cho vài roi đau như hai mươi năm trước. Thời gian cướp đi sức khoẻ của Thầy, Thầy đã yếu đi thật nhiều, chúng con nhớ lắm ngọn roi ngày ấy, thưa Thầy!

Ngược lại, Hoà thượng Hiệu trưởng lại rất ưu ái khoá IV chúng tôi, Ngài đối với Ni chúng rất nhẹ nhàng, rất hiền từ. Môn Sinh Hoạt Giáo Đoàn không còn khô cứng và giáo điều, bằng nghệ thuật lãnh đạo tài tình Ngài đã dẫn dắt chúng tôi như trở về với đời sống thời đức Phật, cho chúng tôi hiểu rõ nhiều phương cách sống và quản lý Tăng già trong thời đức Thế Tôn còn tại thế, để học tập, để suy gẫm. Điều đáng nói hơn nữa vào những ngày cuối khoá, Ngài đã cho chúng tôi trải nghiệm đạo lý tu học song hành, tổ chức niệm Phật một ngày đêm vào ngày 17 mỗi tháng. Cứ đến ngày 17 Âm lịch, chúng tôi vừa đợi chờ, vừa sợ lo, sợ vì sợ bản thân mình không thể vượt qua giấc ngủ quyến rũ; vui mừng vì ngày hôm nay âm vang Phật hiệu sẽ lan khắp núi rừng Tòng Lâm, thật linh thiêng, thật hào hùng. Có những lúc đang rất buồn ngủ niệm Phật giữa đêm khuya, Hoà thượng đã đến, Ngài hiền từ uy nghi cùng chúng tôi niệm Phật, sự xuất hiện của Ngài như tiếp thêm sức mạnh, cơn buồn ngủ tan biến. Đại chúng hân hoan cùng niệm Phật. Bây giờ chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau vẫn kể về Người, có lần một thầy Tăng sinh cùng khoá chia sẻ: “Sư phụ có võ đó nhé, Ngài mà cầm gậy xuống liêu thì dù tránh đường nào cũng bị “ăn” vài gậy”. Vậy đó, hình ảnh Ngài trong lòng Tăng – Ni sinh chúng tôi mộc mạc, uy nghi và thật gần gũi, hiền từ nhưng cũng có cả những trận đòn.

Bên cạnh hai ngọn hải đăng sáng chói, sự thành tựu nên người của Tăng – Ni sinh khoá IV Trường Phật học Đại Tòng Lâm còn có những người đưa đò thầm lặng, những bậc Giáo thọ đã miệt mài bên trang kinh sử, đã vượt cả đoạn đường Trung – Nam, đã gác hết mọi công việc ở chùa để cùng Ban Giám hiệu chăm sóc những tâm hồn khát khao giáo pháp, những người xuất gia trẻ tuổi, tất cả vì tương lai Phật pháp và lợi ích chúng sanh.

Ngoài việc học, vui lắm những buổi chặt củi, những lần kéo gỗ tràm, những buổi làm cỏ mai và cả những lúc cùng phục vụ trong các lễ hội hay Giới đàn của Giáo hội. Trong chúng tôi không ai có thể quên được là rừng mai của trường mình, nơi đã được cải tạo từ rừng tràm hoa vàng thành rừng mai. Có rừng mai đến tết toàn trường tràn ngập mai vàng thật quý phái, liêu phòng Tăng – Ni xá cũng tràn ngập sắc Xuân; có rừng mai chúng tôi có thể nhận diện nhau biết rằng học sinh trường Đại Tòng Lâm qua cái những nốt chai sần do làm cỏ mai để lại. Thế rồi vô thường gió thoáng qua nhanh, khoá học kết thúc cũng là lúc vườn trường một lần nữa thay áo mới, mai được thay bằng cây sao và xoài cũng chính là diện mạo bây giờ. Chúng tôi mỗi lần trở về trường cũ, ngậm ngùi bao ký ức. Nhìn những hàng sao ngày càng lớn mạnh ngút ngàn thẳng tắp, chúng tôi hiểu rằng, quý Ngài Ban Giám hiệu, Giáo thọ sư đều đã lớn tuổi, có bậc đã trở về với Phật, có nghĩa rằng chúng tôi cũng không còn trẻ nữa, trách nhiệm với Bản trường với Giáo hội là việc mà mỗi cựu Tăng – Ni sinh chúng tôi đều phải suy gẫm và cống hiến.

Trường Phật học Đại Tòng Lâm không chỉ dạy Tăng – Ni sinh nghiên kinh, học sử, mà còn chú trọng đến đào tạo cho chúng tôi tất cả kỉ năng ứng phó đạo tràng, làm những việc nhỏ nhất cho đến những việc to lớn trong Giáo hội. Khi còn làm học sinh có lắm lúc chúng tôi thật mệt mỏi, mong muốn được ra trường, nhưng sau gần một phần ba cuộc đời bôn ba cầu học và phụng sự, chúng tôi mới hiểu rằng những việc mình đã được học, được làm quý báu biết bao. Nếu cho thời gian quay trở lại, 4 năm 6 tháng sẽ không đủ cho chúng tôi trải nghiệm và thực tập tại trường. Thế nhưng không có giả thuyết trong cuộc sống khi thời gian vẫn đều trôi nhanh. Thôi thì:
Tòng Lâm còn đó hương hoa lá
Từ biệt nhớ về thuở còn thơ
Dung thông nguồn cội mong hành giả
Mây nước hồn quê một lối về.
Thích nữ Phước Niệm
(Trung cấp Khóa 4)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây