Trước thềm Đại hội Phật giáo tỉnh NK VII: Tham luận Ban Pháp chế

Thứ năm - 03/11/2022 18:35
Đạo Phật Việt Nam đã gắn liền với dân tộc xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, đạo Phật cũng theo đó mà có thịnh có suy. Song với bản chất đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát, tinh thần tự giác là thuộc tính quan trọng, là yếu tố phát khởi ở một người xuất gia tu hành và luôn đi đầu trong hành trình tu học, của Tăng Ni, Phật tử.
Trước thềm Đại hội Phật giáo tỉnh NK VII: Tham luận Ban Pháp chế
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BAN PHÁP CHẾ XÂY DỰNG GIÁO HỘI
“KỶ CƯƠNG - TRÁCH NHIỆM - ĐOÀN KẾT - PHÁT TRIỂN”.
Ban Pháp chế Phật giáo tỉnh BR-VT
Tác giả: TT. Thích Nguyên Thọ
Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh BR-VT

Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam bộ. Phía bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giá với biển Đông, cũng là địa hương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung nhiều khu kinh tế - sản xuất, ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của cả nước như khí, điện, đạm, dịch vụ hậu cần cảng biển, du lịch... Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo (gần 50% dân số toàn tỉnh) trong đó có nhiều cơ sở thờ tự được công nhận di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó Phật giáo thì có Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá, Linh Sơn Cổ Tự và Thiền Viện Chơn Không tại TP.Vũng Tàu. chùa Trúc Lâm Chân Nguyên (chùa khỉ) và Hòn Một tại huyện Đất Đỏ, đặc biệt là trung tâm Phật giáo Đại Tòng Lâm tại thị xã Phú Mỹ. Cùng các tôn giáo ngày càng ổn định, phát triển về mọi mặt cơ sở thờ tự khang trang, các sinh hoạt tín đồ Phật tử ngày càng được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt .
Hoà chung thành tựu các tôn giáo có được, đạo Phật trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 440 cơ sở tự viện hợp pháp và gần hơn 300 cơ ở am, thất, dưới hình thức nhà ở tu sĩ (cơ sở chưa được công nhận), với khoảng 3.932 chức sắc (Tăng 1.705, Ni 2.227) và 292.000 Phật tử. Có thể nói, tình hình Phật giáo trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua không những ổn định mà còn có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt như: Tổ chức giáo hội các cấp ngày càng được củng cố, nhân sự tham gia lãnh đạo giáo hội có phẩm hạnh, năng lực và luôn tích cực trong mọi hoạt động Phật sự cũng như tham gia các phong trào do chính quyền và các ban ngành phát động nhiều chức sắc được tín nhiệm, giới thiệu tham gia Đại biểu Hội đồng nhân dân và là thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về công tác quản lý, kiến thức pháp luật về hoạt động tôn giáo… luôn được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là đối với chức sắc trụ trì...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, tình hình giáo hội vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như:
1. Tư tưởng vị kỷ tranh giành quyền lợi, vị trí, nhất là vị trí chủ chốt trong cơ cấu tổ chức giáo hội, cụ thể là lãnh đạo trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đang có xu hướng tăng, lan rộng theo chiều hướng xấu, từ đó làm cho quan hệ trong Tăng đoàn, phát sinh tình trạng bằng mặt không bằng lòng, có biểu hiện của sự lôi kéo theo nhóm trong hàng ngũ chức sắc làm nảy sinh sự bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ, đây là một vấn đề đau lòng không ai mong muốn song lại diễn ra tại giáo hội tỉnh nhà, không chỉ Tăng Ni, Phật tử mà các Ban ngành chính quyền cũng như quần chúng tại địa hương đều nhận biết. Chính sự mâu thuẫn này dẫn đến các hoạt động Phật sự quan trọng bị ảnh hưởng, điển hình là việc trì hoãn tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ VII (2022-2027). Lý do đơn giản chỉ là vì quý chư Tôn đức đều muốn những chức sắc có quan hệ tốt với mình được cơ cấu nhiều, tham gia vào Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và được giữ những vị trí chủ chốt
2. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền quản lý, trụ trì của một số cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, kéo dài nhiều năm, hầu hết các vụ việc đều chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Tình trạng Tăng Ni, nhất là Tăng, Ni trẻ tự ý mua đất tạo lập am, cốc. Tổ chức tụ tập sinh hoạt tôn giáo khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép (Mua đất, xây nhà ở cá nhân nhưng hình thức thiết kế, sắp xếp nội thất… thể hiện hình tướng của một cơ sở tôn giáo: Có bàn thờ Phật, có tượng các loại..). Mục đích của các Tăng Ni muốn tạo sự việc đã rồi, theo thời gian dần dần biến thành cơ sở thờ tự mà không cần được công nhận hợp pháp (cải gia vi tự). Hiện trên địa bàn tỉnh theo thống kê sơ bộ đã có khoảng gần hơn 300 cơ sở kiểu này;
3. Tình trạng Tăng Ni ở địa phương khác đến cư trú, hoạt động nhưng không đăng ký sinh hoạt tôn giáo với Giáo hội, hoặc có đăng ký nhưng không sinh hoạt đúng như đăng ký, không thực hiện kê khai đăng ký tạm trú, lưu trú với chính quyền địa hương cũng đang là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý, giữ gìn kỷ cương, trang nghiêm giáo hội.

Chúng ta biết rằng, đạo Phật Việt Nam đã gắn liền với dân tộc xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, đạo Phật cũng theo đó mà có thịnh có suy. Song với bản chất đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát, tinh thần tự giác là thuộc tính quan trọng, là yếu tố phát khởi ở một người xuất gia tu hành và luôn đi đầu trong hành trình tu học, của Tăng Ni, Phật tử.
Từ nền tảng này, Phật giáo Việt Nam nói chung, tại tỉnh BR-VT nói riêng sẽ ngày càng hưng thịnh, phát triển vững mạnh trên nền tảng kiên cố đó. Vì vậy, những tồn tại, hạn chế nêu trên chỉ có thể là do hoàn cảnh khách quan bị tác động bởi nhịp sống thời đại và do yếu tố chủ quan của một bộ phận người xuất gia (chức sắc) vẫn chưa thật sự tự giác trong đời sống tu hành và điều này lại nhắc nhở chúng ta luôn phải ghi nhớ, rằng muốn giáo hội ngày càng hưng thịnh và phát triển bền vững, thiết nghĩ vấn đề kỷ cương, trách nhiệm và đoàn kết phải được thực hiện triệt để, nghiêm túc, với tinh thần tự giác cao.

 
img 3292 copy

Những vấn đề còn tồn tại, đang hiện hữu và đang tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển của Phật giáo tỉnh nhà như đã nêu ở trên. Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, việc thực hiện kỷ cương của giáo hội chưa tốt, chức sắc trong giáo hội, nhất là quý vị chức sắc trong Ban trị sự và trong các Ban chuyên môn của giáo hội chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trong thực hiện Hiến chương và Nội quy Tăng sự của Giáo hội và các văn bản pháp lý liên quan, bao gồm cả trong công tác lãnh đạo, quản lý và giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh chính sự không nhất quán, chưa công tâm. Một số vụ việc khi giải quyết còn có dấu hiệu đề cao lợi ích nhóm, lợi ích Sơn môn, Tông phái, chưa thể hiện vì ích lợi chung của Giáo hội.. đặc biệt là trong giới thiệu nhân sự tham gia công tác lãnh đạo Giáo hội và giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại các cơ sở tự viện, vì vậy, từ sự không tâm phục, dần thành không tin tưởng, không tôn trọng, thậm chí là coi thường, khi đó mâu thuẫn hình thành và phát sinh mất đoàn kết nội bộ.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch mà Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 nói chung đề ra với chủ đề “Kỷ cương -Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Ban Pháp chế, với tư cách một trong các Ban, Viện thuộc hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có chức năng nhiệm vụ, quyền hạn là tham mưu trực tiếp cho Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự các cấp lãnh đạo Giáo hội đối với những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành. Trong số chức năng, nhiệm vụ đó phải kể đến một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng như:
1. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản của Giáo hội, đề xuất phương án xử lý những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo trái quy định hoặc không còn phù hợp.
2. Theo dõi tình hình và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết và văn bản Quy phạm của giáo hội.
3. Chủ trì, phối hợp với Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát và các cấp Giáo hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của Tăng Ni, Phật tử và tham gia ý kiến về mặt pháp lý với cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả vấn đề tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Giáo hội, của tự viện, Tăng, Ni, Phật tử theo quy định của Pháp luật…

Những năm qua, Ban Pháp chế thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn tích cực, luôn đồng hành, sát cánh cùng các chuyên ban và Ban Trị sự các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu nắm vững các quy định của giáo hội, trên cơ sở Hiến chương và Nội quy Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban Pháp chế thuộc Ban trị sự Phật giáo tỉnh BR-VT thường xuyên có ý kiến đóng góp và tham mưu cho Ban Trị sự tỉnh trong hoạch định và đề ra chương trình hoạt động Phật sự đúng với tinh thần giáo luật và pháp luật, kịp thời ban hành hướng dẫn để Tăng Ni, Phật tử và các tự viện tổ chức các hoạt động tôn giáo đúng quy định, nhất là đối với các ngày Lễ trọng đại khi Trung ương Giáo hội có văn bản, hướng dẫn như: Đại lễ Phật đản, tổ chức An cư kiết hạ, Lễ Vu Lan… hoặc triển khai cho các tự viện tham gia phong trào do các cấp chính quyền phát động như: Treo cờ Tổ quốc tại cơ sở thờ tự vào dịp lễ, tham gia chiến dịch phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an ninh Tổ quốc ...
Trong thực hiện, chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện của Tăng, Ni và các cơ ở thờ tự trên địa bàn tỉnh, những năm qua, quý chư Tôn đức trong Ban Pháp chế thuộc Ban trị sự Phật giáo tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương và Nội quy Tăng sự cũng như các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Trị sự và các quy định của pháp luật như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Cư trú… Bên cạnh đó, Ban Pháp chế còn linh hoạt vận dụng giáo pháp nhà Phật, nhất là tinh thần giác ngộ, giới hạnh đạo đức... để giáo dục, tác động làm cho chức sắc là người có trách nhiệm liên quan vụ việc tranh chấp khiếu kiện nhận thức được vấn đề, lấy lợi ích Giáo hội và đặt niềm tin của Phật tử trên quyền lợi, địa vị cá nhân… Vì vậy, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài nhiều năm nay đã được giải quyết, các hoạt động Phật sự tại cơ sở thờ tự đã được tổ chức có nề nếp, trang nghiêm và ổn định.

Nhằm tăng cường phát huy vai trò của Ban Pháp chế trong xây dựng Giáo hội nói chung, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động Phật sự của Ban trị sự Phật giáo tỉnh và Ban trị sự Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố, nhất là vai trò, trách nhiệm của Ban Pháp chế, góp phần xây dựng Giáo hội ngày càng “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển”, Ban Phá chế chúng con xin có một số kiến nghị như sau:

 
A. Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát giới luật, kỷ cương bởi đây là yếu tố then chốt, thiết thực góp phần xương minh đạo pháp, làm nền tảng cho sự đoàn kết và phát triển của Giáo hội. Để làm điều này, quá trình lãnh đạo, triển khai thực hiện các mặt hoạt động Phật sự, nhất là khi xem xét, chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của cá nhân chức sắc, trọng tâm là các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về quyền quản lý cơ sở thờ tự, quyền trụ trì hay xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan chức sắc trong Giáo hội vi phạm giới luật hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín Giáo hội, phát sinh mâu thuẫn giữa các chức sắc với nhau.. Ban trị sự các cấp luôn phải công tâm, đặt lợi ích chung của Giáo hội, lợi ích chung của Tăng Ni, Phật tử tại các tự viện trên lợi ích cá nhân. Từng thành viên Ban Trị sự phải luôn luôn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, phát tâm hạnh nguyện phụng sự Đạo pháp và Dân tộc một cách vô điều kiện. Từng thành viên Ban Trị sự luôn là người gương mẫu trong hành trì tu học, sinh hoạt Phật sự, quan hệ trong Tăng đoàn cũng như quan hệ xã hội nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định của Giáo hội, nhất là Hiến chương và Nội quy Tăng sự.
B. Phật giáo Việt Nam được xem là một tôn giáo có khả năng thích ứng với mọi thay đổi của hoàn cảnh, thế nhưng thực tế tại địa phương, khả năng thích nghi hòa nhập chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, điều này khiến cho Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay từ vấn đề cơ cấu tổ chức nhân sự, quan niệm đến cách thức lãnh đạo, điều hành Giáo hội dường như chưa thể bắt nhịp được sự thay đổi nhảy vọt của thời đại. Mặc dù, trong Hiến chương và Nội quy Tăng sự đã quy định các Ban, Viện và các Phân ban từ Trung ương đến Địa phương đều có nhiệm vụ của mình…, thiết nghĩ, Giáo hội, cụ thể là Ban trị sự Phật giáo tỉnh cần phải có định hướng hội nhập như thế nào? Hành trang, phương tiện, dấn thân vào xã hội làm tốt đạo, đẹp đời ra sao? Nếu có lỗi lầm thì phải xử phạt như thế nào?.. để xứng đáng đạo Phật là đạo giác ngộ, thể hiện tính kỷ cương và trách nhiệm cao của một chức sắc, hoặc một người xuất gia.
Trong các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội như Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục, Nghi lễ…, nhất là lĩnh vực Thông tin Truyền thông, thiết nghĩ vấn đề kỷ cương cũng cần xem xét dựa trên nguyên tắc chuẩn mực đã được các Ban, Viện quy định và nhất là phải thừa hành theo sự sắp xếp điều phối của Giáo hội.
Trong đời sống xã hội, việc chấp hành Pháp luật là thể hiện văn hóa cuộc sống, qua đó cho thấy kỷ cương thông qua những quy định cụ thể là nhân tố quan trọng kết tinh thành nền tảng văn hóa, liên hệ đến lĩnh vực hoạt động Phật sự.
Nếu mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều tự giác chấp hành Hiến chương và những quy định khác của GHPGVN, điều này cũng có nghĩa chúng ta không chỉ thực hiện tốt kỷ cương quy định của Giáo hội, thể hiện văn hóa trong hoạt động Phật sự, mà còn trực tiếp duy trì và bảo tồn bản sắc đặc thù của văn hóa Phật giáo.
C. Thời gian tới, Ban Pháp chế cần nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Ban trị sự Phật giáo tỉnh và sự phối hợp, trao đổi của các Ban như Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát, Ban TTTT… trong công tác thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng chương trình làm việc, đề xuất giải pháp xử lý các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích của Tăng Ni và các tự viện, đặc biệt là trong giải quyết các tranh chấp khiếu kiện liên quan đến quyền quản lý, trụ trì các cơ sở thờ tự và đơn thư khiếu nại, tố cáo của Chức sắc, Phật tử.. Ban Pháp chế sẽ phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở Hiến chương, Nội quy Tăng sự và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban trị sự Phật giáo tỉnh nói riêng, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần xây dựng Giáo hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển”.
Trên đây là ý kiến tham luận của Ban Pháp chế nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiệm kỳ 2022-2027; các thông tin báo cáo cũng như ý kiến đề xuất chỉ nhằm làm minh bạch thêm hiện trạng công tác Phật sự thời gian qua trên địa bàn tỉnh, có nội dung nào chưa sát, chưa rõ.. xin quý chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Lãnh đạo chính quyền các cấp và Đại biểu tham dự Đại hội hoan hỷ.
Cuối cùng, xin kính chúc quý chư Tôn đức và quý vị Đại biểu thân tâm an lạc, cát tường, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây