Đại hội Phật giáo tỉnh:Tham luận của Ban Tăng Sự

Thứ hai - 29/05/2017 17:38

Đại hội Phật giáo tỉnh:Tham luận của Ban Tăng Sự

 
THỐNG KÊ TĂNG NI, PHẬT TỬ TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT được thành lập từ năm 1991 đến nay đã trải qua 5 nhiệm kỳ hoạt động và phát triển, Ban Trị sự đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp to lớn cho sự phát triển tỉnh nhà nói riêng và GHPGVN nói chung. Tuy nhiên, việc thống kê Tăng Ni và Phật tử là vấn đề khó khăn nhất, không chỉ tỉnh BR-VT mà nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như thế.
Theo báo cáo của Ban Trị sự các huyện, thành phố thì số lượng Tăng Ni hiện nay có khoảng 3.893 Tăng - Ni, 300.000 người theo đạo Phật và có trên 430 cơ sở Tự viện được xem như là một tỉnh có số lượng đông Tăng Ni nhất trong nước.
Theo tình hình địa lý của tỉnh BR-VT, có nhiều núi lớn trên địa bàn huyện Tân Thành như núi Thị Vải, núi Dinh v.v. đây là nơi có số lượng Tăng Ni tập trung lập am thất nhiều nhất trong tỉnh, đó là điều khó khăn cho việc quản lý đối với ngành Tăng sự. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra những thực trạng thống kê Tăng Ni, Phật tử và những giải pháp như sau:

1. Thực trạng số lượng Tăng Ni và Phật tử hiện nay
1.1 Đối với việc thống kê Tăng Ni
Từ khi thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh năm 1991 (tách ra từ tỉnh Đồng Nai) đến nay, Giáo hội năm nào cũng thống kê Tăng Ni. Nhưng liệu chúng ta đã thống kê số lượng có chính xác không hay chỉ là ước tính? Phỏng chừng? Nhu cầu thống kê Tăng Ni là cần thiết, vì tất cả tôn giáo được công nhận hoạt động ở Việt Nam đều phải đăng ký với tổ chức Chính phủ. Hầu hết, Tăng Ni đều phải đăng ký nhập tu và cư trú tại các cơ sở Tự viện hợp pháp. Ngoại trừ, một số am thất không hợp pháp và nhà cư sĩ, đây là một vấn đề nan giải. Đối với Tăng Ni có hộ khẩu, có kê khai tạm trú thì đã rõ, vì có trong danh bộ Tăng Ni của từng địa phương, nhưng còn những Tăng Ni không ở một cơ sở nhất định, nay đây mai đó, sống ở những cơ sở không hợp pháp. Có những Tăng Ni xuất gia một nơi nhưng lại hành đạo tu học nơi khác, làm cho người trụ trì cả hai nơi đều đưa vào danh sách Tăng Ni.
Việc thay đổi nơi cư trú của Tăng Ni cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thống kê. Có những vị trụ trì muốn kê khai đồ chúng của mình cho đông, nên vẫn kê khai đồ chúng đã rời khỏi cơ sở Tự viện mình đang quản lý. Khi một số Tăng Ni chuyển sinh hoạt từ Tự viện này đến Tự viện khác thì có thể cả hai Tự viện đều đưa số Tăng Ni này vào con số thống kê.
Giới thiệu Tăng Ni đi học ngoài huyện, hoặc ngoài tỉnh tại các trường Phật học cũng là một vấn đề sai dịch về con số thống kê. Có trường hợp một người thành hai người đó là điều không thể tránh khỏi, nhất là Tăng Ni từ tỉnh này đến tỉnh khác học.

1.2 Đối với việc thống kê tín đồ Phật giáo
Việc thống kê tín đồ lại càng khó hơn, hiện nay trên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm có 8 tôn giáo chính, trong đó số lượng tín đồ Phật giáo chiếm đông nhất so với những tôn giáo khác, số lượng khoảng 300.000 tín đồ Phật giáo.
Vì vậy, thống kê cũng chưa phải là con số chính xác với nhiều lý do khác nhau:
Thông thường Phật tử theo đạo tràng tu học ở những cơ sở Tự viện khác nhau, có Phật tử nay đi chùa này, mai đi chùa kia. Như vậy, chúng ta khó mà thống kê chính xác được. Nếu dựa trên danh sách cấp giấy chứng nhận quy y của các cơ sở Tự viện thì một Phật tử cũng có thể quy y tại nhiều cơ sở Tự viện khác nhau nên dẫn đến sai số là điều không thể tránh khỏi.
Vì vậy, chúng ta nên xác định đâu là Phật tử và đâu là người có tín ngưỡng theo đạo Phật. Nếu căn cứ vào tiêu chí Phật tử nào có pháp danh thì mới được gọi là “Tín đồ đạo Phật”, như vậy Phật tử phải quy y Tam Bảo mới chính thức là người Phật tử. Tuy nhiên, có người không nhất thiết phải quy y Tam Bảo, cũng không nhất thiết phải có pháp danh họ cũng được gọi là Phật tử. Vì thế, việc thống kê tín đồ Phật giáo luôn luôn thiếu chính xác. Bởi vì, trong Kinh Trung bộ đức Phật dạy rằng: “Ai nguyện nương tựa Phật Pháp Tăng, người ấy là người Phật tử” và trong Hiến chương GHPGVN được tu chỉnh lần thứ V tại Điều 60, Chương X có ghi: “Tín đồ Cư sĩ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý đức Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì Giới luật Phật chế”.
Bởi thế, Phật tử có thể bao gồm nhiều thành phần khác nhau:
Một là, Phật tử đã quy y Tam bảo, có pháp danh có trong danh sách lưu của Tự viện, thường xuyên đến chùa tụng kinh.
Hai là, Phật tử chưa thọ Tam quy, chưa có pháp danh nhưng vẫn thường tham gia các hoạt động của chùa, vẫn đến chùa tụng kinh hằng ngày.
Ba là, Phật tử thỉnh thoảng cũng đến chùa lễ Phật, có thiện cảm với Phật giáo và thực hành giáo lý Phật đà, nhưng không có trong danh sách của chùa.
Ngoài ra, còn có thành phần tín ngưỡng Phật giáo sinh hoạt trên nền tảng truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên, họ rất thân thiện và gần gũi với chùa chiền như là một người Phật tử, nhất là người ở vùng nông thôn, hẻo lánh.

2. Thống kê Tăng Ni, tín đồ Phật tử là điều khó khăn
Các vị Tăng Ni, Phật tử có hộ khẩu ở tỉnh A, nhưng hành đạo ở tỉnh B, hai tỉnh cách xa nhau hàng 100km, nên khi cuộc Tổng điều tra dân số diễn ra, họ vẫn kê khai ở tỉnh B, nhưng đôi khi vẫn có dữ liệu ở tỉnh A.
Mà con số này đâu phải là ít, dẫn đến số liệu thống kê không chính xác. Bên cạnh đó, báo cáo đạo tràng Phật tử tại cơ sở tôn giáo cũng không chính xác, vì một Phật tử có thể đi sinh hoạt ở nhiều chùa khác nhau dẫn đến sự trùng lặp khi lập danh sách. Đó chính là sự xê dịch tín đồ.
Một vấn đề nữa, đó là việc quản lý sổ sách tại các Tự viện rất yếu. Các vị trụ trì thậm chí không có sổ sách theo dõi, các Ban đại diện cấp xã, Ban Trị sự cấp huyện thực sự cũng không quan tâm đến. Bởi danh sách tín đồ Phật tử trong một xã cũng không chính xác, chỉ khai cho có lệ. Vì vậy Ban Đại diện cấp xã phải xem danh sách kê khai có trùng lập tên hay không. Phải ghi rõ sơ yếu lý lịch (Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, thường trú, quy y chùa nào). Có như vậy mới tránh được tình trạng công bố tùy tiện, số lượng tín đồ ảo, không dựa trên cơ sở thống kê khoa học nào.

3. Giải pháp
Ngành công an: hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử phải ghi đúng tín ngưỡng tôn giáo mà mình đang theo. Trong thực tế, một số tu sĩ Phật giáo khi làm chứng minh nhân dân hay hộ khẩu lại ghi ở mục tôn giáo là “không”. Có lẽ chính vì thế mà con số tín đồ Phật giáo ở Việt Nam quá ít trong khi thực tế thì tín đồ Phật giáo và những người có tín ngưỡng Phật giáo lại là một con số khác.
Công tác điều tra dân số: Phải có danh mục thống kê đặc biệt là Phật giáo. Động viên chức sắc tín đồ Phật giáo, Tăng Ni kê khai trung thực, đảm bảo quyền lợi, sự trung thực trong công tác thống kê.
Đối với Giáo hội: Nên có phần mềm quản lý số lượng Tăng Ni, Phật tử, trước hết là theo đơn vị Ban Trị sự các tỉnh, thành. Từ đó chỉ đạo các cơ sở thờ tự có thống kê, có dữ liệu cụ thể về số lượng Tăng Ni, Phật tử một cách chính xác, rõ ràng. Phải thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở Tự viện kê khai đầy đủ số lượng tín đồ đang sinh hoạt ở cơ sở mình, luôn cập nhật số lượng tín đồ từng tháng, từng quý, từng năm.
Mặc dù, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương đã có qui định nhưng việc xử lý các vấn đề Tăng sự tại địa phương rất còn nhiều hạn chế, nhất là việc Tăng Ni cư trú tại các cơ sở bất hợp pháp. Cần có biện pháp tích cực giữa các địa phương; có biện pháp chế tài cụ thể trong việc quản lý Tăng Ni ngoài cơ sở tự viện không hợp pháp, đa phần người đi xử lý sợ mất lòng nên dẫn đến trình trạng thiếu chính xác. Vì vậy, Giáo hội cần có những tiêu chí cụ thể để xác định thành viên của Giáo hội và tín đồ Phật giáo Việt Nam để việc thống kê được chính xác hơn.
Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo: Cần có qui định hướng dẫn việc kê khai tôn giáo rõ ràng, tôn trọng quyền tự do tôn giáo để mọi người bày tỏ sự tự nguyện của mình, theo hoặc không theo, trong bản kê khai một cách trung thực như: Hộ khẩu hoặc bản kê khai vấn đề khác có yêu cầu về thông tin tôn giáo.
Công tác thống kê Tăng Ni và Phật tử là vấn đề cần thiết, tuy nhiên có những khó khăn về mặt chủ quan và khách quan. Vì vậy, Ban Tăng sự xin trình những ý kiến đóng góp trong việc thống kê Tăng Ni và Phật tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và trên toàn quốc nói chung để đi đến sự đồng nhất và mong rằng sẽ có con số thống kê thật chính xác.
Trước khi dứt lời, một lần nữa, xin kính chúc chư Tôn đức vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây