Tự tình mùa Phật Đản

Thứ hai - 28/05/2018 03:06

Tự tình mùa Phật Đản

Có thể nói, sự ra đời của đức Phật như mặt trời chiếu sáng, phá tan màn đêm u tối của đêm dài vô minh bất tận. Sự xuất hiện của Ngài đã giúp chúng sanh vơi đi những nỗi thống khổ của kiếp sống nhân sinh và có cơ hội nhận ra chính mình.
Nếu mùa xuân là cơ hội quý báu để mọi người trao gởi cho nhau những món quà, những bao lì-xì, những lời chúc tốt đẹp, yêu thương thì mùa Phật đản làm cho muôn triệu trái tim của người con Phật trên khắp năm châu hân hoan, hạnh phúc với nguyện ước cho tất cả mọi người được bình an, không còn những thù hận, những hơn thua ích kỷ và khắp pháp giới chúng sinh sớm được an vui giải thoát như mục đích ra đời của chính đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Nay mùa Phật đản lại về, tất cả những người con Phật cùng chung tay tổ chức nhiều sự kiện quan trọng để đón mừng đại lễ này. Nhìn những lễ đài Phật đản ở các chùa, các tổ chức Giáo hội được thiết trí trang nghiêm, cờ hoa rực rỡ; rồi những chiếc xe hoa đầy sắc màu, những cuộc diễu hành xe hoa ấn tượng; thậm chí những cờ hoa, lộng đèn được trang trí khắp nơi, cảnh trí tươi vui làm cho lòng người hoan hỷ. Từ trường tâm linh mầu nhiệm, niềm hạnh phúc như lan tỏa để rồi mỗi người đều cảm nhận niềm hân hoan đó. Với tôi, mỗi mùa Phật đản là dịp để nhìn lại và soi sáng tâm mình cùng dâng lời nguyện ước, với bao cảm xúc trào dâng, những vui buồn lẫn lộn, những nỗi niềm khó có thể viết thành lời…

Không vui sao được khi đón mừng ngày kỷ niệm Đản sanh của đức Phật, đấng cha lành của chúng ta, một bậc Thầy vĩ đại, có một không hai trong lịch sử nhân loại. Không vui sao được khi nhìn thấy những ánh mắt, những nụ cười, những gương mặt rạng rỡ của những người con Phật trong niềm hân hoan, hạnh phúc, dốc hết lòng để tổ chức sự kiện trọng đại này; không vui sao được vì mỗi chúng ta thật vinh hạnh, diễm phúc được làm đệ tử của Ngài, được học và thực hành giáo pháp từ lời dạy của Ngài… Có thể nói, sự ra đời của đức Phật như mặt trời chiếu sáng, phá tan màn đêm u tối của đêm dài vô minh bất tận. Sự xuất hiện của Ngài đã giúp chúng sanh vơi đi những nỗi thống khổ của kiếp sống nhân sinh và có cơ hội nhận ra chính mình. Trước đó, con người tin tưởng vào thần linh, phó thác cuộc đời mình cho các đấng quyền năng, họ tin rằng con người chỉ là một sự ban phát của đấng tối cao, là nô lệ của thần linh, hoàn toàn không có sự tự chủ, độc lập. Đức Phật đem lại ánh sáng chân lý, thắp sáng niềm tin cho nhân loại: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa; nghiệp phân chia các loài hữu tình, có liệt, có ưu.” (Kinh Trung Bộ, kinh số 135)

Lời phát biểu trên là một bản tuyên ngôn hùng hồn tuyên bố con người có quyền tự do, bình đẳng; không có giai cấp cao thấp; cũng không phải là những con chiên, những kẻ nô lệ cho thần linh mà là những chủ nhân của các hành động do chính con người tạo ra. Câu nói này, Ðức Phật đã thật sự đánh thức con người giúp họ thức tỉnh, nhận ra chính mình và thấy rõ mọi sự thưởng phạt đều do chính chúng ta tạo ra và nhận lấy chứ không có ai khác. Vì vậy, con người không phải lệ thuộc bất kỳ một ai và cũng không nên phó thác đời mình cho bất cứ một quyền năng nào cả. Đây chính là tinh thần tự tín, tự chủ và sáng tạo mà đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, những ai học, thực tập giáo pháp của Ngài sẽ nhận ra được điều này.

Nghĩ đến đây, lòng dâng trào cảm xúc, bỗng dưng tôi thương kính đức Phật vô cùng. Với đại bi tâm, Ngài không mệt mỏi dùng mọi phương tiện để giáo hóa độ sanh chỉ mong những đệ tử sớm thức tỉnh, lo tu tập để đoạn tận những phiền não, khổ đau. Ấy vậy mà chúng ta cứ mãi trầm luân, lúc tỉnh ngộ thì quyết chí tu tập, phát đại thệ nguyện, buông bỏ vọng tình, vọng tưởng… mới nghe qua có vẻ ghê gớm lắm, hùng hồn lắm, nhưng rồi những án mây vô minh, giải đãi che mờ tâm trí; những cơn gió nghiệp chướng, khen chê thổi bay những thệ nguyện; những tảng băng trôi ngấm ngầm làm nguội lạnh những ý chí, nghị lực… Để rồi ta lại lặn hụp trong sông mê biển ái với đầy những hỷ nộ, ái ố, v.v… ôi đáng thương hay đáng trách? Đáng giận hay đáng buồn?

Tâm nguyện “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, bạt tế tam hữu…” (Quy Sơn Cảnh Sách) trong ngày xuất gia vẫn còn văng vẳng bên tai, vậy mà bao nhiêu năm xuất gia tu tập nay đã được gì? Chẳng lẽ, chỉ khác người thế tục ở mái đầu và y phục thôi sao? Còn những “thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân…” bao giờ mới thực hiện? Đã bao lần phát nguyện trước đức Phật và nguyện hứa với lòng mình là sẽ tinh tấn nỗ lực tu tập để dẹp bỏ những phiền não khổ đau, vậy mà đến hôm nay, đã hơn nữa đời người ta vẫn đang còn mệt nhoài vì sanh tử tử sanh, thật đáng trách biết bao.

 
Cuộc đời như một giấc mơ,
Tỉnh ra mái tóc bạc phơ trên đầu,
Tuyệt mù xanh thẳm ngàn dâu,
Gió tung cát bụi tìm đâu lối về.

Nhớ xưa kia, trước khi xuất gia, đức Phật là một Thái tử tôn quý, sống trong nhung lụa êm ấm, chẳng thiếu thứ gì “Này các Tỳ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng... Đêm và ngày, một lộng trắng được che chở cho Ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa...” (Kinh Tăng Chi) Mặc dù được hưởng thọ dục lạc ở đời, nhưng Thái tử không để cho các dục lạc ấy làm cho say đắm si mê. Ngài đã từ bỏ tất cả, xuất gia tìm cầu chân lý, trải qua bao gian nan thử thách mới chứng ngộ Phật quả. Còn chúng ta hôm nay, mọi thứ đã đã sẵn bày, con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau được đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần cùng với những lời động viên, sách tấn… ấy vậy mà chúng ta cứ mãi trầm luân? Chúng ta vốn không có gì để bỏ, lẽ ra sẽ có nhiều thuận duyên trên con đường tu tập, nhưng sao lại lăn tăn với những chuyện không đâu, bỏ cái này lại nắm lấy cái khác; những tuyên bố nghe có vẻ cao vời nhưng hành động thì lại vướng mắc bao ngã chấp, si mê… Nghĩ đến đây nghe tim mình nhói đau, nước mắt tràn mi, giận mình sao quá ngu si, cứ mãi chạy theo trần cảnh, rồi mộng mị tử sanh hết kiếp người, thật là:

Thảng bên tai tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.”
(Chu Mạnh Trinh)

Đức Phật vẫn đang mĩm cười nhìn dòng đời sanh diệt, nhìn những đứa học trò đang loay hoay trong kiếp sống nhân sinh; đang cố gắng chuẩn bị mọi thứ cho ngày kỉ niệm Đản sanh của Ngài. Mọi thứ thật hoành tráng, trang nghiêm nhưng trang nghiêm thân mình, nhận ra và sống với đức Phật đang hiện hữu trong mỗi chúng ta mới là điều trân quý. Đó là sự chánh niệm tỉnh thức, là hiện tại lạc trú, là tánh thấy, tánh biết, chơn như hằng hữu, bất sanh bất diệt giữa dòng đời sanh diệt. Từ nay, xin nguyện hứa với lòng sẽ đi theo bước chân của đấng Từ phụ với tấm lòng son sắc để ‘Phật đản’ luôn ngự trị trong tim, hôm nay và mãi mãi, mong từ lực của Ngài gia hộ cho những đứa con thơ có thêm ý chí, nghị lực vững bước trên con đường đã chọn theo bước chân của Ngài.

Làn gió mát thoảng qua, hương hoa như tràn về, thoang thoảng hương thơm, những bông hoa chớm nở, những tia nắng ban mai ló dạng xóa tan màn sương đêm, một ngày mới tràn đầy sức sống, mầu nhiệm:
Vạn sự nước trôi nước,
Trăm năm lòng ngõ lòng,
Tựa lan nâng sáo thổi,
Trăng sáng đầy cõi tâm.”
(Đăng Bảo Đài Sơn – Trần Nhân Tông)

Tất cả xin dâng lên cúng dường đức Phật nhân ngày Đản sanh của Người với tấm lòng thành kính, sắc son.
Mùa Phật đản PL.2562
Minh Hoa
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây