NGHIỆP PHẬT GIÁO QUA DÒNG SÔNG MEKONG

Thứ bảy - 12/06/2021 06:04

NGHIỆP PHẬT GIÁO QUA DÒNG SÔNG MEKONG

Ở đâu có nước, ở đó có màu xanh, ở đâu có màu xanh ở đó có sự sống, sức sống của nhiều quốc gia dân tộc đã bắt nguồn từ dòng sông, sông Mekong là một trong những con sông dài nhất thế giới, khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy ngang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông đã tạo ra nền văn minh sông nước, dung chưa nhiều ý tưởng khác biệt, khai thác lợi ích từ dòng sông đã gây nhiều nghiệp quả khốc liệt. Phật giáo hiểu đó là nghiệp, đề xuất cách ứng xử đồng nhất để chuyển nghiệp Cộng đồng cư dân sông Mekong.
1. Dẫn nhập:
Các quốc gia tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng bao gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam cùng chung một khu vực địa lý lãnh thổ trong lưu vực sông Mê-kông, tổng diện tích 2,6 triệu km2 là địa bàn cư trú của khoảng 326 triệu người, cùng hoạt động hợp tác trên nhiều lãnh vực đã đưa tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng phát triển nhanh đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế văn hóa xã hội trong đó Đạo Phật là tôn giáo tín ngưỡng gắn bó lâu đời đã tác động dẫn hướng đời sống đạo đức ứng xử của cư dân bản địa lưu vực sông Mê-kông qua xây dựng đời sống an lạc giải thoát , phát triển đời sống kinh tế hài hòa, ổn định bền vững

2. Phật giáo du nhập vào Đông Nam Á:
Thế kỷ thứ III trước Tây lịch, dưới sự bảo trợ của Đại Đế Asoka (A Dục), Đại hội Kết tập Lời Dạy của Đức Phật Gotama được tổ chức tại Pataliputta (Hoa Thị Thành) thủ đô vương quốc Rajagaha (Vương Xá) kết thúc Đại hội toàn bộ Lời Dạy của Đức Phật được đưa vào 03 giỏ chứa được gọi là Tam Tạng hay Tipitaka. Sau đó Quốc sư Mogalliputta Tissa (Mục Liên Đế Tu) đã gửi đi 09 phái đoàn truyền bá Lời Dạy của Đức Phật Gotama đến các vùng lãnh thổ trong và ngoài Ấn Độ, phái đoàn thứ 8 do hai Trưởng lão đại sư Sona và Uttara truyền bá Phật giáo đến khu vực Suvannabhùmi (Kim địa) bao gồm các quốc gia tiểu vùng Mekong hiện nay như: Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Funam (ở Óc Eo, An Giang thuộc Việt Nam ngày nay).

Trưởng lão đại sư Sona và Uttara đã giải trừ những tư tưởng hoài nghi của vua chúa và dân chúng về sứ mạng của các ngài ở Suvannabhumi, nhà vua và dân chúng vô cùng hoan hỷ với phái đoàn truyền giáo. Sau đó, nhị vị Trưởng lão thuyết pháp cho vua và dân chúng nghe về 62 loại tư tưởng, học thuyết, quan điểm đan xen khác nhau của con người tạo ra Lưới Quan Điểm (Diṭṭhijāla). Bài pháp cung cấp các phương pháp tư duy để thay đổi những lý thuyết sai lầm gây Nghiệp (Kamma/Hành động) ảnh hưởng đến môi trường sống chung quanh của xã hội loài người. Nghiệp tác động đến hành vi con người.

3. Khởi nguồn quan điểm về Nghiệp:
Quan điểm về Nghiệp được tìm thấy trong: Bà la môn giáo, Lục sư ngoại đạo phái (Titthiya tiirthakara) và của Phật giáo.

3.1. Quan điểm nghiệp của Bà la môn giáo
Nghiệp (Kamma theo Pali, Karma theo Sankrit) là giáo lý của đạo Bà la môn (Brahmana) được tìm thấy trong kinh Vệ Đà (Vedas), khoảng thế kỷ 15 trước Tây lịch.
Có bốn loại Vệ Đà: Rg Veda, Sāma Veda, Yajur Veda, và Athurva Veda.
Rta thuộc Rg Veda, nghĩa đen Rta là: trật tự của vũ trụ, vạn vật. Đây là quy luật đạo đức, quy luật xã hội cũng như quy luật tế thần. Để mang lại kết quả tốt đẹp, mọi hành động trong lễ tế thần phải tuân thủ quy luật của Rta. Theo những gì được đề cập trong Rg Veda, tế thần được tin là một hình thức của Nghiệp, người ta tin chắc rằng tế thần được thực hiện theo giáo lý Vệ Đà tạo ra Nghiệp tốt đẹp; nghiệp này sẽ đem lại kết quả như ý. Tế thần trong Bà la môn giáo được cho là một loại trách nhiệm duy nhất. Nó được gọi là hành động (Nghiệp - Kamma/Karma hay Kriya) và là quy luật vĩnh hằng, không thay đổi.

3.2. Nghiệp theo quan điểm phi chính thống Lục sư
Cùng thời với Đức Phật Gotama, thế kỷ thứ V trước Tây lịch, xuất hiện Sáu vị Ðạo sư có những chủ thuyết về Nghiệp khác với học thuyết chính thống của Bà la môn giáo đã ảnh hưởng đến 04 giai cấp đương thời là: Ba la môn, Vua chúa quý tộc, Thương buôn, Nô lệ. Học thuyết về Nghiệp phi chính thống của Lục sư (Titthiya tiirthakara) như: Pùrana kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp); Makkali Gosala (Mạt-già-lê Cù-xá-lợi); Ajita Kesakambilin (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la); Pakkuda Kaccàyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-diên); Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất); Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử).
3.2.1. Pùrana Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp) với Thuyết Chẳng có nghiệp báo (Akiriya)
“Ðạo sĩ Pùrana Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp) chủ trương không có ác nghiệp do người làm hay người xúi giục kẻ khác làm, như chém giết, đốt cháy, gây phiền muộn, khổ não, kích động, sát sanh hay cướp bóc. Thậm chí người nào dùng một bánh xe sắc như dao giết chết hết mọi chúng sanh trên quả đất này thành một đống thịt cũng không có tội ác do kết quả việc làm kia, và tội ác cũng không tăng trưởng. Hoặc nếu kẻ nào bố thí, tế lễ, cũng không có phước đức do kết quả việc làm ấy, và làm phước cũng không tăng trưởng. Bố thí, tu tập thân tâm, nói lời chân thật... cũng không có phước báo gì”.
Như vậy Pùrana chủ trương chẳng có nghiệp báo (Akiriya) phủ nhận qui luật nghiệp báo. Vì giải thoát không cần điều kiện tiên quyết nên nó không thể được thực hiện nhờ hành động của chính mình. Nói cách khác, chúng sanh không thể góp phần gì vào sự giải thoát của mình cả, mà phải chấp nhận số phận và chờ đợi được giải thoát một cách thụ động.
3.2.2. Makkhali Gosala với Thuyết luân hồi tịnh hoá (Saṃsārasuddhi)
Đạo sĩ Makkhali Gosala chủ trương: “Không có điều kiện (nhân duyên) đối với sự ô nhiễm của chúng sanh. Không có điều kiện (nhân duyên), chúng sanh bị ô nhiễm. Không có điều kiện (nhân duyên) đối với sự thanh tịnh của chúng sanh. Không có điều kiện (nhân duyên), chúng sanh được thanh tịnh. Sự thành đạt hình thái hiện hữu nào cũng không tùy thuộc vào tự lực, tha lực hay tinh tấn... Mọi thứ là do định mệnh (niyati). Chúng sanh ở đời tái sanh trong sáu loại, hưởng thọ khổ hay lạc, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Giống như một cuộn dây được tung ra sẽ kéo dài mãi cho đến khi tháo hết, cũng vậy, cả kẻ ngu lẫn người trí đều chấm dứt khổ đau khi nào họ đã lưu chuyển trọn vòng luân hồi sanh tử”.
Quan điểm chính của triết lý này là số mệnh (niyati) quyết định con đường của mọi chúng sanh qua vòng luân hồi. Nó không chịu tác động của bất cứ điều gì, do vậy thiện nghiệp hay ác nghiệp đều không gây hậu quả đối với tính chất các cuộc tái sanh.
3.2.3. Ajita Kesakambalin với Thuyết đoạn diệt (Uccheda)
Đạo sư Ajita chủ trương: “Không có bố thí, hy sinh hay tế lễ (những việc có thể đem giá trị cho giải thoát). Không có kết quả của các nghiệp thiện ác (kamma), không có đời này hay đời sau (mà chỉ có sự gặp gỡ các giác quan). Không có mẹ, không có cha, và cũng không có các loài hóa sanh. Ở trên đời này không có các Sa môn hay Bà la môn thành tựu cứu cánh tối thượng, những vị đạt giác ngộ viên mãn, tuyên thuyết thế giới này và thế giới khác, sau khi đã chứng tri chúng bằng thắng trí của mình.
Con người do tứ đại hợp thành. Khi mạng chung, địa đại trở về với đất, thủy đại trở về với nước, hỏa đại trở về với lửa, phong đại trở về với không khí và các căn tan biến vào cõi hư vô. Cả năm (tức bốn người gánh quan tài và thi thể trong quan tài là năm) cùng đi đến nơi hỏa táng. Bọn người khiêng xác cứ ca ngợi tán dương cho đến tận nơi kia, nơi đống xương hóa ra màu trắng xóa và lễ vật trở thành tro bụi. Chỉ có người ngu si truyền bá các sự bố thí tế lễ. Khi chúng bảo có ích lợi cho việc kia, đó chỉ là lời dối trá trống rỗng. Kẻ ngu cũng như người trí, khi thân hoại mạng chung đều hủy diệt, tiêu vong, không còn tồn tại sau khi chết”.
Ajita Kesakambala chủ trương “cực đoan định mạng luận”, cho rằng con người do bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong hợp thành, ngoài vật chất ra không có sanh mạng. Theo Đạo sư, chết rồi là hoại diệt, cho nên mục đích của đời sống là hưởng thụ thú vui hiện tại. Ông cật lực bài xích tất cả luân lý đạo đức mà theo ông nó chỉ là những điều khắt khe vô lý.
3.2.4. Pakudha Kaccàyana với Thuyết 7 thành tố của Thân
Đạo sư Pakudha Kaccàyana nêu chủ thuyết về bảy yếu tố căn bản: Thân (kàya) thuộc về bảy loại thành tô cấu thành, thường hiện hữu và bất biến. Chúng không được sáng tạo. Bảy yếu tố căn bản ấy là: đất, nước, lửa, gió, lạc, khổ và linh hồn hay mạng căn (Jìva). Đạo sư nói: “Không có người bị giết hay người chết, không có người nghe hay người nói, cũng không có người biết hay người cho biết. Bất kỳ ai chặt đầu người khác với kiếm sắc bén cũng không đoạt mạng sống của ai cả. Kẻ ấy chỉ xuyên lưỡi kiếm vào khoảng hư không nằm giữa bảy yếu tố kia (chứ không làm hại vật gì cả).
Pakudha Kaccāyana chủ trương ‘cực đoan thường kiến luận’ phản đối phái ‘cực đoan đoạn kiến luận’ của Ajita Kesakambala.
3.2.5. Sanjaya Belatthiputta với Thuyết ngụy biện
Đạo sư Sanjaya Belatthiputta tự xem mình là một người theo thuyết hoài nghi và bất khả tri, bài bác mọi lý thuyết không được thiết lập trên quan sát và kinh nghiệm. Có thể nói là đây một lý thuyết quanh co, uốn lượn như con lươn, lối ngụy biện này không dẫn tới một giá trị thực hành nào mà chỉ dùng để lý luận suông, không có ích lợi cho cả người nói lẫn người nghe.
Đạo sư Sanjaya Belatthiputta không có chủ thuyết nhất định nào.
Ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) trước khi xuất gia theo Phật là đệ tử của vị Đạo sư này
3.2.6. Nigantha Nàtaputta và Đạo loã thể với bốn cấm giới
Đạo sư Nigantha Nàtaputta chủ trương “một người Nigantha (Ni kiền tử) sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới: 1) Sống gìn giữ đối với tất cả loại nước; 2) Gìn giữ đối với mọi ác pháp; 3) Sống tẩy sạch tất cả ác pháp; 4) Sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp.
Một Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới, nên vị ấy được gọi là Gotatto (một vị đã đi đến đích), Yatatto (một vị đã điều phục tự tâm) và Thitatto (một vị đã an trú được tự tâm)”.
Cứu cánh của đạo Nigantha là giải thoát linh hồn khỏi vòng tái sanh. Giải thoát, nghĩa là biến đổi sinh mạng (jìva) trở về trạng thái linh hồn (àtman) thanh tịnh, được thực hiện bằng cách sống cho hết mọi Nghiệp quá khứ (karman), như vậy chúng được tận diệt, đồng thời bằng cách không tạo thêm các nghiệp mới. Phương pháp đi đến cứu cánh này qua nhiều kiếp tái sanh thật trường kỳ và khổ đau. Ðể hủy diệt các nghiệp cũ càng nhanh càng tốt, nhiều người theo đạo Nigantha thực hành nhiều giới khổ hạnh khắc nghiệt gồm cả nhịn ăn đến chết. Chết do khổ hạnh thì được chấp nhận, mặc dù tự sát thông thường được xem là dấu hiệu của hèn nhát. Nhằm mục đích đề phòng các nghiệp mới sanh khởi, họ thường theo nếp sống vô cùng nghiêm ngặt.
Giáo lý của Nigantha Nàtaputta được xây dựng trên hai cơ sở nhị nguyên là sanh mệnh (jiva) và phi sanh mệnh (ajiva). Về phương diện thực tiễn, họ chủ trương thân hành nghiệp, mọi nghiệp đều bắt nguồn từ thân và diệt nghiệp cũng từ thân nên họ chủ trương khổ hạnh tột độ.

3.3. Nghiệp theo quan điểm của đạo Phật
Nghiệp (Kamma/Karma) là luật nhân quả. Lý thuyết của Nghiệp là một học thuyết cơ bản của Phật giáo. Niềm tin này đã được phổ biến ở Ấn Độ trước sự ra đời của Đức Phật. Tuy nhiên, phạm trù Nghiệp đã được Đức Phật giải thích và xây dựng học thuyết này ở dạng hoàn chỉnh mà chúng ta có ngày hôm nay.
3.3.1. Nghiệp là gì?
“Này các Tỳ kheo, sau khi đã tác ý, rồi tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như lai gọi Tác ý là nghiệp”. (“Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”).
Như vậy, Nghiệp có nghĩa là sự cố ý của tâm, ý chí, ý lực hay còn gọi là tác ý. Tác ý (cetanā) là tình trạng cố ý của tâm (cetanācetasika) xác định tâm ở trạng thái lúc thì Thiện, lúc thì Bất thiện, lúc thì Vô nhân, lúc thì Đạo, Quả, lúc Duy tác.
Tác ý phát sinh kết hợp với thân gọi là thân nghiệp (kāyakamma).
Tác ý phát sinh kết hợp với khẩu gọi là khẩu nghiệp (vacīkamma).
Tác ý phát sinh kết hợp với ý gọi là ý nghiệp (manokamma).
Như vậy Nghiệp sinh từ 3 cửa Thân, Khẩu, Ý. Trong 03 nghiệp thì nghiệp ý là quan trọng nhất.
Nghiệp theo Đạo Phật là một quy luật không tốt không xấu, khi Tác ý (Cetana) kết họp với Tâm bất thiện qua 3 cửa Thân Khẩu Ý sẽ tạo ra Nghiệp xấu. Ngược lại, Tác ý (Cetana) kết hợp với Tâm thiện qua 3 cửa Thân Khẩu Ý sẽ tạo ra Nghiệp tốt. hay còn gọi Nghiệp đen, Nghiệp trắng.
3.3.2. Phân loại Nghiệp
Có 4 loại Nghiệp là:
1. Nghiệp đen có kết quả đen.
2. Nghiệp trắng có kết quả trắng.
3. Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng.
4. Nghiệp không đen không trắng có kết quả không đen không trắng.
- Trong xã hội loài người có hạng người làm hại kẻ khác bằng thân, khẩu, ý sau khi chết họ sẽ vào khổ cảnh (thế giới đau khổ), chịu nhiều đau khổ rên xiết như chúng sanh trong địa ngục. Nghiệp đen có kết quả đen.
- Trong xã hội loài người có hạng người không làm hại chúng sanh bằng thân, khẩu, ý, họ sẽ đến cõi ít khó khăn, sẽ được an vui như chư Thiên. Nghiệp trắng có kết quả trắng.
- Trong xã hội loài người có hạng người dùng thân, khẩu, ý, hãm hại chúng sanh cũng có, không hãm hại cũng có, như vậy họ sẽ đến cõi khó khăn cũng có, không gặp cảnh khốn khổ cũng có, họ sẽ chịu khổ cũng có, không khổ cũng có, nghĩa là có khổ lẫn vui. Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng.
- Trong ba loại nghiệp: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng và nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng, tác ý suy nghĩ ngoài ba nghiệp ấy. Như lai gọi là nghiệp không đen không trắng, có kết quả không đen không trắng, tức là không tạo nghiệp nữa.
3.3.3. Nguyên nhân sinh ra Nghiệp
Có ba nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Tham sân si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Nơi nào cái tôi xuất hiện (người xuất hiện), Nghiệp sinh ra quả tạo cảm thọ trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa giống như những hạt giống không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn, các hạt giống ấy, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh...
Nghiệp nào được làm vì không tham, không sân... nghiệp ấy được cắt đứt từ gốc rễ, không thể sanh khởi trong tương lai. Giống như các hạt giống bị lửa đốt thành tro, rải trong gió lớn, cho vào nước sông chảy cuốn đi, các hạt giống ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, không thể hiện hữu. Cũng vậy, nghiệp nào được tạo ra từ không tham, không sân, không si thì không thể sanh khởi trong tương lai.
Nguyên nhân sinh ra nghiệp do tham, sân, si (ham muốn, giận hờn, không sáng suốt) và vô tham, vô sân, vô si.
3.3.4. Duyên tạo Nghiệp
Có ba điều kiện (duyên) là nguyên nhân (hạt giống) khiến các nghiệp sinh ra. Duyên có tham sân si là nguyên nhân hỗ trợ khiến các nghiệp sinh khởi lên. Duyên có vô tham, vô sân, vô si là nguyên nhân hỗ trợ khiến các nghiệp không sinh ra.
Ham muốn là nguyên nhân làm duyên để tạo nghiệp trong hiện tại sẽ sinh kết quả trong tương lai, khi biết rõ duyên hỗ trợ, người ấy tránh né, tâm không còn tham đắm; với trí tuệ, người ấy thấy và hiểu ước muốn tạo nghiệp không sanh khởi.
Điều kiện (Duyên) tạo ra nghiệp do nguyên nhân ham muốn, chấm dứt ham muốn thì Nghiệp không còn điều kiện sinh khởi.
3.3.5. Quy luật Nghiệp sinh Quả
Nghiệp có quy luật trổ Quả dính liền với Nghiệp.
Nghiệp là nguyên nhân, là hạt giống, hạt giống lành sanh quả lành, hạt giống ác sanh quả ác:
Tùy hột giống đã gieo,
Người gặt quả như vậy.
Làm thiện được quả thiện,
Làm ác bị quả ác,
Giống đã gieo và trồng,
Người sẽ hưởng kết quả.
Trong Nghiệp đã chứa đựng sẵn cơ chế “nguyên nhân sinh kết quả”. Hạt sanh quả, quả chứa hạt cùng thế ấy, cho nên “trong Nghiệp đã có sẵn mầm giống của Quả”.
Con người (chúng sinh) sau khi chết, thể xác nằm lại, thức (Tâm) đi tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác, giữa người cũ và người mới liên quan với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp, quả thiện, quả ác.
3.3.6. Nghiệp trả Quả theo thời gian
Như vậy, theo thời gian, Nghiệp có thể được phân loại như sau:
Một là, Hiện Nghiệp (Dittha dhamma vedaniya kamma), cho quả trổ sanh trong kiếp hiện tại. Như người học nghề luật, tốt nghiệp ra trường hành nghề luật sư, lúc hành nghề tạo những nghiệp tốt hay nghiệp xấu đều do chính tâm luật sư quyết định Nghiệp của mình.
Hai là, Hậu Nghiệp (Upapajja vedaniya kamma), cho quả trổ sanh trong kiếp kế tiếp hiện tại. Sau đây là câu chuyện minh hoạ: Thái tử Ajatasattu (A Xa Thế) giết vua cha là Bình Sa vương (Bimbisara) để chiếm ngai vàng, sau khi Ajatasattu chết, phải tái sanh vào cảnh khổ vì mang trọng tội giết cha. Một câu chuyện khác: Một người giúp việc cho gia đình triệu phú là Phật tử, vào ngày rằm cả gia đình triệu phú đi chùa xin thọ bát giới không ăn chiều, người giúp việc khi nghe câu chuyện xin thọ bát giới không ăn chiều theo gia chủ, sáng hôm sau bịnh cũ tái phát, anh qua đời. Nhờ tâm trong sạch giữ bát quan trai giới, anh tái sanh lên cõi Trời.
Ba là, Nghiệp Vô Hạn Định (Aparãpariya vedaniya kamma), cho quả trổ sanh không nhất định lúc nào trong thời gian chưa đắc quả Niết bàn.
Không ai thoát khỏi Nghiệp này. Chư Phật và chư vị A La Hán cũng không thể tránh khỏi quả dữ của những Nghiệp đã gieo trong quá khứ.
Đức A La Hán Moggallana (Mục Kiền Liên), trong kiếp quá khứ đã nghe lời vợ âm mưu ám hại mẹ. Do hành động sai lầm ấy, Ngài đã trải qua một thời gian lâu trong cảnh khổ và kiếp cuối cùng bị bọn cướp giết chết.
Đức Phật bị vu oan giết chết một nữ tu sĩ theo Đạo lõa thể do nghiệp xấu trong tiền kiếp, Ngài đã thiếu lễ độ với một vị Độc Giác Phật.
Bốn là, Nghiệp Vô Hiệu Lực (Ahosi Kamma).
“Ahosi ca taṃ kammañcāti: Ahosi kammaṃ”. Nghiệp nào đã tạo không có quả của nghiệp, nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả.
3.3.7. Nghiệp phân loại theo phận sự (Kiccacatukka)
Căn cứ trên phận sự, Nghiệp được chia làm bốn loại:
Một là, Nghiệp Tái tạo (Janaka Kamma): Theo đạo Phật, dòng suy nghĩ cuối cùng của kiếp sống rất quan trọng, lúc tắt hơi thở, Nghiệp lành hay dữ ở phút cuối cùng có năng lực dẫn đi tái sanh kiếp khác. Nghiệp ấy gọi là Nghiệp Tái Tạo (Janaka Kamma).
Cái chết của một chúng sanh chỉ là sự thay đổi thể xác hiện tại bị hoại diệt sang một thể xác khác, hoặc chơn linh không thể xác sẽ phát sanh thích ứng. Dòng suy nghĩ cuối cùng ấy, gọi là Nghiệp Tái tạo, quyết định cảnh giới của kiếp sống tiếp theo.
Hai là, Nghiệp Trợ duyên (Upatthambhaka Kamma): Là nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp khác tái tạo, và hỗ trợ cho nghiệp khác tồn tại có mặt.
Ba là, Nghiệp Bổ đồng (Upapidaka Kamma): Những ảnh hưởng làm yếu hẳn và ngăn trở Nghiệp lành hay dữ sinh ra gọi là Nghiệp Bổ đồng. giống như một nhóm học sinh vây quanh đánh một học sinh khác lớp, lúc ấy thầy Hiệu trưởng của trường xuất hiện, lập tức các em học sinh thay đổi thái độ hành hung bạn cùng trường với mình, sự xuất hiện của thầy Hiệu trưởng giống như Nghiệp Bổ đồng ngăn trừ tình trạng hành hung học sinh cùng trường.
Bốn là, Nghiệp Tiêu diệt (Upaghataka Kamma): Trường hợp của Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) được sanh trưởng trong hoàng tộc. Nghiệp Trợ duyên giúp Ngài trưởng thành trong hoàn cảnh tiện nghi, sung túc. Đến khi sanh tâm chia rẽ Tăng già, tạo Nghiệp Bổ đồng, do nghiệp này mà Ngài bị trục xuất ra khỏi Giáo hội và phải chịu nhục nhã. Sau cùng, Nghiệp Tiêu diệt dẫn ông vào khổ cảnh địa ngục.
3.3.8. Nghiệp phân loại theo tuần tự (pākadānapariyāyacatukka)
Căn cứ trên khả năng cho kết quả theo trình tự nặng nhẹ khác nhau, Nghiệp theo dạng này được phân làm bốn loại:
Một là, Trọng Nghiệp (Garuka Kamma )
Trọng Nghiệp (Garuka Kamma) là loại Nghiệp nặng, quả sanh ra ngay trong kiếp hiện tại hay kiếp kế tiếp. Nếu là Nghiệp nặng thuộc về loại bất thiện, thì đó là hậu quả của năm tội ác nặng (trọng ác) sau đây: giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, gây thương tích cho Đức Phật, và gây chia rẽ Tăng già. Nếu là Nghiệp nặng thuộc về loại thiện thì đó là kết quả của Thiền (Jhana). Người đắc Thiền thì hưởng quả vị của Thiền ấy ngay trong kiếp hiện tại và kiếp sống kế tiếp.
Trọng Nghiệp ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên.
Hai là, Cận tử Nghiệp (Asanna Kamma): Là loại Nghiệp dắt dẫn đi tái sanh sang kiếp sống khác. Cận tử Nghiệp là hành động cuối cùng của Tác ý nơi Tâm thông qua ba cửa thân khẩu ý nhớ đến trước khi chết. Các quốc gia Phật giáo thường có tập tục nhắc nhở người sắp lìa trần những hành vi tốt đẹp của họ trong đời sống, giúp đỡ, khuyến khích họ tạo một vài nghiệp lành ngay trước giây phút cuối cùng như đọc kinh, niệm Phật, bố thí, v.v..
Đôi khi người xấu có thể chết một cách yên ổn và tái sanh vào cảnh giới hữu phúc nếu họ được may mắn hồi nhớ lại, hoặc làm một điều thiện trong giờ phút cuối cùng. Như vậy không có nghĩa là người ấy - dầu tái sanh trong cảnh trời - tránh khỏi quả dữ của nhân ác đã gieo trong quá khứ.
Mặt khác, một người tốt có thể thọ sanh trong cảnh khổ vì trong giờ phút cuối cùng lại có một hành vi hay tư tưởng bất thiện. Trong trường hợp này cũng vậy, nhân lành đã gieo sẽ trổ quả đúng lúc, nhưng vì có tạo nghiệp bất thiện cuối cùng, người ấy phải chịu tái sanh trong cảnh khổ.
Loại Cận tử Nghiệp chỉ sanh ra với người lúc gần chết và chi phối nơi (cảnh giới) tái sinh kiếp khác.
Nếu không có loại Trọng Nghiệp, thì Nghiệp cận tử này cho quả tái sinh kiếp sau.
Ba là, Thường Nghiệp (Acinna Kamma): là hành động hằng ngày, những việc làm thường lập đi lập lại tạo thành những thói quen tốt xấu, trở thành bản chất tâm tánh con người. Trong giờ phút sắp chết, nếu không bị một ảnh hưởng của Trọng Nghiệp hoặc Cận tử Nghiệp, thì Thường Nghiệp này sẽ dắt đi tái sinh kiếp sau.
Bốn là, Tích trữ Nghiệp (Katatta Kamma): bao gồm tất cả những trường hợp không có kể trong ba loại nghiệp trên. Những trường hợp nào không nằm trong ba loại nghiệp kể trên gom chung lại thành một loại là Nghiệp Tích trữ. Nghiệp này giống như vốn dự trữ của một cá nhân. Đây là dạng Nghiệp thường yếu hơn 3 loại nghiệp trên.
Nếu không có 3 loại nghiệp trên, thì Nghiệp Tích trữ này cho quả tái sinh kiếp sau.
3.3.9. Nghiệp ở đâu?
Một hôm vua Milinda hỏi Đại đức Nagasena:
- Kính bạch Đại đức, Nghiệp được tích trữ ở đâu?
- Tâu Đại vương, ta không thể nói Nghiệp được tích trữ ở một nơi nào trong cái tâm luôn luôn biến đổi, hay ở một nơi nào khác trong thân thể con người. Nhưng tùy thuộc nơi danh và sắc (thân và tâm), Nghiệp khởi hiện trong một lúc thích ứng. Cũng như ta không thể nói trái xoài được tích trữ ở nơi nào trong cây xoài nhưng, tùy thuộc nơi cây xoài và khi đầy đủ cơ duyên, nó sẽ trổ ra đúng lúc, đúng mùa .

4. Kết luận:
Nghiệp trong Đạo Phật là chuỗi hoạt động tâm lý. Ý thức sáng suốt, hiền thiện tốt lành là yếu tố tạo nghiệp dẫn đến kết quả tốt đẹp, ngược lại là dẫn đến kết quả xấu và buồn phiền.
Tác ý: không làm các điều ác, làm các điều lành, chính là giữ Giới phát triển dần những thói quen đạo đức, phẩm chất trong sáng trong Thân, Khẩu, Ý.
Trau dồi tâm trong sạch chính là Định, kết quả của Thiền Định. Thiền Minh sát sẽ sinh ra Trí tuệ tác động ngược lên ý thức Tác Ý tạo nghiệp.
Nghiệp hay luật Nhân Quả giải thích các vấn đề đau khổ, hạnh phúc, thông suốt và trở ngại trong đời sống.
Nghiệp không phải định mệnh cố định, ai cũng có cơ hội thay đổi tình trạng nghiệp tốt xấu của mình bằng sự nỗ lực cố gắng (tinh tấn).
Mỗi người chúng ta tự xây dựng số phận của chính mình.
Thiên đàng hay địa ngục là do ta tự tạo ra.
Niềm tin vào Nghiệp báo là ý lực giúp con người vượt qua số phận, cảm thông và chia sẻ cuộc sống cộng đồng bằng đức tính Từ Bi Hỷ Xả.
_________
TT ThS Thích Giác Trí - UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trụ trì chùa Hộ Pháp, GV. HVPGVN TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây