Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Phần I Những tháng ngày gian khó

Thứ năm - 16/01/2020 18:22

Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Phần I Những tháng ngày gian khó

Trường Phật học Đại Tòng Lâm được thành lập năm 1990 trên vùng đất hoang hóa thuộc khu vực núi rừng Thị Vải trong bối cảnh chungcủa đất nước còn nhiều gian khó cần được khắc phục, xây dựng và đổi mới sau chiến tranh.
I. BỐI CẢNH THỜI GIAN
Cách thành phố Hồ Chí Minh 80 cây số, một vùng đất bao la che chở bởi núi rừng linh thiêng Thị Vãi, một tên núi bao đời gắn chặt hồn thiêng Đạo Phật.
Nhớ lại thời gian cách đây 37 năm, Tổ sư thượng Thiện hạ Hòa, mang sứ mạng Trị sự trưởng Tăng Già Nam Việt, thao thức với những cảnh già làm, danh tiếng như ở các nước Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bổn... đã mang đến những vịnh dự lớn lao cho ngôi nhà Phật giáo. Với hoài bão cao cả ấy, Tổ sư đã thành công xin khẩn hoang mảnh đất nơi đây với 100 ha vào năm 1964.
Rồi từ dạo đó trở đi, trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá, dù có địa lợi nhưng thiên thời, nhơn hòa không có thì cũng không thực hiện được ý nguyện của mình.
Một bản đồ quy hoạch trong tay, nào Phật học viện, Thiền đường, Tu viện, bệnh viện… đã có nhưng cố gắng lắm Tổ sư chỉ thực hiện được một ngôi Niệm Phật đường tạm bằng vách tole, một vài dãy nhà tole nhỏ để cho thiện nam tín nữ nghỉ ngơi sau những giờ công quả lao nhọc. Một chiếc cầu cũng có tầm cỡ bắc ngang qua hồ Tịnh Liên hôm nay còn lưu dấu. Sau ngày đất nước hòa bình 1975, nhưng chẳng may Tổ sư đã lâm bệnh. Đến năm 1978 Ngài đã ung dung về cõi Phật. Những môn đồ kế thừa sự nghiệp truyền đăng tục diệm, thì kinh tế khó khăn, xã hội còn gặp nhiều trắc trở nên 100 ha đất của Tổ sư để lại hôm nay không còn nguyên vẹn, mà đã bị chia năm xẻ bảy với dân làng.

hinh xua
Đến năm 1982, với sự cố gắng lắm, Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Thành, Thượng nhơn Thích Minh Phát mới thực hiện được một ngôi Niệm Phật Đường bằng loại nhà cấp 4 (xây tường lợp ngói). Bốn công trình được dựng lên: tháp Đa Bảo, vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật Chuyển pháp luân, và cảnh Phật nhập Niết-bàn. Trong công trình
này, Thượng tọa Trị sự Thích Minh Đạt cũng mất bao nhiêu năng lực, lắm lúc cũng muốn bỏ nơi đây mà đi. Nhưng nhờ oai lực Tam Bảo đâu rồi cũng về đó, mọi việc đều đưa đến cảnh yên lành sau những cơn biến động cho cây cảnh nơi đây soi mình trong hồ nước trong xanh.
 
Người xưa thường nói “đất lành chim đậu”. Sau ngày hòa bình (1975), Tăng Ni khắp nơi, nhất là Liên Khu 5 (Nam – Ngãi – Bình - Phú) và Sài Gòn, Gia Định đều tụ tập về. Với châm ngôn rao truyền: “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói là ở tù, lù khù đi kinh tế mới” nên Tăng Ni với tinh thần hăng say ra công cày cuốc. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn chưa quen lao động, nhưng sau rồi cũng quen, đâu về đó.
Ngôi nhà tranh với mảnh vườn nhỏ, dần dần gắn chặt trên 600 tu sĩ nơi đây. Số lượng tu sĩ nơi đây rất đông nhưng không có vị cao Tăng nào về ngự trị vì vậy mà những luồng gió mát cam lồ của đức Phật không có cơ hội len lỏi vào tim phổi của Tăng ni. Đời tu sĩ đã rời bỏ những cái vui ngũ dục mà không tìm được cái vui đạo pháp, qua câu kinh tiếng kệ, qua giáo lý nhiệm mầu thì không thể nào có sức sống cao cả được.
Đến năm 1990, một luồng gió mới từ nơi chân trời đất Tổ thổi đến. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đưa ra phương hướng đào tạo Tăng tài, kế thừa mạng mạch Phật pháp. Sau Đại hội kỳ II tại Thủ đô Hà Nội, các Trường Cơ bản Phật học hình thành. Sau ngôi Trường Cơ bản TP. Hồ Chí Minh ở Vĩnh Nghiêm là Trường Cơ bản Đại Tòng Lâm, thuộc tỉnh Đồng Nai. Sự hình thành của ngôi trường này cũng đã mất nhiều tâm lực của các vị Tăng già nơi đây, nhất là Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, Ban Đại diện Phật giáo Huyện Châu Thành, Thượng tọa Thích Quảng Hiển, Thượng tọa Thích Minh Thành, Thượng nhơn Thích Minh Phát, Ni sư Thích Nữ Như Như, những vị đã đem hết tinh thần, vật chất đổ xuống nơi đây vì công việc Phật sự nào lúc đầu cũng nhiều gian nan vất vả.

II. NHỮNG YẾU TỐ HÌNH THÀNH NGÔI TRƯỜNG

 
487 cong chua cu

Nhìn cảnh Tăng Ni ngày hai buổi ra đồng trồng cây, xới lúa, tối về ê a kinh kệ, không có trường trại học hành, có chăng nữa là những ngày chủ nhật, chùa Kiều Đàm, chùa Niết Bàn, chùa Hộ Pháp, tăng ni rón rén về nhà Tổ, mỗi nơi mười mấy vị, một vị Giáo thọ không cần ghi tên, ăn mặc, đồng phục như Tăng Ni sinh ngồi dạy giáo lý, nghe có ai đến thì lật đật giải tán. Kẻ làm bộ xách nước, kẻ giả đò xe nhang. Ban Đại diện Phật giáo Huyện Châu Thành, đứng đầu là Hòa thượng Thích Đồng Huy, Thượng tọa Thích Quảng Hiển, Thượng tọa Thích Minh Đạt, nhìn cảnh xót xa đó nên đánh liều cố gắng xin phép ở Huyện (Ở Mặt trận Huyện anh Năm Dụ hết sức nhiệt tình trong vấn đề này) đứng ra tổ chức lớp học giáo lý cho Tăng Ni tại Đại Tòng Lâm nhưng  chút xíu nữa Ban Đại diện này bị giải thể.
Sau cơn bão, lớp giáo lý bổ túc sai nguyên tắc, mà Ban Trị sự Đồng Nai giáng xuống, Thượng tọa Thích Quảng Hiển lần nữa về Tỉnh hội nhận khuyết điểm và đề xuất xin mở Trường Cơ bản cho Tăng Ni tu học. Qua năm phiên họp liên tiếp, ngôi Trường Cơ bản Phật học Tỉnh Đồng Nai tại Đại Tòng Lâm mới hình thành. Hết sức là gian khổ. Nhất là Ban Giám hiệu (Thượng tọa Thích Quang Hiển, Thượng tọa Thích Nhật Quang, Thượng tọa Thích Quang Đạo, Đại đức Thích Phước Tú) cũng đã bao phen quỳ lên lạy xuống mới khai giảng được ngôi trường vào ngày 14/4/1990 (tức ngày 16/3/Canh Ngọ), ngày mà niềm vui ngập tràn nơi mảnh đất Đại Tòng Lâm sau hơn 30 năm khép mình trong tàng cây cổ thụ.

Lễ khai giảng hết sức là trọng thể, trên 2.000 Tăng Ni Phật tử tham dự.
Sau ngày khai giảng, Tăng sinh thì tạm ở khu Hạ, bên này cầu Ly Trần, với 3 dãy nhà cấp bốn xây tường lợp tole, đóng la-phông bằng lá xé, tuy là nóng bức nhưng cũng đã được yên thân tu học. Chỉ có bên Ni là một vấn đề nan giải. Trong khu Đại Tòng Lâm có hai Thiền viện dành cho Ni thiền sinh, họ chủ trương lao động và chuyên tu không quan tâm gì đến vấn đề học tập. Vì vậy mà lớp Cơ bản nội trú cho Ni sinh chưa biết đặt nơi đâu.
Còn đương băn khoán suy tính bởi bên Ni thì phải có một Ni sư đứng ra gánh vác việc nội bộ, cũng như bà Kiều Đàm đứng ra thống lãnh Ni lưu trong thời đức Phật còn tại thế. Còn đương băn khoăn lo tính thì bỗng có một ni sinh mách bảo, Ni sư Như Như đã bao năm tha thiết trong vấn đề giáo dục Tăng Ni và đã một lần bị giải thể lớp học và hiện nay đang ẩn mình nơi Chùa Phước Hải. Tôi và một vị cao tăng nữa đích thân đến thỉnh mời hợp tác. Ni sư đã hoan hỉ nhận lời và xin một trong hai điều kiện: Chỉ chấp thuận làm như việc làm của một vị Bồ Tát, không danh từ, không dấu tích, chứ “không chấp nhận ghi danh, chức tước.” Khi đã chấp nhận rồi, thì
Ni sư bắt đầu xếp lại hành trang (vì chùa Phước hải lúc này còn là nhà tranh, vách đất đơn sơ). Một vài đệ tử thâm tình thâu dọn vào cặp táp, Thầy trò đùm bọc xuống cắm trại nơi mảnh đất Ni viện Thiện Hòa (sau này mới đặt tên). Lúc đầu, nơi đây hết sức là vắng vẻ, một mảnh đất trũng sâu, chung quanh toàn cỏ đại, hoa ngàn, một vài tịnh thất sơ sài như Tịnh thất Đồng Liên, Như Ý, nằm xiên xẹo trên mảnh đất hoang vu buồn tẻ. Thượng tọa Thích Quảng Hiển lúc bấy giờ, với tư cách là Giám học trong Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, Hiệu phó Học vụ (người trực tiếp điều hành nơi đây) trong Ban Giám hiệu nhà trường nhìn cảnh thương tâm này (Tăng Sinh ở khu Hạ Đại Tòng Lâm, còn Ni sinh thì chưa có chỗ ở) đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy tổng quát, một mặt lo phép tắc xây dựng, một mặt lo đổ đất lấp mương, còn Ni sư Như Như thì bắt đầu lên ngựa sắt dong ruỗi khắp Sài Gòn và Miền Tây châu thổ để mang về những viên ngói, những hạt gạo
v.v... cho Ni sinh có đủ duyên tu học. Thế là con tàu bắt đầu chuyển bánh, nào lo ăn, lo mặc, lo giáo dục, xây dựng v.v... muôn thứ ngỗn ngang để lên vai Ban Giám hiệu. Để rồi những ngôi nhà ngói từ từ tiếp tục mọc lên, gói trọn tình yêu thương gần hai trăm Ni sinh nội trú, gồm có Ni sinh khóa I và Ni sinh khóa II (Khóa II khai giảng vào ngày 4-3-1992).

 
htscan dot 3 5 1
(Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây