Thư của Thầy

Thứ năm - 23/01/2020 01:41

Thư của Thầy

Các Tăng Ni sinh thân mến!
1Thấm thoát mới đây mà đã trải qua gần ba mươi năm học rồi, thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi, các khóa học cũng lần lượt ra trường, từ khóa I, khóa II và đến bây giờ đã là khóa IX rồi. Những năm gần đây, tuy ít khi đến lớp nhưng trong tâm Thầy lúc nào cũng mong muốn các con sẽ trở thành một người tốt, biết tu tập, biết rèn luyện bản thân, có đủ can đảm và ý chí để tiếp tục trên con đường mà mình đã chọn.
Các con có biết đến ngôi trường này học để làm gì không? Theo Thầy, học Phật cũng như học thế gian, cái đầu tiên đó là học cách làm người, làm một con người thật tốt. Thầy kể cho các con câu chuyện học để làm người và mong rằng qua câu chuyện này các con sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để sống.
Có một vị Hòa thượng nuôi một người đệ tử và cho ăn học đến nơi đến chốn. Suốt bao nhiêu năm đèn sách cuối cùng người đệ tử đó là đã lấy được một văn bằng rất cao và vô cùng hãnh diện với cái bằng cấp của mình đang có.
Một hôm người đệ tử này trở về và thưa với Sư phụ mình rằng: Thưa Thầy con vừa mới tốt nghiệp học vị rất cao, sau này con sẽ học gì nữa? Người Thầy trả lời: Học là để làm người. Để trở thành một người tốt thì việc học chẳng bao giờ tốt nghiệp được. Việc học là như vậy đó, học mãi, học mãi đến suốt cả cuộc đời. Đức Khổng Tử nói: “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (học là lặp lui lặp lại, như vậy không vui sao). Nói đến việc học, Thầy có mấy ý muốn chia sẻ với các con. 

Thứ nhất đó là học nhận lỗi. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn nhất. Nếu như ta không biết nhìn lại mình và phản tỉnh lại mình thì việc học chẳng có chút tác dụng gì. Cho nên cái đầu tiên của việc học là biết nhận lỗi là vậy.
Thứ hai là học nhu hòa. Trong kinh Pháp Cú có dạy: “Bậc trí hãy thân cận/ Người tín tâm nhu hòa/ Đạo đức biết lắng nghe/ Hãy làm bạn với họ.” Người có tâm nhu hòa là người khéo léo, biết cách ứng xử thích hợp trong đời sống hiện tại, không làm cho người khác phải đau khổ vì mình. Người có học sử dụng tâm nhu hòa để khích lệ những người xung quanh hướng thiện như đức Khổng tử đã dạy học trò của mình rằng: “Thiện tương khuyến, đức giai kiến. Quá bất quy, đạo lưỡng khuy” (Dùng điều thiện để khuyến khích, đức được kiến lập. Nếu làm quá khuôn phép thì quy củ và đạo đức đều mất hết).

Thứ ba là học nhẫn nhục. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
2
Thứ tư là học thấu hiểu. Thiếu thấu hiểu sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm là học buông bỏ. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống mà không đặt xuống thì sẽ chịu cảnh khổ sở, giống như lúc nào cũng kéo một túi hành lý nặng nề, không tự tại chút nào cả. Năm tháng đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, và biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Nguyên nhân chính khiến người ta không buông bỏ được vì còn muốn giành được thứ tốt hơn mà mình muốn.

Thứ sáu là học hoan hỷ. Hoan hỷ nghĩa là chấp nhận một cách nhẹ nhàng tất cả những gì xảy ra cho cuộc sống tu hành của chúng ta. Ý này được Phổ Hiền Bồ-tát xác nhận trong kinh Hoa Nghiêm rằng: “Các thiện tri thức lợi ích tôi. Vì tôi chỉ bày hạnh Phổ Hiền. Nguyện cùng tôi thường chung hội họp, đồng với tôi lòng luôn hoan hỷ.” Thứ bảy là học sinh tồn. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

Trên đây là những điều học cơ bản để trở thành người tốt và hy vọng các con sẽ đem nó áp dụng trong đời sống hằng ngày để sự tu tập của mình ngày một tiến bộ.
Thầy chúc các con luôn tinh tấn và hoàn thành sự nghiệp tu tập và hoằng pháp lợi sanh.
Thích Quảng Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây