Chuỗi An Lạc cho em

Thứ tư - 07/10/2020 18:21

Chuỗi An Lạc cho em

Thọ có thể thọ giới như ai, thọ để có một vị trí nhất định, để không thua sút bạn bè, trong khi đó chính mình còn khiếm khuyết đủ mặt, chưa đủ tư cách để đăng đàn.
Tôi vẫn lắng nghe đâu đó lòng khát khao của biết bao Ni trẻ mong mỏi đến ngày được đăng đàn NSHNthọ giới Tỳ-kheo-ni.
Tôi vẫn lắng nghe niềm ước muốn đến Tuyển Phật trường của những vị Ni già quá tuổi làm Tỳ-kheo-ni.
Tôi vẫn lắng nghe tiếng cười trong trắng của những chú tiểu “La Hầu La” thơ ngây đang rộn rã bước chân hiện hữu ở thế kỷ này. Và nghe cả tiếng thất vọng vỡ òa mang cả hồn nhiên non nớt.
Tôi vẫn lắng nghe tiếng thở dài lo lắng của các bậc Tôn sư và vài nụ cười hoan hỷ cho những gì tâm đắc.

Cứ như thế mà tôi đã lắng nghe, đã mỉm cười vui sướng và xen lẫn vài mối suy tư. Cho tôi được tỏ bày để chia sẻ niềm vui sướng và đồng cảm với những mối suy tư.
Trước hết, tôi rất vui khi thấy giới trẻ hôm nay lòng đầy nhiệt huyết, mang nhiều hoài bão cho tương lai, biết ham tu, lo học và thăng tiến đời mình trong ánh đạo. Gắng gỗ, siêng năng trau dồi trí hạnh để trở thành người kế vãng khai lai. Thế thì Phật trường mở ra để dành cho em đấy và đón đợi em về! Cho em tròn nguyện ước. Cho chị được chung vui. Cho Thầy niềm hy vọng. Cho Phật đạo thêm huy hoàng. Em hãy thiết tha mà đến. Hãy trân trọng tìm cầu, giới châu ma ni muôn đời vẫn đẹp. Hãy trân quý đặt lên đỉnh cao của một kiếp người, nhân cách vì sự nghiệp giác ngộ.
Bằng ngược lại, chẳng phải đơn thuần: Thọ có thể thọ giới như ai, thọ để có một vị trí nhất định, để không thua sút bạn bè, trong khi đó chính mình còn khiếm khuyết đủ mặt, chưa đủ tư cách để đăng đàn. Vẫn biết khiếm khuyết là điều không thể tránh được trong mỗi chúng ta, trong mỗi con người, nhưng ở đây tôi muốn nói đến điều thái quá, vượt hạn.

Thế nên, không thể xem thường và không thể đem tâm tầm thường đến Tuyển Phật trường cầu giới được, làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng và giá trị cao cả của việc thọ giới.
Điều này chỉ có người làm Thầy mới thấu hiểu thực tế để tránh lời: “Phật pháp dị hành, Á Tăng dị tác” (Phật pháp dễ tu, Á Tăng dễ làm).
Tuy nhiên, Thầy cũng không nên quá cứng nhắt đến khắt khe làm trở ngại con đường giới pháp tu tập của con em mình.

Và rất vui khi cánh cửa Phật đà luôn luôn rộng mở cho những người tuổi lớn, niên cao có cơ hội đặt bàn chân lý tưởng lên niềm đất hứa xuất trần. Với tuổi đời lớn đó, lẽ ra họ ở nhà hưởng phước để cháu con phụng dưỡng sớm chiều. Song, một đời trải nghiệm cuộc sống, đã khiến niềm tin Phật tăng lên, ý muốn gieo duyên lành xuất thế lớn mạnh, bởi cõi trần tan hợp bèo mây, nay đã rõ “Nam Kha nhứt mộng”. Với những nêu bày trên, giờ được đầu Phật xuất gia, tập tành tu học là quý lắm rồi.
Bằng ngược lại “nửa đời hương phấn”, tuổi già sức yếu, trí tuệ giảm suy. Chưa tường tận oai nghi cửa Phật. Chưa thấm nhuần giáo pháp thiền gia. Chẳng có thể xông pha việc chúng. Cầu niệm Phật nửa vời lúc tỉnh lúc quên. Nào quá khứ đa mang đủ nghiệp. Thực tại thì chẳng thể tiếp nhận giới ngọc cao thâm. Nói thọ giới mà chẳng biết giới chi để thọ! Vậy lấy gì để thúc liễm thân tâm? Nói chi đến chuyện khỏi lỗi lầm trong việc: chỉ trì khai giá. Vả lại đâu phải thọ giới để được làm Tỳ-kheo, ăn trên ngồi trước, mà chính mình Tăng tướng chưa đoan nghiêm, trong khi đó “Giới là chuỗi anh lạc để trang nghiêm pháp thân”, không thể sơ xài tâm ý. Bởi vậy, Tổ Quy Sơn từng răn nhắc kẻ xuất gia không khéo thì chỉ là: “Lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí” (chỉ là kẻ dối xen vào hàng ngũ Tăng sĩ, lời nói và việc làm hoang đàng, hưởng dùng một cách vô ích đồ cúng dường của tín thí).

Hơn nữa, thời gian và cách thức quy định cho địa vị một Tỳ-kheo-ni, giới luật đã chỉ bày cặn kẽ. Chúng ta đời nay nếu có gia giảm chớ có quá đà, làm lỏng lẻo mối giềng giới học.
Bên cạnh đó ý nghĩa Tỳ-kheo-ni thật cao quý và trách nhiệm với chính mình, với Tăng đoàn lớn lắm. Dám mong mỗi người tự lượng sức để khỏi mất lòng nhau, gây rắc rối cho nhau làm giảm đi giá trị của địa vị: thượng cầu hạ hóa vốn đã thanh cao.

Thời Phật có những vị Sa-di như La-hầu-la trẻ trung, đáng mến. Hồn nhiên vui đạo và chứng đạo thật tuyệt vời. Thời chánh đạo như thế đã cho ta ngưỡng mộ. Bởi thế mấy ngàn năm Thích tử La-hầu-la vẫn tiếp nối xuất hiện khắp nơi nơi. Sự xuất hiện hồn nhiên năng động đó, đã đem lại niềm khởi sắc, sự kỳ vọng và sức sống sinh động cho Giáo hội tương lai.
Bởi: “Sa-di thuyết pháp Sa-môn thính” quá khứ đã được chứng minh rồi, nhưng thực tại vẫn là điều hiếm hoi cần suy nghĩ.

Việc nao nức đến Phật Trường thọ giới là điều tất yếu và cần thiết cho mỗi Sa-di-ni. Tôi đồng cảm hân hoan và chia sẻ với em từng tâm trạng.
Tuy nhiên, việc thọ giới được hay không còn tùy thuộc ở nơi em và nơi Thầy Bổn Sư đầy trách nhiệm. Nơi em có nỗ lực, dốc chí cần cầu? Có phải vì “chí cầu đại thừa” mà người gia nhập đạo? Có đáp ứng tiêu chuẩn cần có của một Sa-di-ni chưa? Đã ngoan, hiền, học hạnh… tương đối chưa? Hay chỉ là sáng ngắm gió, chiều sầu mây, khuya tối ngủ dài dài, chẳng lo công phu bái sám, học hành, tu niệm? Nếu thế Thầy chưa cho thọ giới là đúng. Đừng thở than trách móc, buồn phiền…! Khắc phục đi, sẽ đến lúc đăng quang dự phần Sa-di-ni Giới và có thể bước xa hơn nữa.

Nơi Thầy khuyên nhắc, dạy răn, bảo ban, nghiêm nghị… tùy lúc, tùy người, tùy mỗi Thầy có cách dạy riêng nhưng chung lại cũng chỉ là tiếp tăng độ chúng.
Chỉ còn tuần lễ nữa thôi là Giới đàn Thiện Hòa VI được cử hành. Tản mạn vài điều suy nghĩ từ những cái nghe, cái thấy xa gần. Chưa phải là hầu hết nhưng đó cũng là một trong những nét nhấn cho suy tư bừng dậy, cho những buồn – vui, nụ cười – nước mắt… vỗ tung lên làm xáo động những tâm hồn.
NS. Thích nữ Hạnh Nghiêm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây