XUẤT GIA CÓ PHẢI LÀ BẤT HIẾU KHÔNG?

Thứ tư - 04/11/2020 16:45

XUẤT GIA CÓ PHẢI LÀ BẤT HIẾU KHÔNG?

Không phải có hiếu là mua những chúng sanh tươi ngon về hầm nấu cho cha mẹ dùng. Không phải có hiếu là để cho cha mẹ luôn luôn hưởng thụ những thức ăn ngon, vì đó chỉ là hiếu ở thế gian. Làm con phải biết phân định rõ ràng, trước sau. Ta đi tu nhưng ta luôn hướng về cha mẹ để cầu nguyện cho người và chúng sanh.
Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng có nơi để đến, một nơi để đi, một nơi để nhớ và một nơi để yêu thương. Với riêng con cũng không ngoại lệ trong vòng xoay chuyển, đổi dời của một kiếp người.
Nếu có khác chăng chỉ là có khác trong sự lựa chọn con đường đến và đi của mình. Con đường hướng đến ánh đạo từ bi của đức Từ phụ. Con đường đưa chúng ta thoát khỏi bến mê, dẫn chúng ta đến bờ giác ngộ.

Mười sáu tuổi con xuất gia học Phật tập sống đời tu sĩ. Mười sáu tuổi con xa gia đình đến chốn thiền môn. Mười sáu tuổi con bắt đầu ý thức được cuộc sống tự lập của mình là đây. Mười sáu tuổi với những cái hồn nhiên còn nhỏ dại, với niềm tin ngập tràn hạnh phúc khi ngày đầu tiên con được xuống tóc. Mười sáu tuổi con vô tình trước nỗi đau xé lòng của một người đàn bà đang âm thầm lặng lẽ quay mặt ngăn những dòng nước mắt đang chực trào dâng khi nhìn từng sợi tóc của con rơi nhẹ trên đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo của vị sư già. Ngày ấy con đâu hiểu thế nào là ruột rà, máu mủ. Đâu hiểu rằng sau việc chấp nhận cho con xuất gia là những đêm trằn trọc của mình, xếp từng đồ vật cho con mà nước mắt mẹ rơi đầm dìa.
Con còn nhớ như in câu mẹ nói trước khi con lạy mẹ vào chùa “Dù ở đâu phương trời nào con cũng đừng quên me. Nghe con”. Cứng rắn là thế, mạnh mẽ là thế, mong muốn xuất gia là thế trong phút tiễn biệt con cũng không giấu được những dòng lệ của mình.

Đông qua xuân về, thấm thoát mà đã mấy mùa thu, hoa cúc nở rồi tàn. Tuổi mười sáu ngày nào nay đã qua rồi. Qua với biết bao nhiêu đổi thay, với biết bao nhiêu vui buồn lầm lạc. Nay được ngồi tại đất già lam Ni Viện Thiện Hòa, được làm Giới tử Sa-di-ni của Đại Giới đàn Thiện Hòa VI. Đời người chú điệu không có gì vui hơn là được cầu pháp như thế này. Bốn phương tụ họp về đây, kẻ Bắc người Nam, ai cũng không giấu nỗi sự vui mừng của mình và ai cũng lo sợ không qua được phần khảo hạch.
Đêm nay gió nhẹ mang chút se lạnh của tiết trời vào xuân. Con ngồi trong chánh điện Thiện Hòa để làm bài luận văn, giám khảo vừa đọc đề xong, trong con biết bao nhiêu cảm xúc bồi hồi. Xuất gia có phải là bất hiếu không nhỉ! Không, xuất gia không hề bất hiếu mà ngược lại chính là người con có hiếu. Nhớ khi xưa ngài Mục Kiền Liên vào ngục tìm mẹ. Nhớ những tấm gương độ mẹ cha của những vị Thiền sư mà đến nay sử sách còn ghi. Thì thử hỏi xuất gia làm sao là bất hiếu được.
1

Đành rằng vào chùa là bỏ cha, bỏ mẹ nhưng liệu rằng nếu chúng ta ở nhà thì có độ được cha mẹ hay không? Hay chính chúng ta cũng là những người đang mắc vào những ác nghiệp. Không phải có hiếu là mua những chúng sanh tươi ngon về hầm nấu cho cha mẹ dùng. Không phải có hiếu là để cho cha mẹ luôn luôn hưởng thụ những thức ăn ngon, vì đó chỉ là hiếu ở thế gian. Làm con phải biết phân định rõ ràng, trước sau. Ta đi tu nhưng ta luôn hướng về cha mẹ để cầu nguyện cho người và chúng sanh. Ta đi tu để độ mình, độ người cũng như trong kinh đã nói: “Gia đình có một người xuất gia là có thể cứu được bảy đời”. Vậy thì tại sao có thể nói rằng xuất gia là bất hiếu được?
Khi xuất gia ta hướng đến con đường tươi đẹp. Cuộc sống của chúng ta không phải bon chen chụp giựt. Xuất gia ta có thể làm cho cha mẹ ta tăng trưởng niềm tin hơn trong ánh đạo. Ta có thể hướng dẫn cho người biết bao nhiêu là việc: như niệm Phật để tâm an bình. Sống yêu thương với tất cả mọi người mọi loài, từ bi với tất cả hướng đến Phật để cầu những niềm vui trong thực tại, tránh điều nhân quả.
Ngay từ giây phút này con hứa sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn để sự lựa chọn của mình không phải là vô nghĩa. Con sẽ báo hiếu cho cha mẹ bằng sự báo hiếu xuất thế gian: tu giải thoát để giúp cha mẹ an lạc trọn một kiếp người,mỗi ngày cha mẹ thêm tinh tấn tu học.

 
Thích nữ Diệu Phước
(Giới tử Sa-di-ni)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây