Siêu Giác Ngạn

Thứ hai - 02/11/2020 16:29

Siêu Giác Ngạn

Nhớ lại, khi đến “Tuyển Phật trường” sao mà yên ổn, tĩnh lặng, an lạc quá. Trong đời người chơn tu, thật học nên ghi nhớ kỹ giây phút này để làm nhựa sống, hành trang trân quý suốt lộ trình cho đến khi nào sáng đạo mới thôi. Song, không thể nói suông lý thuyết mà phải tác ý như lý.
Trong kiếp phù sinh mênh mông vô tận, con người sống bồng bềnh nổi trôi giữa dòng nước xóay quay cuồng không định hướng. May mắn thay! Có những người từ kiếp trước đã trồng sâu căn lành, nên đời này sớm chọn cho mình con đường chơn thiện mỹ, thoát khỏi u tối mê lầm để hướng đến an vui, giác ngộ. Đó chính là con đường Giới - Định - Tuệ, là cái đảnh ba chân mà bất cứ người xuất gia học Phật nào cũng phải nghiền ngẫm sâu sát, trui rèn để làm chất liệu nuôi dưỡng giới thân huệ mạng của chính mình trong hiện tại và tương lai.
1

Những ai đã phát nguyện tu tập theo dòng họ Thích trong thời đại vật chất lên ngôi này thì phải biết áp dụng những lời Phật tổ đã dạy và “phản quan tự kỷ”. Vâng! Xét lại mình là điều tiên quyết không thể thiếu trong cuộc sống, bởi hoàn cảnh quá sung túc mà khuynh hướng con người thường lúc nào cũng muốn sung sướng, thoải mái, tự do, vui chơi…..chứ ít ai biết tu hành là phải buông xả ngũ dục, lục trần để tâm hồn thanh thản, vắng lặng sống với “bản lai diện mục” sẵn có nơi mỗi người.

Thật vậy, trong Giới luật, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ”. Giới là “phòng phi chỉ ác”, là thần dược, là chiếc cầu, là phao nổi, là của báu…. cứu giúp tất cả chúng sanh vượt qua biển khổ sanh tử luân hồi, rồi lên bờ giác tiến thẳng về bảo sở, đừng dại dột ghé thăm viếng bất cứ chỗ nào dù đó là “kỳ hoa dị thảo” hay “sơn hào hải vị” hãy quyết tâm, giữ chí nguyện ban đầu đã chọn.

Nhớ lại, khi đến “Tuyển Phật trường” sao mà yên ổn, tĩnh lặng, an lạc quá. Trong đời người chơn tu, thật học nên ghi nhớ kỹ giây phút này để làm nhựa sống, hành trang trân quý suốt lộ trình cho đến khi nào sáng đạo mới thôi. Song, không thể nói suông lý thuyết mà phải tác ý như lý. Ba nghiệp (Thân, khẩu, ý) phải vận dụng nhuần nhuyễn theo chiều hướng thánh thiện tích cực.

Thực ra, “Nhơn vô thập toàn” làm người sống trong vòng tương đối nầy ai dám tự cho rằng mình hoàn toàn không có lỗi lầm, nhưng nếu có điều gì sai quấy thì phải sửng hồn mau lẹ mà “hồi đầu thị ngạn”. Chúng ta phải luôn dùng “gương báu sáng” dứt bỏ sự ô trược, nhiễu nhương, vướng bận để cho mặt trời tuệ giác chiếu soi khắp hang cùng ngõ hẻm, phát ra “châu ma ni rưới của giúp kẻ nghèo”, đúng danh nghĩa người xuất gia có giới hạnh thanh tịnh trang nghiêm, đức độ vẹn toàn thì đấy chính là kho báu mà vị ấy được thừa hưởng từ “Tam sư thất chứng” truyền trao.
Bởi vậy, khi ta đăng đàn thọ giới thì giới tràng phải trang nghiêm, giới sư phải như pháp, Giới tử phải chí thành tha thiết. Đầy đủ ba yếu tố nầy thì chắc chắn Giới tử sẽ đắc giới. Dấu ấn sâu sắc, nhiệm mầu nầy sẽ theo ta mãi mãi từ đời nầy qua đời khác và chỉ xuất hiện duy nhất, một lần trong đời của vị Giới tử. Bên cạnh đó, cứ mỗi nửa tháng chúng ta lại gặp Đức Phật một lần. Vì Đức Thế Tôn lúc sắp đi vào Niết Bàn, Ngài có dạy: “Ngã bất diệt độ, bán nguyệt nhất lai”. Nghĩa là ngài không đi đâu cả, cứ mỗi nửa tháng Ngài gặp lại chúng ta một lần. Lành thay! Ngày mà tất cả hàng đệ tử chơn chánh y phật sở thuyết, y giáo phụng hành cùng nhóm họp để phát lồ sám hối những gì từ thân - khẩu - ý gây ra tội lỗi để tâm thanh tịnh, vắng lặng, an ổn mới có thể gặp được Đức Phật, cũng gọi là trưởng tịnh hay Bố Tát vậy.

Thưa chư Pháp lữ! Tre tàn mà măng chưa mọc, đó là nỗi trăn trở của những bậc tôn túc. Chúng ta phải có tâm nguyện thừa tự pháp, duy trì và phát triển ngôi nhà Phật pháp. Đừng thờ ơ nữa, chớ đợi nước tới chân mới nhảy, thì làm sao vững vàng được? Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất đông Tăng Ni, đủ điều kiện rèn luyện, đào tạo tại sao không tính trước, không lo xa ắt phải có buồn gần.

Nhiệt huyết của người con Phật là phải có bổn phận gánh đỡ ngôi nhà chánh pháp được trường lưu mãi mãi, thiết nghĩ làm như thế cũng chưa đủ trả nợ cơm áo dàn na. Nỗ lực hết mình trong công tác Phật sự, không vị kỷ, hẹp hòi là Đức Phật đã chứng minh gia hộ cho chúng ta rồi. Không đợi có địa vị cao, không màng đến chuyện khen chê. Đạo là vậy đó! Tu là vậy đó!
Ngược dòng lịch sử, Tổ Sư Ni Đại Ái Đạo của chúng ta trải qua biết bao gian khổ thử thách, khó khăn mới được xuất gia học đạo. Chúng ta bây giờ thì khác thời xưa lắm, mọi việc đều thuận duyên, vậy mà lại không biết một lòng vì đạo pháp thì sao có thể xứng đáng là con gái Như Lai.

Tóm lại, người xuất gia học đạo giải thoát thì lúc nào cũng phải “thường tự ma đầu” vì đây là tướng đại trượng phu. Mà đã là đại trượng phu thì việc nào nên làm, việc nào không nên làm, việc nào nên nghĩ, việc nào không nên nghĩ và phải chú ý “hạn chế nghe nhìn mọi thứ trần lao là động tác quan trọng để giới hiện diện trong ta”. Vì giới là “phòng phi chỉ ác”, là thanh lương, là linh dược, là chuỗi anh lạc, là diệu hạnh…. cho nên, hành giả nào thật sự sống với sơ tâm xuất gia của mình thì vấn đề “Siêu giác ngạn” là trong gang tấc và nhất định sẽ gần bên chân Phật, không cần tìm kiếm đâu xa. Đừng làm người tu hành mà thiếu ý chí kiên định, sống trong chốn không môn mà không biết mình là ai thì thật là đáng thương lắm vậy!
NS. Thích nữ Hạnh Nhân
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây