Đại hội Phật giáo tỉnh: Tham luận của Ban Giáo dục Tăng Ni

Thứ tư - 24/05/2017 19:22

Đại hội Phật giáo tỉnh: Tham luận của Ban Giáo dục Tăng Ni

Nhưng đặc biệt 2 năm nay, từ khi có sự chỉ đạo của Ban giáo dục Trung ương, Tiểu ban biên soạn đã xuất bản hơn 8 bộ sách giáo trình cho lớp Trung cấp Phật học như: Tứ Thập Nhị Chương, Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Anh văn Phật pháp, Lịch sử Phật giáo Ấn-độ, Thánh điển Phật giáo, Phật pháp căn bản...

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHO NGÀNH GIÁO DỤC PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN

Tham luận của Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
 
Kính thưa Quý Đại biểu;
Kính thưa Đại hội,

Từ khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành lập vào năm 1992 được tách ra từ tỉnh Đồng Nai, thì ngành giáo dục Phật giáo tỉnh nhà bắt đầu chính thức đi vào hoạt động. Nhất là Trường Phật học Đại Tòng Lâm càng ngày càng phát triển, Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp ra trường qua nhiều khóa Trung cấp và Cao đẳng đã đi hoằng hóa khắp nơi trong và ngoài nước. Đây là một thành quả đạt được của Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà.

Kính thưa Đại hội,
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh có số lượng Tăng Ni khá đông và được xếp thứ ba chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. So với thực tế hiện nay, ngành giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà đã có những bước phát triển không ngừng suốt chặng đường 25 năm thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc giáo dục Tăng Ni luôn là vấn đề cấp bách và quan trọng hàng đầu bởi Ngành giáo dục Tăng Ni có nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni thành những tu sĩ Phật giáo chân chính. Học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau dồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu". Mặc dù vẫn còn tồn đọng những khó khăn về cập nhật thông tin và kiến thức, nhưng Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà vẫn dốc toàn tâm toàn lực cho sự nghiệp truyền đăng tục diệm bằng các hoạt động tích cực, đổi mới chương trình giảng dạy với sự cộng tác nhiệt tình của đội ngũ giáo thọ có trình độ sư phạm và chuyên môn hơn. Điều này đáp ứng được phần nào nhu cầu tu học của Tăng Ni trẻ trong thời đại khoa học phát triển.

Mục tiêu cơ bản của giáo dục Phật giáo là giúp con người hướng đến giác ngộ sự thật của tự thân, sự thật của thế giới, thấy rõ hướng đi đời sống của mình và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nghĩa là: giáo dục phải là giáo dục con người nhận biết được sự thật của chính mình, con đường chân thật dẫn đến hạnh phúc hiện tại.

Một trong những yêu cầu của giáo dục là tạo cho người học về sự thích nghi, tự phát triển. Giáo dục Phật giáo không nhằm nhồi nhét kiến thức, kỹ năng của con người trong thời đại mới mà nhằm giúp Tăng Ni thích nghi với thời đại mới, mỗi khi phải chung đụng với đời. Nhưng điều cần khẳng định là giáo dục Tăng Ni lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt.

Quá trình phát triển của con người và xã hội là quá trình trao truyền kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hay nói khác hơn, đó là quá trình giáo dục. Giáo dục đã làm cho con người thăng hoa từ hoang sơ đến văn minh ngày nay. Giáo dục đi đôi với sự phát triển, không có giáo dục thì không có sự phát triển. Nhất là trước tình hình phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục lại càng mang ý nghĩa vô cùng thiết yếu. Với tôn chỉ “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, giáo dục Phật giáo đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thịnh suy của Phật pháp. Công năng của giáo dục Phật giáo không chỉ duy trì mạng mạch của Phật pháp mà còn có thể chuyển hoá nhân cách của con người từ phàm phu đến quả Thánh.
Ngoài ra, để ngành giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà đạt được những thành tựu mỹ mãn cũng phải nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chư tôn giáo phẩm trong Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tỉnh, huyện, cộng với sự ủng hộ tinh thần lẫn vật chất của Tăng Ni Phật tử. Đặc biệt nhất, là sự chỉ đạo nhiệt tình của Ban Giáo dục Tăng Ni trung ương đã làm cho Giáo dục Phật giáo tỉnh nhà mỗi ngày khởi sắc hơn, vững mạnh và phát triển hơn, hòa nhịp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hiện nay, cơ sở Giáo dục Tăng Ni của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm ba cấp: Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng. Theo sự quy định của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, chương trình học của Trung cấp là 3 năm; Sơ cấp và Cao đẳng là 2 năm, nhưng sách giáo khoa dành cho chương trình cao đẳng Phật học thì chưa có và chương trình vẫn chưa phù  hợp với trình độ thực tế hiện nay của Tăng Ni. Vì vậy, đối với lớp Cao đẳng, chương trình giảng dạy nhà trường phải tự cân đối tình hình học viên, phân phối chương trình giảng dạy, định ra quy chế dạy, học, thi cử, đánh giá, xếp loại học viên… dựa theo Quy chế của Bộ Giáo dục ban hành.

Muốn cho giáo dục đạt hiệu quả cao, ngành giáo dục phải tăng cường biện pháp thúc đẩy hiệu năng giáo dục và đào tạo từ việc xây dựng các cơ sở vật chất và nhân sự đến việc củng cố hệ thống lãnh đạo, điều hành và sau hết là vận động thành lập quỹ Giáo dục Tăng Ni và kêu gọi sự giúp đỡ để trang thiết bị phục vụ cho ngành giáo dục ngày một hoàn thiện hơn.

 
So với trước đây, chúng ta chưa có bộ sách giáo khoa được sự chứng duyệt ban hành từ Giáo hội Trung ương. Do đó, các vị giáo thọ các bộ môn khi dạy bắt buộc phải tự soạn bài. Từ những bài giảng và kinh nghiệm rút ra trong quá trình giảng dạy, bộ phận học vụ sẽ trợ giúp biên tập lại thành một cảo bản giáo trình, lưu giữ tại thư viện trường, để có cơ sở đối chiếu và tham khảo cho các khóa học sau. Nhưng đặc biệt 2 năm nay, từ khi có sự chỉ đạo của Ban giáo dục Trung ương, Tiểu ban biên soạn đã xuất bản hơn 8 bộ sách giáo trình cho lớp Trung cấp Phật học như: Tứ Thập Nhị Chương, Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Anh văn Phật pháp, Lịch sử Phật giáo Ấn-độ, Thánh điển Phật giáo, Phật pháp căn bản... đây là một điều đáng vui mừng vì chúng ta có chung một giáo trình để sử dụng chung cho chương trình Trung cấp Phật học.
Để tổ chức giáo dục Phật giáo cho Tăng Ni tỉnh nhà được vận hành triệt để, thì những người làm công tác giáo dục Phật giáo phải là những người chuyên môn đảm trách, có đạo hạnh và có tâm huyết với giáo dục thì mới hoàn thành được sứ mệnh. Nếu không có tâm huyết, không có tính chuyên môn và quản lý giáo dục yếu kém thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ không đạt kết quả như mong đợi.

Để chất lượng giáo dục được hoàn thiện hơn, Ban Giáo duc Tăng Ni sẽ thường xuyên tổ chức Hội thảo, các buổi thảo luận về vấn đề “tu và học” cho Tăng Ni. Điều này, sẽ giúp cho Tăng Ni có một kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn để làm hành trang trên bước đường tu và học. Ban Giáo dục Tăng Ni luôn mong muốn mỗi vị Tăng-Ni được giáo dục theo tinh thần từ bi và trí tuệ của Đạo Phật, và mỗi học viên của trường Phật học phải là những người thực tu, thực học, có định hướng, biết ước mơ. Sau khi ra trường, các học Tăng, học Ni có thể tự chọn cho mình một ngôi trường tiếp theo để tu học hoặc ra làm Phật sự ở khắp mọi miền đất nước, hay một mục tiêu tâm linh để nỗ lực công phu.

Cuối cùng, thay mặt Ban Giáo dục Tăng Ni xin kính chúc quý Đại biểu nhiều sức khỏe và kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây