Nhớ về trường xưa

Thứ ba - 04/02/2020 17:28

Nhớ về trường xưa

Những giờ ngồi soạn giáo án, rồi lên lớp giảng dạy, nhìn xuống phía dưới giảng đường bao gương mặt Ni sinh thanh thoát, ngây ngô hướng về mình lắng nghe lời giảng, khi thì gật gù ra vẻ hiểu được ý pháp; có lúc nhíu mày như chưa thể tiếp thu, tôi thấy sao mà thân thương quá đỗi! Tôi chợt nhận ra các em chính là hình ảnh của chúng tôi ngày xưa ấy.
Được tin đầu năm tới là kỷ niệm 30 năm thành lập Trường TCPH Đại Tòng Lâm, tỉnh BR-VT, tôi thoáng giật mình “Ồ! Mới đó mà đã 30 năm rồi nhỉ!” vậy là chúng tôi ra trường đã được 26 năm! Dòng ký ức của năm nào bỗng hiện về trong tôi…
Nhớ năm ấy (1989), được Bổn sư cho đi học cùng với Sư huynh, tôi vừa vui mừng lại vừa lo. Vui mừng vì mình sắp được đến trường Phật học để tham cứu giáo lý Phật Đà – điều mà hầu hết người xuất gia nào cũng mong ước – lo vì lần đầu tiên từ ngày xuất gia tôi rời xa Thầy và huynh đệ để đến một nơi khác sống với những người chưa từng quen biết. Liệu môi trường mới có thích ứng với mình hay không? Bao nhiêu ý tưởng khởi lên trong tâm tư. Và rồi, ngày giờ đã đến, tôi sửa soạn hành lý cùng Sư huynh đảnh lễ Thầy, chào huynh đệ, lên đường nhập học. Chúng tôi được nhận vào ở Ni viện Thiện Hòa.
Vì chưa có giấy phép chính thức mở trường nên chúng tôi học dự bị trong một năm đầu. Hàng ngày chúng tôi xếp hàng đi bộ từ trong Ni viện ra đến lớp học gần cổng Đại Tòng Lâm, đến trưa lại trở về Ni viện. Lúc ấy liêu chúng tôi ở còn là nhà tranh vách đất. Một buổi đi học, một buổi chúng tôi chấp tác. Từng chúng chia nhau nhiều khâu công tác, trong đó có khâu nhồi rơm với đất sét phụ làm nhà. Chúng tôi đào những cái hố chỗ có đất sét rồi bỏ rơm, đổ nước vào, những vị khỏe chân thì xuống hố đạp nhồi cho dẻo và kết lại, số ở trên thì đem đến vắt lên những khung tre hình chữ nhật đan sẵn, để kết thành từng mảng vách tường bằng đất, làm thành những dãy nhà ở cho chúng Ni. Nhìn những dãy nhà lá từng ngày từng ngày qua được thành hình sao tôi thấy nó bình dị và dễ thương chi lạ! Thời buổi bây giờ dễ gì có được căn nhà tranh vách đất như vậy! Buổi đầu, cơ sở vật chất mọi mặt còn rất nghèo nàn thiếu thốn. Chánh điện chưa có, Ni sư Quản viện tạm dùng dãy liêu đầu tiên của học ni, kê bàn sát vách để làm chỗ thờ Phật, hai thời công phu chúng tôi tập trung về liêu này, ngồi xúm xít với nhau trên những chiếc đơn, hướng về bàn Phật để tụng kinh. Nhớ lại lúc ấy tuy cực nhọc mà rất vui!
Một năm sau, cơ sở vật chất được cải thiện, những dãy liêu mái tranh vách đất hôm nào dần dần được thay bằng tường hinh htvôi mái ngói khang trang. Đây cũng là thời điểm Trường được chính thức đi vào hoạt động với tên gọi “Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm”.
Trải qua kỳ thi tuyển sinh, tôi được đậu và là Ni sinh khóa I chính thức của Trường, bây giờ lớp học ngay tại Ni viện Thiện Hòa, chúng tôi không phải đi ra Đại Tòng Lâm nữa. Ngày ngày chúng tôi được lên lớp và chư Tôn Đức Giáo thọ mỗi vị dạy một môn. Quý Ngài bằng tất cả tâm huyết của bậc Thầy đi trước đã trao truyền cho chúng tôi những bài pháp qua từng môn giáo lý để chúng tôi nắm vững kinh pháp Phật đà, một mặt khai mở tri thức, bên cạnh cũng để ứng dụng vào đời sống tu học của mình. Vì tu và học cả hai phương diện phải bổ sung cho nhau, như lời cổ đức từng dạy: “Tu mà không học là tu mù; Học mà không tu như đãy đựng sách”.

Gần gũi và kính thương nhất là Ni sư Quản viện (Ni sư Như Như). Với tâm nguyện tiếp độ hàng Ni lưu hậu học, Người đã ân cần lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, Người thường đi sớm về khuya để lo Phật sự và giao tế để chúng tôi có được cuộc sống vật chất đầy đủ sung túc, yên tâm tu học. Đặc biệt Người hết sức chăm lo đào tạo chúng tôi học và trau giồi đủ mọi phương diện kiến thức. Người thường nói: “Tu sĩ phải đa dạng”, và dạy chúng tôi dù là phận ni nhưng không được nhút nhát yếu hèn, phải phấn đấu và kiên cường với tinh thần “Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ”. Như vậy, ở môi trường nào cũng ứng dụng được, sau này làm Phật sự và giáo hóa chúng sinh mới khả dĩ đủ năng lực vững vàng làm lợi lạc cho tha nhân không bị chướng ngại. Ban ngày chúng tôi học chương trình của trường, tối đến Người tạo điều kiện cho chúng tôi học Luật, dạy ứng phó đạo tràng và thực tập thuyết trình nữa. Như thể Ni sư muốn học ni không còn giờ trống để dong ruổi, hái hoa bắt bướm, chỉ tập trung việc học, tu và rèn luyện kỹ năng cho mình, nên giờ giấc của chúng tôi hết sức là sát sao, chặt chẽ. Đến mùa An cư kiết hạ, chúng tôi lại càng phải khép mình nghiêm túc với thời khóa tu học nhiều hơn nữa, chúng tôi không được phép đi ra ngoài khi không có lý do chánh đáng, như Thầy Tổ, cha mẹ bệnh nặng hoặc qua đời. Người chí quyết đào tạo chúng tôi sao cho xứng danh con gái đức Như Lai, đúng nghĩa là bậc xuất gia mô phạm để không uổng phí của đàn na tín thí đã góp công sức nuôi chúng tôi tu học và sự kỳ vọng hy sinh của Thầy Tổ. Học Ni chúng tôi rất phấn khởi vì được trau giồi kiến thức, học hỏi nhiều điều hay quý, mặt khác được an ổn thân tâm, bớt lao xao vì ngoại cảnh. Được sống tu học trong môi trường như thế này thì còn gì hạnh phúc cho bằng!
Hàng ngày chúng tôi được uống từng dòng sữa pháp từ những bậc Giáo thọ đầy tâm huyết, luôn hoài vọng chúng tôi sau này tiếp bước quý Ngài hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc tha nhân, không hổ danh con nhà họ Thích. Chúng tôi vẫn sống an vui nhịp nhàng với các thời khóa tu học như vậy lần lượt bốn năm trôi qua, và rồi chuẩn bị kết thúc khóa học.
Trước khi ra trường, chúng tôi phải hoàn thành Luận văn Tốt nghiệp, mỗi người được tự chọn môn học nào mình tâm đắc và vị Giáo thọ bộ môn đó ra đề luận. Lại phải trải qua một kỳ thi tổng kết cuối khóa cực kỳ khó khăn nghiêm túc dưới sự giám sát của toàn bộ Ban Giáo thọ và Giám thị khiến cho hầu hết Ni sinh chúng tôi vô cùng căng thẳng. Thế nhưng, lần lượt chúng tôi cũng đã vượt qua tất cả các môn thi, ai nấy thở phào nhẹ nhõm dù chưa biết được kết quả mình thi thế nào! Sau đó chúng tôi chuyền nhau những quyển Lưu bút, trân trọng kính lên quý Giáo thọ sư xin được ghi lời chỉ giáo và bùi ngùi trao đến chư huynh đệ đồng học xin lưu lại những dòng kỷ niệm, địa chỉ Tự viện và những thông tin, để về sau có duyên sẽ còn liên lạc với nhau. Thời gian này tôi hết sức trân trọng vì sẽ không bao lâu nữa chúng tôi chia tay nhau, mỗi người rồi sẽ là mỗi cánh chim bay đi muôn nơi theo ý nguyện của mình. Người thì trở về bổn tự cùng Thầy Tổ, có vị lại tiếp tục con đường học pháp với những lớp cao hơn ở nơi này nơi khác. Tổ ấm của chúng tôi sẽ thay đổi để đón nhận những cánh chim mới từ các nơi bay về. Và Ni sư Quản viện vẫn mãi tiếp tục hạnh nguyện của mình, dang tay đón đàn con lớp sau, tiếp tục sứ mạng truyền thừa chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai.
ns hanh nhan2
Ngày ra trường đã đến, buổi lễ Tốt nghiệp khóa học đầu tiên của bản trường diễn ra không kém phần long trọng. Được sự chứng minh của chư Tôn Đức Ban Giám hiệu trường cùng chư Tôn Đức Giáo thọ, và chư Tôn Đức Bổn sư của Tăng Ni sinh, chúng tôi mỗi người được Hòa thượng Hiệu trưởng trao cho Văn bằng tốt nghiệp và trao giải thưởng đến những vị xuất sắc, trong đó tôi vinh dự được lãnh giải thưởng hạng ba. Chúng tôi hết sức vui mừng vì đã hoàn thành khóa học sau quá trình bốn năm ròng rã (thêm 1 năm học dự bị nữa là 5 năm!). Nhưng chúng tôi cũng không khỏi bồi hồi xao xuyến trong lòng khi sắp rời xa Ni trường – mái ấm thân thương chứa đầy tình người tình đạo mà mình đã gắn bó suốt thời gian dài với biết bao kỷ niệm đẹp. Mặt khác, tôi rất vui và an tâm trước thành quả mình đạt được sau thời gian gắng công tu học, dâng lên Bổn sư, niệm ân sâu xa sự hy sinh của Thầy Tổ, phần nào đó vô vàn trân trọng ơn đức chư Tôn Giáo thọ, Ni sư Quản viện đã ban bố cho tôi trong trọn khóa học, cùng công lao tín thí đàn na tích góp ủng hộ suốt bốn năm dài!.
Rời trường, tôi trở về Tịnh xá một thời gian và được Bổn sư cho đi học khóa Giảng sư do Ban Hoằng pháp TW tổ chức tại Chùa Hòa Khánh trong ba năm. Và điều không thể ngờ đến là sau khi tốt nghiệp, tôi được lệnh Ni sư Quản viện chỉ đạo làm Giáo thọ Trường Trung cấp Ni khóa V tại mái trường Thiện Hòa thân thương ngày nào, và tiếp tục giảng dạy cho đến nay là khóa thứ IX.
Ngày xưa, tôi hết lòng thương kính trước hình ảnh quý Thầy Giáo thọ đứng trên bục giảng đem cả nhiệt huyết, khối óc, con tim truyền trao từng lời kinh tiếng pháp cho học trò mà dường như không hề biết mỏi mệt, từ khóa I đến khóa II rồi khóa III khóa IV… Quý Ngài là hình ảnh của những “Ông lái đò” đưa hết lớp khách này đến đợt khách khác qua sông, ông lái vẫn ngồi lại bến cũ, biết bao lượt khách qua đò rồi, có mấy ai còn nhớ lại bến sông xưa!? Dường như đó là công lệ xưa nay! Và hôm nay chính tôi lại cũng đóng vai “người lái đò”! Những giờ ngồi soạn giáo án, rồi lên lớp giảng dạy, nhìn xuống phía dưới giảng đường bao gương mặt Ni sinh thanh thoát, ngây ngô hướng về mình lắng nghe lời giảng, khi thì gật gù ra vẻ hiểu được ý pháp; có lúc nhíu mày như chưa thể tiếp thu, tôi thấy sao mà thân thương quá đỗi! Tôi chợt nhận ra các em chính là hình ảnh của chúng tôi ngày xưa ấy. Và tôi càng cảm nhận rõ: có làm Thầy mới biết thương Thầy nhiều hơn nữa. Càng thương kính các bậc Tiền bối bao nhiêu, tôi càng dặn lòng hết sức làm tròn bổn phận với đàn em bấy nhiêu. Thế nên tôi rất vui với những giờ lên lớp và cũng đem hết tâm huyết trao truyền lại cho học trò của mình. Mong sao mai đây các em cũng sẽ là những người con xứng đáng của Giáo hội, của Phật pháp, dấn thân vào đời, hành Bồ tát hạnh mang lại lợi lạc cho tha nhân.
Thắm thoát mà đã ba mươi năm qua - một chặng đường dài - biết bao thăng trầm biến đổi: hoàn cảnh, vật chất, con người… Các vị Giáo thọ của chúng tôi ngày trước, nay có vị đã yên nghỉ nơi cõi linh đài (Hòa thượng Minh Thành- Giáo thọ môn Luật học; Hòa thượng Nguyên Trực – Giáo thọ môn Phật pháp căn bản). Một số vị tuổi cao sức yếu đã thôi dạy: Hòa thượng Giác Hạnh (Giáo thọ môn Hán văn), Hòa thượng Nhuận Hải (Ngài Hương Tích, Giáo thọ môn Kinh Thập Thiện, Na Tiên Tỳ Kheo…) Hòa thượng Giải Quảng (Giáo thọ môn Sử học), Ngài Đắc Huyền, Ngài Quảng Hạnh, Thầy Trí Không, các vị giáo sư thế học… Riêng có hai vị Trưởng lão đã hiện diện từ buổi sơ khai và miệt mài gắn bó với trường suốt 30 năm nay, đó là Hòa thượng Quảng Hiển - Hiệu trưởng của Trường, và Ni trưởng Như Như - Quản viện Ni viện Thiện Hòa - người đã cưu mang học ni chúng tôi từ khóa I đến nay là khóa IX!
Trường tôi đó - nằm trong thánh địa Đại Tòng Lâm - do Cố Hòa thượng Thiện Hòa khai sơn lập địa với biết bao gian khó của thời xa xưa, nay tiếp nối và hiện hữu là Hòa thượng Quảng Hiển. Ngài không chỉ là Hiệu trưởng của trường mà còn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà với chức vụ Trưởng ban Trị sự qua nhiều nhiệm kỳ. Ba mươi năm qua, Ngài đã hy sinh gánh vác nhiều trọng trách với Giáo hội Phật giáo. Ngài đã cưu mang, đào tạo biết bao Tăng sinh (khóa I – khóa IX Trung cấp; khóa I – khóa VII Cao đẳng), sản sinh biết bao người con ưu tú đã và đang phục vụ trong các ban nghành của Giáo hội tỉnh nhà, cũng như khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc; từ trong nước ra đến hải ngoại. Không những thế, Ngài còn lần lượt mở Đại Giới đàn – từ 1993 đến nay, cứ ba năm một Đàn giới – để tuyển người làm Phật, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ chúng tôi được đầy đủ giới pháp tu học. Ngài còn đầu tư rất nhiều công sức, tài chánh xây dựng cơ ngơi cho Thánh địa Đại Tòng Lâm ngày càng khởi sắc, với ngôi Đại Tự rộng lớn có sức chứa cả mấy nghìn người, Cửu Phẩm Cực Lạc với 48 tượng Phật A Di Đà, tháp Phổ Đồng cao 9 tầng… và nhiều dãy lầu được mọc lên khang trang thoáng rộng làm phòng xá cho Tăng sinh nội trú tại trường. Gần đây, Ngài còn xây Trung tâm Văn hóa một trệt một lầu để làm nơi tổ chức các Hội nghị, các sự kiện trọng đại của Phật giáo trong tỉnh nhà cho cả hàng nghìn người và xây thêm ngôi chánh điện riêng cho Tăng sinh của trường tiện bề sinh hoạt. Ngoài các công trình lớn ấy, Ngài còn thiết kế những tiểu cảnh, vườn hoa… tạo cho ngôi Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự vừa hoành tráng uy nghiêm vừa rất đẹp mắt có sức thu hút Phật tử về chùa tu học, tham dự những khóa niệm Phật vào ngày lễ vía đức A Di Đà và ngày vía Quán Âm Bồ Tát ngày càng đông đảo.
nt nhu nhu 2Về bên Ni giới chúng tôi cũng rất hãnh diện và vô cùng thán phục vị Trưởng lão Ni: Ni trưởng Như Như – Quản viện Ni viện Thiện Hòa – dù mang thân người nữ – nhưng ý chí và những việc làm của Ni trưởng đã thể hiện khí phách nam tử có thừa! Bằng tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ni trưởng đã không ngần ngại đứng ra thành lập ngôi trường Ni, hy sinh từ buổi đầu với biết bao gian lao khó nhọc cho đến hôm nay và còn mãi về sau nữa, Người vẫn không lui chí nguyện tiếp độ Ni lưu hậu học, cưu mang đời sống vật chất, trưởng dưỡng tinh thần học tu. Như người mẹ hiền muôn thuở, Người luôn dang rộng vòng tay đón nhận từng đứa con yêu, rồi chắt chiu, nâng niu giáo dưỡng, đến hết khóa học thì chúng lại chắp cánh bay đi. Từng khóa, từng khóa tốt nghiệp ra trường, Người chắc hẳn cũng bùi ngùi thương nhớ, nhưng lại mỉm cười mạnh mẽ tiếp nhận những đàn con lớp lớp tiếp theo sau!… Như thế, Người cứ miệt mài với sứ mạng “lái đò” trong vô tư thầm lặng mà thấm đậm nghĩa tình đối với bao lượt khách qua sông! Bên cạnh sứ mạng thiêng liêng, tiếp độ truyền thừa, Người còn từng bước xây dựng một Ni viện có tầm cỡ và qui mô với nhiều nhà ngang dãy dọc! Trước đây cứ mỗi lần về Trường là tôi lại thấy có sự thay đổi, những dãy lầu dần dần mọc lên, đến giờ thì cơ sở vật chất đáp ứng cho đời sống sinh hoạt của Ni sinh và nơi để diễn ra những sự kiện lớn, như Đại Giới đàn, các kỳ họp của Phân ban Ni giới, kỳ lễ lớn của chư Ni … đều đầy đủ phương tiện phòng nhà thoáng rộng, đẹp đẽ. Ni trưởng hiện đang là Phó Phân ban Ni giới TW, Phó Ban Trị sự GHPG - Trưởng Phân ban Ni giới, lãnh đạo chư Ni trong toàn tỉnh và tiếp với Ban Trị sự tỉnh nhà trong nhiều công tác Phật sự, cống hiến từ công sức, tài chánh, trí tuệ.
Nhìn lại cơ đồ hiện tại, những thành tựu trong suốt chặng đường mấy mươi năm qua cho Giáo hội Phật giáo nói chung, cho Trường Phật học nói riêng, là nhờ sự đồng tâm hiệp lực của chư Tôn Đức Tăng Ni trong tỉnh. Nhưng đáng kể nhất vẫn là hai vt ịhuyền trưởng: một của bên Tăng và một của bên Ni. Nếu không phải do hạnh nguyện vĩ đại của bậc Bồ Tát xả kỷ lợi tha, dấn thân vì đạo, phục vụ nhân sinh, và được lực mật hộ gia trì của mười phương chư Phật, thiết nghĩ chúng ta sẽ không có được như ngày hôm nay! Tôi nhớ lại câu kệ thơ: “Càng rộng lớn kinh dinh đồ sộ - Là người xưa lao khổ lại càng!”…
Thế cho nên, là hàng hậu sanh, tôi luôn ghi lòng tạc dạ ân đức của chư vị Tiền bối hữu công. Ân đức cao vời ấy, cho dù chúng ta có dùng bao nhiêu ngôn từ, viết lên bao nhiêu trang giấy đi chăng nữa, cũng không thể nào sánh ví! Thiết thực hơn hết là chúng ta phải nỗ lực tu tập để hoàn bị tự thân; nguyện noi gương, tiếp bước quý Ngài sống và phục vụ tha nhân, chuyển hóa khổ đau, mang lại lợi ích an vui hạnh phúc cho đời. Đó là thành quả quý báu và cao thượng nhất để thể hiện lòng tri ân và báo ân của người con Phật./.
NS. Thích nữ Phấn Liên
(Cựu Ni sinh Khóa I)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây