Thông điệp - Diễn văn khai mạc - Bài giảng về Đại lễ Phật đản Vesak 2019

Thứ bảy - 27/04/2019 18:20
Thông điệp - Diễn văn khai mạc - Bài giảng về Đại lễ Phật đản Vesak 2019

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

———————————————————————

THÔNG ĐIỆP

ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2563 – DL.2019

CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa Quý vị khách quý,
Thưa Quý vị Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài.

Vesak là sự kiện thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Đức Phật: ngày Đức Phật đản sinh, ngày Đức Phật thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết bàn.

Đây là sự kiện hy hữu của toàn nhân loại như trong Kinh điển Nikaya có ghi: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Đó là Đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác”.

Đức Phật là bậc Đạo sư đại Giác ngộ. Ngài đã đem đến cho nhân loại bức thông điệp hòa bình, hạnh phúc thương yêu, mở ra con đường mà tự thân mỗi người phải vượt qua sự cám dỗ và chi phối của lòng tham, sự sân hận, si mê của con người để tiến đến cảnh giới giác ngộ, đó chính là con đường tu tập Giới – Định -Tuệ hướng đến sự an lạc, giải thoát là lẽ đích thực và cứu cánh của cuộc sống.

Năm nay, hòa trong không khí hân hoan của cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới kỷ niệm ngày Vesak trọng đại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16, PL. 2563 – DL. 2019.

Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, và toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, tôi hoan nghênh và nhiệt liệt chào mừng Chư tôn đức lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, các tổ chức hệ phái truyền thừa Phật giáo từ khắp các Châu lục đã hội tụ về Việt Nam lần thứ 3 kỷ niệm ngày Vesak Liên hợp quốc.

Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại chúng ta trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16 tại Việt Nam hân hạnh được chào đón các quý vị Nguyên thủ các quốc gia đến từ quê hương của Đức Phật, các quốc gia Phật giáo, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 cùng nhau chia sẻ những giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Kính thưa quý liệt vị!

Lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam đã minh chứng về một nền Phật giáo nhập thế. Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam giành được nền độc lập tự chủ vào đầu Thế kỷ thứ X, trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Phật giáo đã trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên bản lĩnh, bản sắc văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Các vị Thiền sư cao Tăng, đồng thời cũng là những nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại, là những người có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời kỳ Phật giáo vàng son, cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng trước những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay càng khẳng định điều đó. Đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững.

Đặc biệt, các vấn đề Phật giáo trong đời sống như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng Công nghiệp 4.0 và Phật giáo, và cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên hợp quốc hướng tới.

Tôi tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16 tổ chức tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam sẽ thành tựu viên mãn. Kính chúc Quý vị khách quý, Chư tôn đức Tăng Ni, nhân sĩ trí thức, cùng đồng bào Phật tử hưởng trọn mùa Vesak an lạc trong chính pháp, vô lượng cát tường!
Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ tát ma ha tát.

 

ĐỨC PHÁP CHỦ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
——————————————————— 

DIỄN VĂN
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2563 – DL.2019
Của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa Quý vị khách quý,
Thưa Quý vị Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài
.

1

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 26 thế kỷ, tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) , nơi thành Ca Tỳ La Vệ (Kapila-vastu) thuộc  Ấn Độ cổ đại, nay là đất nước Nepal đã diễn ra một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử nhân loại đó là Đức Thế tôn sinh ra đời mang theo bức thông điệp đề cao trí tuệ, sự hiểu biết và lòng từ bi hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, một xã hội hòa bình, không xung đột chiến tranh, hận thù. Ngài đã đưa ra con đường Trung đạo và sự kết hợp giữa từ bi với trí tuệ là giải pháp hữu hiệu để cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia trên thế giới.

Ngày nay, chân lý đó của bậc Đạo sư Giác Ngộ – Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu triệu người trên thế giới. Liên hợp quốc đã quyết định kỷ niệm ngày Đại lễ Vesak thiêng liêng hàng năm nhằm phát huy tinh thần từ bi – trí tuệ và hòa bình mà Phật Tổ đã truyền trao.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống và các cấu trúc truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau phát huy những giá trị cốt lõi của Đạo Phật về tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp và hòa bình thông qua con đường Bát chánh đạo nhằm góp phần giải quyết những thách thức vấn nạn toàn cầu. Điều đặc biệt nhất là vạn vật trở nên kết nối, mọi thứ đều có thể xóa nhòa khoảng cách về mặt địa lý, các cộng đồng và các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau, thế giới dần dần bắt đầu giống như một xã hội toàn cầu. Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu. Sự lãnh đạo này phải đảm bảo được sự bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, các nền kinh tế, các nền văn hóa, các tầng lớp xã hội, hay các quốc gia lãnh thổ, cân bằng được môi trường, hệ sinh thái.

Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định. Trong chương trình phát triển bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc đến năm 2030 nhắm tới đích xóa bỏ nghèo đói, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi, đảm bảo giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tiêu thụ và sản xuất bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học, thúc đẩy xã hội hòa bình, đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. Hội thảo khoa học quốc tế tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với các mục tiêu mà Liên hợp quốc theo đuổi, sẽ tập trung vào các khía cạnh chủ đề:

 (i) Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững;

(ii) Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững;

(iii) Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu;

(iv) Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0;

(v) Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Kỷ niệm ngày Vesak là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau suy ngẫm và tôn vinh giá trị tư tưởng nhân văn của Phật giáo, thông qua cuộc đời của Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng hạnh phúc thực sự của mỗi con người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn. Xét trên bình diện quốc gia thay vì theo đuổi tăng trưởng vô độ, không giới hạn, mà thay vào đó, là tăng trưởng sự giàu có tâm linh, an lạc, hạnh phúc và tôn trọng, bảo vệ môi trường. Soi chiếu với những tư tưởng, giáo lý cốt lõi của mình như học thuyết Duyên khởi, học thuyết về Nghiệp và luật Nhân quả…, Phật giáo có nhiều lợi thế trong việc tham gia với sứ mệnh lãnh đạo toàn cầu và trách  nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, tạo nguồn cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững cho nhân loại trên hành tinh này.

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi chân thành tri ân Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thế giới, Pháp chủ, Tăng thống các Giáo hội Tăng già Phật giáo, các dòng truyền thừa và tổ chức Phật giáo từ hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đã vân tập về Đại lễ Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, Việt Nam; tri ân quý vị Nguyên thủ các quốc gia, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các phái đoàn ngoại giao; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tham dự và có thông điệp chào mừng Vesak chung vui cùng với Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một mùa Phật đản PL. 2563 vô cùng đặc biệt, trang nghiêm và long trọng, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ tiếp tục góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hòa bình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.

Trong niềm cảm ứng vô biên như đang được đón nhận hào quang tỏa ra từ kim thân của Đức Bổn Sư, đấng Từ phụ, tôi chân thành kính chúc Chư tôn đức Tăng Ni; Quý vị Phật tử một mùa Phật đản an lạc, vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các Phật sự lợi đạo ích đời, trong tinh thần xương minh Đạo Pháp, phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật nhân ngày Đại lễ Phật đản – Vesak năm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN NHƠN

 

Ý nghĩa Phật đản PL.2563 – DL.2019 của Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương

Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2563 – DƯƠNG LỊCH 2019

 

2

Mùa Phật đản lần thứ 2643, PL. 2563 – DL. 2019 là sự kiện tâm linh, văn hóa quốc tế, rất thiêng liêng đối với cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, khi Liên Hợp Quốc và cộng đồng Phật giáo thế giới tin tưởng và ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần 16 trên toàn cầu và lần thứ 03 tại Việt Nam. Đại lễ được tổ chức tại Di tích Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 đến ngày 14/5/2019.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, dự kiến sẽ tiếp đón 1500 đại biểu quốc tế, gồm 487 phái đoàn đến từ 110 quốc gia – vùng lãnh thổ và hàng vạn Tăng, Ni Phật tử Việt Nam, góp phần khẳng định niềm tin của Liên Hợp Quốc về Phật giáo có khả năng mang lại hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân loại trên hành tinh này.

Đại lễ Vesak hàng năm nhắc nhở chúng ta về sự kiện hy hữu: “Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha) được Hoàng hậu Māyā sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nay thuộc Nepal, “trong tư thế đứng, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất, tuyên bố dõng dạc: Ta là tối thượng trên cõi đời này, đây là kiếp sống cuối cùng của ta”. ​Từ góc độ giá trị thực tiễn, sự có mặt của Phật Thích-ca trên quả địa cầu này được kinh điển Phật giáo khẳng định là: “Có một không hai, bậc tối thượng trong ba cõi”.

Nói về sự siêu tuyệt của Đức Phật trên thế gian này, Kinh Trung Bộ dùng ẩn dụ: “Như bông sen hồng hay sen trắng sinh ra từ bùn, nước, lớn lên, vươn khỏi nước, không bị nước thấm. Đức Phật được sinh ra và lớn lên trong đời, đã chinh phục đời, không bị nghiệp đời làm cho thấm ướt”. Về mục đích và giá trị, sự có mặt của Đức Phật trên đời này được ghi nhận như sau: “Ta sinh ra đời vì hạnh phúc lớn cho các chúng sinh, vì lòng thương đời và vì phúc lạc lớn cho loài người”.

Các giá trị cốt lõi được Đức Phật đóng góp cho nhân loại là các chân lý mầu nhiệm và đạo đức thanh cao, có khả năng trị liệu, giúp mọi người vượt qua các nỗi khổ và niềm đau, như Đức Phật đã tuyên bố: “Xưa cũng như nay, này các đệ tử, ta chỉ nói lên hiện thực khổ đau và con đường kết thúc khổ đau”.

Để thực hiện sứ mệnh và sự nghiệp chấm dứt khổ đau cho nhân loại, bằng tấm gương của bản thân, Đức Phật kêu gọi các đệ tử của Ngài thể hiện trách nhiệm và cam kết cao quý: “Này các đệ tử, hãy đi nhiều hướng, truyền bá chân lý toàn thiện quãng đầu, toàn thiện quãng giữa, toàn thiện quãng sau, cả văn và nghĩa”.

Để soi sáng chân lý, suốt 45 năm từ lúc giác ngộ đến lúc từ giã cõi đời, vì lòng từ bi, mưu cầu hạnh phúc cho nhân sinh, Đức Phật đã khai sáng và thiết lập truyền thống triết lý mới, có giá trị khép lại khổ đau, mở ra an vui và hạnh phúc. Là bậc Đạo sư vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, “Đức Phật chỉ dẫn con đường giác ngộ, phương pháp điều phục, có khả năng kết thúc khổ đau và đưa đến chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại”.

Đức Phật là bậc đạo sư chỉ đường: “Những gì cần dạy, cần làm, Đức Phật đã làm với tâm từ bi lớn”. Trong thời Đức Phật, các thành phần xã hội tiếp nhận chân lý và đạo đức của Đức Phật gồm 8/16 vua, hàng trăm quan văn, quan võ, hàng nghìn đạo sĩ và hàng triệu tín đồ khác tôn giáo tại Ấn Độ tình nguyện trở thành đệ tử của Đức Phật. Nương vào chân lý Phật, suốt 26 thế kỷ qua, bằng con đường minh triết, xây dựng hòa bình, hòa hợp để cùng phát triển, từ ánh sáng Á Châu, hiện nay, đạo Phật đã có mặt tại 5 châu lục, gồm 175 quốc gia và khu vực, với khoảng 800.000.000 tín đồ.

Năm nay, tưởng niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật gồm: sự Đản sinh, sự Giác ngộ và nhập Niết-bàn vô dư, hơn 55.000 Tăng Ni và hàng chục triệu Phật tử cùng tất cả những người có niềm tin Phật pháp tại Việt Nam bày tỏ lòng tôn kính vô biên đối với những đóng góp to lớn của Đức Phật trong việc mang lại hạnh phúc, hòa bình cho nhân loại. Từ thế giới quan không có nguyên nhân đầu tiên; nhân sinh quan lấy con người làm trọng tâm; xã hội quan đề cao bình đẳng, công bằng, dân chủ; đạo đức quan nhấn mạnh bỏ ác, làm lành với động cơ cao quý, cho đến giải thoát quan hướng về mục đích cởi trói tâm khỏi khổ đau và ràng buộc, đạo Phật góp phần xây dựng thế giới Cực Lạc tại nhân gian.

Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, một mặt, thể hiện mối quan tâm của cộng đồng Phật giáo thế giới về các vấn nạn toàn cầu. Mặt khác, giới thiệu các giải pháp Phật giáo nhằm giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người, vốn có gốc rễ từ sự tham lam, giận dữ, si mê và cố chấp. Nhân dịp này, Tăng Ni và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung cùng chia sẻ trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất về các vấn đề trọng yếu sau đây:

​          1. Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững;

​          2. Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững;

​          3. Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu;

​          4. Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

          5. Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

​Dựa vào nguồn văn học thánh điển Pali, thánh điển A-hàm và thánh điển Đại thừa, chúng ta có cơ hội khám phá, chiêm nghiệm và chia sẻ các kỹ năng để giải quyết các vấn nạn của con người qua phương pháp tâm linh gồm bốn bước (Tứ thánh đế). Bước một, thừa nhận các khổ đau là hiện thực. Tránh thái độ phớt lờ, tránh thái độ đào tẩu, tránh thái độ cường điệu.​ Bước hai, truy tìm nguyên nhân khổ đau từ các động cơ gồm tâm tham ái, giận dữ, si mê và cố chấp. Bước ba, trải nghiệm hạnh phúc Niết-bàn bây giờ và tại đây, khi nỗi khổ, niềm đau và nguyên nhân gây tạo chúng đã kết thúc. Bước bốn, thực tập chính đạo gồm ba trụ cột. Trụ cột trí tuệ gồm tầm nhìn chân chính và tư duy chân chính. Trụ cột đạo đức gồm lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính và nỗ lực chân chính. Trụ cột thiền định gồm chính niệm hiện tiền và đại định nhất tâm. Phương pháp tâm linh được Đức Phật khám phá và truyền bá là giải pháp hữu hiệu, có khả năng khép lại các vấn nạn nhân sinh ở phạm vi quốc tế, châu lục, quốc gia, vùng lãnh thổ, cộng đồng, gia đình và cá nhân.

Để đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 được kỷ niệm một cách thiết thực, Tăng Ni và Phật tử hãy đề cao tinh thần nhập thế: “Phụng sự nhân sinh, ích đời lợi đạo; sáng soi đạo pháp, hộ quốc an dân”. Nghĩa là, chúng ta cùng noi gương Đức Phật, vì lòng thương tưởng đời, nỗ lực làm những gì tốt nhất có thể, nhằm góp phần xây dựng hòa bình, kết thúc chiến tranh, xóa tan thù hận, khép lại quá khứ, hòa hợp hiện tại, xây dựng tương lai bằng các phẩm chất trí tuệ, từ bi, tha thứ và vô ngã. Trên tinh thần này, cộng đồng Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển đất nước Việt Nam bền vững, môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn, để xứng đáng là người con Phật, kế thừa truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 lịch sử đồng hành cùng dân tộc.

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 

HT. THÍCH BẢO NGHIÊM
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây