Giới đàn Huệ Đăng: Khêu và trao đèn Trí huệ

Chủ nhật - 22/11/2020 23:45
Khai đàn truyền trao giới pháp tuy là phương tiện độ sanh, nhưng chính là một hoạt động nhằm duy trì giới điều mà đức Phật chế định cho hàng đệ tử trên tinh thần tự nguyện, tuyệt đối không áp đặt một ai phải tuân theo. Công năng của giới là phòng phi chỉ ác, ai thọ trì thì người đó được lợi ích lớn trên đường tìm cầu giác ngộ. Nói khác hơn, khai đại giới đàn với hảo tâm trong sáng tức là báo đền ân đức chư Phật, các vị tiền hiền tiên đức.
Giới đàn Huệ Đăng: Khêu và trao đèn Trí huệ
  1. DẪN NHẬP
Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh,
Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm,
Sắc tài danh lợi chẳng ham,
Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai.
Tuyết ban mai lâu dài chi đó,
Thân người đời nào có bao lâu,
Nhộn nhàn trong cuộc bể dâu, 
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây…” (1)
Đọc từng lời, từng câu bài sám Thảo Lư của thiền sư Thanh Kế - Huệ Đăng (1873-1953) trong bối cảnh chùa viện nguy nga giữa phố thị đông đúc, mấy ai tự cảnh tỉnh mình trước cạm bẫy lợi danh để buông bỏ hồng trần giữa cơn lốc vô thường chi phối mãnh liệt trong hiện thực cuộc sống đối diện nhiều hiểm họa khó lường từ thực phẩm đến môi trường, từ giao thông đến thời tiết…
Phật giáo vì sao vẫn tồn tại trong dòng chảy biến dịch của lịch sử nhân loại trên 25 thế kỷ? Không hẳn là do nhu cầu sống của con người qua từng thời đại, mà chính yếu nhờ vào nội lực của tập thể những tu sĩ Phật giáo vẫn còn thiết tha, tâm niệm lời đức Phật nhắc nhở trước khi nhập niết-bàn: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.”(2) Chính âm hưởng lời dạy thống thiết này đã giúp Phật giáo vượt thời gian và không gian, để hôm nay, thánh địa Đại Tòng Lâm có một giới đàn mang tên Huệ Đăng vẫn không ngoài mục đích kế vãng khai lai, truyền trì mạng mạch.

 
  1. NỘI DUNG
  1. ĐÈN TUỆ HẰNG SOI
  1. Thiền sư Thanh Kế - Huệ Đăng, dấu chân và hoằng hóa.
Từ đất Bình Định, tham gia phong trào Cần Vương (3) thất bại, Tổ Huệ Đăng xuôi vào nam lánh nạn và liên lạc các chí sĩ cách mạng nhưng bất thành. Tổ nghĩ, không giúp nước phò vua được như chí nguyện thì chọn cách tu hành để cứu đời, lánh xa cuộc sống xã hội đầy nhiễu nhương, loạn lạc.
Năm 1990, Tổ đến núi Chân Tiên(4) nghe tiếng chuông trầm lắng xa vọng giữa núi rừng u tịch, lòng bừng tỉnh giấc mộng thế sự phù hư. Tổ tìm đến chùa Long Hòa, nơi phát ra tiếng chuông huyền diệu đó và gặp tổ Hải Hội - Chánh Niệm(5). Nghe Tổ Hải Hội khai thị, Tổ giác ngộ bèn xin xuất gia được ban pháp hiệu Thiện Thức. Thấy đạo phong trác tuyệt và lão thông kinh luật, Tổ Hải Hội truyền trao giới cụ túc năm 1903 và ban pháp danh Thanh Kế - Huệ Đăng sau 3 năm tòng học với Tổ Trí Hải tại chùa Thiên Thai, Sông Cầu, Phú Yên. Từ đó, bước chân Tổ lưu dấu tại đất Bà Rịa với trách nhiệm trụ trì đầu đời tại chùa Kiên Linh ở Bà Rịa một năm, sau đó về trụ trì chùa Phước Linh ở Long Điền vào năm 1904.
Đến năm 1905, Tổ Hải Hội viên tịch, Tổ về cư tang và xây bảo tháp báo đáp ân sư. Thời gian này, Tổ vào núi Dinh Cố khai phá thạch động làm nơi tĩnh tu, chuyên tâm thiền định và trì tụng kinh Pháp Hoa. Danh đức Tổ vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính rất đông, đồ chúng theo tu học càng nhiều.
Năm 1908, chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, Tổ được tín nhiệm cung thỉnh ngôi Yết-ma kiêm Pháp sư trong giới đàn đó. Đến năm 1913, Tổ tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh và được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng. Từ đây, danh đức Tổ lan khắp các chốn Tòng Lâm, bước chân hoằng hóa của Tổ đi khắp Nam Kỳ (7) lục tỉnh, thời bấy giờ khi làm Pháp sư, lúc Chứng minh hay làm Giới sư… Tổ đều không từ nan.
Đến năm 1920, Tổ cho khởi công xây dựng chùa Thiên Thai, trùng tu chùa Long Hòa (8), xây dựng Thiên Bửu Tháp năm 1933. Giai đoạn này, uy đức Tổ lan xa, đồ chúng tụ hội về tu học rất đông.

 
  1. Thiền sư Thanh Kế - Huệ Đăng, tư tưởng và tôn chỉ tu hành
Tổ một dạ trung quân ái quốc, hết lòng với đạo pháp, trọn nghĩa với dân tộc nên một đời không cho phép bản thân thôi làm việc lợi đạo ích đời trong mọi hoàn cảnh. Hoàn toàn, Tổ chẳng phải là người thất chí sanh không gặp thời, mà là người dõng kiện biết tùy duyên để thành đại nghiệp. Tinh thần yêu nước phụng đạo trác tuyệt đã làm nên tư chất đặc thù của Tổ: hào hùng nhưng nhu nhuyến, trí thức nhưng bình dị, từ ái nhưng trách nhiệm, nghiêm túc nhưng thâm thúy.
Tổ chuyên tâm tu thiền định, hạn chế phan duyên để có nhiều thời gain cho hạ thủ công phu. Nhưng luôn tham cứu kinh luật để tiện bề giáo hóa khi đăng tòa làm Pháp sư. Tổ chú trọng ngoài dùng lời lẽ thế gian để diễn bày chánh pháp, trong truyền ngôn ngữ nội tâm để nhiếp phục quần sanh, điều này được chứng minh qua việc Tổ bình thản trước con hổ khi vào thạch động tu hành dưới chân núi Dinh Cố. Tuy không âm thanh sắc tướng, nhưng truyền tải ngôn ngữ của trái tim thì dễ hiểu nhau hơn, thông cảm nhau hơn.
Thuở xưa, tôn giả Xá-lợi-phất vốn là bậc kỳ tài hùng biện thoáng thấy tỳ-kheo Mã Thắng oai nghi đĩnh đạc, dù chưa nói với nhau lời nào mà đã phát tâm và dự vào dòng thánh. Hành giả không có cảm tâm, thiện tâm thì có dùng bao nhiêu ngôn từ thế nhân vẫn không khởi được niềm tin và an ổn. Trong lịch sử có câu chuyện thánh tăng Phật Triết (9) từ Việt Nam đi bè tre vượt đại dương qua gặp bồ-tát Hạnh Cơ của Nhật Bản vào năm Thánh Vũ Thiên Hoàng (10) hạ lệnh đúc tượng đức Phật Tỳ-lô-giá-na bằng đồng cao 16m, nhưng chỉ đúc đến cổ tượng, đúc đến phần đầu thì rót đồng lên bị rã xuống. Hai vị thánh tăng này dùng ngôn ngữ trái tim để nói với nhau khi gặp nhau mà thấu suốt suy niệm của nhau.

Tổ luôn dùng ngôn ngữ trái tim để truyền cảm hứng người học đạo, sống giản dị thanh bần làm tôn chỉ trên bước đường vân du, hoằng hóa rất thành công, vì được tôi luyện từ sự tu tập nghiêm cẩn từng ngày. Điều này chúng ta thấy rõ qua các câu trên hoành phi, liễn đối còn lưu lại tại Tổ đình Thiên Thai, như: Tam đức nghiêm thân (三德嚴身), ba điều chánh trực - cương - nhu giúp nghiêm khắc với chính mình; Ngũ tra phất thể (五揸拂體), mỗi ngày năm lần kiểm tra phủi bụi toàn thân để tự răn… Trong đó, phải kể đến câu đối độc nhất vô nhị do chính Tổ viết trước cửa thạch động khi ẩn tu:
借 石 爲 牆 孰 識 老 僧 窮 到 底
以 風 作 扇 誰 知 大 道 樂 無 彊
- Tá thạch vi tường, thục thức lão tăng cùng đáo để,
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.
- Đá mượn làm tường, ai biết lão tăng nghèo đến thế,
Gió dùng thay quạt, nào hay đạo lớn vui khôn cùng.
根 深 不 怕 風 遙  動 
樹 正 何 愁 月 影  斜
- Căn thâm bất phạ phong dao động;
Thọ chính hà sầu nguyệt ảnh tà.
- Gốc vững sợ gì cơn gió động,
Cây ngay nào ngại ánh trăng tà.

 
1
  1. Thiền sư Thanh Kế - Huệ Đăng, chấn hưng Phật giáo và mô phạm
Với chí nguyện cứu đời mà hoằng dương Phật pháp, nên Tổ luôn nghiêm khắc với bản thân, dù được chư sơn bốn phương tôn kính, trọng nể cung thỉnh chứng minh các pháp hội lớn. Tổ không cho phép mình hành xử theo thói thế gian thường tình, lấy giới luật làm tiêu chuẩn cho mọi cung cách hành xử và giáo dục hậu lai nên luôn là biểu tượng mô phạm chốn già-lam.
Tổ xác định lập trường chung thân nghiêm trì giới luật để tiến đạo Bồ-đề, xác lập nền tảng và giềng mối cho sự tu tập hướng đến giác ngộ, giải thoát như ý chỉ của tiên đức khuyến hóa:
            “Dục tu Vô thượng bồ-đề
            Tiên tác nghiêm trì giưới luật
            Giới luật nhược bất nghiêm trì
            Bồ-đề chung bất thành tựu.”
Chính nhờ yếu tố mô phạm này mà Tổ được các giới ủng hộ thành lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu đặt trụ sở tại Thiên Bửu Tháp và xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm năm 1935, góp phần quan trọng thổi cao ngọn gió đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam cùng thời với Tổ Khánh Hòa lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học năm 1931 và Hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Tổ Trí Thiền lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937. Tuy nhiên, thời giặc giã loạn lạc nhưng Tổ vẫn lập trường gia giáo tại chùa Long Hòa, quy tụ Phật tử tại gia và tăng sĩ về tu học ngày càng đông. Chính các hoạt động giáo dục và tiếng nói tạp chí do Tổ chủ nhiệm là nguồn động lực đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo và hoằng dương chánh pháp thời bấy giờ.
Thừa hành các Phật sự, Tổ không nghĩ đến vinh danh bản thân, mà dốc tâm vì sự nghiệp xương minh Phật pháp, lợi ích nhân sinh. Cuối đời quay về quê nhà lập chùa Thiên Tôn, núi Ông Đốc, Tây Sơn, Bình Định ẩn tích mai danh, rũ bỏ ngoài tai câu thế sự, chẳng màng nghiệp lớn gầy dựng tông phong Thiên Thai, xứng danh bậc mô phạm chốn tòng lâm, đống lương Đạo pháp.

 
  1.  KHƠI NGUỒN TUỆ GIÁC
  1. Khai Đại giới đàn, trọng trách và tâm nguyện

Trong Đại Kinh xóm ngựa (Mahà-Assapura sutta) thuộc Kinh Trung bộ, đức Phật dạy nguyên tắc sống của một thầy tỳ-kheo: “Sa-môn! Sa-môn! Này các tỳ-kheo, dân chúng biết các ông là vậy, và nếu các ông có bị hỏi ‘Các ông là ai?’ Các ông phải tự nhận ‘Chúng tôi là sa-môn’. Này các tỳ-kheo, các ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy thời này các tỳ-kheo, các ông phải tự tu tập như sau: ‘Chúng ta phải thọ trì và thực hành những phép tắc tác thành sa-môn. Như vậy danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật và những cúng dường chúng ta thọ hưởng, y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh có kết quả lớn, có lợi ích lớn cho chúng ta, và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích’.”

Dựa vào lời xác minh trên của đức Phật, sa-môn là người có phẩm hạnh cao quý hướng đến sự giác ngộ cho mình, cho người. Những con người đang nỗ lực hoàn thiện bản thân như thế luôn thấy mình có trách nhiệm làm lợi lạc người khác chẳng khác nào căn gác trọ ven đường cho khách lữ hành vượt sa mạc sanh tử, mang lại sự an ổn đang mệt mỏi vì đường xa tham dục nóng bức. Những tu sĩ mang trọng trách và tâm nguyện như thế tham gia công tác khai đại giới đàn mới chính là biểu tượng của hạnh nguyện cao quý tự lợi, lợi tha.

Phẩm chất thanh tịnh tương ưng với công phu tu đắc của mỗi hành giả khác nhau. Chính vì thế, đạo hạnh nghiêm tịnh, quảng đại của người tham gia Ban Kiến đàn quyết định cho thành tựu của giới đàn. Trọng trách và tâm nguyện của người xuất gia trước là dốc lòng thực hành sâu chắc giưới định huệ để các bất thiện pháp như tham ai, phẫn hận, não hại, tật xan, xảo trá, tà kiến… giảm thiểu đến khi đoạn diệt. Và đây cũng chính là yếu tố cần và đủ cho người làm công tác Phật sự được gọi là truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, phò trì mạng mạch.

 
  1. Khai Đại giới đàn, chọn lọc và bồi dưỡng
Kinh Trung A-hàm (Majjhima Nikaya), đức Phật đã nêu cốt lõi của đạo Phật trong một câu thật ngắn gọn cho những ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ là “Không được bám víu vào bất cứ gì cả.” Cùng nghĩa này, Kinh Kim cang viết “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là, tâm không bám víu lợi danh, ý chẳng chấp thủ ái dục thì mới có đủ tư cách làm người tuyển chọn trong Truyển Phật trường.
Người xuất gia đúng nghĩa luôn hướng đến kết quả lớn trong Phật sự của mình, và không Phật sự nào lớn hơn Phật sự tu hành cả. Không phải chỉ hiện tướng sa-môn (xuất gia) (11) nhưng tâm tràn đầy dục vọng, hành xử theo thói thế gian thường tình mà có thể tham gia đàn khai truyền đại giới. Nói khác hơn, mở đại giới đàn cũng chính là chọn lọc thân tâm với nếp sống tinh tấn hướng thiện cho bản thân, đồng thời, thanh lọc người xuất gia đến Giới trường phải được bồi dưỡng tinh thần tu tập nhằm dứt các pháp bất thiện mà giáo dục, hun đúc tinh thần thoát tục của người muốn hoàn thiện giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giái thoát tri kiến.

Trong bộ Trường A-hàm (Dĩgha Nikàya) Đức Phật dạy rằng: “Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó.” Không vì bất cứ lý do vì để Phật sự khai đại giới đàn trở thành hình thức hóa cho một số người cố tìm cách lợi dụng giới đàn để mưu cầu lợi ích cá nhân hướng đến cách sống tham danh trục lợi ngày nay. Chính vì thế phải chọn lọc để tự thân thay đổi cách sống phù hợp vưới đạo đức nhân luân và cũng chọn lọc, định hướng cho người đến thọ giới xác định mục đích giải thoát trên nền tảng giới định huệ mà vạn dặm đến Tuyển Phật trường cầu chánh giới. Ban Kiến đàn phải thể hiện sự nghiêm minh trong việc chọn lọc, không thể vì mối quan hệ nào đó mà lờ đi hành vi bất thiện và dụng tâm bất chánh của người đến cầu thọ giới. Chỉ một lần giới tử đem tâm bất lương cầu giới nhưng sẽ dẫn đến nghiệp quả của ý đồ lừa dối thiên hạ, điều này gây ra sự tổn thương không nhỏ cho Phật giáo mai hậu.

 
  1. Khai Đại giới đàn, phương tiện và báo ân
  Tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, phiền lụy do nghiệp bất thiện chi phối để hướng đến đời sống an lành, tự tại. Khai Đại Giới đàn cũng là phương tiện giáo dục, hun đúc tinh thần tấn tu đạt cứu cánh giải thoát thông qua con đường trao và nhận tịnh giới của truyền thống ba đời các đức Phật. Nhận thức điều này, tập thể Tăng Ni toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và chư Tôn đức Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nói riêng luôn ưu tư, quan tâm đến một giới đàn nhằm xây dựng niềm tin cho giới tử qua các hình thức và nội dung được đầu tư đúng mức.
Chặng đường 30 năm qua kể tự khi thành lập, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã 10 lần tổ chức Đại Giới đàn truyền giới cho hơn một vạn giới tử khắp mọi miền đất nước và được Tăng Ni trong nước tín nhiệm. Năm 1993, sau khi tách địa giới từ tỉnh Đồng Nai, cơ sở vật chất thiếu thốn hưng Giới trường được dựng lên gió nắng gió, cát bụi Tòng Lâm với sự hậu thuẫn hết mình của quý chư Tôn đức giáo phẩm từ Tổ đình Ấn Quang (12) lúc ấy quản lý, điều hành chùa Đại Tòng Lâm với vai trò Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm Phật giáo theo di nguyện của Tổ khai sơn – Hòa thượng Thích Thiện Hòa.
Nhờ công đức cao cả của Hòa thượng khai sơn mà Tăng Ni bốn phương chọn thánh địa Đại Tòng Lâm làm chốn dừng chân trên bước đường tu học và hành đạo cảu mình. Nhớ ân đức vô bờ ấy, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh quyết định chọn đạo hiệu Thiện Hòa của Tổ để đặt tên cho bảy lần tổ chức giới đàn từ năm 1993 đến năm 2015 tại chiếc nôi Phật giáo này.
Khai đàn truyền trao giới pháp tuy là phương tiện độ sanh, nhưng chính là một hoạt động nhằm duy trì giới điều mà đức Phật chế định cho hàng đệ tử trên tinh thần tự nguyện, tuyệt đối không áp đặt một ai phải tuân theo. Công năng của giới là phòng phi chỉ ác, ai thọ trì thì người đó được lợi ích lớn trên đường tìm cầu giác ngộ. Nói khác hơn, khai đại giới đàn với hảo tâm trong sáng tức là báo đền ân đức chư Phật, các vị tiền hiền tiên đức.

 
  1. KẾT LUẬN
Đức Phật từ bỏ cuộc sống đế vương, chấp nhận kham khổ của đời khất sĩ, quyết tu trì giới đức, tâm đức và huệ đức để hoàn thiện nhân cách của mình. Con đường đức Phật đi không chỉ có chánh niệm hoặc thực hành thiền chỉ và thiền quán, mà còn là một chuỗi ngày của vòng đời huân tu tịnh giới. Ngài dùng giới đức như một loại thuốc căn bản trị lành vết thương tham dục, phóng túng để bản thân không còn mặc cảm tự ti, hối hận và chối bỏ.
Thời đại ngày nay có một số ít tăng sĩ do không nhận thức được giá trị của sự nghiêm trì giới luật nên tìm đủ lý do để bỏ qua tinh yếu luật nghi để bao che cho sự phóng túng, khó chịu của mình khi khéo mình trong khuôn khổ giới luật. Phong trào đi tìm tự do trong giới tăng sĩ trẻ ngày nay đã và đang làm nhức nhói trong tim cho những ai suy tư về sự tồn vong của Phật pháp trước cơn bão công nghệ số, rằng có chăng cái được gọi là tự do khi chính mình lại bám chặt vào tham dục đầy vô minh? Thiết nghĩ, không phải là trách nhiệm của riêng ai, vì khai Đại Giới đàn cũng chính là củng cố tín tâm người lạc bước, xây dựng đời sống phạm hạnh cho hậu lai, đây cũng chính là tuyên dương chánh pháp, hóa độ quần sinh trên nền tảng của hành giả có viễn ly hạnh.
Xin được chép lại bài Kinh Dây trói buộc (Gaddulabaddha) để chúng ta hiểu rõ hơn những điều đức Phật muốn nói: “Một thời Đức Thế Tôn ở tại Xá-vệ (Sāvatthi). Ở đó, Đức Thế Tôn gọi các vị Tỳ-kheo và nói như vầy: ‘Này các Tỳ-kheo, khởi đầu của vòng luân hồi (samsara) này là không thể khám phá ra được. Điểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi (saṃsāra).”
Thượng toạ Thích Thiện Thuận
 
(1) Sám Thảo Lư được Tổ Thanh Kế - Huệ Đăng soạn vào năm cuối đời.
(2) Kinh Di Giáo
(3) Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ 19 do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi đề xướng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
(4)
Xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
(5) Hòa thượng Hải Hội - Chánh Niệm: thuộc đời 40 dòng Lâm Tế (chi phái Liễu Quán) từ Khánh Hòa vào hoằng hóa ở Bà Rịa và được mời làm trụ trì chùa Long Hòa.
(6) Trường Kỳ là một cuộc pháp hội lớn, ở đó có các tu sĩ tham cứu về tam học giới, định, huệ. Trong lễ này, tu sĩ truyền giới cho Phật tử, hoặc tu sĩ thọ giới cao truyền cho tu sĩ thọ giới thấp hơn, Phật tử thọ giới. Lễ này còn gọi là giới đàn. Xưa kia, giới đàn được tổ chức ngay sau lễ trường hương (trường an cư kiết hạ) kết thúc.
(7) Nam Kỳ lục tỉnh (南圻六省) hay Lục tỉnh (六省), là tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn độc lập, tức là khoảng thời gian từ năm 1832 (cải cách hành chính của Minh Mạng) tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây). Đương thời, người Pháp gọi Nam Kỳ Lục Tỉnh bằng cái tên Basse-Cochinchine (tức là vùng Cochinchine “hạ” hay vùng Hạ Đàng Trong).
(8) Thời gian trùng tu chùa Long Hòa từ năm 1924 đến 1929.
(9) Các nhà nghiên cứu Nhã nhạc Nhật Bản đã cho biết một nhà sư xuất phát từ vùng đất Lâm Ấp xưa, nay thuộc Việt Nam, là Phật Triết, đã được người Nhật suy tôn là vị Tông sư khai sáng Nhã nhạc Nhật Bản, từ giữa thế kỷ thứ VIII, chính xác là vào năm 752. Phải đến giữa thế kỷ thứ VIII, Phật Triết (tên Nhật là Buttetsu), nhà sư nước Lâm Ấp - một vương quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, từng thoát khỏi sự đô hộ của nhà Hán từ thời Sơ Bình (niên hiệu thứ nhất của vua Hiến Đế, khoảng năm 190 - 193), sau cuộc khởi nghĩa của Khu Liên ở huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam (nhiều nhà nghiên cứu về Chămpa xác định đây là xứ Huế hiện nay) - sau một thời gian tu học ở Nam Thiên Trúc, Ấn Độ, nhà sư Phật Triết đã cùng với sư phụ người Ấn Độ là Bồ-đề Tiên-na (Bodhisena) sang Trung Hoa truyền giáo, cả hai nổi tiếng là những vị cao tăng, được đoàn sứ bộ Nhật Bản, gồm Tajitino Mahito Hironari và cao tăng Li Kyo ngưỡng mộ, mời đến kinh đô Nara (Nại Lương) của Nhật Bản truyền đạo.
(10) Thánh Vũ Thiên hoàng (聖武天皇Shōmu- tennō701 - 4 tháng 6756) là Thiên hoàng thứ 45 của Nhật Bản theo truyền thống thứ tự kế thừa ngôi vua Nhật.
(11)  Kinh Đáng ghê tởm, Tăng Chi Bộ; Kinh Khúc gỗ, Tương Ưng Bộ.
(12) Chùa Ấn Quang, 243 Sư Vạn Hạnh, Phường 9, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây