Tỳ Kheo Doanh Sự

Thứ tư - 28/10/2020 18:59

Tỳ Kheo Doanh Sự

Người đứng ra điều hành giải quyết mọi việc sinh hoạt của một tập thể Đại tăng vừa Phàm lẫn Thánh như vậy, được gọi là Tỳ-kheo Doanh Sự, cũng như chức vụ Trị sự ngày nay. Chức vụ này, đối với chúng Tăng rất là quan trọng và rất khó làm.
HT Thiện THông

Trong Giáo đoàn đệ tử xuất gia của đức Phật, từ ngàn xưa cho đến bây giờ, giáo đoàn ấy được gọi bằng hai chữ Tăng- già (sangha), nghĩa là sự hòa hợp của nhiều người xuất gia cùng vâng giữ một giới pháp do đức Phật chế định. Khi đức Phật còn tại thế, đời sống của chư Tăng hầu hết là nếp sống tập thể, có những đại Già lam hay những đại Tịnh xá mà chư Tỳ-kheo sống chung đến 500 người hoặc cả ngàn người, những tập thể Tăng đông đảo như vậy, tất nhiên cộng đồng sinh hoạt phải mang nhiều sắc thái và rất đa dạng. Nếu có nhiều tốt đẹp, thì cũng không sao tránh khỏi nhiều điều phức tạp. Người đứng ra điều hành giải quyết mọi việc sinh hoạt của một tập thể Đại tăng vừa Phàm lẫn Thánh như vậy, được gọi là Tỳ-kheo Doanh Sự, cũng như chức vụ Trị sự ngày nay. Chức vụ này, đối với chúng Tăng rất là quan trọng và rất khó làm. Đức Phật biết rõ như thế, cho nên trong kinh Đại Bửu Tích, nơi hội Bảo Lương Tụ cuối quyển 113, nhơn lời thưa hỏi của Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, đức Phật dạy về chức năng và tư cách của 1 vị Tỳ-kheo lo liệu công việc cho tập thể tăng. Bài này chúng tôi dịch năm 1983, nay nhân kỷ yếu Đại Giới Đàn Thiện Hòa tại Đại Tòng Lâm, chúng tôi cho đăng bài này để giới thiệu quý vị đọc giả bốn phương.
Dưới đây là 1 bài kinh nói về một vị Tỳ - kheo Doanh sự
Bấy giờ Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp bạch hỏi đức Phật:
- Kính bạch đức Thế tôn! Làm thế nào mà vị Tỳ-kheo có thể lo liệu việc cho chúng Tăng?
Phật bảo Ca Diếp:
- Như Lai cho phép hai hạng Tỳ-kheo được lo liệu việc cho tập thể Tăng. Thế nào là hai? Một là những vị luôn giữ tịnh giới, hai là những vị biết sợ đời sau. Giống như kim cương chẳng bị hư hoại.
Lại có hai hạng: thế nào là hai – một là hạng người hiểu biết quả báo. Hai là hạng người có lòng hổ thẹn và lòng ăn năn.
Lại có hai hạng: thế nào là hai – một là những vị chứng quả A la hán. Hai là những vị có thể tu tập tám pháp bội xã (1)
- Này Đại Ca Diếp! Hai hạng như vậy, Như Lai cho phép lo liệu mọi việc, vì tự nơi họ không có ung nhọt, lại còn giúp đỡ theo ý người khác, việc này kể ra cũng có phần khó.
- Ca Diếp! trong giáo pháp Phật, những người xuất gia có rất nhiều hạng: từ những tánh tình, những tâm tư, những sự đoạn hoặc giải thoát của họ đều không đồng nhất. Có người ưa thích ở chổ thanh vắng, hoặc có những người thích đi khất thực, hoặc có những người thích ở núi rừng, hoặc có những người thích gần làng xám nhưng giữ tịnh giới. hoặc có những vị siêng lìa Tứ lưu (2), hoặc có những vị siêng nghe học rộng, hoặc có những vị biện luận các pháp, hoặc có những vị giỏi trì Giới luật, hoặc có những vị khéo giữ oai nghi thế thức luật nghi, hoạc có những vị dạo đi trong các thành thị xóm làng nói Pháp cho người… Có đủ thành phần Tỳ-kheo như vậy.
Một vị Tỳ-kheo lo liệu mọi việc phải khéo nắm vững thao từng tâm tưởng của các vị kia.
- Này Đại Ca Diếp! Nếu là Tỳ-kheo ở A Lan Nhã (3) thích sự nhàn rỗi, thị vị doanh sự không nên sai làm các việc phục dịch. Gặp khi vị đó ở chỗ chư Tăng, đến phiên phải làm các sự phục vụ, thì Thầy doanh sự hãy nên làm thế, nếu không thể làm thì sai vị khác, không nên sai khiến bắt buộc vị kia phải làm cho được. Nếu thì giờ rảnh sau lúc thiền định, có thể sai bảo một ít việc.
- Ca Diếp! Nếu có Tỳ-kheo giữ hạnh khất thực, đối với vị này Tỳ-kheo Doanh sự cần nên chia cho những thức ăn ngon.
Nếu có Tỳ-kheo hay lìa Tứ lưu thì vị doanh sự theo vật cần dùng mà cung cấp ngay như là y phục, ngọa cụ, thuốc men, món ăn, thức uống. Tại chỗ đang ở của Thầy Tỳ-kheo siêng lìa Tứ lưu, vị Tăng Doanh sự không nên lớn tiếng kêu gọi nhiều lần hoặc sai người khác lớn tiếng kêu gọi vì để phòng hộ cho Tỳ-kheo ấy. Đối với Tỳ-kheo kia khỏi Tứ lưu, Tỳ-kheo Doanh sự phải nên sanh tâm cung kính tôn trọng, tưởng chừng như Phật. nên nghĩ thế này: “Đối với giáo Pháp của Đức Như Lai, vị Tỳ-kheo này có thể làm một Thạch trụ Phật pháp, tôi nên theo chỗ những món cần dùng mà cấp cho người”.
- Ca Diếp! nếu có Tỳ-kheo siêng học đa văn, thì Doanh sự cần nên khuyến dụ, nói lời như sau: “Đại đức siêng tu, nghe nhiều học rộng, đọc tụng lanh lợi, tôi sẽ luôn luôn vì các Đạị đức mà làm người sai khiến và cung cấp cho Ngài. Nếu các Đại đức siêng năng tu hành nghe nhiều học rộng, thì đó chính là chuỗi ngọc tốt đẹp cho các Tỳ-kheo! Đại đức có thể bước lên tòa cao nói rộng chánh pháp, và chính sự mình phát sanh trí tuệ”… Nếu không phải lúc, thì thầy Doanh sự không nên sai bảo vị này làm việc, phải nên ủng hộ Tỳ-kheo siêng tu học rộng đa văn.
- Ca Diếp! Nếu Tỳ-kheo hay giảng nói pháp, vị Tăng Doanh sự nên sắp xếp cho mọi việc cần thiết, hãy đưa vị này đến chốn thị thành hoặc nơi làng mạc, và khuyên nhiều người kéo đến nghe pháp. Phải nên lo liệu chỗ nơi giảng pháp, vì người giảng pháp mà trải tòa cao. Nếu có kẻ nào tự ỷ sức mạnh muốn phá người giảng, thì vị Doanh sự phải đến hòa giải, và nên nhiều phen qua chỗ pháp sư ngợi khen tán thưởng.
- Ca Diếp! Nếu có Tỳ-kheo giữ đúng Giới luật, khéo hiểu ý nghĩa về pháp Tỳ-ni, Tỳ-kheo Doanh sự nên đến vị đó nhiều phen thưa hỏi “Tôi làm doanh sự, phải như thế nào mới khỏi tội lỗi? Tự mình không tổn, cũng không tổn người?” Tỳ-kheo trì luật nên quan sát tâm vị Tăng Doanh sự, rồi cứ theo đó mà nói cách thức, nghĩa là cho biết, việc này nên làm, việc kia không nên… Tỳ-kheo giữ Giới luật, một lòng tin nhận, lễ kính cúng dường.
- Hoặc khi chúng Tăng, có những vật dùng được chia đồng đều, vị Tăng Doanh sự phỉ theo giờ giấc cung cấp cho Tăng, không nên cất dấu, tùy sự cần dùng của Đại chúng mà đem phân phát. Đáng cho thì cho, không được chia bằng cách ác tâm, không được chia cho một cách trái phép, chẳng phải chia cho bởi tâm tham muốn, bởi tâm giận dỗi, bởi tâm si mê hay tâm sợ sệt. Hãy theo cách thức Tăng mà làm, chẳng phải hành động theo người tại gia, theo sự quy định của Tăng để làm, chẳng phải tự ý đặt ra mà làm. Đối với mọi vật thuộc của chúng Tăng, chẳng được sanh tưởng tự do tự tiện, cả đến việc nhỏ cũng phải chung với chư Tăng, cùng nhau quyết đoán, chẳng phải tự do định đoạt mọi việc.
Vật dùng được nói ở đây là vật của Tăng thường trụ, những vật cúng Phật, vật Chiêu đề Tăng. Tỳ-kheo Doanh sự phải nên phân biệt: Chẳng nên đem vật của thường trụ Tăng mà bỏ vào vật Thường trụ Tăng. Những vật Thường trụ và vật Chiêu đề chớ nên chung lộn, những vật Chiêu đề với vật thường chớ nên chung lộn. Vật Thường trụ Tăng và vật Chiêu đề Tăng chẳng nên chung lộn với vật của Phật, những vật của Phật chẳng nên chung lộn với vật Thường trụ và vật Chiêu đề.
Nếu vật Thường trụ nhiều, mà vật Chiêu đề Tăng có chỗ cần dùng, Tỳ-kheo Doanh sự nên nhóm chúng Tăng, chia thể đếm số, làm pháp vấn hòa. Nếu Tăng hòa hợp, thì nên đem vật Thường trụ chia bớt vào vật Chiêu đề.
- Này Đại Ca Diếp! Nếu nơi tháp Phật có chỗ cần dùng, hoặc tháp muốn hư, như của Thường trụ của Chiêu đề, Tỳ-kheo Doanh sự phải nhóm chúng lại, chia thẻ vấn hòa, nói như thế này: Nay tháp Phật hư, có chỗ cần dùng, vật Thường trụ và vật Chiêu đề Tăng nhiều, chư Đại đức tăng lóng nghe, nếu Tăng đúng giờ mà đến, Tăng thuận cho. Nếu như chư Tăng không tiếp những vật được cúng, như vật Thường trụ hay vật Chiêu đề, nay tôi đem dùng sửa sang tháp Phật. Nếu Tăng hòa hợp, thì vị Doanh sự nên dùng vật ấy mà sửa sang tháp. Nếu Tăng không thuận, Tỳ-kheo Doanh sự hãy đến khuyến hóa cư sỹ tại gia, để xin tiền của sửa sang tháp Phật.
- Này Đại Ca Diếp! Nếu vật của Phật có nhiều, Tỳ-kheo Doanh sự không được lấy bớt những vật cũng Phật mà đem bỏ vào vật Thường trụ Tăng hay vật Chiêu đề Tăng. Vì lý do gì? - trong những vật đó phải sanh ý tưởng như chính Thế tôn, Phải sanh ý tưởng sỡ hữu của Phật, cho đến sợi chỉ đi nữa, cũng đều là do tấm lòng thành tín của người thí chủ đem dâng cúng Phật. Vì thế Chư thiên và người Thế gian, đối với vật đó cũng nên sanh tưởng như tháp của Phật, huống gì những vật quý giá khác ư?
Nếu nơi tháp Phật, trước đó người đem y cúng vào, cứ để y ấy gió táp mưa sa cho đến hư mục, không nên đem y đổi chác vật quý. Tại sao vậy? – Vật trong tháp Phật, không một người nào có thể trả giá, vả lại có đem đổi chác Phật cũng chẳng cần dùng.
- Này Đại Ca Diếp! Có như vậy, Tỳ-kheo Doanh sự giỏi khéo trong sạch, mới không làm lộn vật của Tam Bảo.
- Lại nữa, đối với lợi dưỡng riêng về phần mình, tâm phải thưởng tri túc, với vật Tam Bảo, chẳng nên sanh tưởng của mình đang có.
- Ca Diếp! Đối với Tỳ-kheo gìn giữ Giới luật được người vây quanh, lễ kính cúng dường, nếu vị Doanh sự tâm giận dỗi, lấy cớ mình được tự do sai bảo, rồi cố xua đuổi, sai khiến vị kia, bắt phải phục dịch, thì vị Doanh sự bởi nhân duyên lòng giận mà đọa địa ngục, nếu được thân người, phải làm nô lệ cho người sai bảo, thường bị chủ nhà xua đuổi sai khiến, phục vụ những công việc khổ nhọc nặng nề, còn bị roi vọt đánh đập hành hạ
- Lại nữa Ca Diếp! Nếu vị Doanh sự, lấy cớ rằng mình tự do tự tiện, đặt những điều kiện kỷ luật gắt gao hơn những hạng dịch thông thường của Tăng đến phạt Tỳ-kheo, hoạc không phải lúc mà sai làm việc, thì vị Doanh sự bởi những nguyên do không lành này mà đọa ngục nhỏ có nhiều đinh đóng vào mình, toàn thân bừng cháy, phát ra ngon lửa như đám cháy lớn.
Hoặc với Tỳ-kheo gìn giữ Giới luật có Tỳ-kheo Doanh sự, do giận phát ngôn, cho nên về sau sanh vào địa ngục, tướng lưỡi dài ra năm trăm do tuần, trăm ngàn cây đinh đóng lút xuống lưỡi, mỗi cây đinh phát ngọn lửa lớn đốt tội nhơn ấy.
- Này Đại Ca Diếp! Nếu vị Doanh sự nhiều phen thâu nhận vật của chúng Tăng, rồi sẽn cất giấu, hoặc không phải lúc đem chia cho Tăng hoặc cho bằng cách gay gắt khó khăn, hoặc một cách ngặt nghèo cùng cực, hoặc cho bằng cách nhỏ giọt chút đỉnh, hoặc là chẳng cho, hoặc có người cho có người không cho…bởi những cội rễ không tốt lành này, Tỳ-kheo Doanh sự đọa làm quỷ đói, xấu xa dơ bẩn, thường ăn phân cục. Sau khi chết rồi sẽ thành loài đó. Bấy giờ lại có một con quỷ khác đem món ăn, nhưng lại không cho. Tội nhân quỷ đói ngay trong lúc ấy hy vọng muốn được, xem ký thức ăn, mắt nhìn chòng chọc, cứ vậy mà chịu nỗi khổ đói khát cả trăm ngàn năm, thường không được ăn. Lúc được thức ăn, thì thức ăn ấy biến thành phân tiểu hoặc thành máu mủ. Duyên cớ vì sao? – Bởi vì đối với Tỳ-kheo trì giới, được người lễ kính lại xử khắc khe, với vật sở hữu thuộc của chúng Tăng, ỷ mình tự do rồi cho bằng cách khó khăn gay gắt vậy.
- Này Đại Ca Diếp! Nếu vị Doanh sự lấy vật Thường trụ, vật Chiêu đề tăng hay vật của Phật, lấy rồi đem dùng vào việc tào tạp, người ấy phải mắc khổ báo rất lớn, hoặc đến một kiếp hoặc hơn một kiếp. Tại sao vậy? Vì đã xâm phạm vật của Tam Bảo.
- Ca Diếp! Nghe tội thế này, biết tội thế này mà Tỳ-kheo Doanh sự cố sanh lòng giận đối với Tỳ-kheo gìn giữ Giới luật, Như Lai nói chư Phật ba đời, đều chẳng thể nào cứu gỡ người này. Thế nên Ca Diếp! Tỳ-kheo Doanh sự, nghe những tội lỗi trái phép như trên, phải khéo bảo vệ Thân, Khẩu, Ý nghiệp, tự bảo vệ mình và bảo vệ người.
- Này Đại Ca Diếp! Tỳ-kheo Doanh sự thà ăn thịt mình, trọn chẳng nên dùng lộn vật Tam Bảo để sắm y bát và những món ăn thức uống riêng.
Bấy giờ tôn giả Ma Ha Ca Diếp! Bạch lên đức Phật:
- Kính bạch Thế tôn! Thật chưa từng có! Nay đức Như Lai đem tâm từ bi nói ra việc này. Người không hổ thẹn đức Phật vì nói sự không hổ thẹn, người biết hổ thẹn, đức Như Lai dạy những điều hổ thẹn.
HT Thích Thiện Thông
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây