Hãy tự thắng mình

Thứ bảy - 21/04/2018 18:34

Hãy tự thắng mình

Khi chúng ta may mắn có sự nhận hiểu và thực hành Phật pháp, mỗi ngày trôi qua của chúng ta bao giờ cũng là một ngày chiến đấu không ngừng nghỉ với tham lam, sân hận và si mê. Nhưng cho dù ta đã chiến thắng được bao nhiêu trận, chỉ cần một phút xao nhãng, ta sẽ có thể dễ dàng bị đánh bại ngay trong chốc lát. Chỉ khi suy ngẫm thật kỹ về ý nghĩa này, chúng ta mới thật sự hiểu được vì sao Đức Phật dạy rằng việc tự thắng mình là “chiến thắng tối thượng”

 

Trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy rằng:
Dù giữa bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thật chiến thắng tối thượng!
(Kinh Pháp cú, Kệ số 103)
Khó khăn của sự “tự thắng mình” thường nằm ở chỗ ta rất khó nhận ra “kẻ địch”, trong khi “kẻ địch” thì luôn hiểu rất rõ về ta, sẵn sàng tấn công ta vào những lúc nguy hiểm nhất, khi ta suy yếu hoặc ít đề phòng nhất.
Mặc dù tất cả chúng ta đều biết rõ hàm ý “tự thắng” chỉ đến việc chiến thắng những tâm hành xấu ác trong ta như tham lam, sân hận, si mê v.v... nhưng điều đáng nói ở đây là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể “vạch mặt chỉ tên” những tâm hành xấu ác này. Khi ta sử dụng đến những “vũ khí mạnh” như giới hạnh, đạo đức... để tấn công vào chúng, chúng sẽ không chống cự mạnh mẽ mà thường ngoan ngoãn trốn chạy, ngủ yên, nhưng chỉ cần ta xao nhãng trong chốc lát, chúng sẽ sẵn sàng vùng dậy quật ngã ta, và có khi chỉ một lần như thế cũng quá đủ để dìm sâu ta trong bùn lầy tội lỗi.
Chuyện kể rằng, vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả vô cùng giàu có, sau khi nghe Phật thuyết pháp, nhận rõ lý vô thường, liền từ bỏ hết gia đình, ruộng vườn, nhà cửa và vô số tài sản quý giá để xuất gia theo Phật tu hành. Một sự buông bỏ mãnh liệt và tức khắc như thế không phải ai cũng làm được, vì thế ông được rất nhiều người khâm phục và kính ngưỡng. Sau khi trở thành một tỳ-kheo rồi, mỗi khi ông đi khất thực thì luôn được nhiều người chú ý, tôn kính và cúng dường vật thực nhiều hơn các vị khác.
Thật không ngờ là sau một thời gian dài tu tập, chính vị tỳ-kheo đáng kính này lại sa ngã vì một sự việc hết sức tầm thường. Khi ông được thí chủ cúng dường ba xấp vải may y rất tốt, thay vì chỉ giữ lại vừa đủ dùng theo đúng giới luật đức Phật đã chế định cho người xuất gia, ông lại khởi tâm nghĩ rằng: “Vải này được cúng dường cho ta vì ta xứng đáng nhận lãnh. Ta không cần thiết phải chia cho những người khác trong tăng đoàn.” Và do khởi tâm tham lam trong thoáng chốc như thế, ông lập tức trở thành một tỳ-kheo phạm giới.
Câu chuyện trên cho ta thấy được sự nguy hiểm như thế nào của những tâm hành tham lam, sân hận... Khi ta quán chiếu bằng trí tuệ, khi ta phát tâm thọ trì giới luật hoặc quyết tâm làm thiện, chúng lập tức trở nên ngoan ngoãn và ngủ yên. Chính từ sự nhượng bộ đó của chúng, ông trưởng giả giàu có kia mới có thể buông bỏ tất cả tài sản quý giá để xuất gia theo Phật. Thế nhưng, cho dù có sự tu tập quán chiếu thành tựu mãnh liệt như thế, ông vẫn không thể dứt trừ hoàn toàn được tâm tham lam một cách vĩnh viễn. Thay vì vậy, nó đã ngủ yên trong ông và chờ đợi thời cơ thích hợp để thức dậy. Đó chính là khi bản ngã của ông được ve vuốt bởi sự cung kính ngưỡng mộ từ người khác, từ đó ông cho rằng chỉ có mình mới xứng đáng được nhận hưởng sự cúng dường tốt đẹp từ thí chủ. Ngay khi đó, tâm tham liền trỗi dậy và biến ông thành một tỳ-kheo phạm giới, không tuân thủ giới luật do Phật chế định.
Một câu chuyện có ý nghĩa tương tự khác là chuyện ngài Quốc sư Ngộ Đạt mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều biết đến, bởi đó là duyên khởi được ghi ở đầu bộ Thủy sám. Ngài Ngộ Đạt là một vị cao tăng giới hạnh tinh nghiêm, do có mối oán thù từ trong tiền kiếp với Triệu Thố nên bị ông này bám theo trong nhiều đời để trả oán. Tuy nhiên, sự tu tập nghiêm cẩn của ngài đã khiến cho Triệu Thố không thể nào thực hiện việc trả thù. Chỉ cho đến một hôm, khi ngài được chính đức vua thỉnh lên ngồi trên tòa trầm hương quý giá và được cả triều thần cùng dân chúng kính ngưỡng, ngài liền thoáng chốc khởi tâm kiêu mạn, nghĩ rằng chỉ có mình là người duy nhất nhận được sự cung kính này... Thế là Triệu Thố lập tức nhân cơ hội đó trả mối hận xưa, khiến cho ngài phát sinh một cái nhọt lớn nhức nhối không sao chịu nổi. Chính sự kiêu mạn đã quật ngã ngài ngay khi tâm ý có sự buông lỏng, thiếu tỉnh giác. Và chính tâm kiêu mạn đó đã làm mất đi đạo lực cao thâm, để Triệu Thố có cơ hội tấn công trả thù...
Từ những câu chuyện này, chúng ta hiểu được rằng, cuộc chiến đấu với chính mình là một cuộc chiến không thể có ngày “toàn thắng”, cho đến khi nào ta hoàn toàn giác ngộ thành Phật. Dù ta có được bao nhiêu thành tựu trong sự tu tập, cũng phải luôn thường xuyên cảnh giác với những tâm hành xấu ác, bởi chúng có thể trỗi dậy trong ta bất cứ lúc nào. Và chỉ cần một lần “thua trận”, ta có thể mất sạch tất cả những thành quả đã nỗ lực trong nhiều ngày, như người xưa có nói: “Đốn củi ba năm thiêu một giờ.”
Khi chúng ta may mắn có sự nhận hiểu và thực hành Phật pháp, mỗi ngày trôi qua của chúng ta bao giờ cũng là một ngày chiến đấu không ngừng nghỉ với tham lam, sân hận và si mê. Nhưng cho dù ta đã chiến thắng được bao nhiêu trận, chỉ cần một phút xao nhãng, ta sẽ có thể dễ dàng bị đánh bại ngay trong chốc lát. Chỉ khi suy ngẫm thật kỹ về ý nghĩa này, chúng ta mới thật sự hiểu được vì sao Đức Phật dạy rằng việc tự thắng mình là “chiến thắng tối thượng”, hơn xa việc chiến thắng ngàn ngàn quân địch trên bãi chiến trường. Bởi cho dù là ngàn ngàn quân địch, vẫn có ngày ta có thể đánh bại tất cả, nhưng đối với các tâm niệm tham sân si ở trong chính mình thì sẽ không bao giờ ta có thể “diệt sạch” được chúng, trừ phi ta đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn.
Và khi vẫn còn trên con đường tu tập hướng đến giác ngộ, chúng ta phải luôn ghi nhớ kỹ điều này. Chế ngự được một cơn giận, vượt qua một sự cám dỗ, nhẫn nhịn được một lời khiêu khích... đó đều là những thành tựu rất đáng trân quý. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng cuộc chiến đấu với chính mình không cho phép ta tự mãn với những thành tựu ấy, mà phải luôn nỗ lực tinh cần ngày càng nhiều hơn nữa. Nếu không, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có lúc bị “đánh bại” thay vì đạt được sự “tự thắng” như trong lời Phật dạy.
Tuy nhiên, ngay trên chặng đường dài đấu tranh không ngừng nghỉ này, với nỗ lực đúng hướng thì mỗi một ngày qua chúng ta sẽ luôn nhận được những lợi lạc và an vui trong cuộc sống, và đây cũng chính là thước đo năng lực tu tập của mỗi người.
Nguyên Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây