GIỚI LUẬT LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐẠO PHẬT

Thứ sáu - 30/10/2020 18:05
GIỚI LUẬT LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐẠO PHẬT
A. GIỚI THIỆU:
Cổ Đức có dạy rằng: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”.
Thật vậy, bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào muốn được tồn tại và phát triển lâu dài thì cũng phải có một nội quy tuân thủ. Một xã hội muốn được thái bình thịnh trị thì phải có luật pháp của xã hội đó. Trong đạo Phật cũng thế, Tăng đoàn muốn được trường tồn và phát triển hưng thịnh thì không thể nào thiếu đi thanh quy và phép tắc. Thanh quy phép tắc ấy chính là giới luật.
“Giới như đại minh đăng
Năng tiêu trường dạ ám
Giới như châu bảo kính
Chiếu pháp tận vô vi
Giới như Ma ni châu
Vũ vật tế bần cùng
Ly thế tốc thành Phật
Duy thử pháp vi tối”
Nghĩa là: Giới như ngọn đèn sáng lớn, có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối. Giới như tấm gương quý báu, soi thấu hết thảy các pháp. Giới như viên ngọc như ý, hóa vật để giúp kẻ nghèo. Muốn được mau giải thoát thành Phật, chỉ có giới luật là hơn hết.
Bấy nhiêu đó, chúng ta đủ thấy giới luật chính là nấc thang căn bản nhất của đạo quả giác ngộ, là nền tảng vững chắc để bước vào thiền định và trí tuệ. Là phao nổi đưa người qua khỏi biển khổ sanh tử, luân hồi. Là kho tàng vô lượng công đức, và cũng chính là cửa ngõ duy nhất để tiến đến thành trì Niết Bàn.

 
NTML1


B. NỘI DUNG:
I. Những nét căn bản của giới luật:
Như chúng ta đã biết giới luật Phật là pháp môn “Toàn thiện”. Thế nên ngay buổi đầu đức Thế tôn hoàn toàn không chế ra giới luật mà chỉ dạy chư Tỳ-kheo sống trong thiện pháp “Sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh” bằng những lời dạy chân tình và thiết thực nhất:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Thiện và ác là hai mặt đối đãi nhau. Nếu ta muốn ngăn chặn mọi ác pháp của thân tâm thì không gì hơn là phải thi hành triệt để mọi hạnh lành tức nghiêm trì giới luật. Do đó sống trong thiện pháp là mấu chốt căn bản của giới luật, mà trong kinh Phương Đẳng, Đức Phật cũng đã nói: “Giới luật là cội gốc của hết thảy mọi hạnh lành”.
Vì thế nên người nào sống đúng chánh pháp, sống đúng theo tinh thần của giới luật là những người luôn luôn đem lại lợi ích an sinh cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh. Bởi người giữ giới thanh tịnh là khuôn khổ làm cho thân khẩu ý được trong sạch, ngăn chặn mọi tội lỗi phát sanh. Diệt trừ những thói quen làm việc xấu ác, duy trì hết thảy mọi thiện pháp. Do đó, người tu học Phật không thể nào không am tường về giới luật được, vì giới luật là mạng mạch của Tăng đoàn, là sự sống còn của Phật pháp. Vì tính chất thiết yếu đó nên đức Thế tôn đã dạy:
“Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ.
Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”
Thật vậy, giới luật còn thì Phật pháp còn tồn tại. Một khi giới luật mất đi thì Phật Pháp cũng liền bị tiêu diệt mất. Giới luật là những quy chế chuẩn mực được nói ra từ kim khẩu của đức Thế tôn cho các hàng đệ tử thực hành chánh hạnh, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa những hành vi bất thiện diễn ra nơi thân khẩu ý.
Trong ba tạng kinh - luật - luận thì giới luật có thể điều phục được các bất thiện pháp, diệt trừ hết thảy các nghiệp chướng xấu xa, nhường chỗ cho trí tuệ tăng trưởng, hầu đạt đến sự chứng ngộ các Thánh quả, trong Thanh Tịnh Đạo Luận có viết:
“Có bậc thang nào bằng thang giới
Có thể bắt lên đến cõi trời
Có cửa ngõ nào bằng cửa giới
Mở đến thành Niết bàn như vậy”.
Vì thế giới luật là căn bản của người con Phật, nếu lìa bỏ giới luật thì chúng tại gia hay xuất gia đều đánh mất căn nguyên giải thoát. Vì tính chất quan trọng của giới, vì sự lợi ích và an lạc của vạn loại chúng sanh nên trước khi vào Niết Bàn, đức Thế tôn đã để lại lời di huấn tối hậu trong Kinh Di Giáo rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi phải trân trọng, tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu, phải biết pháp này là Thầy của các ngươi, dù ta có trụ ở đời cũng không khác gì”.
Mặt khác, giới luật còn là pháp môn căn bản và quan trọng nhất trong Tam vô lậu học mà chư Tổ cũng đã từng dạy: “Nhơn giới sanh định, nhờ định mà phát huệ, huệ năng minh tâm, minh tâm kiến tánh là thành Phật vậy”.
II. Lý do và mục đích của việc chế giới luật:
Là bậc Đạo sư đã giác ngộ giải thoát nên khi làm bất cứ việc gì, đức Thế tôn cũng luôn luôn cân nhắc cẩn thận chu đáo, không để sơ sót, dù là việc rất nhỏ, cho đến việc hình thành giới luật cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Phật tự ban hành.
Theo dòng lịch sử thì khi giáo đoàn mới được thành lập trong khoảng 12 năm đầu, phần lớn chúng Tăng đều là những bậc có căn cơ, trình độ giáo pháp bén nhạy, chỉ cần nghe đức Thế tôn khai thị một hay đôi lần liền chứng được đạo quả. Vì thế Tăng đoàn Phật giáo thời ấy là một đoàn thể hòa hợp thanh tịnh, nên không cần có một giới điều nào ràng buộc cả. Nhưng càng về sau, chúng Tăng ngày càng đông, sự hỗn tạp cũng dần dần manh nha trong nếp sống Tăng đoàn, cộng thêm sự cung dưỡng nồng hậu của các hàng Vua chúa, quý tộc, Đại thần, nên những kẻ lợi dụng cũng bắt đầu trà trộn. Nhiều giai cấp và thành phần bất hảo xuất hiện trong giáo đoàn của đức Thế tôn tạo ra một sự pha tạp giữa người thanh tịnh và chưa thanh tịnh. Do đó, nếp sống thuần lương, thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn trở nên ô nhiễm. Để bảo vệ đời sống thuần khiết của Tăng già, Đức Phật mới chế ra giới luật.
Mặt khác, trước đó, đã có lần Tôn giả Xá Lợi Phất thỉnh cầu đức Thế tôn chế định giới luật để bảo tồn chánh pháp, nhưng Ngài đã khước từ bởi Ngài biết chưa phải thời cần chế. Ngài không muốn chế định giới luật theo kiểu áp đặt sẽ khiến chúng Tỳ-kheo có thể hiểu lầm đức Thế tôn không tôn trọng họ. Đây là một tinh thần mang dấu ấn sâu sắc và đặc biệt nhất mà không phải tôn giáo nào cũng có được. Tinh thần giới luật của Phật giáo là tùy phạm tùy chế, nghĩa là tùy theo sự hư hoại thanh tịnh và hữu lậu phát sinh tới đâu thì giới luật hình thành tới đó, chớ không phải vô cớ mà Đức Phật đặt ra những giới điều để ràng buộc gò bó đời sống giải thoát của chúng Tăng. Điều căn bản khi những điều luật được ban hành là để tránh đi mọi lậu hoặc phát khởi về sau, nhằm tăng thêm nguồn an lạc cho toàn thể hội chúng. Bởi Tăng đoàn của Phật là cả một tập thể lớn chứ không phải là cá nhân đơn lẻ. Do đó, trong cuộc sống nếu không có thanh quy giới luật quản thúc thì khó mà bảo vệ được đoàn thể Tăng già để có an lạc cho tự thân và tha nhân. Vì thế, giới pháp của Phật được chế ra không ngoài 3 yếu tố:
- Phòng ngừa sự chướng ngăn Thánh đạo.
- Bảo vệ sự hòa hợp trong Tăng đoàn.
- Tránh sự cơ hiềm của thế gian.
Như trong Kinh Tăng Chi tập 3, Đức Phật nói: “Mục đích mà Phật chế giới là để cho Tăng chúng được cực thịnh; để cho Tăng chúng được an ổn; để điều phục những người khó điều phục; để an ổn những người giữ giới luật; để ngăn chặn các lậu hoặc trong hiện tại; để ngăn ngừa các lậu hoặc trong tương lai; để đem lại lòng tin cho người chưa có lòng tin; để tăng trưởng và tịnh tiến cho người đã có lòng tin; để Chánh pháp được trường tồn; để giới luật được chấp nhận”.
Cho nên giới luật Phật giáo là đem lại sự tự lợi và lợi tha, làm cho nhân sinh được hạnh phúc, làm cho con người ngày càng tiến gần nhau hơn, để cùng nhau chung sống hòa bình thay vì phải lo oán thù hiềm hận, giết hại lẫn nhau. Nếu trong xã hội mà con người biết sống và làm theo những lời Phật dạy, làm lành lánh dữ, thì chắc chắn nơi đó có nhiều sự an vui hơn. Trong một quốc gia cũng vậy, nếu người người biết giữ gìn 5 giới cấm “không sát sanh… không uống rượu” thì quốc gia đó an lạc biết chừng nào. Thế thì hàng ngày hàng giờ, chúng ta phải luôn luôn ý thức trong việc hành trì giới pháp của Đức Như Lai đừng để thời gian qua mau mà luống uổng một đời tu học, như bài kệ:
Ngày đã cận cần tu gấp rút,
Giới giữ sao trong sạch như xưa
Định huệ không thiếu không thừa
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”.
III. Thanh tịnh hòa hợp những yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển Tăng đoàn:
Để hình thành và phát triển một đoàn thể Tăng già thì cần phải hội đủ nhiều yếu tố. Nhưng đặc tính để Tăng già tồn tại đó chính là tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Nhờ tinh thần này mà Tăng già mới là nơi nương tựa vững chắc nhất cho mọi người và là mảnh đất tốt để phát sinh mọi công đức. Trong 45 năm hóa độ, tùy theo những hữu lậu phát sinh từ các hàng Tỳ-kheo mà Đức Phật đã chế ra biết bao nhiêu giới luật, mỗi giới đều mang những đặc tính và ý nghĩa riêng để đối trị từng căn bệnh. Thế nhưng tất cả các giới ấy đều có chung hai đặc tính là thanh tịnh và hòa hợp. Nhờ có sự hòa hợp mà Tăng đoàn được tăng thêm lòng tin cho tín thí, làm cho người phát tâm theo Phật nhiều hơn. Sự hòa hợp này giống như nước với sữa, không thể nào tách rời ra được. Hơn nữa chư Tôn Túc cũng luôn nhấn mạnh: “Thanh tịnh và hòa hợp là điều kiện chính yếu để hình thành một giáo hội Tăng già lớn mạnh, đặc trưng cho tinh thần giải thoát”.
Tính chất thanh tịnh và hòa hợp có được chỉ khi nào Tăng đoàn biết tuân thủ theo giới luật mà Phật đã chế ra. Nếu trong Tăng đoàn có nhiều người không hành trì giới luật thì chắc chắn tính chất này không bao giờ xuất hiện.
Một Tăng đoàn được phát triển lớn mạnh là nơi đó giới luật được bảo tồn, mọi người biết thương yêu, che chở nhau như người thân trong gia đình và đặc biệt là phép lục hòa luôn hiện hữu. Bằng như Tăng đoàn ấy, có sự chia rẽ, rạn nứt, không ai nâng đỡ bảo vệ ai thì dù những thành viên trong Tăng đoàn có tài giỏi đến đâu, một thời gian sau Tăng đoàn ấy cũng sẽ bị tan rã. Thế nên thanh tịnh và hòa hợp là hai yếu tố rất quan trọng, chúng tương quan mật thiết với nhau, nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì nhất định bản thể Tăng già không thành tựu được.
Đức Phật dạy rằng: “Bất kỳ một con vật nào cũng không thể ăn thịt được Sư tử, chỉ có những con trùng trong thân của Sư tử tự ăn thịt Sư tử mà thôi. Cũng vậy, không có ngoại đạo nào có đủ sức làm rạn nứt giáo pháp của Như Lai được, duy chỉ có những đệ tử của Như Lai mới tự làm điều ấy thôi”.
IV. Lợi ích của giới luật cho người xuất gia và tại gia:
Trong bài tựa Nghi thức tụng Tỳ Kheo Ni Giới Bổn có ghi rằng:
“Thế gian Vua lớn nhất
Các dòng bể là to
Các sao trăng là sáng
Các Thánh Phật là tột
Trong tất cả các luật
Giới kinh là hơn hết…”
Như thế mới thấy rằng Luật tạng giữ vai trò quan trọng và căn bản như thế nào? Giới luật được xem như một môn đạo đức Phật giáo, nhằm hướng dẫn con người thực nghiệm chuyển hóa cuộc sống từ khổ đau đến an lạc. Cải tạo xã hội được trở nên Chân-Thiện-Mỹ. Trong Kinh Trung Bộ Đức Phật cũng có dạy: “Người nào hành trì giới luật sẽ được hưởng gia tài Pháp bảo. Nhờ có tinh cần, tiếng tốt được đồn xa, không rụt rè khi đến với hội chúng đông đảo, khi chết tâm không rối loạn. Sau khi mạng chung sẽ được sanh vào cảnh thiện, thiên giới”. Người hành trì giới luật không chỉ đem lại lợi ích cho tự thân mà còn là suối nguồn an lạc cho cả tha nhân.
Đem lại lợi ích cho chính tự thân đó là người có trí, đem lại an lạc cho tha nhân, ấy là người từ bi. Mà “Bi và Trí” chính là cốt lõi của đạo Phật vậy. Giới luật mang lại nhiều lợi ích cho người hành trì như thế, cho nên chúng ta phải biết trân quý và giữ gìn giới luật như ngọc Ma ni. Tuy nhiên chúng ta không nên quá chấp thủ và câu nệ vào những chi tiết vụn vặt. Vì như thế, chúng ta sẽ không hiểu thấu đáo tinh thần và lợi ích của giới luật. Tất cả pháp và luật của Phật dạy chỉ là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng, nương vào ngón tay để thấy mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mặt trăng.
Chúng ta nhờ giới luật bảo vệ cho cuộc sống tu hành của mình ngày một thăng hoa hơn, chứ không phải coi giới luật là một điều gì bó buộc làm cho mình bất an, mất đi sự tự chủ. Hiểu như vậy sẽ không đúng với tinh thần của giới luật Phật giáo.
C. LỜI KẾT:
Bất cứ một xã hội nào, con người cũng không thể tách rời cuộc sống đạo đức nhân bản. Phật giáo luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn con người quay về cội nguồn Chân - Thiện - Mỹ.
Chúng ta thấy, không những giáo lý của đức Thế tôn gần gũi với chúng sanh mà giới luật của Ngài cũng thiết cận với đời sống nhân loại. Luôn luôn chú trọng đến đạo đức nhân bản, nhân quả, phục vụ con người và mọi loài, không đưa ra những luận thuyết siêu hình phi thực tế, mà mục đích duy nhất là thăng hoa đời sống tinh thần của con người trong mọi thời đại, góp phần làm cho thế giới được hòa bình, nhơn sanh an lạc. Giới luật được xem là nơi quy thú của mọi thiện pháp. Nên trong Luận Đại Trí Độ có viết: “Nếu người nào muốn cầu lợi ích lớn thì trước phải kiên tâm trì giới luật như giữ ngọc quý báu, như giữ gìn thân mạng, vì giới luật là nơi an trú của tất cả thiện pháp”.
Thật vậy, giới luật rất cần thiết cho người tu hành chân chính. Nếu ngày nào giới luật còn được truyền bá rộng rãi và trong Tăng đoàn còn nghiêm trì giới luật thì ngày đó Phật pháp còn hưng thịnh. Ngược lại nếu giới luật được xem như một điều bó buộc, mọi người xa rời giới luật thì chắc chắn Phật pháp sẽ bị suy đồi.
Thế nên là những người tiếp nối mạng mạch Phật pháp, chúng ta phải có bổn phận giữ gìn gia tài pháp bảo mà Đức Từ phụ Thế tôn đã để lại trên 2.500 năm nay. Phải làm sao cho giáo pháp ấy ngày càng lớn mạnh thêm lên, để vạn loại hữu tình ngày càng hưởng được nhiều an vui lợi lạc.
Pháp và Luật của Phật không nhiều, tựu trung chỉ có vài điều thôi:
Về Pháp, Đức Phật chỉ dạy: “Xưa cũng như nay, này các Tỳ-kheo, ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.
Còn về Luật, Ngài chỉ dạy: “Dứt ác làm lành, giữ tâm ý cho trong sạch”.
Bấy nhiêu thôi nếu chúng ta thực hành trọn vẹn là đã làm cho chính bản thân mình được an ổn, giải thoát, và cũng là góp phần làm cho mạng mạch Phật pháp được trường lưu thịnh hành, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, đạo đức xã hội ngày càng được thăng hoa. Đó là chúng ta đã báo đền thâm ân sâu dày của Phật./.
Thích nữ Mai Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây