ĐẠI TÒNG LÂM NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Thứ ba - 03/11/2020 17:35

ĐẠI TÒNG LÂM NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Dù có đi bất cứ nơi đâu, tôi luôn nghĩ nhớ và tự hào về Đại Tòng Lâm, miền đất Thánh. Nơi đây đã gắn kết cuộc đời tôi với bao kỷ niệm vui buồn khó tả, từ những ngày ban sơ mới khai sơn, rồi chứng kiến bao cuộc đổi thay cũng như từng bước trưởng thành của nó. Nhưng hơn bao giờ hết, Đại Tòng Lâm mãi là ngôi phạm vũ cho chúng ta trở về, nương tựa.
Ô hay, Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm đã điểm một dấu son trên trang sử Phật giáo Việt Nam và nở nụ cười tinh khôi với tất cả những ai trở về.
Nhận được thư mời viết báo, tôi suy nghĩ mãi nhưng không biết viết gì đây; cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đã lúng túng, luộm thuộm rồi, huống gì với tuổi chín mươi của tôi thì làm sao tránh khỏi tay chân bị run rẩy, viết chữ ngoằn nghoèo, ý tứ lộn xộn,v.v... Nhưng chủ đề viết lại là Đại Giới đàn Thiện Hòa và những vấn đề liên quan đến mảnh đất và con người nơi Đại Tòng Lâm – Thị Vải; thú thật, với tôi, nó đã rất quen thuộc và thân thương biết dường nào! Những ký ức như hiện về, nhưng quả thật trí nhớ của tôi tệ quá, nó lung tung, đan xen vào nhau, rối bời, và biết nói gì bây giờ. Ah, phải rồi, Đại Tòng Lâm, từ ngày tôi mới về mảnh đất này cho đến hôm nay, nó từng bước chuyển mình theo năm tháng, và đã thay đổi nhiều. Bao nhiêu vị tiền bối hữu công đã nằm xuống cho mảnh đất đơm hoa lành trái ngọt cộng với những vị thừa kế thật anh tài, phước trí nhị nghiêm đã làm cho khu Đại Tòng Lâm ngày một trang nghiêm, trở thành ngôi phạm vũ ngang tầm với các tòng lâm của các nước Phật giáo bạn trong khu vực.
Năm tháng qua mau, vạn vật luôn thay đổi, Đại Tòng Lâm sẽ có những bước phát triển mới. Và có lẽ vài mươi năm nữa, ít còn ai biết về những thời kỳ sơ khai của Đại Tòng Lâm một thuở. Vì vậy, giờ đây, chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường phát triển của tòng lâm thánh địa này để “ôn cố tri tân” và cũng nhắc nhở cho thế hệ sau kế thừa và phát triển để khỏi phụ lòng các bậc tiền bối đã và đang tốn bao công sức, tâm lực gầy dựng.

 
1

2

1. Giai đoạn sơ khai
Hưởng ứng sự kêu gọi phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Thích Thiện Hòa trụ trì chùa Ấn Quang, TP. Hồ Chí Minh đã đến khai sơn khu đất rộng lớn gần 100 hecta (cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km) vào năm 1958 rồi lập chùa, ngôi chùa đó, ngày nay có tên là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, ban đầu chùa chỉ làm bằng mái lá đơn sơ, khiêm tốn làm nơi lễ bái cho Phật tử nơi đây và cũng đang gieo hạt giống bồ đề trên mảnh đất này và đợi ngày nhân duyên hội đủ. Với tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh và có tầm nhìn xa trông rộng, Hòa thượng khai sơn luôn mong muốn xây dựng nơi đây thành một trung tâm tu học, trường Phật học cho Tăng Ni khắp nơi về đây tu học. Vì vậy,  hàng tháng Hòa thượng và chư tăng tại Ấn Quang vẫn thường lui tới khai khẩn đất đai, trồng cây và từng bước gầy dựng ngôi nhà Phật pháp. Mái chùa ngày càng được rộng mở để tiếp đón dân làng và Phật tử các nơi trở về chiêm bái.
Quả thật, “đất lành chim đậu”, vùng đất đã gieo hạt giống bồ đề, trong thời gian này, chư Tăng Ni các nơi đã về đây xin Hòa thượng lập chùa, thiền viện, dựng am thất để tu học ngày một đông. Vậy là, khu đất này đã trở thành Đại Tòng Lâm thực sự khi cổng tam quan xây bằng đá rất kiên cố vào năm 1974, là lối đi chung cho các chùa và am thất tại đây.
Nhân duyên đã hội đủ, chùa Đại Tòng Lâm (1) được trùng tu năm 1982 gồm: chánh điện(2) và các công trình phụ như: giảng đường, Tăng xá, tháp, bia tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa, tháp Đa Bảo, vườn Lâm-tỳ-ni, vườn Lộc Uyển, cầu Ly Trần(3), v.v.. Chùa còn có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên đứng trên đầu rồng cao 17m có giá trị thẩm mỹ và hiện nay vẫn là điểm tựa tâm linh cho hàng Phật tử xa gần.
Như vậy, hơn 20 năm, từ một mảnh đất hoang sơ “rừng gai nước độc” đã trở thành một vùng đất bình yên với những hoa lành trái ngọt. Nhất là sau ngày giải phóng, Tăng Ni về đây tu học ngày một đông (khoảng 500 – 600 vị), các am thất được mọc lên nhiều hơn. Đồng thời, chùa Đại Tòng Lâm cũng được trùng tu, về mặt cơ sở vật chất đã tương đối đầy đủ cho Tăng Ni tu học. Trong giai đoạn này, chư Tăng Ni lao động sản xuất để tự nuôi sống và cũng để tu tập, rèn luyện thân tâm với tinh thần “Một ngày không làm là một ngày không ăn”. Quả thật, bữa ăn rau dưa đạm bạc nhưng đời sống chư Tăng Ni thật an lạc, nhẹ nhàng.

2. Giai đoạn chuyển mình và phát triển
Đến năm 1990, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra kế hoạch mở trường đào tạo Tăng tài kế thừa mạng mạch Phật pháp. Đây cũng chính là tâm nguyện của Tổ khai sơn khi đặt chân lên mảnh đất này. Vì vậy, chư Tôn đức trong Ban Giám đốc đã họp bàn và quyết định mở trường Phật học, và có lẽ, đây là bước chuyển mình ban đầu của Đại Tòng Lâm. Kế hoạch trên được đặt ra và tất cả đều đồng lòng, chung tay góp sức cho Phật sự quan trọng này. Trong thời gian này, Ban Giám đốc đã cho xây dựng khu Tăng xá cho Tăng Ni sinh để chuẩn bị cho việc mở trường Cơ bản Phật học nhận Tăng Ni các nơi đến học.
Bao nhiêu mơ ước cũng trở thành hiện thực, khi nhà nước và Giáo hội cho phép mở trường Cơ bản Phật học và trường chính thức được khai giảng vào ngày 14/4/1990 (16/03/ Canh Ngọ). Đây là một niềm vui lớn cho chư Tôn đức lãnh đạo đã bao năm thao thức. Một luồng gió mới đã thổi đến nơi mảnh đất hoang sơ này, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Đại Tòng Lâm thật sự đã có những chuyển biến đáng kể, một sức sống mới với luồng sinh khí mới đang mời gọi những lữ khách đến tìm chân lý giải thoát.
Song song với niềm vui đó, bao nỗi lo toan đè nặng lên đôi vai chư Tôn đức trong Ban Giám hiệu, Ban Giám đốc. Làm sao không lo được khi chỗ ở của Tăng Ni sinh còn thiếu thốn, chật hẹp và lớp học còn rất sơ sài, khiêm tốn. Cái đáng lo ngại hơn nữa là trong thời buổi kinh tế khó khăn, cái ăn, cái mặc, sự đau bệnh ... và bao nhiêu thứ khác biết lấy gì để lo? Chư tôn đức trong ban, mỗi vị đều phải đi vận động khắp nơi để mang về những viên gạch, những gạo, những rau,... lo cho Tăng Ni yên tâm tu học.
Thế là chiếc xe đã chuyển bánh, nhưng những người lái xe vẫn thấp thỏm lo toan, ưu tư trăn trở với một lòng mong mỏi là trên con đường vạn dặm khó đi này, xe đừng hư, người lái vững tay để mọi người đều đến bến một cách bình yên.
Năm tháng qua mau, ngày ra trường đã gần kề, bao lo toan vất vả cũng được đền bù xứng đáng, năm 1994, lễ phát văn bằng tốt nghiệp Khóa I như là một kết quả tốt đẹp, một phần thưởng xứng đáng không chỉ dành cho các Tăng Ni sinh mà hơn bao chư giờ hết là dành cho chư Tôn đức trong ban lãnh đạo, những gương mặt tươi sáng, những ánh mắt lung linh, những nụ cười rạng rỡ đầy niềm tin yêu về những thành quả ban đầu đã đạt được. Vui mừng vì thực hiện được một phần tâm nguyện của Tổ khai sơn, vui vì đạo tạo được lớp kế thừa hoằng truyền chánh pháp,v.v…
Một sự kiện hi hữu, một sự linh thiêng nhiệm mầu trên mảnh đất Đại Tòng Lâm này đã in đậm vào trong tâm trí tôi, đó là đại Giới đàn năm 1993, lấy tên tổ khai sơn là đại Giới đàn Thiện Hòa I. Một Đại Giới đàn thật uy nghiêm, quy mô bậc nhất kể từ khi đất nước độc lập đến nay. Chính bản thân tôi cũng không thể tin được vào mắt mình khi chứng kiến và tham dự suốt những ngày ở Giới đàn này cũng như những ngày trước đó khi chuẩn bị cho việc tổ chức Giới đàn. Chỉ trong vòng mấy tháng mà đã biến khu đất toàn cây cối bên kia cầu Ly Trần thành những ngôi nhà ngói đỏ tươi để chuẩn bị cho Đại Giới đàn. Phải chăng đây chính là sự gia trì của chư Phật, chư Tổ, đặc biệt là tổ khai sơn(4)? Đại Giới đàn thật trang nghiêm, long trọng với sự hộ trì và chứng minh của tất cả các bậc cao tăng thạc đức khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam thời bấy giờ như: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, v.v.. mặc dù ngôi “Tuyển Phật trường” chỉ lợp bằng mái lá đơn sơ.

 
2

3

Đại Giới đàn khép lại, nhưng tiếng vang về Đại Tòng Lâm Thánh địa ngày một vang xa. Những Giới tử thọ giới được đắc giới tại Giới đàn này như những con chim đủ lông cánh và kiếm được thức ăn, giờ đang bay về tổ và bay khắp mọi miền đất nước truyền tin cho nhau rằng “Đại Tòng Lâm là một Thánh địa, linh thiêng, nhiệm mầu, là nơi đào tạo Tăng tài ...” Kể từ đó, Đại Tòng Lâm trở thành miền đất hứa cho biết bao sĩ tử khăn gói đến cầu Thầy học đạo và bao lữ khách đến tìm chốn bình an hoặc tìm cầu chân lý.
Quả thật, từ đây, Đại Tòng Lâm đã thật sự chuyển mình và có những bước phát triển để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni. Sự phát triển liên tục và hôm nay nó thật sự đã thay da đổi thịt trở thành một Đại tòng lâm Phật giáo lớn nhất nước ta.

3. Giai đoạn phát triển ở tầm vĩ mô
Ngày nay, người ta biết đến Tòng Lâm nhiều hơn, thậm chí thế giới cũng biết nhiều về nơi đây. Phần lớn, họ biết đến Tòng Lâm qua những khái niệm như: là ngôi chùa có chánh điện lớn nhất Việt Nam(5), hoặc ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất(6). Ngoài ra, người ta còn biết đến đây là một làng chùa vì có rất nhiều ngôi chùa và Tăng Ni tu tập.
Có thể nói rằng, nếu ai đi xa mới trở về thì khó có thể tưởng tượng rằng Tòng Lâm đã thật sự thay da đổi thịt nhanh như thế? Tòng Lam ngày nay không còn những rừng tràm bạt ngàn, những vườn mai xanh rờn nữa, mà thay vào đó là những dãy nhà lầu khang trang, rộng lớn, mái ngói đỏ tươi mọc san sát nhau. Cộng với Chánh điện một lầu một trệt rất trang nghiêm, các mặt vách chung quanh điện Phật tôn trí 10.000 tượng Phật(7) theo kinh Vạn Phật. Có lẽ, đây là một trong những lý do mà Hòa thượng Thích Quảng Hiển đổi tên Đại Tòng Lâm thành Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm tự(8).
Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm ngày nay có diện mạo mới với cổng tam quan, đại tự, quần thể tượng và nhiều công trình phụ khác. Chùa chia làm hai khu vực: khu vực dành riêng cho khách hành hương và khu sinh hoạt, tu học cho chư Tăng. Đặc biệt, khu dành cho khách hành hương có nhiều công trình tâm linh sinh hoạt tín ngưỡng như: quần thể vườn tượng Cửu phẩm Cực Lạc gồm 48 pho tượng Đức Phật A Di Đà bằng đá hoa cương, đạt trình độ nghệ thuật đã tạo nên cảnh sắc trang nghiêm, thanh tịnh; công trình Bảo tháp(9) tầng thờ xá-lợi ngọc; tượng đài Phật Di Lặc; khuôn viên hồ Liên Trì,v.v.. phục vụ khách hành hương, du lịch từ phương xa đến chiêm bái, kính ngưỡng. Công trình Vãng sanh đường và các dãy nhà dành cho Tăng Ni, Phật tử chuyên niệm Phật. Bên cạnh đó, còn rất nhiều công trình khác đang trong kế hoạch xây dựng như thư viện, phòng trưng bày...
Tóm lại, có thể nói, đây là ngôi đại tự có nhiều kỷ lục với những công trình quy mô to lớn, hiện đại. Nơi đây đã giữ được 6 kỷ lục do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập gồm: Chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm là ngôi chùa có chánh điện lớn nhất Việt Nam (năm 2006), Tượng Bồ tát Di Lặc(9) nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam, Chùa Đại Tòng Lâm với khóa An cư kiết hạ có số Tăng Ni tập trung nhiều nhất Việt Nam(10), ngôi chùa có tượng Phật nhiều nhất Việt Nam (3 kỷ lục này được xác lập vào năm 2007), Vườn Cửu phẩm Cực Lạc tôn trí tượng Phật A Di Đà bằng đá hoa cương nhiều nhất Việt Nam(11) (năm 2009) và tượng Tam Thánh Cực Lạc bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam (năm 2010).
Với những thành tựu mà Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm có được ngày hôm nay là nhờ biết bao công sức của các bậc tiền bối khai sơn, những bước chân vân du hoằng hóa của các bậc Cao Tăng thạc đức đem lợi lạc đến cho con người và cuộc đời, mặc dù các Ngài không hề muốn lưu dấu như: “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Cùng với sự lãnh đạo tài tình và có tầm nhìn xa trông rộng của Hòa thượng Thích Quảng Hiển, người trực tiếp làm cho Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm có tầm cỡ, quy mô lớn như hôm nay. Song, việc gầy dựng nơi đây đã khó vô cùng, phải mất bao thế hệ mới làm xong, nhưng việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển lại khó hơn rất nhiều lần. Vậy chúng ta phải làm gì đây? Chúng tôi xin mạn phép góp vài ý kiến nhỏ như sau:
Đây là một công trình tâm linh lớn, có quy mô vậy phải có tổ chức chặt chẽ; phải có ban quản lý rất nhiều người và chia theo việc, nhưng tất cả phải sống và làm việc trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp.
Đã là một công trình tâm linh thì chúng ta phải thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Tăng Ni và Phật tử. Hiện nay, các chùa chỉ tổ chức khóa tu cho Phật tử, còn khóa tu dành cho Tăng Ni thì không, nếu có đi chăng nữa thì trong phạm vi nhỏ (chùa) mà thôi. Đồng thời, chư Tăng Ni tại đây phải tu tập thật nghiêm mật thì nơi đây mới giữ được cái “hồn” của vùng đất Thánh, làm điểm tựa tâm linh cho Phật tử trở về nương tựa. Phải đào tào tầng lớp kế thừa có đủ tài, đức thật sự và phải có chế độ “chiêu hiền đãi sĩ”; có như vậy mới mong có được đội ngũ kế thừa hùng mạnh, làm tốt nhiệm vụ của mình. Thực tế, khu vực Đại Tòng lâm nói riêng hay huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) nói chung, số lượng Tăng Ni rất đông nhưng chất lượng thì chưa tương xứng hay nói cách khác là lượng thì có mà lại thiếu chất. Bên cạnh đó, có tình trạng chảy chất xám, có nghĩa là Tăng Ni sau khi học xong không về lại trú xứ để đóng góp Phật sự mà lại làm việc ở các nơi khác. Điều này, một phần do bản thân Tăng Ni đó, một phần có thể do nhiều yếu tố tế nhị khác. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp khắc phục để Đại Tòng Lâm mãi mãi là vùng đất hứa, là ngôi phạm vũ để tất cả chúng sanh núp bóng, nương tựa. Nhưng dù sao, về mặt tương đối, như vậy cũng là tốt lắm rồi, công việc hoàn thiện cần có một lượng thời gian nhất định.
Dòng sanh diệt vẫn lững lờ trôi, và tất cả những gì là pháp hữu vi đều có một kết cục như nhau, đời người chóng qua mau và dòng thời gian đã điểm qua tất cả. Nhưng những gì là giá trị mà con người ấy để lại thì còn mãi với thời gian và không gian bất tận. Dòng lịch sử sẽ ghi lại dấu ấn của mỗi con người trong cuộc đời và biết bao nhân vật kiệt xuất mà chúng ta đời đời phải tri ân và niệm ân. Hòa thượng Thích Thiện Hòa và bao bậc tiền bối đã đến với cuộc đời, nơi mảnh đất Đại Tòng Lâm này và đã thuận theo quy luật ấy một cách trầm lặng, bình yên, nhưng công hạnh, đạo nghiệp và những đóng góp của quý Ngài cho cuộc đời thì còn mãi với thời gian vô cùng và không gian vô tận. Đại Tòng Lâm phạm vũ vẫn còn đó ngày một khang trang, hùng mạnh với vị lãnh đạo là Hòa thượng Thích Quảng Hiển và những người thừa kế là hiện thân sống động của các bậc tiền bối khai sơn, xin được niệm ân quý Ngài và nhờ quý ngài mà vùng đất hoang sơ này đã trở thành một Đại Tòng Lâm, nơi đã và đang ươm mầm bao thế hệ.
Dù có đi bất cứ nơi đâu, tôi luôn nghĩ nhớ và tự hào về Đại Tòng Lâm, miền đất Thánh. Nơi đây đã gắn kết cuộc đời tôi với bao kỷ niệm vui buồn khó tả, từ những ngày ban sơ mới khai sơn, rồi chứng kiến bao cuộc đổi thay cũng như từng bước trưởng thành của nó. Nhưng hơn bao giờ hết, Đại Tòng Lâm mãi là ngôi phạm vũ cho chúng ta trở về, nương tựa.
Ô hay, Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm đã điểm một dấu son trên trang sử Phật giáo Việt Nam và nở nụ cười tinh khôi với tất cả những ai trở về.
NT. Thích nữ Hạnh Thông

¹ Khu Đại Tòng Lâm là nói chung cho tất cả chùa trong khu vực này; chùa Đại Tòng Lâm là chỉ cho chánh điện và các công trình phụ nằm phía bên tay trái từ cổng nhìn vào do Ban Giám đốc coi sóc, còn các chùa, am thất khác đều tự quản.
² Diện tích khoảng 112m2 (ngang 7m, dài 16m)
³ Cầu này bắt ngang qua hồ Tịnh Tâm, nối liền khu thượng và khu hạ của Đại Tòng Lâm, nhưng nay đã không còn, chỉ còn hồ Liên Trì (hình dáng hồ cũng đã thay đổi)
⁴ Theo họa đồ của Tổ khai sơn, khu thượng này là nơi xây dựng Chánh điện, Tu viện, Phật học viện hay nói chung là nơi tu học cho chư Tăng. Ban đầu, ban Kiến đàn định chọn ở khu hạ để mở Giới đàn nhưng nhận thấy nó chật hẹp và cũng không phải là ý muốn của tổ khai sơn. Vì vậy, ban Kiến đàn đã mạnh dạn và quyết tâm, một lòng làm theo ý Tổ và quả thật, Phật pháp nhiệm mầu, đất Tổ linh thiêng, không cô phụ những tấm lòng Bồ-tát vì đàn hậu tấn và tất cả chúng sanh.
5 Ngôi chính điện Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự có 2 tầng, dài 91m, rộng 46m, được Hòa thượng Thích Quảng Hiển tổ chức xây dựng vào năm 2002, theo thiết kế của kiến trúc sư Lê Quang Mẫn. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục ngày 02-01-2006 
6 Kỷ lục ngày 31-5-2007: Chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm - ngôi chùa có tượng Phật nhiều nhất Việt Nam
7 Mỗi tượng ngang gối 0,25m, cao 0,30m
8 Cổng tam quan xây bằng đá vào năm 1974 đã được thay bằng cổng tam quan mới to lớn, được xây dựng năm 2007 với tên mới là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm tự.
9 Pho tượng Bồ tát được đặt trước chánh điện, nặng 40 tấn, cao 5,1m, hoàn thành năm 2002.
10 Hằng năm, chùa là nơi tổ chức khóa An cư kiết hạ cho chư Tăng trong tỉnh. Năm 2004 - Phật lịch 2548, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức khóa An cư kiết hạ, Tăng chúng, Ni chúng về kết giới tu học tại chùa Đại Tòng Lâm với số lượng 1.200 vị
11 Gồm 48 pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá hoa cương, trong đó có pho tượng đức Phật A Di Đà cao 18m bằng bê tông xi-măng cốt thép

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây