Đại hội Phật giáo tỉnh: Tham luận của Ban Từ thiện - Xã hội

Thứ ba - 23/05/2017 00:10

Đại hội Phật giáo tỉnh: Tham luận của Ban Từ thiện - Xã hội

NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ CÔNG TÁC TỪ THIỆN XàHỘI PHẬT GIÁO

Tham luận của Ban Từ thiện-Xã hội GHPGVN tỉnh BR-VT

A. MỞ ĐỀ
Từ thiện xã hội là một ban ngành quan trọng trong hệ thống Giáo hội Phật giáo, tuy không thuộc bộ phận quản lý hay tổ chức Giáo hội, nhưng là nhịp cầu nối quan trọng giữa Phật giáo với cuộc đời. Thông qua “từ thiện” có thể thực thi tinh thần “tự lợi và lợi tha”, “cứu khổ ban vui” của Phật giáo một cách thiết thực. Hoạt động từ thiện xã hội vừa có thể tạo điều kiện cho người làm phước, đồng thời cũng giúp cho người khó khăn, bất hạnh có được sự an ủi động viên trong hoàn cảnh nghèo khó, và có thể tìm nhận lấy một cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, từ thiện xã hội nói chung và từ thiện xã hội Phật giáo nói riêng cần được tích cực thực hiện và phát triển rộng hơn.

B. NỘI DUNG
IMG 5620 (Copy)1. Mục đích từ thiện xã hội
Theo từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Từ thiện là một hành động trợ giúp người yếu kém. Có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay là cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe hay là những hành động trợ giúp tinh thần như an ủi”(1).
Nhận thức được tầm quan trọng của sự cứu khổ ban vui qua hành động thay thế và ban tặng này, ngày nay nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nói chung, các cơ sở Phật giáo và người Phật tử nói riêng đều làm từ thiện. Đem hết tâm lực của mình để ban tặng tài sản vật chất lẫn tinh thần đến với người dân, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, bằng nhiều hình thức khác nhau giúp cho người dân cơ khổ giảm bớt gánh nặng áp lực cuộc sống, đó chính là mục đích của từ thiện Phật giáo.
Hành giả tu tập theo Phật giáo, với chí nguyện báo ơn đức Phật cứu độ chúng sanh, vì thế không ngừng tạo mọi điều kiện cho tha nhân sống an lành tự tại hơn. Trên ý nghĩa đó, hoạt động từ thiện, giúp đỡ chúng sanh trong lúc khó khăn hoạn nạn là một trách nhiệm cao cả, là một trong những hạng mục tu tập, nuôi dưỡng tâm từ trong Phật giáo. Việc làm từ thiện này, mang tính hai chiều, làm lợi cho người khác và cũng làm lợi ích cho chính bản thân mình. Như trong kinh Tăng chi đức Phật đã tuyên bố:
“Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Ðược nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc thiện nhân, chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, thiên giới. Những pháp này, này các Tỳ-kheo, là lợi ích của bố thí.”(2)
Tuy nhiên, phương thức bố thí, ban tặng cũng là một nghệ thuật. Người đem của ban tặng hay thay thế ban tặng phải hòa nhã bằng tâm chia sẻ, tự đặt mình ngang bằng với người nhận, hoan hỷ trong khi bố thí, không vì bất cứ vụ lợi cá nhân nào, tránh làm tổn thương đến người nhận. Với tính chất công việc, đòi hỏi người đang làm công tác từ thiện phải đầy đủ: khi cho làm sao cho người nhận không tổn thương; không vụ lợi để xây dựng niềm tin đối với tất cả những người quyên tặng, có nghĩa là “trước bố thí, ý vui; khi bố thí, tâm tín; sau bố thí, hoan hỷ”.(3)
Trong kinh Tăng Chi Đức Phật dạy có năm loại bố thí xứng đáng bậc chân nhân: “Này các Tỳ-kheo, có năm loại bố thí này xứng bậc Chơn nhân. Thế nào là năm? Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người”(4).
Vì vậy, người làm công tác từ thiện tuyệt đối tránh tình trạng, vì hoàn thành trách nhiệm và bổn phận mà bất chấp phương pháp và quá trình, thực hiện công việc bố thí nhưng trong tâm sân si, tính toán, làm mất đi lòng tin của quần chúng vào đạo từ bi mà Phật giáo mang lại, cũng như làm tổn thương người được nhận. Chính vì thế, chúng ta cần phải thực hiện công tác từ thiện xã hội với phương châm:“Có trí, thí đúng thời; lời từ ái, không tham”.(5)
Như hai mặt của một vấn đề, ngày nay, hình thức hoạt động từ thiện xã hội khá phong phú, do đó những tệ lậu cũng dễ dàng phát sinh. Hiện nay, có không ít nhà từ thiện vì sự vụ lợi bản thân, mượn danh nghĩa từ thiện, mượn danh nghĩa Phật giáo để tích góp tiền của riêng, nghiêm trọng hơn nữa là mượn danh nghĩa của Ban Từ thiện xã hội của các tổ chức Phật giáo để làm lợi ích riêng, quảng bá thương hiệu, làm từ thiện qua logo, biển quảng cáo, quay phim chụp hình quảng bá.... tất cả những hành vi từ thiện này đều mang tính chất trá hình, vì mục đích riêng kinh doanh trên nỗi khổ đau của người khác, những điều này đều không phù hợp với mục đích của hoạt động từ thiện, đặc biệt là từ thiện Phật giáo.
2. Từ thiện và công tác hoằng pháp
Từ thiện Phật giáo đối với xã hội không những mang tính kịp thời, đúng người, đúng việc, lại còn mang tính đặc thù khác biệt với các tổ chức từ thiện khác, đó là sự kết hợp với công tác hoằng pháp.
Bởi lẽ, chúng ta cho người gạo để no hôm nay, nhưng không giúp gì cho cái đói hôm sau, chúng ta có thể trao tặng căn nhà tình nghĩa nhưng chưa chắc người nhận có được tổ ấm ngay sau đó. Cho nên, việc khai mở một nếp sống đạo đức, hướng thiện, xây dựng niềm tin vào bản thân hơn là tự ti, trông chờ một ân huệ nào đó từ tha nhân thì đó mới là mục đích của công tác từ thiện xã hội mà Phật giáo muốn nhắm đến.
Vì thế, những thời pháp ngắn, những “Phật ngôn” cần được nhắn gởi để mang tính khích lệ, vỗ về, an ủi, và tác động kịp thời để xoa dịu nỗi khổ niềm đau, giúp người nhận có thêm nhiều nghị lực sống để vượt qua mọi khó khăn một cách tích cực, và văn minh.
Như thế, người đứng đầu ngành lãnh đạo công tác từ thiện xã hội cần trang bị đủ hai yếu tố “tài thí” và “pháp thí”một cách hài hòa và hiệu quả. Những bài kinh cần lưu ý đến trong những thời pháp ngắn như: Kinh phước đức, kinh hiền nhân, kinh bốn ân lớn, người áo trắng, kinh mười thiện nghiệp, kinh phước thế gian…Như vậy, trong hoạt động từ thiện, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì chúng ta sẽ mất đi một nửa mục đích “ban vui cứu khổ” đến tha nhân của Phật giáo.
3. Tình hình hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo hiện nay
Là một tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quần chúng và mang tính xã hội hóa rất cao, nên hoạt động từ thiện trong Phật giáo được thực hiện một cách thuận lợi và chiếm được lòng tin từ các giới cũng như đại đa số quần chúng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn khách quan, và lẫn tính chủ quan trong công tác từ thiện xã hội. Có thể tổng kết qua những điểm dưới đây:
a. Thuận lợi
Với mục tiêu, phương hướng hoạt động từ thiện rõ ràng, gắn liền với tinh thần “vô ngã vị tha” của Đạo Phật, người đứng đầu tổ chức từ thiện ở các cấp lãnh đạo Phật giáo, với đức hạnh của mình đã luôn chiếm được niềm tin từ quần chúng, nên công việc huy động, kêu gọi lòng hảo tâm từ các tổ chức tập thể, cá nhân, những mạnh thường quân một cách thuận lợi và được sự hưởng ứng nhiệt tình.
b. Khó khăn
Nhìn chung, hiện nay, các công tác tổ chức từ thiện chưa có một kế hoạch, phương hướng hoạt động và thực hiện cụ thể, lâu dài. Các hoạt động từ thiện chủ yếu là từ những nhóm, của các chùa, tự viện tự phát theo mùa, và tùy theo sự phát tâm đơn lẻ của vài tổ chức và các cá nhân khác nhau. Điều đó, công tác từ thiện mất đi tính chủ động, khó xây dựng nên chiến lược “dài hơi”, và luôn phải khó khăn trong việc lựa chọn: cho “cá” hay “trao cần câu”.
Từ những khó khăn trên dẫn đến công tác từ thiện Phật giáo mất đi sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía, bị động, và thiếu sự đồng bộ từ cấp trên xuống lãnh đạo cấp dưới dẫn đến sự huy động, kêu gọi chồng chéo, gây mất thiện cảm đối với các nhà hảo tâm. Từ sự chồng chéo trên, công tác quản lý về thu chi, báo cáo sẽ khó có sự rõ ràng, minh bạch, khó tạo được niềm tin từ quần chúng. Ngoài ra, tính kết hợp đồng bộ với chính quyền địa phương trong công tác hướng dẫn, định hướng người nhận, nơi được trao, chốn cần trợ giúp chưa cao, dẫn đến sự bất đồng và mất đi sự hỗ trợ cần thiết từ nhiều phía.
C. KẾT LUẬN
Từ thiện xã hội không phải là một công tác đơn giản chỉ diễn ra hoạt động “giữa trao và nhận” mà là sự kết tinh của lòng thương yêu, từ bi, theo tinh thần duyên khởi: một trong tất cả, tất cả trong một vốn gần gũi với tính truyền thống của người Việt: “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
Hoạt động từ thiện là cơ hội để Phật giáo đi vào cuộc đời một cách nhẹ nhàng nhưng để lại trong lòng người thọ nhận một dư vị đầy tình thương và hiểu biết. Nơi ấy, đệ tử Phật ai ai cũng nhận ra rằng: phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”; nơi ấy, tình người người nở hoa, khi con tim dâng đầy, thì lòng người lại mở ra: “sau khi ta chết, những gì ta xài sẽ hết, những gì ta chưa xài thì người khác xài, ta chỉ mang theo những gì chúng ta cho”.
Chúng ta có mặt nơi đây là để cho nhau; cho nhau sự chia sẻ, sự cảm thông; cho nhau sự “vô úy” đối với cuộc đời đầy triền phược, cho nhau những gì ta đang có, kẻo mai này không có để mà cho
 
1 https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_thi%E1%BB%87n
2 Kinh Tăng chi, Thích Minh Châu dịch, Tập I, NXB Tôn Giáo, tr. 639.
3 Kinh Tăng chi, Thích Minh Châu dịch, Tập II, NXB Tôn Giáo, tr. 73.
4 Kinh Tăng chi, Thích Minh Châu dịch, Tập I, NXB Tôn Giáo, tr. 760-61.
5 Kinh Tăng chi, Thích Minh Châu dịch, Tập I, NXB Tôn Giáo, tr. 640.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây