Thích nghi với hoàn cảnh

Chủ nhật - 08/04/2018 18:29

Thích nghi với hoàn cảnh

Nói cách khác, mỗi một sự việc xảy đến với ta hay mỗi một cảm xúc khởi sinh chỉ là vì đã hội đủ nhân duyên, nghĩa là khi có đủ tất cả những nguyên nhân và yếu tố cần thiết. Và khi ấy thì việc duy nhất mà ta có thể làm chỉ là biết tỉnh thức quan sát chúng mà không cần phải so sánh, mong cầu khác đi. Sự việc luôn xảy ra phù hợp với những nguyên nhân và điều kiện đã làm sinh khởi chúng, tự thân mỗi sự việc hay cảm xúc của ta đều không có gì là quá cả. Nếu ta luôn biết tỉnh táo dừng lại ngay ở chỗ chỉ nhận biết đúng vấn đề như vậy thì buồn chỉ là buồn, giận chỉ là giận, bực tức cũng chỉ là bực tức...
Đức Phật dạy rằng, một trong những bản chất của đời sống này vốn là khổ đau. Trong đời sống khổ đau đó, nếu không có sự tu tập thì người ta sẽ thường chồng chất thêm lên mỗi một nỗi khổ niềm đau bằng một hay nhiều nỗi khổ niềm đau khác. Thay vì nhận biết đúng thật về mỗi sự việc xảy đến gây đau khổ, chúng ta lại thường tự chuốc thêm đau khổ qua việc tô vẽ, thêm thắt và cường điệu hóa những gì xảy đến cho ta.
Những nỗi khổ niềm đau tự chuốc lấy theo cách này chiếm một phần khá lớn trong cuộc đời ta, bởi chúng có thể đến với ta hầu như mỗi ngày và do sự lặp lại với tần suất quá cao, ta dần dần mất đi khả năng nhận biết chúng. Tuy nhiên, nếu biết tỉnh tâm suy xét, ta sẽ nhận ra và loại trừ được rất nhiều khổ đau thuộc loại này trong cuộc sống của mình.

Dừng xe chờ đợi những lúc kẹt xe, ta luôn cảm thấy mình phải chờ lâu quá. Kèm theo đó có thể là trời nóng quá, khói bụi ngột ngạt quá... Về đến nhà lại thấy hôm nay bà xã / ông xã về muộn quá. Mấy đứa con đi học về vất cặp sách bừa bãi quá... Rồi cũng có thể cảm thấy hôm nay sao buồn quá, bực tức quá, giận quá...
Thật ra, những điều bất toại nguyện luôn xảy ra như một phần không thể thiếu của cuộc sống này, bởi nhu cầu và mong muốn của chúng ta không ai giống ai, và điều may mắn đối với người này có thể là tai họa cho người khác. Cơn mưa lớn là điều người nông dân trồng lúa đang trông đợi, nhưng cũng ở nơi đó, nhiều nông dân khác đã thu hoạch và đang phơi lúa trên sân lại cầu mong trời nắng. Người mua hàng thích mua giá thật rẻ, trong khi người bán hàng muốn bán được giá thật cao. Vì thế, dù cho giá cả một mặt hàng có lên hay xuống cũng không thể nào thỏa mãn cùng lúc cả hai ước muốn trái ngược nhau như thế...

Thế nhưng, trong thực tế thì chúng ta không nhất thiết phải chấp nhận khổ đau vì những sự việc không như ý muốn. Một bà lão ngày nào cũng ngồi khóc bên đường. Bà có hai đứa con gái làm nghề buôn bán, cô chị bán nón và cô em bán áo đi mưa. Những ngày mưa, bà khóc vì đứa con gái lớn không bán được nón, còn những ngày nắng bà lại khóc vì đứa con gái nhỏ không bán được áo mưa. Một hôm có vị thiền sư đi ngang qua đó nghe biết chuyện này, ông liền nói với bà lão: “Này bà, thật ra những ngày nắng bà nên vui mừng vì đứa con gái lớn của bà bán được rất nhiều nón, còn những ngày mưa bà cũng phải vui lên vì đứa con gái nhỏ của bà sẽ bán được rất nhiều áo mưa.” Bà lão ngẫm nghĩ thấy đúng, và từ đó dù mưa hay nắng bà cũng thấy vui, không thường xuyên khóc lóc nữa.

Nếu chúng ta chỉ nhận biết về sự việc như chúng đang xảy ra thì sự khó chịu hay khổ đau chưa xuất hiện. “Trời nóng” là điều tự nhiên và ta phải chấp nhận, nhưng khi ta cảm thấy “trời nóng quá” thì đã xuất hiện ngay sự so sánh giữa sự thật “trời nóng” với sự mong muốn của ta, bởi cách nghĩ ấy có nghĩa là “ta không muốn trời nóng như thế”. Tương tự, việc phải chờ đợi lâu là điều tất nhiên những lúc kẹt xe, nhưng khi ta cảm thấy “lâu quá” thì vấn đề bắt đầu nảy sinh. Buồn đau, bực tức, giận dữ... cũng là những cảm xúc thỉnh thoảng khởi sinh mà không ai trong chúng ta hoàn toàn tránh khỏi, nhưng chỉ khi ta cảm thấy buồn quá, giận quá, tức quá... thì sự khó chịu mới bắt đầu sinh khởi và được nuôi dưỡng lớn lên trong lòng ta.
Nói cách khác, mỗi một sự việc xảy đến với ta hay mỗi một cảm xúc khởi sinh chỉ là vì đã hội đủ nhân duyên, nghĩa là khi có đủ tất cả những nguyên nhân và yếu tố cần thiết. Và khi ấy thì việc duy nhất mà ta có thể làm chỉ là biết tỉnh thức quan sát chúng mà không cần phải so sánh, mong cầu khác đi. Sự việc luôn xảy ra phù hợp với những nguyên nhân và điều kiện đã làm sinh khởi chúng, tự thân mỗi sự việc hay cảm xúc của ta đều không có gì là quá cả. Nếu ta luôn biết tỉnh táo dừng lại ngay ở chỗ chỉ nhận biết đúng vấn đề như vậy thì buồn chỉ là buồn, giận chỉ là giận, bực tức cũng chỉ là bực tức... và tất cả những cảm xúc ấy là hoàn toàn tự nhiên, không nhất thiết phải làm ta khó chịu, để rồi tìm mọi cách chấm dứt chúng ngay.
Nhưng liệu ta có thể chấm dứt những sự việc, những cảm xúc bất như ý ngay lập tức được không? Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời là không. Khi trời đang nóng, dù ta có khó chịu thì vẫn sẽ tiếp tục phải chịu nóng. Đường phố đang kẹt xe, dù ta không muốn thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi lâu. Những cảm xúc buồn, giận, bực tức khi đã khởi sinh thì dù ta có mong muốn, chúng cũng không thể tức thời biến mất... Do đó, thật vô ích khi tự mình chuốc lấy những cảm giác như nóng quá, buồn quá, giận quá...
Tuy nhiên, mặt tích cực của vấn đề cần ghi nhận ở đây là không một sự việc, một cảm xúc nào có thể kéo dài mãi mãi. Hay nói cách, bất kỳ sự việc nào, cảm xúc nào rồi cũng sẽ qua đi, không thể tiếp tục tồn tại mãi. Trời không thể tiếp tục nóng mãi, đến một lúc nào đó cũng sẽ thay đổi, dịu mát đi. Đường phố không thể kẹt xe mãi, đến một lúc rồi cũng sẽ thông thoáng. Những cảm xúc buồn, giận, bực tức... cũng không thể kéo dài mãi, đến một lúc rồi chúng cũng phải qua đi. Nói cách khác, dù có bất kỳ sự việc khủng khiếp nào xảy đến cho ta, bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào khởi sinh trong ta, điều hoàn toàn tự nhiên là chúng sẽ qua đi, sẽ mất đi mà ta không cần phải có sự cầu mong hay can thiệp gì.
Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta chọn cách sống thụ động, tiêu cực, để mặc cho cuộc sống diễn ra như thế nào cũng được. Đức Phật có dạy:
“Muốn biết nhân đời trước,
Hãy xem quả đời này.
Muốn biết quả đời sau,
Hãy xem việc bây giờ.”
(Dục tri tiền thế nhân,
Kim sinh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả,
Kim sinh tác giả thị.)
Như vậy, nhân quả trong cuộc sống như thế nào, tốt xấu, sướng khổ, hạnh phúc hay khổ đau đều do chính ta quyết định. Cho nên, chúng ta không thể buông xuôi trong cuộc sống mà không có những nỗ lực tu tập hướng thiện. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa những nỗ lực tích cực như thế - vốn luôn mang lại hiệu quả hoàn thiện bản thân ta - với những cảm giác bực tức, khó chịu hoàn toàn vô ích khi sự việc xảy đến hoặc khi các cảm xúc tiêu cực đã khởi sinh trong lòng ta. Khi loại bỏ được những cảm giác bực tức, khó chịu vô ích này, cuộc sống của chúng ta sẽ ngay lập tức giảm nhẹ rất nhiều khổ đau không đáng có. Bởi vì, như một hệ quả tất nhiên rất thường xảy ra, chính trong những lúc buồn quá, tức quá, giận quá... chúng ta rất thường có những hành vi sai lầm, gây khổ đau cho chính bản thân mình và mọi người chung quanh. Chỉ vừa 24 giờ trước khi viết những dòng này, người viết đã tận mắt chứng kiến một trường hợp tử vong trong phòng cấp cứu bệnh viện Bà Rịa - người chết là một thanh niên trong lúc quá tức giận đã tự cầm dao đâm vào ngực mình nhiều nhát. Khi được đưa đến Bệnh viện thì đã không còn cứu chữa được nữa!
Bài học về việc chấm dứt những khổ đau tự chuốc lấy trong đời sống có thể được tóm gọn trong những câu thơ ngắn dưới đây mà mỗi người trong chúng ta rất nên ghi nhớ. Chỉ cần nhớ và đọc lên những câu “thần chú” này vào đúng lúc thích hợp, chúng ta sẽ có thể giúp cho cuộc đời này bớt khổ thêm vui:
Không có việc gì “quá”,
Việc gì rồi cũng “qua”.
Sống an định, tỉnh thức,
Hạnh phúc tìm đâu xa!
Nguyên Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây