THƯỜNG TRÚ TĂNG GIÀ

Thứ ba - 27/10/2020 17:54
Thành tựu Chánh kiến thì người tại gia và xuất gia đều như nhau, nghĩa là đều tôn kính Tam bảo làm Thầy, làm mục tiêu cho lý tưởng hướng thượng. Song việc thành tựu Tịnh giới thì tại gia và xuất gia có sự bất đồng về mặt giới tướng.
THƯỜNG TRÚ TĂNG GIÀ
Khể thủ quy y Tăng
Hoằng thâm trí tuệ đăng
Viên đảnh phương bào tướng
Chiêm ngưỡng phước điền Tăng.
Trước khi vào Niết-bàn, Thế tôn ân cần dạy: “Sau khi nhập Niết bàn các ông phải lấy Giới luật làm thầy, cũng như ta còn tại thế không khác gì nhau”.
Qua lời di chúc đơn giản đó, chúng ta cảm nhận được rằng: Thọ mạng của Phật pháp, Thế tôn hoàn toàn giao phó cho các ông. Vậy các ông là ai?
Là đoàn thể Tăng-già, là tập thể hoà hợp thanh tịnh, thời Phật còn tại thế được gọi là chúng Tỳ-kheo.
Tỳ-kheo được hiểu cụ thể là: khất sĩ, bố ma và phá ác; nói rõ hơn là những người đệ tử của Thế tôn, sống đúng con đường mà Thế tôn đã đi qua để đem lại lợi ích cho mình, người và cho những ai muốn bước lên con đường giải thoát giác ngộ.
Nền tảng căn bản để được giải thoát giác ngộ là gì? Tam vô lậu học, ba môn học vô lậu này giới là đầu tiên. Vậy giới là gì?
Theo Bồ Tát Tư Lương Luận, giới là Sila có những nghĩa sau đây: tập cận, bản tánh, thanh lương, an ổn, an tịnh, tịch diệt, đoan nghiêm, điều phục…
Theo Câu Xá Luận, giới được dịch là: thiện, tính cách thiện, phẩm chất thiện, đạo đức, thanh lương. Nói tổng quát, giới là tính chất có công năng ngăn ngừa những sai quấy, lầm lỗi nơi ba nghiệp thân khẩu ý, làm cho thân tâm mát dịu không còn bị dày vò bởi sự nóng bức của não phiền.
Tuỳ theo phạm trù và tính chất của giới mà có nhiều từ khác nhau: Tánh giới..., già giới…, khai giới…, biệt giới…, thông giới….
Theo Tứ Phần San Phồn Bổ Khuyết Sự Sao, giới có bốn khoa: giới pháp…, giới thể…, giới hạnh…, giới tướng…
Thực hành giới luật có hai hình thái: Chỉ trì…, tác trì…
Hiểu và hành trì giới luật miên mật thì được gọi là một vị Tỳ-kheo như pháp.
Nói cách khác, người xuất gia nguyện làm đệ tử Phật, chính thức được mệnh danh là trưởng tử Như Lai, cần phải lãnh thọ giới pháp và hành trì giới pháp. Sau khi lãnh thọ giới pháp theo Luật tạng thì Tỳ-kheo phải thực hiện hai điều sau đây:
1. Đối với tự thân
Một vị sau khi thọ giới làm tỷ-kheo, việc trước tiên phải làm là học tập đầy đủ các bổn phận tỷ-kheo...
Phật dạy, tân Tỷ kheo chưa đủ năm tuổi hạ không được phép rời thầy (bổn sư hoặc y chỉ sư) ra ở riêng một mình. Nếu đủ năm tuổi hạ nhưng chưa học và hiểu biết hết giới bổn, chưa rõ được những điều nào nên làm hay không nên làm, trường hợp nào phạm tội hay không phạm tội, trường hợp nào phạm tội nặng hay phạm tội nhẹ, không biết làm các pháp yết-ma, không rõ phận sự bố-tát thuyết Giới, an cư, tự tứ, vị tỷ-kheo này vẫn chưa được phép rời thầy. Dù tuổi hạ 60 hay tuổi đời 80 mà không thông suốt các phận sự ấy thì không được phép rời thầy.
Một tỷ-kheo mà không thông suốt các phận sự tỷ-kheo, nếu sống tự lập không có y chỉ, thoảng hoặc đến một trú xứ nào mà nơi đó tình cờ cũng tập hợp các tỷ-kheo đủ túc số tối thiểu để thành Tăng, nhưng trong đó không một ai biết pháp yết-ma, không biết thuyết giới hay tự tứ thì làm sao có thể thực hiện được các phận sự thông thường của Tăng. Hạng tăng ấy, đức Phật dạy như một đàn dê, ngu si, chỉ biết ăn, ngủ. Mặt khác, tỷ-kheo chưa đủ năm tuổi hạ dù đã tinh thông luật tạng, cho đến chứng đắc quả vị Hiền thánh, A-la-hán, vẫn không được rời thầy.
Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt là Thầy Bổn sư viên tịch hoặc bãi đạo (thôi tu) thì phải tìm đến một vị Thượng tọa đủ tư cách và đức tính làm Thầy. Trừ những trường hợp vì mục đích lợi dưỡng mà ngụy trang xuất gia thì không kể. Tất cả những người xuất gia đều phải hướng đến mục đích cao cả, đó là giải thoát giác ngộ. Không phải tất cả đều có thể đạt được mục đích ấy ngay trong đời này, nhưng cuộc sống thanh tịnh... là nền tảng nâng cao phẩm giá của người xuất gia, mặc dù tâm tư vẫn còn ô nhiễm, song đó là nếp sống của bậc Thánh giả A-la-hán.
Người tại gia dù đã chứng đắc quả vị Thánh hiền trừ quả vị A-la-hán vẫn không bao giờ được đặt cao hơn địa vị của một Sa-di. Tại sao ? Vì một đệ tử tại gia, tuy chứng được quả vị Dự Lưu hay Nhất Lai, tuy rằng đã sống bằng tâm tư cũng một Thánh giả, nhưng đời sống còn phàm tục thì vẫn còn ràng buộc ở thế gian. Người xuất gia tuy chưa chứng đạt gì cả, ngay cả những cấp thiền định thấp nhất cũng chưa đạt được và tuy vẫn sống bằng tâm tư của một phàm phu, với những ô nhiễm chưa được đoạn trừ hoàn toàn, nhưng đời sống ấy là đời sống của bậc vô học La-hán là cuộc sống xứng đáng với sự kính trọng của thế gian. Cho nên, sự giáo dục phẩm chất đạo đức của một người xuất gia trở thành trách nhiệm trọng đại của bậc làm Thầy trong tăng chúng. Làm Thầy thâu nhận đệ tử mà không giáo dục là một trọng tội.
Vả lại, người xuất gia nương theo Thầy mà học đạo là ký thác đời mình cho Thầy, nên hay hư đều đặt tất cả niềm tin của mình vào Thầy.
Thế nên, đức Phật đã dạy: “Thà làm tên đồ tể để gây nghiệp sát hại, chứ không thể thâu nhận đệ tử xuất gia mà không biết giáo dục, khiến cho vì vậy mà Phật pháp diệt vong”. Quả thật, tên đồ tể sát hại sinh vật chỉ trong một đời, còn người làm Thầy mà không biết giáo dục đệ tử là nhấn chìm đệ tử xuống ác đạo không biết bao nhiêu đời kiếp, lại còn làm cho Phật Pháp suy vong hơn nữa, há không phải trầm trọng hơn người đồ tể hay sao?
Trách nhiệm giáo dục, tài bồi phẩm chất đạo đức cho đệ tử đã quan trọng như vậy, thế thì tư cách làm Thầy phải như thế nào mới xứng đáng là Thầy?
Theo Luật tạng thì nói rất nhiều về tư cách và đức tánh của một vị Thầy cần phải có, song, ở đây có thể tổng quát bao gồm hai khía cạnh, đó là vật chất và tinh thần.
Về vật chất, vị Thầy phải có khả năng cung cấp các phương tiện cho đệ tử theo tiêu chuẩn tri túc thiểu dục của người xuất gia. Song, quan trọng hơn là về mặt tinh thần, đó là một vị Thầy phải đủ khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì Giới luật, học hỏi kinh điển, tu tập thiền định, có đủ kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thắc mắc trong tâm tư của người đệ tử. Nói chung, trách nhiệm làm Thầy cũng như trách nhiệm làm cha.
Nhưng bổn phận làm cha phần nhiều chỉ tập trung vào việc nuôi lớn sắc thân, còn vấn đề tinh thần thì chỉ hạn hẹp trong vòng thế pháp. Ở đây, bổn phận làm Thầy ngoài nuôi dưỡng sắc thân, vấn đề chính yếu khó hơn là nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng của đệ tử. Cho nên, bổn phận làm Thầy trong đạo là khó khăn và trọng đại hơn cả bổn phận làm cha nữa.
Tổng hợp các đức tánh mà luật tạng các bộ phái quy định về tư cách làm Thầy, đại để có 5 điều chính:
1. Tuổi đạo phải đủ 10 hạ (12 hạ đối với Ni).
2. Phải lịch lãm về vấn đề khai, già, trì, phạm, khinh, trọng trong Giới luật.
3. Kiến thức quảng bác.
4. Đầy đủ khả năng để giải quyết mọi khúc mắc trong tâm tư của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến và ác pháp cho đệ tử.
Nói tóm lại, làm Thầy phải biết giáo dục đệ tử về các mặt giới, định, tuệ đó là ba khoa mục mà người học đạo phải theo đuổi trong quá trình tu tập đạo nghiệp. Nếu thấy mình quá yếu kém trong 3 khoa mục này thì chớ nên làm Thầy vội, mà bản thân cần phải cố gắng để đạt đến trình độ khả dĩ, chứ không nên thâu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng và vô trách nhiệm. (HT. Thích Trí Thủ, Yết-ma Yếu Chỉ)
Vấn đề thỉnh cầu y chỉ sự là sự quyết sống nương tựa vào vị y chỉ để học đạo, tu đạo. Trong khi nương tựa theo y chỉ nếu có duyên sự phải đi xa thì phải trình bày rõ để thầy trù lượng có nên cho đi hay không, nơi đến là nơi nào, đi thời gian bao lâu? Nơi cần đến mà không có vị nào đủ tư cách làm y chỉ sư, không được phép ở lại chỗ đó lâu ngày. Nếu chỗ đó thầy y chỉ đủ tư cách thì mới được ở.
Tư cách vị y chỉ sư là biết nguyên tắc, nghĩa là trước khi chấp nhận, cho làm đệ tử, vị đó phải hỏi trước người cầu thỉnh, Bổn sư là vị nào, gốc tích, xứ sở, khả năng học tập kinh điển, nếu trả lời đúng pháp... thì mới thâu nhận. Ngược lại, còn mơ hồ thì không chấp nhận, và có thể cho ở tạm một thời gian để dò xét, nếu thấy thích hợp thì phải cho y chỉ.
Theo Luật tạng, vị tân tỷ-kheo tìm đến một Thượng tọa xin y chỉ, nếu Thượng tọa không đủ khả năng cung cấp Phật pháp cũng như vật thực thì vị tân tỷ-kheo đó có thể tự động bỏ đi mà không cần phải thưa hỏi. Nếu Thượng tọa có khả năng cũng cấp vật thực nhưng không thể dạy Phật pháp thì nên thưa hỏi rồi mới bỏ đi. Trường hợp nếu Thượng tọa có khả năng dạy bảo Phật pháp nhưng không đủ vật thực, thì dù có cam khổ cũng cần phải suốt đời nương theo mà tu học. Nếu Thượng tọa có đủ cả thực lẫn pháp thì dù có xua đuổi cũng không nên bỏ đi.
Trong lúc đang tiền an cư, nếu Thầy y chỉ viên tịch, phải đi tìm vị khác mà tác pháp hậu an cư. Nếu trong hậu an cư mà Thầy y chỉ viên tịch, có thể lưu lại chỗ cũ trong một thời gian hai kỳ bố-tát, sau đó phải đi nơi khác tìm Thầy y chỉ, không được để quá ngày bố-tát kỳ thứ hai.
Hoặc ở trú xứ có nhiều tân tỷ-kheo cùng y chỉ một Thượng tọa, nhưng Thượng tọa ấy nữa chừng viên tịch thì nên thỉnh cầu một Thượng tọa đủ đức hạnh từ nơi khác về đây làm y chỉ. Khoảng thời gian hai kỳ bố-tát, nếu không tìm được thầy y chỉ thì các tân tỷ-kheo ở đây phải tự động lên đường tìm y chỉ không được để quá ngày bố-tát kỳ hai.
Thượng tọa y chỉ và tân tỷ-kheo y chỉ đương nhiên phải đối đãi như tình cha con. Riêng phần tân tỷ-kheo có bổn phận hầu hạ, chấp tác những công việc nặng nhọc thay Thầy, bổn phận thờ Thầy không khác nhau như Sa-di thờ Thầy (theo Sa di thờ thầy trong Luật Tỳ-ni nhật dụng).
Trường hợp tân tỷ-kheo khó dạy bảo, Thượng tọa tự thấy không đủ khả năng tiếp tục dạy bảo dù đã vận dụng nhiều phương tiện để dạy bảo, thậm chí đã dùng đến hình thức thô phù như đánh đập, trách mắng hay trừng phạt mà vẫn không có hiệu quả, thì Thượng tọa có thể đuổi đi hoặc tuyên bố dứt y chỉ.
Nhưng nếu tân tỷ-kheo có thế lực, không thể tuyên bố dứt y chỉ theo cách thông thường, thì Thượng tọa có thể đi ra khỏi đại giới một đêm, cho đến khi minh tướng xuất hiện mới được trở lại đại giới của trú xứ mình đã ở. Đây là phép dứt y chỉ. Bởi vì luật đã qui định, tân tỷ-kheo sống khác phạm vi cương giới với Thầy y chỉ một đêm, thì sự y chỉ bị đứt. Phương pháp dứt y chỉ này áp dụng cho cả Thượng tọa và tân tỷ-kheo. Trường hợp ngược lại, khi Thượng tọa có hành vi mà mình không chịu đựng được, cũng không thể can gián và đã can gián nhưng Thượng tọa đó không chịu nghe, song bản thân tân tỷ-kheo thấy không thể rời trú xứ ấy được, thì vị tân tỷ-kheo có thể làm phép dứt y chỉ như phép dứt y chỉ đã nói trên (theo Yết-ma Yếu Chỉ).
Sự việc liên quan đến vấn đề y chỉ là phận sự đầu tiên và là căn bản của tân tỷ-kheo, do đó, tân tỷ-kheo không thể không biết hoặc biết một cách sơ sài. Cách ngôn Ấn Độ có câu: “con sâu cái kiến dù là thân phận thấp hèn nhưng nếu bám lên được cành hoa thì có thể ở trên đầu hàng Vương giả”. Người mới xuất gia cũng vậy, phải nương những bậc cao đức để được cân nhắc lên chỗ cao, hướng dẫn đời sống cao thượng hơn, như thế mới khỏi cô phụ mối sơ tâm của mình.
2. Đối với tập thể
Theo Du Già Sư Địa Luận Tứ Phần San Phùng Yết-ma Sở Cử, tân tỷ-kheo phải tuân thủ 5 pháp khi hòa mình vào tập thể xã hội:
1. Tỷ-kheo sống trong tập thể phải tu tập và thể hiện tánh từ bi, tâm thương tiếc mọi vật chất, thúc liễm thân tâm, nghiêm trì giới hạnh và siêng năng học đạo.
2. Tỷ-kheo sống trong tập thể phải luôn luôn giữ thái độ khiêm cung với bậc trên, hòa hiệp nhã nhặn với người ngang hàng và nhỏ hơn mình. Luôn biết hạ mình để tìm cầu học hỏi, xem mình như chiếc khăn lau bụi, hầu triệt tiêu kiêu căng ngã mạn.
3. Tỷ-kheo sống trong tập thể, luôn luôn kiểm soát bốn oai nghi, phải giữ đúng phép, đúng thời. Nếu thấy bậc lớn (hàng Thượng tọa) đi qua khi mình đang ngồi thì phải đứng dậy. Nếu thấy người nhỏ hơn (hàng Hạ tọa) thì không cần đứng dậy, nhưng họ chào mình thì phải chắp tay chào lại.
4. Tỷ-kheo sống trong tập thể khi nói năng phải như pháp, tự mình hoặc thỉnh người thuyết pháp thì chỉ thuyết ngôn ngữ trong Phật pháp, chứ không được phô trương kiến thức để thính chúng lầm lẫn.
5. Tỷ-kheo sống trong tập thể, nếu thấy nghe vị nào trong chúng nói hay làm việc không “như lý” cần phải tìm cách can gián, nếu xét thấy chưa nói ngay được lúc đó, vì biết nói ra sẽ bị hiểu lầm và đi đến chỗ mất đoàn kết, thì cần phải ẩn nhẫn im lặng không nên nói mà đợi đến lúc thuận tiện nói được thì nói.
Đây là 5 pháp tối thiểu căn bản cần phải có của người xuất gia nói chung và tân tỷ-kheo nói riêng. Thực hành trọn vẹn 5 điều này thì tự và tha đều được lợi ích, khả dĩ mệnh danh là một người xuất gia hay một tỷ-kheo như pháp. Đức Thế tôn diệt độ hơn 25 thế kỉ qua, nếu người xuất gia không có giới luật làm chuẩn mực thì chánh pháp dễ bị cuộc đời đồng hoá với tà pháp.
Chúng ta là người tự nguyện làm đệ tử của Phật nhất là hàng Tăng sĩ, hơn ai hết phải ý thức rằng: “Phật pháp trú thế gian giai tại Tăng hoằng” và châm ngôn của người tu sĩ là “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”.
Bởi thế, chân đệ tử của đức Phật muốn hoàn thành trách nhiệm của mình đúng nghĩa trong sự nghiệp giải thoát tự thân và hướng dẫn tha nhân đi vào chánh đạo thì việc học tập và hành trì giới luật là điều tất yếu. Và một điều cần lưu ý hơn nữa là bất luận luận tại gia hay xuất gia thì Chánh kiến và Tịnh giới phải thành tựu.
Thành tựu Chánh kiến thì người tại gia và xuất gia đều như nhau, nghĩa là đều tôn kính Tam bảo làm Thầy, làm mục tiêu cho lý tưởng hướng thượng. Song việc thành tựu Tịnh giới thì tại gia và xuất gia có sự bất đồng về mặt giới tướng.
Sở dĩ có sự khác nhau là vì căn tánh và nghiệp cảm bất đồng, nhưng bản chất của giới tánh thì vẫn chung cùng điểm đích, đó là cải hoá tánh tình. Tánh nếu không phát huy chuyển hoá thì tánh chẳng chơn, tình nếu không kiềm chế thì tình trở thành mê vọng.
Vậy muốn thành tựu Tịnh giới để cải hoá tánh tình thì sự tu học và hành trì Giới luật là điều không thể thiếu đối với bậc chúng trung tôn.
Đại địa chư Bồ-tát
Bất trước tứ Sa-môn
Năng cứu thế gian khổ
Thị cố ngã quy y.
Đệ tử chúng đẳng quy y Tăng Đại Chúng Trung Tôn thệ ngã đẳng sanh sanh vĩnh bất quy y tà sư ác hữu.
Nam mô Thường Trú Tăng Già Da
Hòa thượng Thích Quang Nhuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây