Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Nơi đào tạo Tăng tài

Thứ tư - 22/01/2020 17:49

Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Nơi đào tạo Tăng tài

Tòng Lâm thánh địa đã thăng trầm theo năm tháng, hôm nay thực sự trở thành Trung tâm văn hóa, giáo dục, cũng chính nơi đây có một ngôi trường Phật học xứng đáng là một nơi tu học tầm cỡ của cả nước.
HT Giác HạnhCách đây hơn 50 năm, cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa với danh nghĩa Thượng thủ Giáo hội Tăng già Việt Nam, đứng ra khai khẩn 100 hecta vùng đất hoang tại cây số 81 dọc theo quốc lộ 51 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, thành lập Đại Tòng Lâm Phật giáo với hoài bão của Người nơi đây sẽ là trường đào tạo tăng tài cho thế hệ tương lai.
Tòng Lâm thánh địa đã thăng trầm theo năm tháng, hôm nay thực sự trở thành Trung tâm văn hóa, giáo dục, cũng chính nơi đây có một ngôi trường Phật học xứng đáng là một nơi tu học tầm cỡ của cả nước. Để chúng ta có sự nhận định vấn đề đào tạo một thế hệ kế thừa cho đạo pháp không phải ở thời đại chúng ta, mà các bậc tiền bối cũng rất quan tâm và chăm lo ươm mầm ở lứa tuổi học Tăng còn tràn đầy nhiệt huyết. Công tác đào tạo nói rất dễ mà khi làm mới thấy khó. Trồng cây chỉ vài mươi năm là sử dụng được nhưng trồng người làm Phật không thể một hai năm mà có thể dài hơn. Người làm công tác giáo dục đào tạo theo nghĩa của trường Phật học chúng ta có thể chia làm bốn điểm cần yếu sau đây:

I. Người tu Phật phải học giáo lý của Phật
Lý tưởng của người tu Phật là: “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” muốn hóa độ mà không thông Phật Pháp, giáo lý chưa nằm lòng thì việc hóa độ chúng sanh chắc chắn khó mà thực hiện được. Lời dạy của Đức Phật là thuốc hay chữa lành tâm bệnh. Độ chúng sanh tức là chữa lành bệnh tham lam, tật đố, tà kiến, cố chấp của chúng sanh. Học giáo lý như bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn... đó là những phương pháp đối trị các căn bệnh. Trong ngũ minh pháp “Nội minh” đứng đầu. Người xuất gia thì phải thiết tha cầu học, chuyên cần để thâm nhập nơi chính bản thân mình rồi sau đó truyền dạy cho người khác. Như vậy mới gọi là hóa độ, không khéo chúng xuất gia chỉ vì cơm áo là chính chứ không phải hóa độ. Tổ Quy Sơn dạy: “Tương vị xuất gia quý cầu y thực”. Muốn học Phật Pháp phải đến trường Phật học, không thể đến trường học nghề của xã hội mà học giáo lý được.

II. Nuôi đệ tử phải biết nhìn về tương lai
Chúng tôi muốn nói đến bậc thầy hướng đạo, tức là thầy bổn sư quy y thế phát cho đệ tử, dẫn dắt họ đi từ phàm phu đến Thánh quả. Vấn đề quan trọng là phải nghĩ cho tương lai đệ tử mình xứng đáng là long tượng của Phật Pháp. Họ sẽ thay thế mình gánh vác sự nghiệp của Phật Pháp. Cổ đức thường dạy: “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”. Đệ tử tìm thầy dễ nhưng thầy tìm đệ tử để truyền thừa sự nghiệp của Phật Pháp thì rất khó. Chùa có chỗ ở, có cơm ăn, đệ tử đến cầu học mấy trăm nuôi cũng dễ, lúc về già sư phụ tìm một người đệ tử xứng đáng có đức, có tài để truyền trao sự nghiệp tương lai của đạo Pháp thật là gian nan.
Đào tạo Tăng tài phải đủ hai ý: Vừa có tài mà phải có đức. Lúc sanh tiền Hòa thượng Thiện Hòa dạy khóa huấn luyện trụ trì tại chùa Pháp Hội năm 1952, Ngài nói: “Cán bộ của Phật giáo khi ra hành đạo giống như con chim, phải đủ hai cánh là tài với đức. Khi chim gãy cánh thì làm sao tung tăng khắp mọi phương trời mà bị hạn chế nơi một tàng cây nhỏ hẹp”. Đề cập đến tài tức là học vị, kiến thức văn chương thì bên ngoài nhà của cư sĩ Phật tử, con cháu họ có bằng cấp học vị không thiếu, tại sao hàng cư sĩ lễ lạy cung kính người xuất gia không có bằng cấp, cũng chẳng có học vị gì? Có phải họ cung kính đức độ công phu tu hành các bậc chân tu. Cái đức chính là phẩm hạnh của người xuất gia, mọi hành động cử chỉ đều phải vững chãi, có nội lực trang nghiêm đó là một cung cách mô phạm khiến cho một người Thầy bổn sư phải thấy đường tương lai của đạo Pháp và chính bản thân của đệ tử mình sẽ làm gì cho tông phong, cho bổn đạo trực tiếp hay gián tiếp lo ngoại hộ để họ an tâm tu học.
Chính trường Phật học là điểm cần thiết để có thể an tâm và không ân hận khi mình đã làm hết bổn phận. Đây là chuyện thật xảy ra vào năm 1967 tại học viện Hải Đức - Nha Trang, Hòa thượng Đổng Minh (Vụ trưởng Phật học vụ) kể trong giờ dạy cho Tăng Ni sinh Cao đẳng Phật Học: “Cư sĩ Đinh Dung từ Đà Lạt về Nha Trang, ghé tại học viện Hải Đức thăm Hòa thượng Trí Thủ (Giám viện) và Thầy Đổng Minh (Giám học vụ). Cư sĩ nói: “Ngày xưa quý thầy và chúng tôi hợp tác mở trường Phật học với mục đích đào tạo Tăng tài. Ngày nay, tôi thấy dường như chúng ta chú trọng vào việc đào tạo tú tài. Chúng tôi ngại rằng tương lai không còn Tăng tài để hoằng dương Phật Pháp.” Cũng từ câu chuyện này mà Hòa thượng Đổng Minh ứng khẩu làm bài thơ có tựa đề “Tú Tu”:
“Viện thương tu thiếu tú
Viện cần tú lo tu
Viện quý tú biết tu
Viện ớn tú không tu.”

III. Ngôi trường Phật học lý tưởng
Chúng tôi là những cựu học Tăng của các trường Phật học như: Phật học Đường Lưỡng Xuyên (Sơ cấp Phật học), Phật học viện Huệ Nghiêm (Trung cấp Phật học), Phật học viện Hải Đức (Cao đẳng Phật học), chế độ nội trú hoàn toàn, kỷ luật sắc bén, học tập có quy củ, giáo thọ đầy đủ thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, học Tăng khi vào học cho đến khi ra trường mãn khóa không biết quen thân một người Phật tử nào.
Thư từ qua lại Ban Quản Chúng kiểm soát chặt chẻ, tài vật cúng dường học Tăng không được tự ý thọ nhận, đi lại phải có giấy xin phép của bổn sư hay cha mẹ, không được về đám giỗ, trai tăng, cúng tuần thất cho bổn đạo. Ngôi trường lý tưởng là chế độ nội trú hoàn toàn, phương pháp giáo dục phải có sư phạm và sự sinh hoạt của học Tăng phải dựa trên 3 tiêu chuẩn: đức dục, trí dục và thể dục. Nhà trường phải áp dụng kỷ luật hàng đầu.
con đò
Chúng ta cũng chứng kiến được tình trạng Tăng Ni sinh ngày càng tập trung về thành phố lớn vì mục đích học tập, nhưng các trường ở thành phồ đều là ngoại trú. Tăng Ni trẻ thuê nhà dân giống như công nhân, sinh viên ở trọ đi học hoặc đi làm. Mối quan hệ không ai kiểm soát được, tệ nạn xảy ra làm cho bổn sư và Giáo hội băn khoăn mà chưa tìm ra cách giải quyết khả thi nào. Tình trạng Tăng Ni ở nhà cư sĩ, mướn phòng trọ, vô tình vi phạm nội quy Ban Tăng sự Trung ương, làm giảm uy danh của Giáo hội, suy giảm lòng tin của cư sĩ Phật tử. Thầy tổ còn thay thế cha mẹ của học Tăng học Ni hướng dẫn dìu dắt con em họ đến nơi đến chốn, để gia đình họ không tủi hổ với họ hàng, xóm làng. Gia đình có con đi tu xóm làng cho là có phước, khi thấy người tu xuất thế họ hàng, làng xóm bàn tán không hay mà buông lời “tội nghiệp”. Cho nên vấn đề chọn một ngôi trường Phật học lý tưởng đủ niềm tin để gửi gắm đệ tử mình là điều mà các bậc thầy ai ai cũng có sự đắn đo suy nghĩ.

IV. Hoài Bão của Người Thầy Dạy Pháp
Khi nói đến thầy tức là nói đến “mô phạm”. Bất luận là thầy dạy chữ, dạy nghề ngoài xã hội, thầy dạy Phật Pháp tuy đồng về chữ nghĩa nhưng tìm hiểu về mặt tâm linh thì hoàn toàn khác biệt. Sư trưởng thế gian giúp học trò có tay nghề kiến thức, khoa học, xã hội... mục đích tạo cho họ miếng cơm, manh áo, danh dự, vợ con đều được chu toàn hạnh phúc. Thầy dạy giáo lý, dạy Phật Pháp mong mỏi Tăng Ni là học trò mình tu và học kiêm ưu để thoát ly sanh tử, làm Phật làm Tổ cứu độ chúng sanh.
Ai đã từng đóng vai trò làm sư trưởng xuất thế gian, mới hiểu được nỗi âu lo và kỳ vọng của họ khi dạy học trò Tăng, học trò Ni từ các chùa. Thầy không có phân biệt áo nâu, áo vàng mà một lòng đem hết tâm huyết của mình để truyền đạt cho thế hệ tương lai. Chúng ta thấy hình ảnh ông lái đò đưa khách sang sông. Khách lần lượt đi qua từ nhiều tháng năm dài, ông lão chưa hề bắt họ cảm ơn mà chỉ việc chèo đò đưa khách. Trường đào tạo Tăng tài phải nói đến bậc Giáo thọ, ngày đêm chăm lo đời sống tâm linh cho học trò, chỉ mong một ngày kia họ sẽ làm được nhiều điều lợi ích cho Giáo hội, cho chúng sanh. Thầy không đòi hỏi điều gì khác hơn là hiện tại Tăng Ni sinh chuyên cần tu tập. Muốn đền trả ơn nghĩa của Phật tổ thì ta hãy tu học cho thật tốt, trau dồi đạo hạnh cho tinh nghiêm để hầu mong báo đáp thâm ân trong muôn một.
HT Thích Giác Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây