Bài học Hoằng pháp từ cuộc đời thực tiễn của cố HT HUỆ ĐĂNG

Thứ tư - 21/10/2020 16:03

Bài học Hoằng pháp từ cuộc đời thực tiễn của cố HT HUỆ ĐĂNG

Nhân dịp Đại Giới đàn mang tên cố HT HUỆ ĐĂNG sắp diễn ra từ ngày 22-26/11/2020 (nhằm ngày 08-12/10 năm Canh tý), nhận lời đề nghị từ BBT Website, Học giả Dương Kinh Thành đã viết riêng cho chúng tôi bài khảo cứu về cuộc đời Hoằng pháp của Ngài. BBT xin trân trọng giới thiệu đến Chư tôn đức và độc giả.
Nhân Đại Giới Đàn Huệ Đăng 2020
 
BÀI HỌC HOẰNG PHÁP TỪ CUỘC ĐỜI
THỰC TIỄN CỦA HÒA THƯỢNG HUỆ ĐĂNG

MỘT
Hòa thượng Thích Huệ Đăng (1873 – 1953) xuất thân từ vùng đất quê nghèo An Đông, Bình Khê (nay thuộc huyện Tây Sơn, tình Bình Định). Từ một gia đình Nho học và sống trong môi trường giáo dục nghiêm túc, nên ngay từ thửơ thiếu thời đã sớm trang bị cho mình tư chất thông minh, qua đó, theo dòng thời cuộc Ngài cũng đã có những nhận thức cuộc sống thức thời rất nhanh nhạy.

Khi còn ngồi trong ghế nhà trường, bao nhiêu diễn biến đau thương của dân tộc dưới gót giày xâm lặng ngang ngược của Phú-Lang-Sa, nhất là dư chấn khoắc khoải nhưng lung linh và thôi thúc Chiếu Cần Vương của nhà vua yêu nước Hàm Nghi sau ngày kinh đô Huế thất thủ 22 tháng 5 Ất Dậu (1885) đã làm lay động bao trái tim yêu nước khắp mọi nơi. Những ngày đó, Ngài cùng bạn hữu đồng môn cũng tham gia hưởng ứng từ những việc trước mặt như bãi khóa, cùng nhau lên tiếng ủng hộ tinh thần yêu nước của các sĩ phu và bao tầng lớp nghĩa quân Cần Vương, trực tiếp tham gia, dấn thân vào hàng ngũ nghĩa quân, dưới sự chỉ huy của của các ông Mai Xuân Thưởng (1860 – 1887), Bùi Điều v.v… ngay trên đất Bình Định quê hương mình, bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi thanh xuân đẹp nhất đời mình. Cho đến khi phong trào tan rã dưới sự truy bắt gắt gao của thực dân, một số tạm ẩn dật chở thời, một số tìm đến các nơi khác để tiếp tục cuộc đấu tranh và một số phải lưu lạc xa xứ ngàn phương đề tìm ngõ lối sinh tồn và cũng để mong tìm cơ hội, có dịp tiếp tục cuộc dấn thân, trong đó có Ngài!

 HAI
Chính diện Long Hoà cổ tự
Chính diện Long Hoà cổ tự
Mãnh đất Miền Đông Bà Rịa này (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là nơi bước chân xuôi Nam của Hòa thượng Huệ Đăng dừng lại trong tâm trạng mỏi gối chồn chân như bao lữ khách sau chuyến hành trình dài của cuộc đời. Mái hiên chùa quê Long Hòa Cổ Tự cũng chính là nơi Ngài ngả lưng tạm dừng bước mỏi, và cũng chính nơi đây tiếng chuông chiều muộn ngân lên, đã lay động lòng trần nơi Ngài, kịp thức tỉnh giấc mộng trần gian. Tổ sư Hải Hội – Chánh Niệm (1834 – 1905) đã dang tay tiếp độ và với tư chất thông minh, đỉnh đạt, tiếp cận Phật Pháp nhanh nhẹn nên Ngài được vị Bổn Sư đặt cho pháp hiệu Thiện Thức quả đã rất xứng danh.
 
1
Thiền sư Chánh Niệm - Hải Hội

Hòa thượng Huệ Đăng bước vào nẻo đạo hanh thông và rất thuận duyên như thế, nhưng theo lời kể của cố H.T Thích Thiện Hào (1911 – 1997) ngay khi vừa mới tiếp cận với tư duy Phật Pháp, tìm thấy nơi đây những lối mở tươi đẹp và miên trường, Ngài có nói một câu cảm khái nhưng mang tính nối tiếp rằng Cứu Quốc Không Xong, Thôi Đành Cứu Đời Vậy”. Thật vậy, sự tiếp nối này theo diễn biến trải dài trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo của Ngài mà nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy ẩn hiện bằng nhiều hình thái khi cương khi nhu khác nhau trước mọi tình thế nhiễu nhương của đất nước. Cho đến khi viên tịch rồi, hàng đệ tử và đồ chúng thân thiết của Ngài vẫn noi theo chí nguyện thiết tha đó, tiếp nối cho tròn vẹn hạnh nguyện Cứu Quốc- Cứu Đời một cách xuất sắc. Có thể nêu điển hình hai vị đệ tử của Ngài là cố H.T Thích Minh Nguyệt (1907 – 1985) và cố H.T Thích Thiện Hào (1911 – 1977). Nếu ngày xưa Ngài “Cứu Quốc Không Xong, Thôi Đành Cứu Đời vậy” thì ngày nay hai vị đệ tử này trực tiếp dấn thân trên lộ trình song hành Đạo Pháp Và Dân Tộc một cách tròn vẹn và vẻ vang.

Năm Ất Sửu (1925), Ngài trở lại Núi Dinh (Núi Cố ở xã Hắc Lăng), chọn một hang động để ẩn tu, thực hành hạnh khắc khổ để chuyên trì giới đức. Ngài đặt tên nơi đó là “Thạch Động”, bên ngoài cửa hang Ngài có viết hai câu “Tá Thạch vi Tường, Thực Thức Lão tăng Cùng Đáo Đề / Dĩ Phong Tác Phiến, Thùy Tri Đạo Lạc Vô Cương” (Mượn đá làm tường, ai hiểu lão tăng nghèo đáo để/ Lấy gió làm quạt, ai biết đại đạo vui vô cùng). Chi tiết này nói lên đức tánh khiêm cung và tự tại của một bậc tăng nhân đúng mực khi vừa hóa đạo chốn phồn hoa lại chọn nơi thâm sơn cùng cốc để tự vun bồi giới đức. Cũng qua đó khiến chúng ta nhớ về chư vị Tổ Sư xưa từng trải qua bao phong ba bão táp vẫn ung dung với mối đạo giác ngộ tự thán an nhiên.

BA
 Như là một gương mẫu, một bậc chân tu như thế tưởng đã an nhiên với cỏ ngàn gió nội, bằng lòng với chọn lựa không vướng bận trần ai. Thế mà với trách nhiệm của một người con Phật, mang sẵn trong mình bao sở học vun bồi xưa nay, sau khi xây dựng xong Tổ Đình Long Hòa (Năm Kỷ Tỵ 1929) và Thiên Bửu Tháp (Quý Dậu 1933) Ngài nhanh chân tham gia phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, Hội Nam Kỳ nghiên Cứu Phật Học, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (năm Giáp tuất 1934) do Hòa thượng Khánh Hòa (1877 – 1947) chủ xúy. Năm Đinh Sửu (1937) Ngài còn cùng H.T Trí Thiền (1882 – 1943) thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế và năm Ất Hợi 1935) ngài thành lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, trụ sở đặt tại chùa Long Hòa (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đó cũng là thời gian tạp chí Bát Nhã Âm cũng do Ngài thành lập, góp tiếng nói chung cho công cuộc Chấn Hưng Phật Giáo thêm phần mạnh mẽ.
 
1
Cổng chùa Thiên Bửu Tháp
Đó là những nét phát thảo mang đậm dấu ấn của một sự dấn thân không mệt mỏi, muôn đời sau, nhất là các thế hệ hậu tấn nhất định sẽ có cơ sở và niềm vinh hạnh nương thừa công đức ấy của Ngài còn để lại.
20180520 072233
Mặt trước chánh điện Tổ đình Thiên Thai
batnhaam
Hình bìa tạp chí Bát Nhã Âm
 
img 6150
Chánh điện chùa Phước Linh


Ngày nay nếu chịu khó nhín chút thời giờ đọc hết các hoành phi và trướng đối trong nội viện Tổ Đình Thiên Thai cũng đủ để nhận ra bề dày công hạnh của một cuộc đời dấn thân vì Đạo Pháp và Dân Tộc. Đạo Pháp và Dân Tộc có thường còn thì tông môn pháp phái mới hưng thịnh, thiền môn và tứ chúng mới an hòa. Đó là những câu như “Tam đức nghiêm thân”(Chính trực, Cương, Nhu); Phật Pháp Đống Lương” (Rường Cột Phật Pháp); Căn thâm bất Phạ Phong Dao động/ Thụ chính hà sầu Nguyệt ánh tà”(Gốc vững sợ gì cơn gió động/ cây ngay nào ngại ánh trăng tà).”Cốt Nhục Cửu huyền Thường Hoài Niệm/ Tiên Linh Thất Tổ Vọng Thâm Âm “(Cố nhục Cửu huyền thường tường niệm/ Tiên Linh bày tỏ nhớ ơn sâu)…

BỐN
Trong nhiều bài kinh, sám pháp được Hòa thượng Huệ Đăng trực tiếp diễn Nôm, trước tác và phiên dịch, rất nhiều thế hệ Phật tử, không chỉ riêng chúng tôi, mà ngay từ khi biết nhận ra mặt chữ đã thuộc nằm lòng và đọc ê a đến trở thành quen thuộc. Nhất là bài Kinh Vu Lan và Sám Thảo Lư. Chúng tôi bước vào không gian đạo pháp cũng bằng các áng văn thơ lục bát hay song thất, mộc mạc, bình dị của mà an ồn dựa kề niềm tin vào ấy để tu học. Thời đại Ngài tu hành giữa bộn bề trăn trở cho quê hương và đạo pháp, đất nước không an ổn một ngày dưới gót giày xâm lược ngang ngược của Phú-lang-sa, thế mà Ngài vẫn không quên trách nhiệm của một Sứ giả Như Lai, bổn phận con dân với quê hương bản sở, để làm nên những bài học quý giá cho muôn đời sau lấy đó làm hành trang tiến bước, nối gót hài cỏ, bước từng bước trên con đường phẩm hạnh.

Nói điều này để chúng ta bình tâm nhận ra một vấn để ; đó là nhiều nơi, nhiều đạo tràng thi nhau sáng tác, dịch thuật kinh sám cho riêng chùa, đạo tràng mình sử dụng, gây nên tình trạng bất nhất, sẽ rất khó cho một buổi hòa chúng để có thể tất cả cùng đọc thuộc chung một bài kinh hay một bài sám. Một vài vị giảng sư trong và ngoài nước cũng đã bức xúc lên tiếng, tuy ngắn gọn nhưng nhức nhối không ít Bài kinh nào đã có bản dịch rồi thì còn dịch - sửa thêm chi nữa ? . Sẽ không bàn đến chuyện dịch hay chỉnh sửa ấy hay hoặc dở, đúng hay sai mà điều quan trọng là tính phổ cập rộng rải không có, gây nên tình trạng không nhất quán. Trước hết phải nghỉ và thương đến Tăng chúng và Phật tử của chính đạo tràng, ngôi chùa mình. Họ vì tình thầy trò, cả nể buộc lòng phải học đọc tụng thuộc lòng các bài kinh sám ấy và tất nhiên sẽ rất đồng giọng, rập khuông khi tất cả cất lên từ chính nơi bài kinh sám ấy được chỉnh sửa hay phiên dịch lại, nhưng tất cả sẽ lặng im, ngơ ngác khi cùng đọc tụng ở nơi khác.

Có thể nói, những công trình phiên dịch hay trước tác của H.T Huệ Đăng, hôm nay PGVN vẫn còn xem đó là một gia sản chung quý báu. Và như vậy Ngài đã đi trước một bước trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, làm lợi ích cho tiền đồ gia sản Phật giáo trong hôm nay và cả cho ngày sau.
Trong mỗi mùa Vu Lan Báo Hiếu, khi bắt lên giọng đọc bài kinh Vu Lan, tất cả đều đồng hòa giọng như một, không phân biệt tuổi tác, thành phần xã hội hay tông phái nào. Điều đó chứng minh những bài kinh, sám trước tác, phiên dịch của H.T Thích Huệ Đăng đã trở thành gia sản chung của PGVN.
 Trong Đại Giới Đàn mang tên Ngài hôm nay, biết đâu rồi cũng có nhiều giới tử mai sau trở thành các Pháp sư tinh thông, các nhà Hoằng pháp tài ba, không chỉ dựa vào sở học, chánh tri kiến của mình mà còn biết vận dụng tấm gương xưa để phổ cập và hỗ trợ hay bổ sung cho kiến thức của mình, dù đó là những áng văn chương mộc mạc, quê mùa nhưng đã nuôi lớn nhiều cuộc đời công hạnh, làm rạng danh cho Phật đạo.

 Thành tâm kính chúc Đại Giới Đàn Huệ Đăng thành tựu viên mãn…
 DƯƠNG KINH THÀNH
 
SÁM THẢO LƯ
Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh,
Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm,
Sắc tài danh lợi chẳng ham,
Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai,
Tuyết ban mai lâu dài chi đó,
Thân người đời nào có bao lâu,
Nhộn nhàng trong cuộc bể dâu,
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.
Ba vạn sáu ngàn ngày công khó,
Chia phần đem cho đó một hòm,
Của tiền để lại nhi tôn,
Bao nhiêu tội lỗi phần hồn lãnh riêng.
Chốn cửu tuyền khác miền dương thế,
Quỉ ngưu đầu chẳng nể chẳng kiêng,
Tội hành nghiệp cảm liền liền,
Muôn phần thảm độc ghê phen đoạn trường.
Rất thảm thương là đường sanh tử,
Dám khuyên người ngó thử lại coi,
Thân như pháo đã châm ngòi,
Nổ vang một tiếng rồi coi thế nào.
Tiếc công lao biết bao xiết kể,
Sự đáo đầu cũng thế mà thôi.
Trăm năm sự nghiệp phủi rồi,
Minh minh biển khổ luân hồi cực thân.
Lửa hồng trần rần cháy dậy,
Người say mê thấy vậy phải kêu,
Tỉnh tâm xét lại mấy điều,
Kíp tu đạo đức sau siêu linh hồn.
Sự dại khôn chẳng cần khôn dại,
Trước lỗi lầm sau phải ăn năn,
Biển sâu nước khỏa cũng bằng,
Mây tan gió tịnh, bóng trăng sáng lòa.
Cõi Ta bà có tòa Cực lạc,
Giòng sông mê, biển giác chẳng xa,
Y theo giáo pháp Thích Ca,
Tự nhiên bổn tánh Di Đà phóng quang.
Đã gặp đàng chưa toan dời bước,
Còn tiếc chi chơn bước lờ đờ,
Khuyên đừng đem dạ tưởng mơ,
Trăm năm cuộc thế như cờ bị vây.
Rút gươm huệ dứt dây tham ái,
Kíp tìm thầy cầu phái qui y.
Kiên trì ngũ giới tam quy,
Mở lòng từ nhẫn sân si phải chừa.

– Trích “Kinh Tam Bảo diễn nghĩa” Tổ đình Thiên Thai – Bà Rịa ấn hành 1967.
– Bài do Tổ Huệ Đăng, trước tác vào khoảng năm 1930 tại núi Thiên Thai – Bà Rịa.
– Bài nầy còn có các tên gọi khác như : * Sám Hồi tâm – (Tam Bảo Tôn Kinh – Thích Ca Tự), * Sám Hồi tâm Hướng thiện (Kinh Nhựt Tụng – Chùa Đại Giác).
SÁM TỤNG VU LAN (I)
(Rằm tháng bảy )

Đệ tử chúng con,
Vâng lời Phật dạy,
Ngày rằm tháng bảy,
Gặp hội Vu Lan,
Phạm vũ huy hoàng,
Đốt hương đảnh lễ.
Mười phương Tam thế,
Phật, Pháp, Thánh Hiền,
Noi gương đức Mục Kiền Liên,
Nguyện làm con thảo.
Lòng càng áo não,
Nhớ nghĩa thân sinh,
Con đến trưởng thành,
Mẹ dày gian khổ,
Ba năm nhũ bộ,
Chín tháng cưu mang.
Không ngớt lo toan,
Quên ăn bỏ ngủ,
Ấm no đầy đủ,
Cậy có công cha,
Chẳng quản yếu già,
Sanh nhai lam lũ.
Quyết cùng hoàn vũ,
Phấn đấu nuôi con,
Giáo dục vuông tròn,
Đem đường học đạo.
Đệ tử ơn sâu chưa báo,
Hổ phận kém hèn,
Giờ này quỳ trước đài sen,
Chí thành cung kính,
Đạo tràng thanh tịnh,
Tăng bảo trang nghiêm.
Hoặc thừa tự tứ,
Hoặc hiện tham thiền,
Đầy đủ thiện duyên,
Dủ lòng lân mẫn,
Hộ niệm cho :
Bảy kiếp cha mẹ chúng con,
Đượm nhuần mưa pháp.
Còn tại thế :
Thân tâm yên ổn,
Phát nguyện tu trì.
Đã qua đời :
Ác đạo xa lìa,
Chóng thành Phật quả.
Ngửa trông các đức Như Lai,
Khắp cõi hư không,
Từ bi gia hộ.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
(3 lần)
- Bài in trong hầu hết kinh Nhựt tụng và Nghi thức tụng niệm ở miền Trung và miền Nam. Được Giáo Hội công nhận là bài tụng chính thức trong Lễ Vu Lan và trong nghi thức Gia đình Phật tử (1964).
- Trích từ Kinh Diễn nghĩa của Tổ Huệ Đăng soạn. Tổ đình Thiên Thai Bà Rịa ấn hành 1967.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây