Đại Tòng Lâm trong tôi

Thứ ba - 28/01/2020 16:39

Đại Tòng Lâm trong tôi

Trường Phật học Đại Tòng Lâm đã cho tôi rất nhiều ân tình, giúp tôi trưởng thành qua từng ngày, tôi được học rất nhiều thứ ở đây và quý nhất là học cách để trở thành một Tu sĩ chân chính.
Lần đầu tiên tôi bước chân đến Đại Tòng Lâm là lúc tôi đang học lớp 12, trong lòng đang ôm ấp một hoài bão thiêng liêng xuất gia đầu Phật. Tôi chở vị thầy già của ngôi chùa làng tôi ở bằng chiếc xe 78 đã cũ. Đi hơn hai giờ đồng hồ mới đến Đại Tòng Lâm. Thời điểm này, Đại Tòng Lâm chưa xây dựng gì nhiều, chỉ có vài dãy nhà xây cấp 4 cho các Tăng Ni sinh cư trú, còn bao nhiêu là cây cối hoa cỏ, đặc biệt là cây mai vàng, tôi ước chừng cả mấy ngàn cây được trồng bao quanh khu học viện. Vị thầy già chùa làng tôi là bạn đồng học với cố HT. Thích Đồng Huy, nghe nói tôi có chí nguyện xuất gia, thầy liền giới thiệu cho tôi và bảo tôi chở lên gặp HT để xin cho tôi xuất gia, vì nơi đây có đủ điều kiện tu học. Vừa vào cổng Tòng Lâm, qua cầu Ly Trần đến cội Bồ-đề, rẽ trái đi hướng về phía Phật học viện, hai bên đường tôi thấy có rất nhiều thầy còn trẻ, đầu đội nón lá, đang cặm cụi làm cỏ mai, với dáng người khoan thai thong thả, lòng tôi chợt trào dâng niềm xúc động. Cuộc đời tu hành đây rồi, thật thú vị và vui vẻ.
Các thầy Tăng sinh vừa cuốc cỏ vừa trò chuyện, thi thoảng bật cười rất sảng khoái. Lúc này, chí nguyện xuất gia của tôi càng thêm thôi thúc. Sau khi hỏi han đường đến phòng cố HT, tôi chở vị thầy già đến gắp cố HT, trông ngài rất từ bi và hiền từ. Ngài trò chuyện cùng vị thầy già rất thoải mái, thi thoảng ngài có nhìn tôi, tôi cũng được ngồi phía sau để nghe hai ngài trò chuyện. Sau đó, ngài hỏi tôi tại sao muốn xuất gia, tôi trả lời liền, tại con thích xuất gia, thích đời sống của người xuất gia, cố HT mỉm cười gật đầu, đồng ý sẽ nhận tôi làm đệ tử xuất gia. Nhưng sau này, khi tôi tốt nghiệp Trung học Phổ thông lên gặp cố HT thì ngài lại dẫn tôi qua Viện Chuyên Tu để nhờ cố HT Viện Chuyên Tu thế độ cho tôi. Từ đó tôi là đệ tử của Sư ông Viện Chuyên Tu. Viện Chuyên Tu lúc bấy giờ nằm trong quần thể của Đại Tòng Lâm. Cuộc đời tôi gắn bó với Đại Tòng Lâm từ đó.
Xuất gia được gần hai năm, tôi được Sư phụ dẫn tôi lên gặp HT Hiệu trưởng xin nhập học khóa III, lớp Cơ bản Phật học. HT Hiệu trưởng hỏi tôi, khóa III đã khai giảng hơn một năm rồi, con vào học có theo kịp không? Tôi trả lời, bạch HT, nếu HT cho, con sẽ cố gắng theo học chư huynh đệ. HT gật đầu đồng ý, tôi vui mừng khôn xiết, được đến trường học là ước mơ của tôi bấy lâu nay, vì trong tôi rất ấn tượng hình ảnh các Tăng sinh khi tôi mới bước chân đến Đại Tòng Lâm.
Ngày đầu tiên vào học, đối với tôi không mấy bỡ ngỡ, vì quý huynh đệ trong lớp tôi đã quen biết trước khi chính thức nhập học. Ai cũng thân thương và tạo điều kiện để tôi nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.
Một khung trời mơ ước đã mở ra trước mắt tôi. Tôi rất thích đi học và nghe quý thầy giáo thọ giảng, nếu không phải là công việc gì quan trọng thì tôi không bao giờ bỏ lớp. Tôi càng trân trọng hơn những lời giảng cao quý từ các vị thầy giáo thọ. Càng học tôi càng say mê và thích thú. Sở trường của tôi là chữ Hán, tôi rất thích học môn này, lúc nào có rảnh rỗi tôi đều học và rèn luyện chữ Hán, nhờ vậy sau này vốn chữ Hán của tôi cũng khá phong phú.
Hồi đó, quanh trường trồng rất nhiều mai, mỗi Tăng sinh được chia một dãy để chăm sóc và làm cỏ, đương nhiên tôi cũng có một dãy, mỗi tháng làm cỏ một lần rất vui, đời sống Tăng sinh nội trú có học có chấp tác lao động thật không gì thú vị hơn.
Sau khi tốt nghiệp lớp Cơ bản Phật học, tôi được Sư phụ cho lên ở một ngôi chùa tổ ở TP.HCM để ôn thi vào Học viện Phật giáo. Tôi ở đây gần một năm thì lại quay về lại Viện Chuyên Tu vì Sư phụ muốn tôi học lớp Cao đẳng chuyên khoa Đại Tòng Lâm. Năm 1999 lớp Cao đẳng khai giảng với sĩ số gần 200 vị, tôi và khoảng 2/3 Tăng sinh lớp Cơ bản khóa III tiếp tục theo học. Lên lớp Cao đẳng thì Tăng Ni sinh học chung với nhau, nên huynh đệ chúng tôi mới có nhiều cơ hội quen biết và giao lưu. Thú thật, khi còn học lớp Cơ bản tôi chỉ biết tên có vài cô trong lớp, vì  học riêng nên không có cơ hội tiếp xúc. Khi có lễ hội cũng không có thời gian nói chuyện nên cứ như thế mà 4 năm học vẫn không quen được mấy người.
1

Thời gian học lớp Cao đẳng chúng tôi sinh hoạt chung nhiều hơn, làm báo tường, làm cỏ mai, đi phúng viếng hộ niệm, đi sinh hoạt dã ngoại. Giờ nhìn lại những tấm hình đã hơn 20 năm, thấy vẫn còn bồi hồi xúc động. Ra trường, tôi được Ban Giám hiệu mời dạy lại khóa các khóa sau, nhờ vậy tôi luôn gắn bó với mái trường và có cơ hội trau dồi kiến thức, phần nào đền đáp ân giáo dưỡng của chư vị giáo thọ sư trong muôn một.
Trường Phật học Đại Tòng Lâm đã cho tôi rất nhiều ân tình, giúp tôi trưởng thành qua từng ngày, tôi được học rất nhiều thứ ở đây và quý nhất là học cách để trở thành một Tu sĩ chân chính. Lớp chúng tôi sau khi ra trường, đã thành lập một Ban Đại diện để liên lạc chia sẻ với nhau những công tác Phật sự. Đặc biệt là thành lập ngày Truyền thống họp mặt huynh đệ trong lớp để có nhiều thời gian hàn huyên, trò chuyện, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tu tập và hành đạo. Huynh đệ lớp chúng tôi ai nấy đều đã trưởng thành và tham gia nhiều trong các công tác Giáo hội các tỉnh thành, hầu như ai cũng đã trụ trì một trú xứ. Dù bận bao việc Phật sự của Giáo hội hay tự viện, nhưng chúng tôi luôn dành thời gian cho ngày Truyền thống của trường Phật học Đại Tòng Lâm 19/01/Al và ngày Truyền thống họp mặt của lớp 20/8/Al. Ngày Truyền thống của trường chúng tôi dù Nam hay Bắc đều trở về để đảnh lễ các bậc thầy giáo thọ năm xưa, giờ chỉ còn vài vị, thăm lại ngôi trường cũ một thời lưu dấu.
Mỗi lần về Tòng Lâm là mỗi lần rung động, vì nơi đây chính là nguồn cội tâm linh, nuôi lớn giới thân huệ mạng của chúng tôi.
Vậy là một thoáng đã là 30 năm, khóa chúng tôi cũng đã ra trường 20 năm, vậy mà khi trở lại trường xưa vẫn không khỏi bồi hồi xúc động, như một tu sĩ trẻ mới ra trường vậy. Thời gian cứ trôi mãi, nhưng không thể cuốn đi những kỷ niệm, ký ức chân tình một thời học Tăng của chúng tôi. Đại Tòng Lâm giờ đây đã chuyển mình vươn lên một tầm vóc mới, các công trình kiến trúc đã đi vào kỷ lục quốc gia, hàng lớp lớp người đã đến, đã đi, đã trưởng thành, giúp ích cho đạo pháp và cuộc sống. Những cánh chim bé bé nhỏ ngày nào, giờ đây đã khôn lớn, bay đi khắp muôn phương để mang đến hoài bão và hạnh phúc cho cuộc đời. Vẫn còn đó lớp lớp hàng hậu học đang tiếp nối thế hệ cha anh. Rồi biết đâu sau này trong số đó có những người trở thành trụ cột hay long tượng của Phật giáo Việt Nam, viết tiếp thêm cho trang sử huy hoàng của Phật giáo nước nhà ngày thêm hương sắc. Dù ở bất cứ nơi nào, Đại Tòng Lâm vẫn luôn sống mãi trong con, như một tượng đài tâm linh bất diệt.
Đại đức Thích Thiện Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây