Mây trắng ngàn phương

Thứ năm - 08/10/2020 18:26

Mây trắng ngàn phương

Chắn chắn một điều, giới tử từ ngàn dặm xa về Tuyển Phật trường không phải đăng đàn thọ giới cốt để xưng tỳ-kheo cho thiên hạ nể mặt, hay vì nhu cầu lợi dưỡng; phải dốc lòng hành trì giới sau khi được truyền trao mới là mục đích của người xuất gia chơn chánh.
Nhớ chuyện xưa, mùa mưa thứ 14 sau khi thành đạo, Đức Phật cùng với chư Tăng nhập hạ tại ngôi đại Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) do trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) kiến tạo gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa an cư này, Sa-di La-hầu-la (Rāhula) tròn 20 tuổi nên được thọ giới Tỳ khưu với Tôn giả Xá-lợi-phất làm thầy tế độ. Để rồi, sau đó Tăng đoàn có một La-hầu-la mật hạnh đệ nhất.
 
1

Người mang hoài bão xuất gia thì phải tìm nương với một vị thầy có phẩm hạnh, kiến thức và thệ nguyện. Bất luận ai, không ý thức được chuyện phát tâm thực hành các pháp môn tự giải thoát mình thì chẳng bao giờ có cơ hội để giáo hóa, tế độ người khác. Được bổn sư cho phép thọ giới, giới tử nhất định phải dụng tâm tha thiết khi đến Giới trường mới mong đắc giới để an định tâm niệm trên đường hàng phục thân tâm, kiến tạo đời sống tịnh lạc trên nền tảng giới định tuệ. Chẳng phải suy luận nhiều, mỗi nữa tháng đến ngày trưởng tịnh, thầy tế độ nhắc nhở sau khi trùng tuyên lại các giới đã thọ: “Các sa-di lắng nghe! Thân người khó được, giới pháp khó gặp, thời khắc dễ qua, đạo nghiệp khó thành. Các vị cố gắng giữ thân khẩu ý cho thanh tịnh, siêng học kinh luật luận. Cẩn thận, đừng có buông lung!”

Điều tối trọng đối với giới tử là xác định lập trường cho vững chắc về vấn đề thọ giới sau khi đã thấu hiểu lợi ích của giới pháp. Các giới tử phát tâm dõng mãnh thọ giới để làm gì? Chắn chắn một điều, giới tử từ ngàn dặm xa về Tuyển Phật trường không phải đăng đàn thọ giới cốt để xưng tỳ-kheo cho thiên hạ nể mặt, hay vì nhu cầu lợi dưỡng; phải dốc lòng hành trì giới sau khi được truyền trao mới là mục đích của người xuất gia chơn chánh. Nói khác hơn, dòng sinh mạng của Tăng-già chính là sự giữ gìn giới luật nghiêm tịnh, và đời đời các thế hệ Tăng lữ trao tay nhau ngoại vật y bát qua các nghi thức của Đàn truyền giới, nhưng nội tại ẩn tàng yếu tính truyền thừa mạng mạch Phật pháp qua sự cẩn tu phạm hạnh của Tăng-già.

Thế nên, luật Tứ phần, Ngũ phần đều quy định giới tử trước khi thọ giới phải không vướng mắc 13 chướng ngại (già nạn). Chính những chướng nạn này làm trở ngại việc tu tập và phát triển của cá nhân và ảnh hưởng đến sự tồn vinh của tổ chức Tăng đoàn sau này. Do vậy, khi tuyển chọn người xuất gia học Phật, các vị Thầy cần phải tuân thủ một số điều kiện tương đối nghiêm ngặt, tuyển chọn những người có thân tướng đoan nghiêm và phẩm chất ưu việt để gia nhập cộng đồng những người mang trọng trách sứ giả của Như Lai. Điều này hoàn toàn không vì mục đích tự cao tự mãn, mà vì sự nghiệp trường tồn của Phật pháp thể hiện qua nếp sống nghiêm túc, thanh tịnh của người xuất gia đúng nghĩa nhằm trách sự chê hiềm của thế nhân và giúp cho người đời phát khởi tín tâm. Từ nhận thức này, chúng ta có thể nhận thức về Giới tử đến Giới trường cầu thọ Phật giới chính là xác định trách nhiệm của mình đối với bản thân, đạo pháp và dân tộc.

Trong Khóa Hư Lục - Thụ giới luận, Trần Thái Tông viết: “Kinh vân: Giới như bình địa, vạn thiện tòng sinh. Giới như lương y, năng liệu chúng bệnh. Giới như minh châu, năng phá hôn ám. Giới như thuyền phiệt, năng độ khổ hải”. (Giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều phát sanh; giới như thầy thuốc giỏi, hay chữa lành các bệnh; giới như viên ngọc sáng, chiếu phá chỗ tối tăm; Giới như chiếc bè báu, đưa người qua bể khổ). Công năng của giới là tiêu trừ ác nghiệp đã và đang có nguy cơ nảy mầm, phát khởi và tăng trưởng thiện nghiệp chưa phát sinh, chính nhờ giữ giới mà giới tử có thể tiếp cận được cảnh giới giác ngộ và giải thoát.
Trong Luật Thiện Kiến, Đức Phật từng dạy tôn giả A-nan có 5 điều khiến cho giáo pháp Như Lai tồn tại lâu dài:
1. Hàng đệ tử Phật biết tuân giữ Tỳ-ni;
2. Tịnh Tăng thành chủng: Dù chỉ có 5 người xuất gia mà giữ giới thanh tịnh, thì đó cũng là một yếu tố quan trọng để giáo pháp tồn tại lâu dài;
3. Truyền thọ bất diệt: Nếu ở trung quốc có 10 người lập giới đàn truyền thọ giới xuất gia, ở biên quốc có 5 người, sự truyền thọ như thế dưới hình thức 10 người hay 5 người, từ chỗ này đến chỗ khác, quốc độ này đến quốc độ khác, cũng là yếu tố khiến Phật pháp trụ thế lâu đời;
4. Hạnh nghiệp thanh tịnh: Khi đã lãnh thọ giới pháp thì giới pháp chính là những mối ưu tư những mục tiêu tuân hành. Nếu chúng Tăng phạm giới mà liền biết sám hối, tập chúng 20 người theo Luật định, để xuất tội nặng những vị Tỳ-kheo phạm giới, khiến cho những vị ấy cũng được thanh tịnh như bao nhiêu vị Tỳ-kheo khác, thì đó là yếu tố làm cho giới pháp tồn tại lâu dài;
5. Trụ trì vĩnh cửu: Với tất cả tấm lòng phát tâm thọ giới và hội đủ các điều kiện nói trên, các giới tử được Hội đồng Thập sư trao truyền giới của mười phương chư Phật ba đời.

Hôm nay các Giới tử vượt đường xa đến đây cầu thọ giới pháp, tinh thần bất diệt chính ngay chỗ phát tâm thọ giới và dụng tâm trì giới trên tinh thần phụng sự Tam bảo khiến cho Chánh pháp tóa sáng ở thế gian.
Thích Thiện Thuận
(Trích: 
ĐẠI GIỚI ĐÀN ĐỒNG HUY KẾ THỪA VÀ TRUYỀN THỪA )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây