Trường CTPH Đại Tòng Lâm: 30 năm - Một chặng đường

Thứ hai - 20/01/2020 16:39

Trường CTPH Đại Tòng Lâm: 30 năm - Một chặng đường

Trân quý lắm với những gì hiện hữu, Tòng Lâm ơi - tiếng gọi từ bi! Dù mai này, đời người phong sương ngàn lối rẽ, vẫn ưu tư bồi đắp lớp người sau, cho chí nguyện học đường vang nắng ấm, tỏa hương thơm trí tuệ khắp Ta-bà, dìu nhân loại về gần bên chân Phật.
nt nhu nhu 2Đảo ngược thời gian cho phút giây hiện tại soi bóng đường dài là hạnh phúc của hậu duệ thế nhân, nghiêng mình, ngẩng cao đầu trước sự bại thành của trường Cao trung Phật học Đại Tòng Lâm.
Vâng! Ba mươi năm tuy không dài so với lịch sử núi sông, nhưng với Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai ngày ấy và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bây giờ là cả một sự thách thức đầy gian khổ.
Ngày hoang sơ cỏ dại ấy, từ quốc lộ 51 bước vào cổng Đại Tòng Lâm, hiện ra trước mắt là một mái chùa nho nhỏ, khiêm tốn nép mình bên tàng cây cổ thụ, đôi dãy liêu phòng mái tôn giản dị. Vẻ đẹp thiên nhiên trầm mặc, với chiếc cầu Ly Trần, bước chân qua rừng cây, cỏ xước. Thật quá khiếp với rừng tràm u tịch, nước đọng phèn chua, muỗi mòng, đỉa bám chân đi.
 
hinh xua
Chùa Đại Tòng Lâm ngày xưa
(Ảnh tư liệu Ban TTTT)
 
1
Cầu Ly Trần ngày xưa
(Ảnh tư liệu Ban TTTT lưu trử)
Năm 1964, trăm mẫu đất này là công của Đại lão Hòa thượng Thiện Hòa tiếp nhận khai lập. Gần hai mươi năm, từ chùa Ấn Quang chư Tôn đức Tăng và Hòa thượng Thiện Hòa nhiều lần hướng dẫn Phật tử thân quen, vận động góp duyên xây dựng nhưng chỉ được một ngôi chánh điện, đôi dãy liêu phòng và cây cầu Ly Trần đi qua hồ nước, tiếp nối bạt ngàn phần đất phía sau. Sau Đại hội 1981, nhiều cơ duyên mở lối, tại các Tỉnh thành, ngành Giáo dục Phật học được nâng tầm, trăm hoa đua nở. Kiến tạo ngôi trường Phật học này là cả tấm lòng chung vai đấu cật của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai thời đó. Qua sự nỗ lực của Thầy Nhật Quang, Thầy Quang Đạo, Thầy Quảng Hiển, Thầy Từ Tôn... ngôi trường Phật học Đại Tòng Lâm đã hình thành tại mảnh đất Phật giáo này sớm nhất so với cả nước.
 
Từ những cơ duyên trên, cộng thêm sự trống vắng tu học giáo lý khá dài sau ngày đất nước giải phóng, nên chiêu sinh khóa I và II, khắp ba miền đất nước Tăng Ni đồng hội ngộ nơi này.
Thuở ấy Tăng sinh an trú phía trước chùa Đại Tòng Lâm, còn Ni viện Thiện Hòa với tôn danh “trường tôi mang tên Ngài” đã khẩn trương và cấp thiết nhô lên những ngôi nhà lợp lá đơn sơ. Có thể nói cơ sở bên Ni được mở móng chánh điện và những dãy liêu phòng hoàn tất trước hết so với công trình xây dựng phòng xá cho Tăng sinh.
 
img 20191010 0074

Thực hiện phúc duyên này do Thượng tọa Quảng Hiển (Hòa thượng Hiệu trưởng) thay mặt chư Tôn đức Tăng tỉnh Đồng Nai trực tiếp chỉ đạo công trình về phần kỹ thuật và Tỳ kheo ni Như Như - một mặt nhận trách nhiệm giáo dưỡng chư Ni tu học, mặt khác lo vận động kinh tế từ các Phật tử gần xa, đặc biệt là Phật tử Diệu Kim và Ban Bảo trợ Học đường Chùa Phước Viên (Biên Hòa), ông bà Tạ Minh, Diệu Huệ, bà Tăng Thị Thanh Tư, Kim Hải ở Mỹ, các Phật tử ở Cannada, Úc Châu và Việt Nam đồng góp phần.
Thương và xót xa nhiều về Tăng - Ni sinh khóa I và II vì quá cơ cực thời đầu thành lập trường. Đổ bê tông cho ngôi chánh điện Ni viện Thiện Hòa, lúc ấy không có một điều kiện nào khác hơn mà chỉ bằng sức lực của thợ và Tăng - Ni sinh, trọn một ngày một đêm mới hoàn tất. Thật khó quên với những giọt mồ hôi ướt đầm cả áo, dần về sau các khóa Ni sinh đều nhiệt tình xây dựng, phấn đấu cho dốc sinh tồn của Ni viện nhưng đã có phần thoáng mát hơn.
1
 
2
Ngày ấy - bây giờ của ba mươi năm tìm lại dấu mòn đầy nước mắt, bao gian khổ đã kết tinh hoa trái Bồ-đề, hạt ngọc trí tuệ cho Tăng - Ni sinh (9 khóa Trung cấp và 7 khóa Cao đẳng đã ra trường).
Đến Đại Tòng Lâm hôm nay, qua khỏi hồ Tịnh Liên, Phật tử không khỏi trầm trồ, thán phục chiêm ngưỡng những tôn tượng trang nghiêm, ngôi chùa to lớn, trai đường Thiên tăng an tọa, Tăng phòng, nhà Văn hóa…
Hơn thế nữa, ngôi giảng đường tầm cỡ ba ngàn chỗ thoáng mát, tiện dụng cho những cuộc lễ lớn, diễn đàn hội nghị, Đại Giới đàn... là nụ cười, là ánh mắt ngàn hoa của Hòa thượng Quảng Hiển chăm lo, những công trình này lưu danh hậu thế.
Nhìn chung đệ tử Như Như, ba mươi năm với chiều dài góp mặt cùng Giáo hội và Chư Tôn đức Ni, đồng kiến tạo, thay đổi nét đẹp từng ngày trên mảnh đất khô cằn, nắng cháy. Ni viện Thiện Hòa luôn nỗ lực, chăm lo cho Ni sinh nhiều khóa học ra trường. Hơn hai ngàn vị Tăng - Ni đã góp phần trong mọi công tác Phật sự của Giáo hội khắp ba miền Bắc - Trung - Nam và cả hải ngoại.

Trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên thời đó nhiều ngôi già lam cổ kính bị tàn phá nặng nề. Với bàn tay nhỏ bé nhưng trái tim đầy nhiệt huyết, tinh thần mạnh mẽ kiên cường được un đúc từ đất thiêng, với chí nguyện phụng sự Tam Bảo, các lớp chư Ni trẻ xuất thân từ Ni viện Thiện Hòa đã vượt lên bao gian khó, nghiệt ngã từ mọi phía để dấn thân làm công tác Phật sự, nhận lãnh trách nhiệm trụ trì, kiến tạo già lam, trùng hưng Tam bảo tại các vùng xa heo hút... Tất cả đều đạt được những thành tựu hết sức khả quan, là niềm vui mừng, mãn nguyện của những người làm Thầy.
Trân quý lắm với những gì hiện hữu, Tòng Lâm ơi - tiếng gọi từ bi! Dù mai này, đời người phong sương ngàn lối rẽ, vẫn ưu tư bồi đắp lớp người sau, cho chí nguyện học đường vang nắng ấm, tỏa hương thơm trí tuệ khắp Ta-bà, dìu nhân loại về gần bên chân Phật.
“Như đỉnh non cao tự giấu mình
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh
Thầm mong con cháu mau khôn lớn
Nối gót cha ông bước hơn mình.”
NT Thích nữ Như Như
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây