Đại hội Phật giáo tỉnh:Tham luận của Ban Kinh tế - Tài chính

Thứ năm - 01/06/2017 20:35

Đại hội Phật giáo tỉnh:Tham luận của Ban Kinh tế - Tài chính

TU SĨ PHẬT GIÁO VỚI NHIỆM VỤ KINH TẾ
Tham luận của Ban Kinh tế - Tài chính Tỉnh BR-VT

A. DẪN NHẬP
Cách đây hơn 2.500 năm, khi Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn đệ tử Phật sống rất thanh bần đơn giản, hàng ngày chỉ đi trì bình khất thực hóa duyên, xin phẩm vật của đàn việt nuôi thân tu học. Mọi sinh hoạt của Tăng chúng cho đến việc xây dựng Tự viện đều có Phật tử ngoại hộ cùng Vua quan tín tâm cúng dường lo lắng, nên tiền bạc không có chỗ dùng, vấn đề kinh tế hoàn toàn không đề cập đến.
Ngày nay cách Phật đã xa, thời cuộc xã hội hoàn toàn thay đổi, văn minh khoa học tiến bộ mọi mặt. Với xu thế phát triển ấy, đạo Phật trên tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, do vậy không thể không hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng của chúng sanh trong thời đại mới nầy. Từ đó, vấn đề kinh tế được đặt ra đối với tu sĩ Phật giáo.
Bất cứ guồng máy hoạt động của xã hội nào cũng phải công nhận một qui luật: “Kinh tế là quyết định”. Trong xã hội hiện nay, để duy trì và phát huy những tổ chức hoạt động đúng định hướng, thì cần thiết phải có nguồn kinh phí ổn định, dù là tổ chức Tôn giáo cũng không thể là trường hợp ngoại lệ. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo nàn, nền kinh tế chưa được ổn định, đời sống của người dân Phật tử vẫn còn nhiều khó khăn, Tu sĩ chúng ta không nên trông cậy hoàn toàn vào sự cúng dường của Cư sĩ mà cần có kế hoạch kinh tế để đủ phương tiện đáp ứng cho các nhu cầu sinh hoạt của Giáo hội cũng như hoằng pháp lợi sanh.
Thế nên, trong các ban ngành của Giáo hội Phật giáo từ Trung ương đến các tỉnh thành, đều phải có Ban Kinh tế - Tài chính.
 
B. NỘI DUNG
I. Ý nghĩa hoạt động kinh tế trong Phật giáo
Từ quan điểm trên, Giáo hội cũng đã chủ trương xây dựng kinh tế nhà chùa, khuyến khích mỗi Tự viện, Trường Phật học, Tịnh xá, Tịnh thất… nên có cơ sở kinh tế bằng nhiều cách như làm tương chao, mở phòng phát hành kinh sách pháp phục Phật giáo, đại lý phân phối nước suối, lao động sản xuất tạo ra sản phẩm tiêu dùng v.v… sống bằng sức lao động của chính mình, vừa bảo đảm đời sống bản thân, vừa góp phần lợi ích cho xã hội. Mặt khác theo đúng tinh thần của Tổ Bách Trượng: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”, nhưng không vì làm kinh tế mà để mất mát sự tu hành, cũng không vì tu hành mà bỏ sót nhiệm vụ kinh tế. Đó là nếp sống an lạc theo chánh pháp.

Ai sống trên đời cũng phải nương nhờ vào vật chất, muốn có vật chất để phục vụ cho đời sống cần phải có kinh tế. Nhưng để thực hành theo lời dạy của Đức Phật, Tu sĩ Phật giáo phải xem tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện để trợ duyên cho chúng ta có điều kiện chuyên tâm và tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát tâm linh. Nên vật chất chỉ là phương tiện không phải là mục đích tối hậu của đời người.

Mục tiêu chính yếu của kinh tế Phật giáo là giảm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ở mức độ có thể chấp nhận được. Nếu sống xa hoa trong khi người chung quanh không có nước sạch để uống, trong khi hàng triệu trẻ em còn thiếu dinh dưỡng hay chết đói, là lối sống không thể chấp nhận được. Cho nên Đức Phật từng dạy hàng đệ tử hãy giữ mực trung: không thái quá cũng không bất cập.

Trước hoàn cảnh xã hội hiện nay, làm sao để giúp người Phật tử có cuộc sống tương đối an ổn no đủ là điều hết sức ưu tư trăn trở đối với một Tu sĩ Phật giáo tích cực có tâm nguyện hành Bồ tát hạnh. Vấn đề mà chúng ta cần đặt trọng tâm là Phật giáo sẽ làm gì có thể góp phần vào kinh tế xã hội. Vì kinh tế phát triển, thì các mặt sinh hoạt của xã hội cũng chuyển mình theo.

Thực tế đứng về mặt làm kinh tế rộng lớn như mở những công ty, xí nghiệp… tu sĩ Phật giáo khó có thể đứng ra làm, bởi vì không phù hợp được với các vai trò đó. Tuy nhiên với tinh thần hoằng pháp lợi sanh, chúng ta không chỉ giảng thuyết giáo lý thôi, mà nếu có thể, chúng ta sẽ cố vấn tham mưu cho cư sĩ Phật tử, giúp họ trở thành những doanh nhân giỏi, tốt, có tâm đạo theo tinh thần chánh kiến chánh mạng. Đó cũng là một cách giúp ổn định và phát triển phần nào kinh tế cho nước nhà.

Trong lĩnh vực kinh tế, Phật giáo rất cần những Phật tử được un đúc tinh thần từ lời Phật dạy để trở thành những nhà doanh nghiệp giỏi. Nhà doanh nghiệp thành đạt phải là một Phật tử chân chánh, vì trong phạm vi dân chủ và tự do kinh doanh, nhà doanh nghiệp giỏi phải có quan điểm nâng cao giá trị xã hội, phải tập trung năng lực và đầu óc sáng tạo để làm sao thỏa mãn lợi ích thật sự cho khách hàng, và phải tạo ra của cải vật chất và tinh thần bổ ích cho con người. Nhà doanh nghiệp thành đạt phải có tình thương đến tất cả mọi loài, và còn phải dùng một phần nào tài sản tạo ra được để thực hiện công tác từ thiện xã hội, góp phần chia sẻ khó khăn đến tầng lớp nghèo khổ, giúp xã hội bình ổn trong cuộc sống.

II. Hoạt động của Ban Kinh tế trong nhiệm kỳ qua
Ban Kinh tế gồm 47 thành viên trong nhiệm kỳ qua đã tích cực bằng hết khả năng của mình, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ khiêm tốn. Mỗi năm có 2 lần họp định kỳ để báo cáo hoạt động của Ban, đồng thời cùng ngồi lại bàn thảo tìm phương hướng mới, hầu mong đem lại nguồn thu dồi dào hơn cho Ban. Nhiều phương hướng đã được đưa ra như: Vay vốn đầu tư mua xe du lịch cho thuê hợp đồng thu lợi nhuận; mở đại lý nước suối tại mỗi huyện, thành phố có thành viên trong Ban sẽ chịu trách nhiệm phân phối đi các tự viện trong tỉnh; mở Phòng Phát hành kinh sách, pháp phục Phật giáo riêng cho Ban, làm muối tiêu, muối ớt phân phối các tự viện…Nhưng vẫn chưa thực hiện được vì có nhiều trở ngại: một phần là thiếu vốn đầu tư; phần khác cũng là điều chính yếu nhất và đồng quan điểm nhất là Tu sĩ rất khó trong việc đứng ra trực tiếp quản lý kinh tế; hiện tại chỉ có sản xuất muối tiêu, muối ớt là đang thực hiện nhưng mức độ tiêu thụ còn rất khiêm tốn chưa được sự ủng hộ rộng rãi.
Cho nên, nguồn quỹ của Ban đều từ sự phát tâm tự nguyện c
ủa tất cả thành viên, đã đem nguồn kinh tế riêng của tự viện mình mà đóng góp cho Ban Kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, nhìn lại suốt nhiệm kỳ qua, Ban Kinh tế đã góp phần vào các hoạt động Phật sự của Ban Trị sự tỉnh nhà cũng đáng kể, như:
• Đóng góp cho 2 kỳ Đại Giới đàn của Tỉnh.
• Đóng góp trong dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN.
• Đóng góp Hội thảo Ban Tăng sự, Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc.
• Đóng góp cho Đại hội PG tỉnh.
• Đóng góp cho Ban Trị sự tỉnh tặng quà trong dịp Lễ Tổng kết mỗi năm.
• Đóng góp mua quà chúc tết Chính quyền tỉnh và TP Vũng Tàu mỗi năm.
Ngoài ra các thành viên của Ban cũng đã tích cực trong công tác từ thiện xã hội do Giáo hội và Chính quyền phát động, tính ra số ngân khoản cũng không phải nhỏ.

III. Phương hướng sắp tới
Nhìn bối cảnh xã hội hiện nay, đời sống kinh tế của hàng Phật tử ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn mọi mặt, Ban kinh tế hết sức ưu tư làm sao để Ban ngày càng phát triển lớn mạnh, nguồn thu ngày càng cao hơn để phục vụ cho các hoạt động của Giáo hội. Bên cạnh để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, chúng con tạm đưa ra vài phương hướng như sau:
• Các thành viên trong Ban tiếp tục phát triển kinh tế riêng của Tự viện để có phương tiện đóng góp cho quỹ của Ban Kinh tế bằng tinh thần tự nguyện.
• Nếu có thể Ban sẽ thực hiện phương án sản xuất nước suối từ nguồn nước sạch bảo đảm, cung cấp đi các nơi để tiêu thụ.
• Tiếp tục sản xuất muối tiêu, muối ớt; mong được sự ủng hộ nhiệt tình từ các Tự viện và số đông Phật tử.

C. TÓM KẾT
Là công dân của một đất nước và sống trong lòng Giáo hội, bất cứ một Tu sĩ nào cũng mang nặng tứ trọng ân, chúng ta phải tự thấy trách nhiệm của mình phải làm gì để phần nào đền đáp nghĩa ân. Ban Kinh tế tâm nguyện luôn tận tâm, tận lực phục vụ cho Giáo hội, cho đất nước trong khả năng có được của mình. Trong hoàn cảnh cho phép, Ban Kinh tế sẽ nghiên cứu cách thức kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp nhà nước và phù hợp với Bát chánh đạo mà Đức Phật đã dạy và đồng thời cũng thích ứng với vai trò một Tu sĩ Phật giáo. Thời đại của chúng ta cách Phật quá xa, cho nên phải gánh vác, phải lập công bồi đức nhiều hơn để tạo ra nguồn phương tiện lực ngõ hầu trợ duyên trên bước đường hoằng pháp. Dấn thân làm kinh tế, chúng ta phải quán triệt ý nghĩa thiêng liêng trong công tác làm kinh tế, nhằm phục vụ công cuộc hoằng dương Chánh pháp, phụng sự lợi ích nhân sinh. Trong khi làm kinh tế, tự mình tạo ra được của cải vật chất, nhưng chúng ta không để nó chi phối, mà càng hiểu thêm rằng đó là dịp để cảm nhận hết những nhọc nhằn, khó khổ của đàn na thí chủ, từ đó cẩn trọng hơn trong từng sinh hoạt của cá nhân mình. Lại nữa, làm cho kinh tế được phát triển lớn mạnh, ấy là góp phần vào việc giúp cho người dân trong đó có bá tánh Phật tử được an ổn về cơm ăn, áo mặc và từ đó vui theo con đường tu Phật giải thoát, là đỉnh cao của lý tưởng: “Tác Như Lai sứ, Hành Như Lai sự”; cũng là phụng sự đạo pháp và dân tộc trên tinh thần: “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” vậy.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây