Đại hội Đại biểu Toàn quốc GHPGVN lần III nhiệm kỳ 1992 - 1997

Thứ ba - 12/09/2017 18:27

Đại hội Đại biểu Toàn quốc GHPGVN lần III nhiệm kỳ 1992 - 1997

Nhiệm kỳ III là giai đoạn tiếp tục phát triển một cách toàn diện và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của 10 ban ngành, viện từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ tiếp tục đổi mới và mở cửa của đất nước, tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh

A. Tổ chức, địa điểm, thời gian:
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (1992-1997) diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Thủ đô Hà Nội trong 2 ngày từ 3-4 tháng 11 năm 1992, Phật lịch - 2536.

B. Thành phần, số lượng đoàn và đại biểu:
1.  Hội đồng Chứng minh.
2.  Hội đồng Trị sự.
3. Đại biểu các tỉnh hội, thành hội do Đại hội Đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội cử 42 đoàn.
4. Đại biểu Hải ngoại: 1.
5. Đại biểu Phật tử Việt kiều: 8 (1 Đài Loan, 1 Lào, 2 Cộng hòa Liên bang Đức, 4 Pháp: 1 nữ, 5 cư sĩ (có 1 nữ, 2 Tăng).
6. Khách mời tiêu biểu: 12 vị.
7. Khách mời danh dự:

1) Ông Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
2) Ông Phạm Văn Kiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3) Ông Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

C. Các tham luận tại Đại hội

Có tổng số 31 tham luận: (6 Ban ngành thuộc Trung ương Giáo hội và 25 tham luận của các tỉnh, thành hội Phật giáo, cá nhân)

D. Những điểm mới trong báo cáo tổng kết công tác của nhiệm kỳ II

1. Tổng kết công tác
-  Về tổ chức: thành lập hơn 10 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
- Các ban, ngành hoạt động tốt hơn:

 

+ Ngành Tăng sự: mở các điểm an cư tập trung, các khóa bồi dưỡng trụ trì, các Đại giới đàn và bổ nhiệm trụ trì.
+ Ngành Giáo dục Tăng, Ni: thành lập hơn 10 trường cơ bản Phật học tại các tỉnh, thành.
+ Ngành Từ thiện xã hội: Tăng, Ni, Phật tử tham gia làm công tác từ thiện xã hội ngày càng nhiều hơn, dấn thân và tích cực hơn.
+ Viện Nghiên cứu Phật học: Thành lập Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

 

2.  Những nét mới
+ Tuy không chính thức đưa vào Hiến chương, nhưng Giáo hội nhận đưa vào sinh hoạt tùy nhu cầu thực tế tại mỗi đơn vị: Đạo kỳ, Đạo ca.
+ Số lượng nhân sự Hội đồng Trị sự, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự  và các ban, ngành có tăng thêm để đáp ứng công tác hoạt động.
+ Các khóa An cư kiết hạ, Đại giới đàn, bồi dưỡng và bổ nhiệm trụ trì, thu nhận Tăng, Ni trẻ xuất gia ngày càng nhiều hơn.
+ Hệ thống trường Cơ bản Phật học được thành lập tại nhiều tỉnh, thành.
+ Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 3 được thành lập tại thành phố Huế.
+ Các Tăng, Ni sinh ưu tú nhận được học bổng và lần lượt đi du học tại Ấn Độ, Nhật Bản v.v...

E. Tấn phong hàng Giáo phẩm

Đại hội đã tấn phong

- Hòa thượng: 72 vị (cao tuổi nhất là ngài Thích Chánh Ký ở Khánh Hòa, sinh 1903, ít tuổi nhất là hai ngài Thích Thanh Dũng ở Hà Bắc và Thích Đức Phương ở Thừa Thiên-Huế đều sinh năm 1933).

- Thượng tọa: 130 vị (cao tuổi nhất là sư Thích Thiện Minh ở Tiền Giang, sinh 1909, ít tuổi nhất là sư Thích Thanh Nhiễu ở Hà Nội, sinh 1952).

-  Ni trưởng: 32 vị (cao tuổi nhất là Ni sư Thích Đàm Y ở Hải Phòng, sinh 1891, ít tuổi nhất là Ni sư Thích Đàm Hảo ở Hà Nội, sinh 1928).

-  Ni sư: 103 vị (cao tuổi nhất là Sư cô Thích nữ Như Tâm ở thành phố Hồ Chí Minh, sinh 1910, ít tuổi nhất là Sư cô Thích nữ Như Tịnh ở Lâm Đồng và Thích nữ Vĩnh Liên ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đều sinh năm 1944).

F. Nhân sự Đại hội nhiệm kỳ  1992 - 1997

1. Đại hội suy tôn Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 33 vị Hòa thượng và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gồm 7 vị do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ và 6 Phó Pháp chủ. Trong đó Hòa thượng Phó Pháp chủ Thích Trí Tịnh kiêm Giám luật, Hòa thượng Phó Pháp chủ  Thích Tâm Tịch kiêm Chánh thư ký.

2. Đại hội suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 70 vị (39 Hòa thượng, 15 Thượng tọa, 1 Đại đức, 4  Ni trưởng, 3  Ni sư, 1 Sư cô, 7 Cư sĩ). Ban Thường trực Hội đồng Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 29 vị (16 Hòa thượng, 6 Thượng tọa, 5 cư sĩ, 1  Ni sư, 1 Sư cô) do ngài Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tăng sự. Tám vị Phó Chủ tịch trong đó có:
- 1 vị Phó Chủ tịch thường trực kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng, Ni: Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
- 2 vị Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực: Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng  Thích Thiện Hào.
- 1 vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trưởng ban Quốc tế: Hòa thượng Thích Minh Châu.
- 1 vị Phó chủ tịch kiêm Phó trưởng ban Tăng sự: Hòa thượng Thích Tâm Thông.
- 3 vị Hòa thượng Phó Chủ tịch: Hòa thượng  Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Siêu Việt, Hòa thượng Châu Mun.
- 2 vị Phó Tổng thư ký: Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Thượng tọa Thích Thanh Tứ.
- 4 vị Uỷ viên Thư ký (trong đó có 2 vị là cư sĩ).
- Hội đồng Trị sự có  10 ban: Ban Tăng sự,  Ban Giáo dục Tăng, Ni, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Nghi lễ, Ban Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Văn hoá, Ban Kinh tế tài chính, Ban Từ thiện xã hội, Ban văn hóa.
- 1 vị Uỷ viên Thủ quỹ: Ni sư Thích nữ Ngoạt Liên.
- 3 vị Uỷ viên Kiểm soát: Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Cư sĩ Tống Hồ Cầm.

G. Giải thích bổ sung về việc tu chỉnh Hiến chương

Bên cạnh một số nội dung tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khả thi, cũng có nhiều đề nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban Trị sự một số địa phương. Đó là những đề nghị mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thức rõ tính xây dựng đối với Giáo hội và gắn bó với dân tộc trong bản chất những đề nghị đó.

Đối với những đề nghị tu chỉnh trên, xin lần lượt giải quyết như sau:

1. Về vấn đề Đạo kỳ và Đạo ca

ĐẠO KỲ: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thức về Phật kỳ 5 sắc hiện nay đang được treo tại các cơ sở tự viện của Giáo hội là một hệ quả tất nhiên của hoàn cảnh lịch sử Phật giáo cận đại. Phật kỳ 5 sắc ta dùng hiện nay tại các chùa chính là biểu tượng của WFB (World Friendship of Buddhists): Hội Liên hữu Phật giáo thế giới. Phật giáo Việt Nam từng là thành viên sáng lập của tổ chức này vào năm 1950. Nhưng hiện nay, tổ chức này, do những lý do chính trị trên trường quốc tế phức tạp đã không xem Phật giáo Việt Nam là một thành viên, đồng thời có một số cử chỉ chưa được thiện chí đối với Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP), mà Việt Nam là thành viên vẫn tồn tại.

Do đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định, việc treo Phật kỳ 5 sắc tại các cơ sở tự viện là một hiện tượng tự nhiên, thể hiện kết tinh của phong trào chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh Phật giáo vì dân tộc trước năm 1975 tại miền Nam. Nhưng đồng thời vì những lý do đối ngoại quốc tế tế nhị như trên, nên chưa thể đưa vấn đề Đạo kỳ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một khi chưa cải thiện quan hệ với WFB. Vậy việc treo Phật kỳ, phan, phướn v.v...cứ y theo lệ cũ tuỳ theo địa phương.

ĐẠO CA: Mặc nhiên chấp nhận trong các sinh hoạt tín ngưỡng tại các tự viện. Được sử dụng bài “Phật giáo Việt Nam” của tác giả Lê Cao Phan.

Nhưng do vấn đề tế nhị trong việc tôn trọng các pháp môn khác nhau, cũng như vấn đề Đạo ca gắn với Đạo kỳ, nên không nhất thiết phải đề cập vấn đề này trong Hiến chương.

2. Vấn đề thêm một cấp Quận - Huyện trong hệ thống tổ chức của Giáo hội

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ sớm soạn thảo một quy chế quy định nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của Ban Đại diện Quận-Huyện, cũng như các mối liên hệ lãnh đạo và chấp hành đối với Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cũng sẽ nghiên cứu về hình thức khuôn dấu của Ban Đại diện Quận-Huyện, xem như đây là những khuôn dấu để liên hệ giải quyết các vấn đề do Tỉnh, Thành hội uỷ nhiệm theo quy chế sẽ ban hành, không có chức năng chỉ đạo hành chính như khuôn dấu của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

Ngoài ra, có một số đơn vị Quận-Huyện không có Tăng, Ni mà chỉ có tín đồ Phật tử cũng được bổ nhiệm Ban Đại diện do cư sĩ đảm trách. Trong một số trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội có thể bổ nhiệm các vị thành viên Ban Trị sự phụ trách các Phật sự liên hệ ở các Quận, Huyện.

Do tình hình về nhân sự điều hành nhìn chung trên cả nước, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nhận thấy việc xem Ban Đại diện Quận-Huyện là một cấp hành chính trực tiếp chỉ đạo với mọi quyền hạn và pháp lý như Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội với mọi tự viện, Tăng, Ni thuộc các hệ phái khác nhau, là một vấn đề còn cần thời gian xây dựng và xem xét. Do đó, chưa thể xem Ban Đại diện Quận-Huyện là một cấp hành chính lãnh đạo với đầy đủ pháp lý và quyền hạn như Ban Trị sự tỉnh, thành hội.

3. Vấn đề Gia đình Phật tử

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một số nhận định về vấn đề này:

- Nguyện vọng giáo dục giáo lý đạo Phật và đạo đức Phật giáo cho nam nữ Phật tử, trong đó kể cả thanh thiếu niên Phật tử là nguyện vọng chính đáng. Cần phải tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng đó.

Vì thế, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định rõ ràng trách nhiệm của các cấp lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương, Tỉnh - Thành hội đến các cơ sở tự viện đối với Phật sự quan trọng này.

Để thực hiện trách nhiệm đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ sớm soạn thảo quy chế, nội dung hoạt động của ngành nam nữ Phật tử từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện cho Phật sự này được hoạt động hợp tình hợp lý. Không chấp trước vào hình tướng hoạt động và danh xưng (có thể sử dụng các từ như Gia đình Phật tử, Huynh trưởng hoặc những danh xưng khác). Yêu cầu cơ bản là những hình thức hoạt động này cần được sự lãnh đạo, hướng dẫn sinh hoạt của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

- Trước mắt có thể nghiên cứu một số thí điểm (nơi đa số các Phật tử thuần thành thực hiện các hoạt động này dưới sự hướng dẫn khéo léo tế nhị của Ban Trị sự) để xây dựng quy chế nhằm phát triển Phật sự quan trọng này.

H. Những sự kiện quan trọng

- Đức Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam và quý tôn đức Tăng, Ni:  Hòa thượng Thích Giác Nhu (Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh), Các Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Thích Thiện Hào, Thích Bửu Ý, Thích Siêu Việt, Hòa thượng Thích Thanh Viên (Trưởng ban Từ thiện xã hội),  Ni trưởng Thích nữ Diệu Không (Uỷ viên Hội đồng Trị sự)... đã viên tịch.
- Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch được cung thỉnh suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đánh giá chung

Nhiệm kỳ III là giai đoạn tiếp tục phát triển một cách toàn diện và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của 10 ban ngành, viện từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ tiếp tục đổi mới và mở cửa của đất nước, tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thành lập 41 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, với 33 thành viên Hội đồng Chứng minh,  70 thành viên Hội đồng Trị sự. Chương trình hoạt động 6 điểm ngày càng mở rộng, thể hiện tính tích cực hơn qua phương châm hoạt động: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.
 

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ III - GHPGVN

Thực trạng xã hội hiện nay kêu gọi sự đóng góp rất nhiều của Tăng, Ni và Phật tử trong công cuộc giáo dục đạo đức, bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc. Giáo hội cần ra sức vận động tổ chức cho Tăng, Ni, Phật tử tham gia vào các mặt hoạt động này

A. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Con đường phát triển trong mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ III là sự kế thừa và phát huy đại nguyện thống nhất Phật giáo và sự gắn bó Đạo pháp với Dân tộc mà chư vị Tôn túc giáo phẩm Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã dành nhiều tâm trí lực để thành đạt kể từ ngày thành lập Giáo hội.

Bước vào nhiệm kỳ III, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong một Hoàn cảnh lịch sử trọng đại của dân tộc: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghiã Việt Nam vừa thông qua Hiến pháp mới khẳng định rõ sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhà nước ta. Mới đây, Quốc hội lại thông qua nhiều chủ trương đổi mới quan trọng trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và ngoại giao. Một chính phủ mới được bầu ra với hiệu năng nâng cao nhằm động viên sự đóng góp tâm trí lực của toàn thể dân tộc, đưa Tổ quốc Việt Nam lên một bước phát triển mới. trong tình hình đó, các thành tựu cũng như các mặt tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội đã và đang hình thành. Song lại xuất hiện một số tiêu cực trên bình diện văn hoá xã hội. Nếp sống chạy theo hưởng thụ có chiều hướng ngăn cản công cuộc bảo tồn và phát triển nền đạo đức truyền thống dân tộc.

Do đó, trước hoàn cảnh đặc biệt hiện nay của dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần vận dụng con đường đúng đắn đã được lựa chọn vào thực tiễn xã hội Việt Nam, đề ra được một phương hướng nền tảng cho một chương trình hành động thiết thực và khả thi nhằm làm cho công cuộc hoằng pháp độ sinh của Phật giáo Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Xuất phát từ những nhận thức nêu trên và dựa trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ III là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp các bộ phái trong Phật giáo-thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về lãnh đạo và tổ chức trên cơ sở tôn trọng các pháp môn tu học biệt truyền của từng hệ phái và thống nhất hành động xung quanh phương châm: “Đạo pháp- Dân tộc-Chủ nghiã xã hội”, xây dựng mối quan hệ thống nhất về lãnh đạo giữa Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội cho đến các cơ sở tự viện trên cơ sở xây dựng Giáo hội đoàn kết chặt chẽ để làm nền tảng cho việc phát triển các hoạt động vì Đạo pháp và Dân tộc, làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.

Do yêu cầu mỗi lúc một tăng trưởng trong xã hội hiện nay của công cuộc hoằng dương Chính pháp, Giáo hội cần tập trung công sức xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng, Ni, tăng cường chất lượng giảng dạy tại các trường Cơ bản và Cao cấp Phật học, cố gắng mở rộng hệ thống đào tạo, đồng thời vẫn giữ vững chất lượng đào tạo bằng nhiều biện pháp linh động, để vừa nâng cao phẩm hạnh và trình độ tu học của lớp Tăng, Ni hiện hữu, vừa xây dựng một lớp Tăng, Ni trẻ với số lượng và khả năng đáp ứng được nhu cầu tu học ngày càng tăng của đồng bào Phật tử hiện nay. Mặt khác, trước yêu cầu của xã hội trong việc nghiên cứu và kiến giải giáo lý trong sáng của đức Phật, trong các bình diện văn hoá, lịch sử, học thuật Phật giáo. Giáo hội cần mở rộng đóng góp và cộng tác rộng rãi hơn nữa, không phân biệt tông phái của nhiều vị giáo phẩm có đạo hạnh trong sáng và kiến giải sâu rộng về giáo lý cũng như của hàng ngũ trí thức Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cho các hoạt động nghiên cứu Phật học và phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Thực trạng xã hội hiện nay kêu gọi sự đóng góp rất nhiều của Tăng, Ni và Phật tử trong công cuộc giáo dục đạo đức, bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc. Giáo hội cần ra sức vận động tổ chức cho Tăng, Ni, Phật tử tham gia vào các mặt hoạt động này thông qua sự hướng dẫn của chuyên ngành Hoằng pháp, văn hoá và Hướng dẫn nam nữ Phật tử sống một nếp sống lành mạnh trong sáng và hướng thượng. thực trạng xã hội hiện nay cũng yêu cầu chúng ta nâng cao ý thức tương thân tương trợ. Do đó Giáo hội cần khuyến khích Tăng, Ni, Phật tử tham gia các hoạt động thiết thực cứu khổ độ sinh, khuyến khích các cơ sở của Giáo hội tham gia, hoặc trực tiếp tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động từ thiện xã hội do Trung ương Giáo hội hoặc Ban Trị sự Phật giáo địa phương đề ra. Giáo hội có trách nhiệm vận động Tăng, Ni, Phật tử, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động này để thể hiện thiết thực hạnh nguyện từ bi cứu khổ của người con Phật với tâm không phân biệt mọi giới trong xã hội.

Trong hoàn cảnh tương quan tương duyên và xu thế mở rộng bang giao giữa các quốc gia, các dân tộc, Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện Tăng, Ni, Phật tử cả nước, có khả năng và tiềm lực to lớn để cùng các tổ chức quốc tế Phật giáo khác góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác hòa bình và ổn định cho khu vực cũng như trên thế giới đồng thời đóng góp cho sự phát triển của trào lưu tiến bộ xã hội trong khu vực. Do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đẩy mạnh và phát huy hơn nữa các hoạt động quốc tế trong bối cảnh tình hình quốc tế rất đặc biệt hiện nay, trong đó có việc góp phần đổi mới và tăng cường khả năng hoạt động của Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP). Đối với một số Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại hiện đang hướng về quê hương ngày càng đông qua các hành động thiện chí đối với Đạo pháp và Dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thán công đức của chư vị. Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm tăng cường đoàn kết hơn nữa với quý vị Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại và hết lòng tạo điều kiện gắn bó chư vị với quê hương nhiều hơn nữa.

Để thực hiện tất cả các Phật sự trọng đại nêu trên, không những Giáo hội cần sự đóng góp tâm trí lực to lớn của chư vị Tôn túc giáo phẩm Tăng, Ni trong và ngoài nước, mà Giáo hội còn cần những điều kiện vật chất cụ thể. Do đó, Giáo hội cần có kế hoạch thiết thực và khả thi nhằm tạo nguồn kinh phí cho những Phật sự trọng đại nêu trên bằng các hoạt động kinh tế do một số cơ quan của Trung ương Giáo hội và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội có điều kiện thực hiện. Giáo hội kết hợp song song xây dựng nguồn kinh phí hoạt động với việc phát triển từng bước mọi hoạt động Phật sự theo phương hướng chung đã nói trên. Xuất phát từ phương hướng chung đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra đại cương chương trình hành động gồm các điểm như sau:

B. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG

I. Xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, lục hòa cộng trụ, Tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

1. Nhằm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, lục hòa cộng trụ, yểm trợ cho sự phát triển hài hòa của các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng Chính pháp. Tạo điều kiện cho Phật giáo Nam tông và Phật giáo Khmer củng cố và duy trì Bộ phái và phương tiện tu hành đúng Chính pháp.

2. Các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo cần tăng cường việc xây dựng tinh thần hòa hợp với mối quan hệ mật thiết giữa các Bộ chúng Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử trong mọi mặt hoạt động Phật sự.

Phát huy ý thức thống nhất về lãnh đạo và tổ chức xung quanh phương châm hoạt động của Giáo hội, thực hiện nghiêm túc Hiến chương và các Nội quy hoạt động do Trung ương ban hành.

Giải quyết dứt điểm tình trạng mất đoàn kết tại một số Tỉnh, Thành hội. Tổ chức Đại hội thành lập Ban Trị sự một số Tỉnh, Thành hội chưa có Ban Trị sự hoặc mới chia tỉnh.

3. Củng cố và tăng cường nhân sự hoạt động cho các ban của Trung ương Giáo hội để tạo điều kiện cho Ban Thường trực Trung ương Giáo hội tăng cường được khả năng chỉ đạo các Phật sự theo chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương.

Sớm soạn thảo và thông qua quy chế hoạt động của các Ban của Trung ương Giáo hội. Xây dựng nề nếp quan hệ giữa Trung ương và địa phương.

1. Mỗi Tỉnh, Thành hội Phật giáo phát huy vai trò tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam tại địa phương, thực hiện tốt chức năng thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, động viên cổ vũ Tăng, Ni nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc với các giới đồng bào trong địa phương. Từng đơn vị Tỉnh, Thành hội thắt chặt mối quan hệ giữa Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội với chính quyền và Mặt trận địa phương để phối hợp giải quyết những trường hợp còn vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách tôn giáo của Nhà nước và đề đạt giải quyết các nguyện vọng chính đáng của Phật giáo tại địa phương.

II. Thực hiện nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, phối hợp với các hoạt động chuyên ngành Hoằng pháp, Văn hoá, Nghi lễ và Từ thiện xã hội nhằm xây dựng niềm tin chân chính vừ nếp sống đạo trong sáng cho Phật tử Việt Nam.

1. Ban Hoằng pháp soạn thảo và thông qua Ban Thường trực Trung ương Giáo hội một chương trình và nội dung hoằng pháp sử dụng trong nhiệm kỳ III.

Lên kế hoạch về việc đào tạo giảng viên hoằng pháp cho các Tỉnh, Thành hội. Mỗi Tỉnh, Thành hội tổ chức ít nhất là một khoá đào tạo giảng viên theo chương trình Trung ương Giáo hội đề ra, Trung ương Giáo hội sẽ yểm trợ các Tỉnh, Thành hội nào có điều kiện tổ chức trước. Các Tỉnh, Thành hội nào không có điều kiện sẽ tổ chức theo vùng.

2. Quan tâm hướng dẫn các hoạt động nghi lễ được đơn giản, trang nghiêm đúng Chính pháp, đồng thời để thể hiện sự tôn trọng nghi lễ đúng Chính pháp của từng hệ phái. Hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử xa lánh các hoạt động tà giáo và mê tín.

Lên kế hoạch phiên dịch các bài kinh bằng chữ Hán ra tiếng Việt để phổ biến rộng rãi đến các giới Phật tử trong và ngoài nước.

3. Tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động của Ban Văn hoá. Xin phép Nhà nước cho thành lập một nhà xuất bản kinh sách của Trung ương Giáo hội để tiến đến thống nhất về mặt in ấn và xuất bản kinh sách cho Phật giáo cả nước. Đồng thời chọn lọc các đầu sách có giá trị và điều tiết việc phát hành in ấn theo yêu cầu của Tăng, Ni, Phật tử cho các vùng, các miền. Tiếp tục công trình biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam để Hoàn thành trong nhiệm kỳ III này.

Trao đổi với Ban Trị sự thành hội thành phố Hồ Chí Minh để đề nghị chuyển tờ báo Giác Ngộ trở thành tiếng nói chung của Giáo hội.

Xin phép Nhà nước chuyển tập Văn của Trung ương Giáo hội thành tạp chí xuất bản định kỳ, khuyến khích Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội khai triển và hướng dẫn các hoạt động văn hoá, văn nghệ Phật giáo.

4. Sớm thực hiện và sơ kết việc thực hiện thí điểm hoạt động hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử tại một số địa phương. Củng cố và tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động cho Ban Hướng dẫn Nam Nữ cư sĩ Phật tử. Xây dựng nội dung hướng dẫn nam nữ Phật tử trên cơ sở phối hợp với các hoạt động hoằng pháp, văn hoá, nghi lễ và từ thiện xã hội. Làm cho những hoạt động hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử mang tính giáo dục cao, thể hiện truyền thống văn hoá của dân tộc và bổ ích cho cuộc sống thiết thực hiện tại.

III. Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo đội ngũ Tăng, Ni trẻ đầy đủ năng lực, có trình độ Phật học và thế học cao, biết vận dụng chính pháp một cách khế lý khế cơ trong truyền trì mạng mạch Phật pháp, phụng sự chúng sinh và làm lợi ích xã hội.

1. Tăng cường nhân sự và các điều kiện hoạt động của Ban Giáo dục Tăng, Ni.

Yểm trợ Hoàn thành chương trình học của lớp bồi dưỡng Hậu Cao cấp Phật học khoá I. Cải tiến nội dung giáo trình đào tạo Hậu Cao cấp Phật học cho khoá II.

Tiếp tục hoàn chỉnh chương trình của Trường Cao cấp Phật học. Đào tạo giảng sư cho Trường Cao cấp Phật học dựa vào việc tuyển chọn các Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp khoá I đang đi du học nước ngoài hoặc còn trong nước, để tăng cường chất lượng giảng dạy.

2. Sớm tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại đối với các tỉnh có đông Tăng, Ni và đủ điều kiện nhưng không mở được Trường Cơ bản Phật học. Hỗ trợ, chỉ đạo các Tỉnh, Thành còn lại, tiếp tục lập thủ tục xin phép mở trường Cơ bản Phật học tại địa phương hoặc kết hợp liên tỉnh để Tăng, Ni có đủ điều kiện học tập.

Soạn thảo thống nhất chương trình giảng dạy và học tập tại các Trường Cơ bản Phật học cả nước. Tổ chức những lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giảng viên, mở khoá học điều hành tổng quát cho Ban Giám hiệu, lên kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo nhân sự tại chỗ cho Ban Giám hiệu và Ban Giảng sư của Trường.

Tạo điều kiện giúp cho Trường Cao cấp Phật học cơ sở I tại Hà Nội chiêu sinh khoá II để đào tạo Tăng, Ni kế thừa. Tiếp tục chiêu sinh khoá III Trường Cao cấp Phật học cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh Thành lập một Hội đồng biên soạn giáo án cho trường Cao cấp Phật học. Thống nhất chương trình giảng dạy tại các Trường Cơ bản Phật học trong cả nước.

Nghiên cứu tổ chức một trường Trung cấp Phật học dành riêng cho Phật giáo Khmer. Hình thành các giáo trình giảng dạy cho trường. Chú trọng đào tạo giảng sư chuyên về Pali và Sanskrit cho Nam tông, bằng cách chọn cử và gửi đi du học nước ngoài. 

IV. Các hoạt động nghiên cứu và học thuật Phật giáo

1. Giáo hội có kế hoạch hỗ trợ Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phát triển được công tác Nghiên cứu Phật học. Có kế hoạch giúp Phân viện Nghiên cứu Phật học phát huy thế mạnh đặc trưng của Phân viện. Tăng cường nhân sự công tác và hoạt động cho Viện, củng cố bộ máy tổ chức, tích cự hỗ trợ, vận động tài chính cho Viện và Phân viện trong những năm đầu của nhiệm kỳ. Lên kế hoạch mời cộng tác với các cơ quan Nghiên cứu Phật học quốc tế và các học giả trong và ngoài nước, phát huy được những năng lực còn tiềm tàng của các đội ngũ trí thức trong nước trong việc cộng tác với Viện. Lên kế hoạch đào tạo nhân sự nghiên cứu cho Viện và Phân viện trong và ngoài nước.

2. Về việc phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện lên kế hoạch tăng cường nhân sự và khả năng hoạt động cho Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch. Lên kế hoạch về việc hiệu đính suốt trong nhiệm kỳ III cho những bộ kinh đã được dịch.

Xin phép Nhà nước cho quan hệ với các tổ chức quốc tế có thiện chí yểm trợ cho công việc ấn hành Đại Tạng Kinh về mặt học thuật cũng như về mặt tài chính. Chuẩn bị nhân lực và vật lực để có một số điều kiện cơ bản cho việc phiên dịch những Kinh chưa được dịch vào cuối nhiệm kỳ III.

Tiếp tục có kế hoạch về vận động tài chính cho Phật sự quan trọng này.

Sớm có kế hoạch phát hành và phổ biến nghiên cứu những bộ Kinh này đến các Tỉnh, Thành hội. Khuyến khích mỗi cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất,  Niệm Phật đường trực thuộc Giáo hội trong cả nước nên có một bộ Đại Tạng bằng tiếng Việt.

V. Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở Phật giáo địa phương ngày càng đi vào hiện thực. Khâu tổ chức quản lý điều hành chặt chẽ, có phương hướng xây dựng giúp đỡ và khuyến khích phát triển lâu dài.

Thành lập một chuyên Ban Từ thiện xã hội được xem như một Ban - ngành hoạt  động trực thuộc Giáo hội.

Củng cố và phát triển các Tuệ Tĩnh đường và các phòng thuốc Y học dân tộc đã có. Sơ kết rút kinh nghiệm tại các Tuệ Tĩnh đường kiểu mẫu trong năm đầu của nhiệm kỳ III, nhằm nâng cao hiệu năng và đẩy mạnh hoạt động Tuệ Tĩnh đường ra cả nước, trên cơ sở đảm bảo tính khoa học và hoạt động trong tinh thần phục vụ vô ngã vị tha. Phối hợp với ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương để giúp đỡ về mặt nghiệp vụ.

Hỗ trợ thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành từ thiện xã hội của Trung ương tiếp tục mở lớp Lương y Tuệ Tĩnh đường khoá II.

Chú ý xây dựng và phát triển Tuệ Tĩnh đường hoặc các phòng thuốc Y học dân tộc tại những nơi đông đảo nhân dân lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đề ra kế hoạch và khuyến khích Phật giáo địa phương tham gia vào công tác phát triển cộng đồng xã hội nông thôn, nhằm xây dựng một đời sống thiết thực hiện tại, như cũng cấp những kiến thức cơ bản về y tế cộng đồng, văn hoá xã hội, xây dựng ý thức và tình cảm đoàn kết tương trợ cho Phật tử và cư dân ở những khu vực xa xôi hẻo lánh này để nâng cao đời sống văn minh, văn hoá và sức khoẻ cho nhân dân trong vùng.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ III, ngành Từ thiện xã hội soạn đề án tổ chức nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, khuyến khích Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội có điều kiện phối hợp thực hiện. Lên kế hoạch đào tạo về chuyên môn cho các Tăng, Ni phục vụ tại các cơ sở này.

Khuyến khích và đề cao vai trò của Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước trong việc tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội do Trung ương và địa phương tổ chức. Tiếp tục gắn bó với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong các mặt hoạt động này.

VI. Phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết của Phật giáo Việt Nam để củng cố tổ chức ABCP, Mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo quốc tế nhằm xây dựng hòa bình ổn định và hợp tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trao đổi học thuật Phật giáo và các hoạt động xã hội từ thiện, Tăng cường mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam và nước ngoài.

Góp phần tích cực đổi mới phương thức mục tiêu và nội dung hoạt động của tổ chức ABCP quốc tế, nhằm củng cố hoạt động của tổ chức này, phục vụ cho yêu cầu xây dựng một khu vực Hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị tại châu Á Thái Bình Dương, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Tiếp tục phát huy vai trò, khả năng đoàn kết của Phật giáo Việt Nam với các thành viên ABCP quốc gia khác. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác về mục tiêu hoằng dương Chính pháp, an lạc cho khu vực trên cơ sở hợp tác giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Tăng cường củng cố quan hệ, hợp tác hữu nghị giữa ba nước Đông Dương. Chú ý xây dựng quan hệ hợp tác với Phật giáo Ấn Độ, Nhật Bản.

Phát triển hợp tác quốc tế trên lãnh vực học thuật Phật giáo và hoạt động từ thiện xã hội.

Tăng cường và mở rộng mối quan hệ đoàn kết hòa hợp và tình đồng đạo, nghiã đồng bào đối với Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Mở rộng mạng lưới cộng tác viên cho Giáo hội trong số đồng bào Phật tử tại hải ngoại. Yểm trợ việc xây dựng và củng cố các chi hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, chú ý củng cố phát triển chi hội tại Pháp. Và nếu có thể, xây dựng thêm một số chi hội tại các nước Tây Âu, Úc, Canada, Nhật Bản.

Trong mọi hoạt động quốc tế Phật giáo, chú ý bảo đảm lợi ích của Đạo pháp, độc lập và chủ quyền dân tộc. Cần thành lập một Ban chuyên môn lấy tên “Ban Quốc tế Phật giáo và Phật tử Việt Nam tại hải ngoại”. Đề nghị bổ sung Ban này thành một ban chuyên môn trực thuộc Trung ương Giáo hội trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

VII. Quan tâm theo dõi đời sống kinh tế của Tăng, Ni tại các cơ sở Tự viện, kết hợp tu học với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế nhà chùa bằng sức lao động của chính mình.

Nghiên cứu tổ chức các mô hình kinh tế thích hợp theo từng vùng. Có kế hoạch mở các lớp dạy nghề cho Tăng, Ni, Phật tử tại một số điểm.

Khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế của Giáo hội tại các đơn vị cơ sở theo đúng tinh thần của Tổ Bách Trượng: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

Các đơn vị trực thuộc Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các Tỉnh, Thành hội tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động. Xây dựng kế hoạch, tạo nguồn kinh phí cho Trung ương hội và các Tỉnh, Thành hội. Chú ý các loại hình kinh tế phù hợp với truyền thống Phật giáo, các hoạt động tổ chức hành hương Phật tích, các hoạt động văn hoá Phật giáo, in ấn và phát hành v.v... Xin phép Nhà nước cho liên kết kinh doanh với tư nhân và Phật tử nước ngoài trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

C. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và củng cố về tổ chức nhân sự: Đặc biệt chú trọng tổ chức các Ban của Trung ương về mặt nhân sự, quy chế làm việc. Các Tỉnh, Thành hội chọn cử các uỷ viên chuyên ngành có năng lực thực sự, chú ý xây dựng mạng lưới cộng tác viên cho vị uỷ viên chuyên ngành đó.

2. Trung ương và các Tỉnh, Thành hội hết sức chú ý đến việc xây dựng ý thức trách nhiệm đối với Đạo pháp và Dân tộc, trong hàng ngũ các vị giáo phẩm hoạt động trong các Ban, Ngành của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội và trong hàng ngũ Tăng, Ni, Phật tử tại các cơ sở tự viện.

3. Phát huy vai trò của Ban Thường trực Trung ương trong việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện chương trình hành động của Trung ương Giáo hội đã đề ra. Kịp thời biểu dương và tuyên dương công đức đối với các đơn vị hoặc cá nhân có những đóng góp xứng đáng cho từng Phật sự. Uốn nắn những sự trì hoãn, chậm trễ lệch hướng trong việc thực hiện các chương trình hành động đã đề ra.

4. Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Tăng, Ni có đạo hạnh, có văn hoá, trình độ Phật học và năng lực hoạt động phục vụ cho Giáo hội.

5. Tham gia vào các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc, phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Đảm bảo hoạt động của các cấp Giáo hội nghiêm túc trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp Nhà nước.

6. Xây dựng nguồn kinh phí hoạt động. Hình thành một chuyên ban kinh tế tài chính của Giáo hội.

Thưa toàn thể Đại hội,

Đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng đất nước toàn diện, đó là một trợ duyên để Giáo hội ta thực hiện những Phật sự trọng đại. Mọi Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài cần nỗ lực và tích cực đóng góp thiết thực để những Phật sự này được thành tựu viên mãn, góp phần cùng toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, xây dựng cõi cực lạc trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

 

Nguồn tin: phatgiao.org.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây