Quảng Ninh: Tưởng niệm 709 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

Thứ ba - 19/12/2017 17:22

Quảng Ninh: Tưởng niệm 709 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

Sáng ngày 01/11/Đinh Dậu (18/12/2017), Chư tôn đức HĐTS GHPGVN kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ tưởng niệm 709 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại chùa Hoa Yên (Yên Tử), Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Đến tham dự có: HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh; cùng đông đảo tăng, ni trụ trì các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Tại lễ tưởng niệm, HT.Thích Thanh Nhiễu đã cung tuyên tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 7/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng thái hậu Nguyên Thánh. Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. 
 
Năm 21 tuổi (1279), ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo.
Năm 41 tuổi (1293), ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng. Ngài trở về hành cung ngũ lâm - Ninh Bình cầu quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia.
Năm 1299, ngài trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết trí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu La” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Năm 1307, ngài truyền y bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ tổ Trúc Lâm (Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm). Trong thời gian đó, ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Dương, Vĩnh Nghiêm Lạng Giang, chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội…
Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch vào ngày 1/11/Mậu Thân (1308), tại am Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh. Trụ thế 51 năm.
Ngài đã để lại cho đàn hậu học một số tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch Thất mị ngữ, Trung hưng thực lục, Truyền đăng lục v.v…

Trước khi nhập diệt, ngài đã để lại bài kệ Pháp thân thường trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên ngài là Bảo Sát: 
“Tất cả pháp không sanh. 
Tất cả pháp không diệt. 
Ai hiểu được như vầy. 
Thì chư Phật hiện tiền. 
Nào có đến có đi” 

(Nhất thiết pháp bất sanh. 
Nhất thiết pháp bất diệt. 
Nhược năng như thị giải. 
Chư Phật thường tại tiền. 
Hà khứ lai chi hữu).

HT.Thích Thiện Nhơn thay mặt HĐCM, HĐTS và BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh dâng lời tưởng niệm, tri ân công đức hoằng dương Phật pháp của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam – Phật hoàng Trần Nhân Tông. 
 
Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương
Trăng sáng năm xưa ngập dặm trường
Hoa lòng đã nở từ độ ấy
Nương pháp âm về tận cố hương…

Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.
 
“Vạn kiếp uy nghi ngôi tháp Tổ
Khói vẽ nên hình chốn nhân gian”

Kết thúc buổi lễ Chư tôn đức đã làm lễ niêm hương tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông và tụng Chú Đại Bi cầu cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an chúng sinh an lạc.
 
Tịnh Cường 

Nguồn tin: phatgiao.org.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây