TIỂU SỬ VÀ PHÁP NGỮ CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ 

Thứ bảy - 23/10/2021 18:36

TIỂU SỬ VÀ PHÁP NGỮ CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ 

Chim nhạn sãi cánh bay qua, dòng sông không màng lưu dấu nhưng công đức, đạo hạnh của Ngài mãi lưu danh và pháp ngữ của Ngài là những bài học sống động vô cùng quý báu làm thức tỉnh cho đàn hậu tấn và những người hữu duyên. 
Than ôi!
Người đã đi rồi, 
Cội bồ đề lá xanh bật khóc, 
Đất thiền lâm hiu hắt giọt sương khô, 
Mây bơ vơ, bóng núi lặng tờ, 
Trăng sao tắt, nhạc trời buông dấu lặng!

 
Nhìn dòng người đến với lễ tang của đức Pháp Chủ GHPGVN và màu tang nhuộm vàng trang báo mạng với bao sự quý kính, tiếc thương làm lòng con không sao nguôi dòng lệ xót xen lẫn sự kính ngưỡng thiết tha. Ngài, một bậc cao Tăng, đức độ, uy nghiêm mô phạm nhưng bình dị, giản đơn… Thân giáo, khẩu giáo của Ngài đã nuôi dưỡng bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử trở thành người hữu ích; một vị lãnh đạo Giáo hội mẫu mực, kiệm phước, khiêm cung, đức độ, v.v… Ôi, Ngôn ngữ quá ít ỏi và giới hạn, còn công đức và hạnh nguyện của Ngài thì quá lớn, làm sao có thể nói hết. Nơi đây, xin góp nhặt chút ngôn từ thô thiển nêu lên vài nét tiểu sử tượng trưng và một số điều tâm đắc từ pháp ngữ của Ngài theo cảm nhận của riêng mình. 
ht pho tue
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Thế danh Bùi Văn Quý, sinh năm 1917, là người con ưu tú của đất Ninh Bình… nhưng lại đủ duyên nối mạng mạch chốn Tổ nơi ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống thâm tín Phật Pháp, Thân phụ là cụ ông Bùi Quang Oánh, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thinh, song thân của Ngài đều là những Phật tử thuần thành nên hạt giống Bồ đề của Ngài sớm nảy nở. Năm lên 9 tuổi (tức năm 1925), Ngài được song thân cho đến chùa học đạo với Cố HT. Thích Đàm Cơ, trụ trì chùa Phúc Long, tỉnh Ninh Bình. Sau bao năm tháng tham học với các bậc thầy nổi tiếng và những bậc chân sư ở Ninh Bình, rồi đến Nam Định và đến chốn Tổ Viên Minh, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) thọ giáo với Cố HT. Thích Quảng Tốn. Cũng chính nơi đây, Ngài được trao truyền giới pháp Tỳ-kheo vào năm vừa tròn 20 tuổi (tức năm 1936), trở thành một bậc chúng trung tôn. Với sự thiết tha cầu học, Ngài được Sư tổ cho đi tham học ở các Sơn môn, Tổ đình lớn thời bấy giờ như Sơn môn Tế Xuyên, Sơn môn Hương Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm… Nhờ đó, Ngài được un đúc, giới pháp châu viên, pháp học uyên thâm, đạo phong vững chãi, xứng đáng làm bậc pháp khí chốn tòng lâm. Từ đó, Ngài tham gia đóng góp Phật sự, hành đạo và giảng dạy ở một số nơi. 

Đến năm 1957, Ngài lại trở về hầu thầy phụng Phật tại Tổ đình Viên Minh và kế thừa Phật sự làm trụ trì đời thứ ba tại Tổ đình khi cố HT. Thích Quảng Tốn viên tịch vào năm 1961. Với bản chất hiền lương, chân tu, kiệm phước, không màng danh lợi, Ngài khép mình ở chốn Tổ phụng sự Tam bảo, phiên dịch kinh điển, không màng đến thế sự bên ngoài. Mãi đến năm 1987, Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử ba vị cao tăng là cố Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Cố Hòa thượng Thích Tâm Thông về Tổ đình Viên Minh mời Ngài chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Từ đó, Ngài đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội: từ Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đến Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây, rồi tham gia Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự… cho đến vị trí cao quý nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh (từ năm 2007 đến nay).

Bên cạnh việc đảm nhiệm các chức vụ Giáo hội, Ngài cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cho công tác giáo dục Phật giáo,v.v… Ngài tham gia giảng dạy, dịch thuật, trước tác và biên soạn nhiều tác phẩm Phật học; biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học. Chú giải và giảng dạy nhiều kinh Đại thừ như: kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ,… các bộ Luật Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni. Ngoài ra, Ngài còn sáng tác nhiều bài thơ Đường luật như những pháp ngữ đê sách tấn hàng hậu học… Những lời dạy đó môn đồ tứ chúng muôn đời khắc ghi.
Thế rồi, cơn vô thường chợt đến, công đức hóa duyên đã mãn, Đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ đã về cõi niết bàn vô tung bất diệt vào ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu tại Tổ đình Viên Minh. Suốt 105 năm hiện diện ở cõi đời, 85 hạ lạp viên mãn, trên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng giác ngộ, hoằng pháp lợi sinh. Công đức của Ngài đã góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời Ngài từ sơ tâm xuất gia cho đến lúc hoá duyên viên mãn luôn là tấm gương sáng trong công phu tu thân, hành đạo cho cả giới xuất gia lẫn tại gia. Ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn hàng hậu học. Nơi đây, xin lưu lại một số pháp ngữ của Ngài như một hồi chuông thức tỉnh cho đàn hậu tấn.

 
1. Phúc thì phải do tu mà có. Phúc thì nên tích chứ không nên tán. Phúc không tích mà cứ lạm hưởng thì dần rồi cũng hết, khi đó phúc trở thành họa.
2. Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người, vấn đề là chúng ta sống để làm gì, thực hiện sứ mệnh nào và mang lại lợi ích gì cho cho Đạo pháp, cho dân tộc? 
3. Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo. Thân hòa cùng ở; miệng hòa không cãi nhau; ý hòa cùng vui vẻ; giới hòa cùng tu; kiến hòa cùng giải; lợi hòa cùng chia. Được vậy thì không còn ai tranh giành hơn thua, tham phần hơn về mình. 
4. Sư tu học của người xuất gia đâu cần chùa to, cảnh lớn. Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng chỉ là phương tiện để tu tập và hành đạo. Còn linh hồn của ngôi chùa chính là vai trò thầy và trò trong quan hệ tu tập, thực hành giáo pháp và lợi ích chúng sanh. 
5. Chạy theo hình thức bề ngoài, hình thức thế gian mà quên đi chúng chỉ là phương tiện và mục đích cứu cánh của người xuất gia, nên dù có làm nhiều mà kết quả chẳng được bao nhiêu. 
6. Nay có nhiều người xao lãng việc tu học mà chạy theo danh lợi phàm tình, xuống cấp đạo hạnh, bị thế gian chê cười. Đó là phạm phải pháp luật và Phật luật cần phải can thiệp, nhưng nặng hơn là với bản thân cá nhân đó tất phải chịu quả báo. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức có liên quan cũng phải cộng nghiệp, chịu trách nhiệm liên đới vì dạy không nghiêm, quản không chặt. 
7. Hằng ngày phải dưỡng sinh, tập thể dục, vận động thân thể, sinh hoạt-ăn uống điều độ thì có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe cơ thể. Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tánh, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống theo tinh thần lục hòa thì sẽ tăng tuổi thọ. Nhưng dù có sống lâu cũng không thoát khỏi vô thường của sanh, lão, bệnh, tử, vì đó là quy luật của kiếp nhân sinh.
8. Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ phải giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật; không cần hoa-quà phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc của Tăng Ni và Phật tử. Nếu tưởng nhớ đến tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng kinh tại trú xứ của mình rồi hồi hướng cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

 
Có lẽ còn nhiều hơn thế nữa, ở đây chỉ nêu 8 điều tâm đắc nhất và nguyện thực tập theo như một sự biết ơn và tưởng nhớ đến Ngài. Có thể nói, cuộc đời Ngài là biểu tượng tinh thần Bi-Trí-Dũng, đặc biệt trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, hóa độ chúng sinh.
Cánh hạc đã về Tây, đức Pháp chủ của Giáo hội PGVN, một bậc Thầy mô phạm đã không còn, nhưng những bài học về thân giáo, khẩu giáo cũng như những cống hiến của Ngài cho đạo pháp quả thật không thể dùng bút mực nào tả hết, đàn hậu thế muôn đời khắc ghi. Đó là những bài pháp chân thật, sống động, mầu nhiệm đã giúp chúng con có niềm tin, ý chí, nghị lực và lòng nhiệt huyết đi theo bước chân Ngài trên con đường hoằng pháp lợi sanh, mong từ lực của Ngài thùy từ gia hộ. 
Nam mô Đương Kim Tăng Già Toàn Quốc ĐỆ TAM PHÁP CHỦ, GHPGVN Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng PHỔ Hạ TUỆ Tân Viên Tịch
Thành kính hướng vọng đảnh lễ
Hậu học Thích Nữ Minh Hoa

Tiểu sử và pháp ngữ của Hòa thượng được tác giả tổng hợp từ kênh Phật sự Online, Truyền hình An viên và một số báo mạng khác, sau đó biên tập lại và có một vài sửa đổi để người đọc dễ hiểu.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây