Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Phần II Chuyển mình

Thứ sáu - 17/01/2020 16:06

Trường CTPH Đại Tòng Lâm: Phần II Chuyển mình

III. MỘT BIẾN CHUYỂN LỚN
Cuối tháng 10 năm 1991, Quốc hội khóa 9 họp quyết định thành lập Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cắt một phần lãnh thổ tỉnh Đồng Nai, gồm có 3 huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, với Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngôi Trường Cơ bản Đại Tòng Lâm, nằm trong địa phận Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai, hôm nay đã trở thành Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Song song với hệ thống hành chánh, Ban Trị Sự Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lâm thời cũng đã được thành lập. Sự ra đời của ngôi Trường này lúc đầu, và ngay trong trứng nước cũng đã gặp bao nhiêu sóng gió, hôm nay gặp cảnh chia Tỉnh này lại càng sóng gió ba đào lên ngùn ngụt. Thượng tọa Thích Quảng Hiển là người gánh chịu nhiều cú đòn tê tái nhất và cũng là người khổ tâm nhất. Phải làm theo luật pháp Nhà nước hay làm theo tình Thầy, bạn đây? Còn bên cạnh mình bao nhiêu Tăng Ni sinh đang tu học đây? Giải quyết bằng cách nào cho hợp tình hợp lý? Thật là muôn vạn nẻo đường đắng cay khôn tả! Thế rồi đâu cũng về đó, sự thật bao giờ cũng trở về sự thật.

IV. NHỮNG ƯỚC MƠ THÀNH SỰ THẬT
Thời gian trôi qua, tháng 3 năm Quí Dậu (tháng 4-1993), một Đại Giới Đàn lấy tên Tổ sư khai sơn đã khai mở trên khu Thượng của đất Đại Tòng Lâm bên kia cầu Ly Trần. Khu đất thiết lập Đại Giới Đàn này, theo họa đồ của Tổ khai sơn, là nơi xây dựng Chánh điện, Tu viện, Phật Học viện gồm có trên 10 hecta. Trước mặt là cầu Ly Trần và đức Phật ngồi dưới cây đại thọ. Mảnh đất này sau ngày giải phóng, một số người vào đây trồng trọt và cũng đã tự động trồng cây thâm niên, do vậy, thu hồi lại miếng đất nầy cũng có nhiều gian nan mà Thượng tọa Quảng Hiển là người đầu sào gánh chịu.
Lúc đầu Ban Trị Sự định tổ chức khu Hạ, bên này cầu, nhưng xét thấy khu đất này quá chật hẹp và cũng không phải là ý muốn của Tổ khai sơn. Do đó, Ban Kiến Đàn quyết định tổ chức vào vị trí bên kia cầu, mà hiện nay là Trường Cơ bản. Một ngôi nhà đầu tiên của Phật tử Diệu Phượng, đệ tử của Tổ Khai sơn hiến cúng, nằm trơ trọi từ đầu năm 1991. Với quyết tâm của Ban Giám hiệu (muốn đem Tăng sinh vào khu yên tĩnh này) và Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, tiếp theo Hòa thượng Thích Duy Lực, Thượng tọa Thích Quảng Hiển, Thượng tọa Thích Minh Phát, Sư trưởng Tạng Liên, bà Bác sĩ Ngọc đã hoan hỉ phát tâm hiến cúng mỗi người một căn nhà trị giá mỗi căn khoảng 15 cây vàng; còn lại bao nhiêu cơ sở phụ thuộc, trai đường, nhà kho, bàn ghế nội thất v.v… Thượng tọa Thích Quảng Hiển phát tâm bao hết.

 
1

Thế là khung cảnh Đại Giới đàn Thiện Hòa đã hình thành. Bên cạnh những ngôi nhà ngói đỏ tươi đó, có một ngôi Tuyển Phật Trường hình thành bằng cây lá dài 72 mét, ngang 40 mét, dung chứa trên 2.000 giới tử. Lễ Đại Giới đàn chính thức khai mạc vào ngày 12 tháng 3 năm Quí Dậu (tức 01-4-1993). Đây là một Đại Giới đàn lớn nhất từ 18 năm nay, sau ngày giải phóng. Các vị cao Tăng, giáo phẩm đều có mặt trong Đại Giới Đàn này. Hòa Thượng Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương kiêm Trưởng Ban Tăng sự Thích Trí Tịnh làm Đường Đầu, Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni Thích Thiện Siêu làm Tuyên Luật sư, Hòa thượng Phó Ban Tăng sự Thích Từ Nhơn và Hòa thượng Thích Huệ Hải Viện chủ Chùa Từ Quang làm Yết Ma A-xà-lê, Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm và Thượng tọa Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương làm Giáo thọ A-xà-lê. Ngoài ra, các chức vị khác và hàng tôn chứng Tăng già đều là những cao Tăng thạc đức khắp cả miền Nam Bắc. Đại Giới Đàn khai mở trong 4 ngày ròng rã, trang nghiêm chưa từng có. Về phần Ni giới nơi Ni viện Thiện Hòa, Ni sư Như Như cũng đã năm phương mười nẻo, mới hoàn thành công tác vĩ đại này. Các Ni trưởng cao đức như Ni trưởng Như Chí, Ni trưởng Như Ngộ, Ni trưởng Giác Ngọc, Ni sư Như Hoa... cũng đã được thỉnh trong hàng Thập sư Ni nơi giới đàn. Thượng Tọa Thích Minh Phát là người đóng vai một đại thí chủ và là Dẫn thỉnh sư trong Đại Giới Đàn.

1
Sau Đại Giới Đàn, mảnh đất linh thiêng Đại Tòng Lâm thật sự chuyển mình trong sức sống đạo mầu. Giới tử 22 tỉnh thành đều nô nức tiếng khen. Các bậc Cao Tăng ba miền đất nước đều hết dạ vui mừng, chư Phật ba đời đều quang lâm nhiếp thọ.
Đến đây, ước mong của Ban giám hiệu và Ban Giám Đốc đã hoàn thành. Ngày mùng 10, tháng 3 nhuần năm Quí Dậu, toàn thể Tăng Ni ở nơi bên này cầu (khu Hạ) vui mừng dọn hết hành trang vào khu Thượng và kể từ đây mái ấm tăng già nơi Đại Tòng Lâm thật sự chuyển mình theo năm tháng. Nhưng rồi những băn khoăn của Ban Giám Đốc và Ban Giám Hiệu nhà trường, không biết nơi đây sẽ tiếp tục phát xuất những Tăng già gương mẫu để làm hưng thạnh nơi mảnh đất linh thiêng này hay không?
Điều này chắc chắn phải thầm nguyện và phải đợi thời gian kiết tường nhơn duyên đưa đến.

V. LỄ TỔNG KẾT CUỐI NĂM
Hiện nay nhà trường đang xây dựng Đại Giảng Đường dài 42m rộng 18m. Thượng tọa Tịnh Hạnh đã cúng dường hai trăm triệu (200.000.000đ). Hòa thượng cố Giám đốc Đại Tòng Lâm Thích Minh Hạnh cúng năm mươi triệu (50.000.000đ). Còn lại nhà trường đang kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đóng góp để hoàn thành Đại giảng đường.
Thượng Tọa Thích Minh Phát - Phó Giám đốc Đại Tòng Lâm là Trưởng ban vận động tài chính cho công trình Lễ phát văn bằng Tốt nghiệp khóa I cùng lễ Khai giảng khóa II tại nơi mảnh đất linh thiêng hùng vĩ trong đầu năm 1994, đã đánh dấu bao nỗi thăng trầm và chuyển mình trong cảnh Đại Tòng Lâm và đã ghi lại bao kỷ niệm vui buồn của Tăng già và các hàng Phật tử. Những vết nhăn ưu tư của chúng ta, chắc chắn sẽ phải phai mờ theo vết hằn năm tháng để nhường chỗ cho những bông hoa thơm ngát tung bay trong ngôi nhà chánh pháp nơi đây và hiện tại, nơi mảnh đất linh thiêng này đã gói trọn trên 600 Tăng Ni, gồm có một Trường Cơ bản Phật học, một Viện Chuyên tu, hai Thiền viện, hai Ni viện và một số Tịnh thất bao quanh. Ước mong nơi đây sẽ là VIHARA (Đại tòng lâm) chói rạng và hùng vĩ trên đất nước Việt Nam này để làm tỏ rạng ánh đạo vàng của đạo Phật.

1. Buồn vui lẫn lộn
Thật vậy, sau Đại Giới Đàn ngày 12 tháng 03 năm Quý Dậu (01-04-1993), với số lượng gần 2000 giới tử trong 22 Tỉnh Thành trong cả nước, do Hòa Thượng Phó Pháp Chủ, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương làm Đường Đầu đã thật sự biến nơi này trở thành thánh địa và đem lại niềm vui lớn cho Tăng già Việt Nam. Đầu năm 1994 nhà trường đã làm lễ tốt nghiệp cho Tăng Ni sinh khóa I. Đầu năm 1995 làm lễ tốt nghiệp cho Tăng Ni sinh khóa II và khai giảng Tăng Ni sinh khóa III. Đến đây nhà trường đi vào một biến chuyển lớn nữa là được Hội đồng Trị sự Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép nhà trường mở thêm lớp “Cao đẳng Phật học Chuyên khoa” gồm có 140 Tăng Ni sinh theo học. Đây là lớp học nhằm đào tạo cán bộ chuyên ngành nội minh Phật giáo. Hiện nay tình hình chung là giáo sư giảng dạy các trường Cơ bản rất hạn chế, còn Giáo sư giảng dạy các lớp Cao đẳng Chuyên khoa lại càng khó khăn hơn. Cần nói rõ thêm, sau Đại Giới Đàn năm 1993. Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Giám đốc Đại Tòng Lâm Phật Giáo đã ra đi về cõi Phật, Thượng tọa Thích Minh Phát thì ngã bệnh do công việc Phật sự dồn dập quá mức.

 
1

Công trình xây dựng Bảo điện Ni viện Thiện Hòa thì Ni sư Như Như vẫn cố gắng hoàn thành và đã khánh thành đầu năm 1996. Từ ngày xây dựng đến lúc khánh thành trải qua thời gian gần 4 năm trường, vừa lo ăn học vừa lo xây dựng, đây là cả một nỗ lực lớn về Ni giới của Ni sư Quản viện. Kinh phí gần hai tỷ rưỡi. Bên Tăng viện thì trước cảnh Hòa thượng Giám đốc Thích Minh Hạnh vừa viên tịch, Thượng Tọa Thích Minh Phát thì ngã bệnh nhưng phải cố gắng xây dựng Chùa Dược Sư (nơi Hòa Thượng Thích Thiện Hòa khai sơn) cho được hoàn chỉnh. Thượng tọa Thích Minh Thành là một vị Cao tăng đức hạnh tròn đầy, đã vào cửa Phật lúc còn thơ ấu chuyên giảng dạy Kinh Luật cho các Phật Học Viện trong các Tỉnh phía Nam, nhất là môn Luật học, nhưng có điều là Thượng tọa ít có duyên cảm hóa các Phật tử tại gia và khuyến khích các Phật tử tại gia làm Phật sự bố thí cúng dường như Thượng tọa Thích Minh Phát.
Tháng 3 năm 1996, một sự mất mát lớn cho Đại Tòng Lâm, là Thượng Tọa Thích Minh Phát, đã vĩnh viễn đi về cõi Phật. Trong thời gian bệnh, Thượng tọa phải lo xây dựng Chùa Dược Sư, Đại Tòng Lâm không có cơ duyên tiếp tục xây dựng, nhưng đời sống hằng ngày nơi đây Thượng tọa vẫn lưu tâm lo lắng. Sự ra đi của Thượng tọa làm cho Ban Giám hiệu nhà trường có nhiều suy nghĩ, vì ngồi trường này có mức độ đào tạo Tăng Ni lớn có tầm cỡ cả nước. Từ lúc khai giảng đến nay, nhà trường vẫn chủ trương nội trú, không thu tiền học phí gồm cả Trung và Cao đẳng trong một cơ sở.

 
img 20191009 0036

Nằm vị trí cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 100 cây số, sự đi lại cúng dường của các Phật tử cũng không được thuận lợi. Đầu năm 1996, Ban Giám hiệu nhà trường quyết tâm mở rộng con đường dài 333 mét, rộng 10 mét, từ quốc lộ 51 đi thẳng vào Trường. Con đường này đã làm sơ sài từ lúc khai khẩn Đại Tòng Lâm, bao năm qua nhà trường cố gắng làm nhưng chưa thực hiện được. Khi thực hiện con đường này cũng gặp nhiều khó khăn, vì khu vực đất đai này trên giấy tờ chủ quyền là của Đại Tòng Lâm Phật Giáo, nhưng trên thực tế đã bị dân làng chiếm dụng, do đó nên thương lượng đến bù cũng gặp một hai hộ làm khó khăn không nhỏ nhưng nhà trường cố gắng hoàn thành, chi phí gần 300 triệu do một số Phật tử cúng dường và một phần của nhà trường và Ban Quản trị Đại Tòng Lâm cũng như Ni sư Như Như.
Trong năm này nhà trường cũng cố gắng hoàn chỉnh ngôi Đại Giảng đường, kinh phí gần 1 tỷ đồng, và một Trai đường, một Giáo thọ phòng, phí tổn 230 triệu. Công tác này Chùa Hộ Pháp đã cúng 600 triệu đồng.

2. Đại Giới Đàn năm 1996
Đây là một công tác “truyền đăng tục diệm” của đạo Phật rất là quan trọng. Sau Đại Giới đàn năm 1993, lần đầu tiên gần ba mươi năm từ khai khẩn Đại Tòng Lâm Phật giáo. Giới Đàn đầu tiên được khai mở nơi đây và đã làm vui lòng các bậc Tôn túc trong cũng như ngoài Tỉnh. Thế mà lần lượt theo thời gian trôi qua đến nay đúng ba năm. Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh quyết định khai mở Đại Giới đàn lần thứ 2 để truyền trao Giới pháp cho Tăng Ni Phật tử. Lúc đầu, Ban tổ chức cũng băn khoăn nhiều vì Giới đàn năm 1993, có Thượng tọa Thích Minh Phát làm đại thí chủ. Năm này Thượng tọa không còn, Ban tổ chức biết tính sao, nhưng nhờ sự gia hộ của chư Phật, chư Tổ, và Thiên Long Bát Bộ, nên Đại giới đàn khai mạc vào ngày 12 tháng 11 năm Bính Tý (1996) và đã thành tựu viên mãn.

 
3
 
3
 
Sự thành công của Giới đàn này, trước nhất phải nói là sự hộ niệm của chư Tôn đức Tăng Ni trong cũng như ngoài Tỉnh, nhất là các Chùa ở Thành phố Vũng Tàu, Long Đất, Bà Rịa, Thành phố Hồ Chí Minh v.v… Chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni các Tự viện cùng thiện nam tín nữ, đã dành mọi tình cảm và tâm thành nơi Đại giới đàn này, vì thế mà Giới đàn này được thành tựu viên mãn. Những vị nhiệt tình ủng hộ, về Giáo phẩm phải nói như : Tổ đình Ấn Quang, Hòa thượng Chùa Huỳnh Kim, Hòa thượng Chùa Thích Ca Phật Đài, Hòa thượng Chùa Phước Hải, Hòa thượng Chùa Phổ Quang, Hòa thượng Chùa Niết Bàn, Thượng tọa Viện chủ Chùa Linh Quang, Thượng tọa Thích Giác Tùng, Tịnh viện Bát Nhã, Tịnh xá Ngọc Phật, Thiền viện Minh Đức, Đại đức Thích Minh Thường ở Linh Sơn Cổ Tự, Ni trưởng Tịnh xá Ngọc Bích và quí Ni sư Chùa Thích Ca Tự; Chùa Quan Âm Nam Hải, Chùa Linh Quang, Chùa Vạn Phước, Tịnh xá Ngọc Lâm, Tịnh xá Ngọc Điền, Chùa Linh Phong (Đà Lạt); và một số lớn Phật tử Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh như gia đình Phật tử Minh Đức, Diệu Minh, Diệu Hạnh… Về phía Ban tổ chức, phải nói trước hết là Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Thích Đồng Huy. Tuy tuổi đã già, nhưng ngày đêm Ngài hết sức chú tâm đôn đốc vào công tác trọng đại này. Bên cạnh đó Thượng tọa Phó ban Thường trực Thích Quảng Hiển, Thượng tọa Ủy viên Tăng sự Thích Nguyên Trực, Thượng tọa Ủy viên Hoằng pháp Thích Giác Hạnh, đã dành hết tâm sức, thì giờ vào công việc trọng đại này. Các vị đã không nài khó nhọc, tha phương cung thỉnh chư Tôn giáo phẩm trong cũng như ngoài Tỉnh về làm Tam sư Thất chứng và chư Tôn hộ niệm.
HTTNTrước nhất, phải nói sự thành tâm của Ban tổ chức là cung thỉnh được Đại lão Hòa thượng Thích Trí Nghiêm một vị cao Tăng đức độ cả nước làm Đường đầu Hòa thượng. Ngoài ra còn thỉnh được chư vị Hòa thượng làm Yết ma, Giáo thọ, Tuyên luật sư, Tôn chứng... toàn là những vị cao Tăng Giáo phẩm trong cũng như ngoài Tỉnh, mà Ban tổ chức đã ghi lại một số hình ảnh trong tập Kỷ Yếu này. Vì là nơi tập trung của các vị Cao tăng thạc đức, cộng với sự linh thiêng nơi mảnh đất Đại Tòng Lâm, nên diễn biến khung cảnh Đại giới đàn hết sức là liêng thiêng mầu nhiệm.
Cần phải nói tới một sự thử thách lớn của Ban tổ chức là không thỉnh được Hòa thượng Phó pháp chủ làm Đường đầu như dự kiến theo Giới Đàn năm 1993 và mong muốn của Giới tử vì Hòa thượng bị bệnh mắt nên không đi được, được tin này phải chí thành sám hối để cầu nguyện...
Thế rồi, một tin vui bất ngờ đưa đến, trong một chuyến đi Trung của Ban tổ chức, Thượng tọa Quảng Hiển, Thượng tọa Nguyên Trực, Thượng tọa Giác Hạnh, đã cung thỉnh được Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Nghiêm thành viên Hội đồng Chứng minh nhận làm Đường đầu Hòa thượng. Hòa thượng lúc đó đã gần 90 tuổi. Ngài là một bậc cao Tăng ẩn tu nơi đồi núi Hải Đức, Nha Trang gần hai phần đời người, không duyên sự cần thiết thì không xuống núi. Hôm nay Ngài hoan hỷ rời núi và chịu làm Đường đầu Hòa thượng nơi Giới đàn Đại Tòng Lâm, cách xa gần 600 cây số. Đó là một nhân duyên hy hữu!
Cuộc hành trình vào Chứng minh Đại Giới Đàn của Ngài cũng có nhiều điều lạ. Trời tháng 11 Âm lịch rồi vẫn còn bão lụt, máy bay bị hủy bỏ giờ khởi hành, đường xe lửa bị lụt trôi từng đoạn... nhưng tất cả chướng ngại rốt cuộc rồi cũng bị tan biến, những chướng ngại nơi Đạo tràng cũng được quét sạch để nhường lại cảnh trời trong mây tạnh, mưa hoa cúng dường, mây lành vần vũ nơi Đạo tràng, cùng hàng ngàn Tăng Ni, Giới tử, Phật tử quỳ mọp hai bên đường để thành tâm cung đón Ngài.
Trong việc thỉnh Ngài Đường đầu vào Đại Giới Đàn này, người có công đức cao dày nhất là Hòa thượng Thích Đổng Minh, Tuyên luật sư của Đại giới đàn và Thượng tọa Thích Quảng Thiện là hai Tôn đức có công tạo phương tiện và hỗ trợ niềm vui cho Hòa thượng vượt qua bao chướng ngại quang lâm đến Đạo tràng.
Trong 5 ngày khai Đại Giới Đàn, bầu trời ở đây không nắng không mưa, râm râm mát dịu, cảnh vật êm đềm, vui tươi khôn tả. Đạo tràng dung chứa gần 3000-4000 người, nhưng không xảy ra tại nạn, bệnh hoạn, hao mất gì cả. Tất cả đều êm đêm hùng vĩ đi qua, hết sức là trang nghiêm trân trọng. Thật là mầu nhiệm thay! mầu nhiệm thay!

3. Phút Giây Nhìn Lại
Trong thế giới Ta-bà ngũ trược, cảnh vật nào cũng được chịu chung trong định luật thành, trụ, hoại, không, suy tàn, hoại diệt, mà ngài Vạn Hạnh Thiền sư đã nói: “Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời/ Sá chỉ suy thạnh việc đời/ Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.” Những cảnh Kỳ Viên Tinh xá, Vườn Lộc Uyển, Bồ-đề Đạo tràng, mỗi ngày hàng vạn ức Thánh tăng, cư sĩ, vua chúa, đại thần... quay quanh đức Thế Tôn nghe pháp, vô lượng ức chư thiên rải hoa cúng dường, trong thời đức Thế Tôn còn tại thế; rồi nơi Thánh địa này, hôm nay cũng chỉ còn lưu lại những cây trụ đá, những bứt tường gạch rêu phong, một vài cây Sa-la nghiêng mình soi bóng, cố sức mình lưu lại những hình ảnh nhập Niết-bàn của đức Phật và hàng vạn con tim đang hít thở.
Đại Tòng Lâm hôm nay, chắc cũng không ngoài công lệ ấy. Một trăm hecta đất của Hòa thượng Khai sơn, hôm nay thật sự đã chia thành manh mún, Ban Trị sự, Ban Giám hiệu, Ban Quản trị gắng hết sức, chỉ có thể giành lại được khu Trường Cơ bản và một số tự viện mà thôi. Khu Đại điện của Hòa thượng Khai sơn quy hoạch nay cũng đã cắt xén không còn nguyên vẹn. Mặt tiền Đại Tòng Lâm cũng đã gặp nhiều sóng gió. Không biết Thượng tọa Thích Minh Thành có đủ nhẫn lực để duy trì cơ nghiệp nơi đây hay không.
Hiện nay, nơi Thánh địa Đại Tòng Lâm, còn được lưu tâm của chư Phật tử và chư Tôn Đức Tăng Ni, trước hết phải nói là sự hiện diện của Trường Cơ bản Phật học gồm cả Tăng và Ni viện Thiện Hòa, ngôi trường đã được hình thành từ thuở nước nhà đang trên đà đổi mới. Từ khi thành lập đến nay, đã gần 8 năm, đã ra trường 2 khóa, khóa I năm 1994, khóa II năm 1995 và khóa III sẽ ra trường vào đầu năm 1998. Nhà trường đã đào tạo trên 400 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cơ bản, và hiện tại lớp Cao đẳng Chuyên khoa đang học năm thứ 3. Tuy những năm gần đây có nhiều khó khăn đưa đến nhưng nhà trường vẫn giữ mãi truyền thống Tăng Ni sinh theo chế độ nội trú và không thu học phí.
Ngoài việc giáo dục về Phật pháp, nhà trường còn thúc đẩy Tăng Ni nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cao, bổ túc văn hóa, rèn luyện võ thuật để thân thể khỏe mạnh cùng với lao động chấp tác. Hiện giờ nhà trường đã trồng được 20.000 cây mai, 3.000 cây gỗ sao giá trị và hàng 100 liếp rau xanh các loại để cung cấp chất đạm hàng ngày cho Tăng Ni sinh. Nhìn lại đoạn đường đã qua, thời gian chỉ 8 năm, nhưng nhà trường vừa xây dựng cơ sở, vừa đào tạo Tăng tài, một lúc cùng hai việc thật là vất vả. Viện Chuyên Tu nơi đây chưa biết chừng nào thực hiện, hiện tại Giáo hội đào tạo người làm việc cũng đã khó rồi, chưa nói đến việc đào tạo người siêu phàm nhập thánh.

Từ thuở đức Thế Tôn ra đời đến nay trên 2541 năm, một đoạn đường quá xa, chúng ta đã ở vào thời mạt pháp “khứ thánh thời diêu/ Phật phápsanh sơ, nhơn đa giải đãi…” nên tìm cho được một vị Tăng già gương mẫu cũng đã khó lắm rồi, huống hồ tìm người đại cơ, đại dụng. Giáo hội Tỉnh nhà mong mỏi duy trì được cảnh tu học nơi đây, gồm có Phật học viện, Tu viện, Thiền viện, Ni viện, hiện tại nơi mảnh đất này gần 1.500 Tăng Ni, cũng đã mãn nguyện rồi, không dám mơ ước gì thêm.
Về hiện tại, Giáo hội Tỉnh nhà không có người phát tâm làm Phật sự. Người nói thì nhiều, nhưng người làm không có. Hình như đây là một định luật từ xưa đến nay, xứ nào cũng vậy. Đại nguyện của người xuất gia thì rất lớn, như những câu “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng…”, “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn...” “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ-đề…” thật là những ý nguyện, tâm trí cao siêu, vẹt cả trời xanh, thường tình khó nghĩ ngợi. Nhưng trên thực tế, đó là những ý niệm dành cho các vị Bồ-tát, quá thương xót chúng sanh nên phát nguyện như thế, chứ thực tế ngay nơi thời buổi này, tìm cho được một vị này chắc chắn không phải là dễ!?
Người xuất gia trong thời mạt pháp, ai cũng cảm thấy bản thân mình “nghiệp trọng phước khinh, chướng thâm huệ thiển, nhiễm tâm dị xí, tịnh đức nan thành,” do đó, nên ai ai cũng muốn thân tịnh tâm an, không ai muốn mang lấy thị phi hảo ố, phiền nhọc thân tâm. Đây là nói một số người thật sự xuất gia, thật sự mong cầu giải thoát. Ngoài ra những hạng người, liếu láo qua ngày, lơ lơ qua buổi, luống hao của đàn-na thí chủ, cũng là cô phụ bốn ân, trong thời buổi này thì chẳng thiếu gì. Nhìn lại đoạn đường đã qua, gần 8 năm, nơi mảnh đất Đại Tòng Lâm Phật giáo, đã trải qua nỗi thăng trầm, vui buồn lẫn lộn.
Đầu năm 1998 này, Trường sẽ làm lễ Tốt nghiệp cho 231 Tăng Ni sinh lớp Cơ bản III và sẽ tuyển sinh Cơ bản IV. Hôm nay núi đồi Thị Vãi vẫn còn nguyên vẹn, nhưng dòng sông Thị Vãi đã thay hình đổi xác. Mới ngày nào nơi đây, toàn là nước cây trùng điệp. Giờ đây đã thay vào cảng tàu, nhà máy ngổn ngang, tiếp nhận những con tàu khổng lồ từ trời Tây mang lại hàng vạn tấn hàng hóa mỗi ngày, đây cũng là niềm vui của đất nước.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường, còn phải gia tâm phấn đấu hơn nữa mới có thể duy trì và hòa nhập vào trào lưu phát triển của xã hội và Đạo Pháp. Nếu chúng ta không phát triển được ắt chúng ta sẽ bị đẩy lùi trong quên lãng và lỗi thời. Điều mong ước này, ngoài sự gia hộ chư Phật, chư Tổ còn có sự nhiệt tình ủng hộ của chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử, họa may cơ sở này mới có thể phát triển và duy trì được. Dù không ai thưa, ai nói, nhưng mỗi người chúng ta khi có dịp đặt chân lên mảnh đất Đại Tòng Lâm này đều âm thầm ước nguyện: “Ước nguyện nơi đây mãi mãi sẽ là một mảnh đất thiêng liêng, vươn mình theo năm tháng với sức đại hùng, đại lực, đại từ bi, mãi ra đời những hàng Tăng già ưu tú, gương mẫu. Nơi đây sẽ là những tàng cây đại thọ, luôn luôn làm bóng mát cho bao khách lữ hành mệt mỏi trong những buổi trưa hè nóng bức và nơi đây sẽ là những cảnh Niết-bàn giả tạm ở trần gian để tạm vơi bớt bao nỗi niễm ưu tư của người trần thế.”

Mới đó mà Phật học viện Đại Tòng Lâm ngót nghét đã mười mấy năm góp mặt cho nền giáo dục Phật giáo. Cứ bốn năm một lần, đã ba khóa Cơ bản và một khóa Cao đẳng ra trường. Đến nay, lớp Cơ bản IV lại tiếp tục hành thành và một điều đặc biệt nữa là khóa IV kéo dài đến năm năm.
Trong thời gian năm năm đó, biết bao biến cố vui buồn đã xảy ra nơi mảnh đất thân yêu.  Xin ghi nhận và giới thiệu đến Chư tôn đức và Phật tử giai đoạn 1998-2002 của Thánh địa Đại Tòng Lâm, một cơ sở quan trọng trong nền giáo dục Phật giáo Việt Nam.
Đầu năm 1998, Trường tổ chức lễ Tốt nghiệp cho lớp Cao đẳng I và Cơ bản III, đồng nghĩa với sự ra đời của Cơ bản IV với hơn 250 Tăng ni sinh, còn Cao đẳng II thì đến mùa Trung thu năm sau mới khai giảng. Có thể nói rằng, đến hôm nay, Tăng Ni Đại Tòng Lâm đã qua rồi hai bữa cháo rau, những mái tranh được thay bằng mái ngói đỏ tươi. Dưới sự chăm lo của thầy Hiệu trưởng, Ni sư Quản viện và sự hỗ trợ của chư tôn đức Tăng ni cùng quý phật tử gần xa, đời sống Tăng ni sinh khá ổn định.
Vấn đề còn lại bây giờ là tu và học và thực hiện di huấn của cố Đại lão Hòa thượng Khai sơn. Người xưa nói “tre tàn măng mọc”, nhưng nay tre dần tàn mà măng chưa kịp mọc. Trước đây, Thượng tọa Thích Minh Phát ra đi là một mất mát lớn cho Đại Tòng Lâm, nhưng bên cạnh vẫn còn Hòa thượng Thích Minh Thành, Thượng tọa Hiệu trưởng… Chỉ chừng đó nhân lực mà kỳ vọng, ước mong xây dựng Đại Tòng Lâm Phật giáo quả lớn lao không biết đến bao giờ mới làm được? Đây là một nỗi ưu tư to lớn mà quý ngài gánh chịu, đừng nói chi đến đất Tòng Lâm hôm nay đang bị chiếm dụng. Có nhiều lúc Hòa thượng Giám đốc cùng thầy Hiệu trưởng và cả gần 500 tăng ni sinh của Trường phải biểu tình, nhưng lấn vẫn cứ lấn.
bt

Sự nghiệp đang dỡ dang thì tin sét đánh đã đến cho Đại Tòng Lâm. Đầu năm 1997, Hòa thượng Thích Minh Thành đã đột ngột ra đi vĩnh viễn. Bao việc còn lại giờ một mình Thầy Hiệu trưởng gánh vác. Nhiều dấu hỏi được đặt ra liệu Thượng tọa Hiệu trưởng có đủ nhân lực để duy trì cơ nghiệp cùng với việc nuôi dạy Tăng Ni sinh hay không khi trường nuôi dạy hơn 500 tăng ni sinh theo chế độ nội trú mà không đóng một khoản học phí nào? Nhưng phần nào ấm lòng chư Tôn đức trong Ban Giám hiệu đó là Tăng ni sinh dưới sự bảo bọc ân cần của Thượng tọa Hiệu trưởng và Ni sư Quản viện nên đã có ý thức tinh thần cao độ, ngoài giờ lên lớp là từng phân ban hoạt động cho công tác Trường một cách tích cực. Tuy phải đối đầu với bao nhiêu thử thách nhưng sự nghiệp xây dựng, lễ bái, truyền đăng tục diệm vẫn là điều thiết yếu quan trọng hàng đầu.
 
Mùa Trung thu năm 1999 (15/8/ÂL), Trường tổ chức khải giảng lớp Cao đẳng Chuyên khoa khóa II. Sau lễ Khai giảng, Đại Tòng Lâm tổ chức lễ Cung nghinh Xá Lợi Phật về an trí tại Ni viện Thiện Hòa. Cung nghinh Xá lợi đã an trí xong, sự trăn trở tiếp đến là Đại giới đàn, bởi tính từ năm 1996 đến nay là đã ba năm nhưng chưa được mở. Lẽ ra, tháng 11 năm 1999 là đúng kỳ nhưng vào thời điểm đó đất nước ba miền bị thiên tai lũ lụt, cho nên Ban Trị sự tạm hoãn lại. Thượng tọa Hiệu trưởng cũng như Ni sư Quản viện dồn vào công tác cứu trợ từ Nam ra Bắc. Tăng cũng như Ni sinh với tinh thần “lá lành đùm lá rách” cũng chắt mót người xấp vải, kẻ cái mền… hùn vào gởi đến nhân dân ba miền đang bị thiên tai.
Đến tháng 3 năm 2000, Đại giới đàn mới được mở, do Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh là Đàn đầu. Vậy là sau một năm chờ đợi, sự khát khao giới pháp càng tăng lên nên so với năm 1993, 1996, số lượng giới tử thọ giới trong Giới đàn này tăng gấp bội.

Về mặt tổ chức thì có nhiều thuận lợi hơn bởi đã qua hai lần tổ chức nên quý Ngài đã dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn gặp không ít khó khăn do đợt lũ lụt vừa qua để lại. Song với sự tích cực của quý Ngài trong Ban Trị sự, mà đặc biệt là HT. Trưởng ban Trị sự, tuổi tuy đã cao nhưng ngày đêm lao lực, TT. Giác Hạnh, TT. Từ Nhãn… mà trực tiếp là TT. Hiệu trưởng và Ni sư Quản viện Thiện Hòa, bên cạnh đó còn có sự ủng hộ của chư Tôn đức và phật tử các nơi nên Đại giới đàn cũng đã thành tựu viên mãn. Điều đáng nói nhất là những giới tử là Tăng ni sinh của bản trường đều tụng bốn bộ luật Trường hàng và đạt thủ khoa. Đại giới đàn trải qua năm ngày, hình bóng uy nghi của quý Ngài trang nghiêm, núi Thị Vãi - Tòng Lâm hùng vĩ khác nào Kỳ viên Tinh xá khi xưa. Thật là:
Trang nghiêm quá Tòng Lâm thánh địa,
Khơi suối nguồn cho vạn loại con tim,
Đang hướng về thời Thế Tôn tại thế
Trong ánh mắt bằng tất cả niềm tin.

Xong đại sự Giới đàn, Thượng tọa Hiệu trưởng đã mở khóa tu Niệm Phật cho Tăng ni sinh để có điều kiện thúc liễm thân tâm vào ngày 16 & 17 hàng tháng, bắt đầu từ mùa Hạ năm 2000 và duy trì cho đến ngày hôm nay. Nhìn hàng nối hàng, y vàng giải thoát, ta cứ ngỡ là bảy hàng thất bảo của thế giới Cực Lạc đang hiện nơi đây. Thật là kỳ diệu!
Phật pháp nhiệm mầu, sợ rằng mình chưa đủ lòng tin để gánh vác Phật sự mà thôi. Còn việc chánh giáo bao giờ cũng có long thiên ủng hộ, bát bộ hộ trì.
Hôm nay, bạn đến Tòng Lâm chắc hẳn ngạc nhiên về sự đổi mới của nó. Từ lô đất san bằng, mở một con đường rộng bao quanh hàng rào, chạy dài đến chân núi Thị Vãi. Đây là bước đầu cho công việc xây dựng lại Đại tự. Việc khó khăn nhất vẫn là vấn đề trang nghiêm nơi đất Thánh. Bao năm qua, quán xá bán buôn lan tràn trong khuôn viên Tòng Lâm, chưa có cách giải quyết, thì Thượng tọa Hiệu trưởng cùng Thầy Tâm Phát đánh đổi cả tính mạng của mình sau vài lần bị đe dọa. Cuối cùng, sự trang nghiêm chốn thiền môn đã được hoàn trả. Bước kế tiếp chính là “hóa tân địa” tất cả khu vực phía trước và sau của Đại Tự. Tăng ni sinh thì dẫy cỏ, phát hoang… Bao sự chuẩn bị nhằm cho Lễ Đặt Đá vào đầu tháng 9 năm 2001.
Đây là Đại lễ Đặt Đá cho Chánh điện - Trung tâm Phật giáo Việt Nam nên tất cả các huyện thị, tỉnh thành đều về tham dự, số lượng vài nghìn người. Sau lễ Đặt đá, Thượng tọa Quảng Hiển đã cho xây thêm một bệ Phật Thích Ca ở phía bên phải Đại tự, đúng theo dự kiến của Hòa thượng Khai sơn. Tháng 4 năm 2002, cùng với Lễ Phật đản do Tăng ni sinh bản trường tổ chức, Thượng tọa Quảng Hiển đã đúc một quả Đại hồng chung để đặt nơi Đại tự, có sự chứng minh của Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự.
 
Thật, đại nguyện của quý Ngài “hư không hữu tận”. Giờ đây Đại tự đang xây nhưng ai cũng thầm lo sợ khi quý ngài ngày một già yếu. Nhìn lại chặng đường năm năm qua, chẳng phải là nhiều nhưng đâu chẳng chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui lẫn lộn. Ngoài kia, dòng đời xuôi ngược, đua chen, đạo đức suy đồi, do đó trách nhiệm của Tăng Ni trẻ càng nặng nề hơn, vừa phải đảm bảo không bị thời đại đẩy lùi, vừa phải tái tạo giữ gìn thuần phong đạo đức.
Ban Giám hiệu cũng đã phải không ngừng phấn đấu, vừa đào tạo Tăng tài vừa hoàn thành hoài bão của cố Hòa thượng Khai sơn để cho Đại Tòng Lâm làm cơ sở Trung tâm của cả nước, là bóng mát cho bao lữ hành tha phương vơi đi nỗi niềm trần thế, là mảnh đất thiêng liêng, là chiếc nôi cho bao bậc Tăng tài đem Phật pháp vào đời xoa dịu nỗi đau thương với tâm hạnh Đại hùng, Đại Từ bi, là Tòng Lâm, là Tinh xá, là Thánh tăng đoàn như khi Phật Thế Tôn còn ngự tại trần gian.
HT. Thích Quảng Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây