Bạo lực học đường: Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp giúp đỡ

Thứ bảy - 29/10/2016 19:34

Bạo lực học đường: Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp giúp đỡ

Trong Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2015 với chủ đề: “Sứ mạng Hoằng pháp-Hội nhập và Phát triển” tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 05 - 08/12/2015 đã dung nhiếp tất cả các hoạt động mang tính tôn vinh, định hướng và hoài niệm về nghiệp vụ Hoằng pháp. Phật pháp bất ly thế gian giác, BBT Website chúng tôi xin giới thiệu tham luận của ĐĐ Thich Chánh Đức về vấn nạn bạo lực học đường và những giải pháp của Phật giáo trong vấn nạn này.

I. Tổng quát
Tổ đức dạy: “Phật pháp tại thế gian, Bất ly thế gian giác” đã trở thành sứ mạng chung của người xuất gia trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Thế gian thì đa dạng, Phật pháp lại vô biên. Vậy, chúng ta vận dụng mọi phương pháp một cách khéo léo tùy theo phong tục tập quán, quốc độ và căn cơ trong việc đưa chánh pháp vào cuộc đời giáo hóa chúng sanh. Từ xưa chư Tổ đã tùy duyên đưa con thuyền chánh pháp đến với mọi người mà bất chấp thời gian, không gian và khó khăn hiểm trở. Vậy ngày nay, cần phải vận dụng chánh pháp để phù hợp với sự phát triển của thời đại ứng dụng mọi cách thức để đưa chánh pháp vào đời, đặc biệt là tuổi trẻ ngày nay, sống mất định hướng, đạo đức tâm linh thiếu lành mạnh, bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn nhức nhối cho các bậc làm cha mẹ, cho xã hội.

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên hệ trọng, là điểm nóng cho xã hội. Các nhà chức trách giáo dục cũng như gia đình và xã hội cần quan tâm về nhân cách và đạo đức đến lứa tuổi này.

Theo thông tin qua các trang mạng xã hội đã được thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra gần đây nhất, chỉ một năm học trong toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ, việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau (http://www.doisongphapluat.com/su-kien/538/bao-luc-hoc-duong. html)

Như vậy, bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các bậc phụ huynh, hội đồng nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Bài viết mà chúng tôi trình bày giữa Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2015 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngoài mục đích nói lên tiếng nói của người làm hoằng pháp với tinh thần “lấy sự nghiệp hoằng pháp là bản nguyện xưa nay, lợi ích chúng sanh làm trọng”. Bài viết nhấn mạnh trên ba phương diện chính; một là thực trạng của tuổi trẻ hiện nay, hai là phân tích một vài nguyên nhân và triệu chứng tương tác hai chiều giữa cá nhân và môi trường xung quanh dẫn đến thực trạng bạo hành học đường, cuối cùng người viết đứng trên góc độ Phật học vận dụng sở học, sở tu nhằm đưa ra những giải pháp cho tình trạng trên.

II. Thực trạng Bạo lực học đường của giới học sinh hiện nay
Song song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đời sống của người dân nói chung được cải thiện cùng với nền giáo dục cũng được phổ cập hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh những thành quả của sự phát triển đó vẫn còn những bất cập về nhận thức và ý thức sống trở nên mất thăng bằng giữa con người giáo dục và đối tượng được giáo dục và hệ quả do xã hội mang lại. Từ hệ quả này dẫn đến nhận thức của học sinh còn hạn chế từ khách quan cũng như chủ quan.

Truyền thông qua các trang mạng hay tin tức chuyển tải hằng ngày cho thấy giới trẻ hiện nay sống năng động hơn, thể hiện cái tôi như là điểm trung tâm của mọi đối tượng. Nên từ khuynh hướng đó đã đưa các em đến hành vi bạo lực qua ngôn ngữ và hành động. Khi chúng ta nói đến chữ “bạo lực” là ám chỉ hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó.

Những hành động này nghe qua chỉ để dành cho nam giới với độ tuổi còn trẻ, hay các “đàn anh đàn chị”. Nhưng thực tế bạo lực học đường không chỉ dành cho nam giới đang còn ngồi ghế nhà trường mà chúng vẫn còn xảy ra đối với giới nữ sinh, vốn được xem là phái yếu, tuổi trong sáng đẹp nhất. Những năm gần đây nổi cộm lên tình trạng nữ sinh đánh nhau, khiến cho người tiếp cận qua lăng kính, truyền hình không khỏi xót xa và lo lắng cho tương lai đất nước cũng như nhân cách đạo đức của tuổi học trò. Đó là những điển hình thông qua hệ thống truyền thông, còn ngoài xã hội vẫn tồn tại nhiều hình thức bạo lực học đường khác nữa không thể nêu hết.

Theo báo cáo của Viện khoa học giáo dục Việt Nam thì đối tượng tham gia đánh nhau, gây rối bạo lực phần lớn là học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Điều này dễ hiểu, với độ tuổi này các em có những biến đổi thất thường về tâm sinh lý. Nó được biểu hiện qua hành vi cử chỉ, bồng bột, nhẹ dạ cả tin, thích khẳng định mình và cũng dễ bị bạn bè xấu rủ rê lêu lổng. Đây là thực trạng và tâm lý chung của các em chưa chín chắn vững chãi, nên dẫn đến hành vi bạo lực qua ngôn ngữ và hành động.

Song song với sự phát triển của cơ chế thị trường đã và đang tác động đến tư tưởng lối sống của đại đa số thanh thiếu niên. Mặt khác ở nhà trường có những bất cập như chất lượng giảng dạy, cơ sở giáo dục cũng như điều kiện học hành còn nhiều hạn chế từ người phụ trách các bộ môn. Đồng thời trước mắt các học sinh là cả một bài toán khó khi ra trường với vấn đề việc làm cũng như đời sống mưu sinh. Đây là một thực trạng chung mà những nhà chức trách về giáo dục, văn hóa và đạo đức gia đình cần quan tâm. Xã hội nào cũng có những thực trạng riêng, chúng luôn hiện hữu với những hình thức khác nhau nên từ đó cần có những giải pháp phù hợp với mọi thời gian, quốc độ để các em xứng đáng con ngoan trò giỏi, một công dân tốt cho xã hội.

Như đã đề cập thực trạng ở trên, Chúng ta cần nhìn sâu hơn để thấy được nguyên nhân dẫn đến tình trạng như thế đối với tuổi trẻ như hiện nay.

III. Những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
  1. Về gia đình
Gia đình là tổ ấm đầu tiên cho các em hình thành nhân cách làm người. Cha mẹ là tiếng nói bao dung đầy ắp tình thương che chở và dìu dắt con qua những chặng đường đời. Cha nghiêm nghị khi người con ham chơi hư hỏng, mẹ vỗ về với những lời khuyên ngọt ngào khi con vấp ngã trên đường đời chông gai. Tình thương cha mẹ nói chung được ăn sâu vào nếp nghĩ trở thành truyền thống xa xưa của dân tộc Việt Nam nói chung và của dòng tộc, gia đình nói riêng.

Truyền thống gia phong ảnh hưởng trực tiếp trong tâm khảm, người xưa được thể hiện khá rõ rệt. Cuộc sống hiện tại theo đà phát triển xã hội thì cha mẹ phải tất bật với nghề nghiệp, theo đà kinh tế nên thời gian dành cho sự quan tâm con cái trong gia đình có phần hạn chế. Từ đây mối quan tâm đối với con cái không khắng khít, ân cần mà chỉ phó mặc cho con qua đồng tiền chi phí trong đời sống hằng ngày như ăn sáng, mua sắm dụng cụ học hành, thêm bớt đều tự các con lo liệu. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các em tự do trong suy nghĩ và hành động để đưa đến cuộc sống tự lập mà thiếu kiểm soát của bản thân và cha mẹ.

Mặt khác chúng ta thấy rằng cuộc sống mỗi gia đình hiện nay theo quy định nhà nước là chỉ có 1 đến 2 con. Nên cha mẹ luôn chiều chuộng hết mực để cho con no ấm, con cần gì cha mẹ đều cung cấp. Dĩ nhiên, đây là tình thương của cha mẹ; bởi cha mẹ vốn có cuộc sống cơ cực trong quá khứ, nên giờ cuộc sống khá giả đều mong cho con “ăn sung mặc sướng, không lo chi tiêu về tiền bạc”. Chính sự yêu thương cưng chiều như thế cũng tạo cho con một lối sống ỷ lại, phó mặc một chỗ dựa an toàn. Tự các em đóng khung mình trong vỏ bọc của ngoại duyên mà không phát huy nội lực bằng cá nhân và tư duy của mình. Khi tình huống như thế có mặt nghĩa là cha mẹ và con cái có một khoảng cách nhất định giữa các thành viên trong gia đình. Cha mẹ vì công việc mà đi sớm về khuya, chuyện học tập lại có gia sư giảng dạy. Nên năng lượng truyền thông không được nối kết, đưa đến cho các em cuộc sống tự lập.

Một điều nữa cũng đáng được quan tâm là với những con em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền học, cha mẹ vì nghèo khổ không quan tâm, thậm chí cha mẹ bôn ba xứ người để kiếm sống chỉ đến tháng, đến kỳ là gởi tiền cho con. Cũng có những gia đình thiếu điều kiện và không quan tâm dạy dỗ con cái cũng như không hiểu được cách quản lý giáo dục, dẫn đến tình trạng buông lỏng. Riêng bản thân các em chưa đủ nghị lực để tự rèn luyện bản, thân như chim non vừa rời tổ ấm. Chúng cần có một điểm tựa. Hai trường hợp mà chúng tôi nêu trên đã ít nhiều tác động đến đời sống của các em rất nhiều. Mỗi gia đình ít có thời gian đoàn tụ, sum họp, nên con cái thiếu tình thương, thiếu sự ân cần đành phải chọn bạn bè tụ tập, giao du làm quen và tiếp xúc với những thứ không lành mạnh. Từ đây bản năng của bản thân bộc phát, nóng nảy hay gây rối ban đầu chỉ là việc nhỏ dần dần dẫn đến hành vi bạo lực thô bạo đã xảy ra trong nhà trường hay ngoài xã hội là chuyện thường, trong câu chuyện học đường ngày nay.
  1. Về xã hội
Xã hội tốt đẹp, thịnh vượng nhờ mỗi cá nhân tự xây dựng cho mình một đời sống hạnh phúc, đặc biệt tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Xã hội gồm những thành phần và nhiều lãnh vực, thành công cũng từ xã hội và hư hỏng sa ngã cũng từ xã hội. Trong tình trạng hiện nay tuổi trẻ bị tác động tiêu cực rất lớn, đặc biệt các em đang ngồi trên ghế nhà trường, tự các em tạo nên làn sóng như là phong trào để bắt nạt hay gây ra những vụ tai tiếng rồi tìm cách bôi nhọ, dằn mặt đối phương để thể hiện cái ngã mạn, cái phong độ của mình.

Nguyên nhân khách quan từ môi trường xung quanh, như văn hóa bạo lực, sách báo, game bạo lực, bắn giết qua vũ khí gươm giáo và truyền thông các hình ảnh bạo lực, phim kinh dị. Những hình thức năng động kích thích bản năng, lòng tham và sân sinh khởi. Nó sẽ ảnh hưởng vào đầu óc làm các em muốn tìm hiểu, muốn bắt chước và thử nghiệm. Ngày qua ngày, tâm hồn trong sáng thánh thiện dần dần bị hoen ố trở thành hạt giống xấu kiên cố khó mà chuyển hóa được. Bởi vậy, chúng ta thấy rằng việc tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển của công nghệ truyền thông đã làm cho các em ưa thích đời sống vật chất hơn là trau dồi đạo đức sống. Cứ như thế các em sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân mình, xem nhẹ lời cha mẹ, thầy cô, dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức, đạo đức xuống cấp.
  1. Về nhà trường
Nhà trường là ngôi nhà thứ hai sau gia đình hình thành nhân cách và sự hiểu biết của các em. Trên bảng hiệu ngôi trường nào cũng có câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” là nhằm muốn xây dựng nhân cách của học sinh ngay từ những ngày đầu vào trường, trước tiên phải học những đức tính lễ phép, vâng lời thầy cô, lễ là một nét đẹp của người học trò. Câu châm ngôn đó vẫn có giá trị nhân văn muôn đời, nhưng mỗi thế hệ học sinh có áp dụng vào cuộc đời học sinh hay không là một điều khác. Tình hình thực tế cho thấy các em bây giờ chỉ chú trọng các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa để trở thành doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư... mong thuận lợi hơn trong tương lai, vì theo xu thế xã hội. Trái lại, những môn học xã hội như Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân hầu như được xem như những môn chẳng hề quan trọng. Các em học những môn này chỉ để đối phó, để vừa đủ điểm.

Trong chương trình học của các cấp, tiểu học, phổ thông có quá nhiều chương trình học nặng nề, kiến thức lại mông lung đa dạng. Nên từ đây các em chỉ chú trọng đến lãnh vực mà có thể định hình cho tương lai. Từ các môn học đạo đức và giá trị văn hóa dân tộc nói chung ít nhiều nhạt nhòa dần. Dẫn đến các em chạy đua với xã hội và sống thực dụng hơn, sống nhanh hơn nên hình ảnh ngôi trường, cảnh vật không còn nên thơ như tuổi học trò ngày xưa nữa. 

Bên cạnh chương trình học, và định hướng chọn ngành theo xu thế xã hội. Mặt khác một bộ phận thầy cô vì chạy đua thành tích và chịu áp lực từ bên trên, thậm chí thầy cô đã có những hình ảnh không đẹp ảnh hưởng đến tâm thức của các em. Gần đây nhất, có một cô giáo dạy tiếng Anh tại một trường THPT tỉnh Phú Thọ, xăm hình lên người đã làm các em học sinh, phụ huynh và các nhà chức trách giáo dục lên tiếng. Tuy nhiên, tất cả những điều trình bày trên chỉ là những trường hợp cá biệt trong sự nghiệp giáo dục.
  1. Giải pháp
Với nguyên nhân và thực trạng bạo lực học đường ngày càng nổi cộm trong môi trường học đường ngày nay như thế. Thì nhìn chung các nhà chức trách giáo dục, hội đồng nhà trường, các bậc cha mẹ luôn tìm kiếm cho mình giải pháp thích hợp nhằm đem lại hạnh phúc cho gia đình, cũng là nhân tố hữu ích cho xã hội.

- Giáo lý của đạo Phật dạy chúng ta sống phải có trách nhiệm đối với bản thân thông qua học thuyết về nghiệp (kamma), hạnh phúc khổ đau cũng từ bản thân chúng ta. Chủ lực đóng vai trò chi phối hạnh phúc khổ đau đó là cái Tôi và của Tôi; Phật giáo gọi là ngã và ngã sở. Chúng được thúc đẩy và điều khiển bởi bản năng ham muốn và ghét bỏ. Tâm lý tuổi trẻ thường bị thúc đẩy bởi hai bản năng này, chúng thường bị thôi thúc bởi sự hấp dẫn, ham muốn trải nghiệm những cảm giác sung sướng, hạnh phúc và chúng luôn né tránh những gì đau đớn, đem lại khổ đau cho bản thân. Vì vậy, nếu cái tôi không được kiểm soát nó sẽ thành thành trì kiên cố, từ đó làm mọi chuyện mà chúng nó thích. Vì thỏa mãn tự thân mà sinh ra trộm cắp giết người, vì danh dự mà dằn mặt bạn bè gây hấn với đám đông, hay chỉ vì tình cảm bồng bột của tuổi học trò mà sinh mâu thuẫn, thù hằn.

- Phật giáo có chế định năm điều để xây dựng đời sống đạo đức. Đức Thế Tôn còn dạy mọi người sống “thiểu dục tri túc” nghĩa là sống ít ham muốn, biết vừa đủ, không sống với cuộc sống hưởng thụ. Bởi tâm hồn thanh cao, cuộc sống tri túc các em mới biết cuộc đời có những thân phận người còn đau khổ, túng thiếu mọi mặt. Từ đây, các em mới có cách nhìn về bản thân mình nên luôn khiêm nhường với mọi người, đây là lòng vị tha chia sẻ trước khổ đau của người khác. Xem mọi người, bạn bè, anh em, động thực vật là mối thân thiện với chính mình. Nó có tác dụng hỗ tương cho sự sống muôn loài. Như vậy các em đã thực tập hạnh vị tha, và lắng nghe để hiểu mình hơn.

- Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là những thành viên trong gia đình luôn thương yêu hòa thuận lẫn nhau. Đây là yếu tố kết nối tình thương trong gia đình. Quan tâm từng hơi thở sự sống, để ý đến cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày và kết giao bạn bè. Cuộc sống đầy đủ vật chất nếu không biết cách chi tiêu sẽ làm cho con cái quen lối sống hưởng thụ, đưa đến hư hỏng. Đồng thời cha mẹ hướng dẫn con cái thực tập cuộc sống tự lập, xây dựng ý chí và lập trường. Đây chính là đề kháng khi các em tương tác với các mối quan hệ trong xã hội.

- Cha mẹ, anh chị trong gia đình thỉnh thoảng hướng dẫn con em đến nơi nào có môi trường tu tập dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Như các trung tâm, ngôi chùa, câu lạc bộ. Môi trường này sẽ là cơ hội cho các em thực tập về mọi mặt, rèn luyện những kỹ năng sống, giao thiệp bạn bè có đạo đức, được hướng dẫn bởi những người làm công tác tâm lý tuổi trẻ, quý thầy cô hướng dẫn thực tập tọa thiền, an tịnh tâm hồn; hay thực tập sám hối nghiệp chướng, tri ân báo hiếu cho cha mẹ. Thỉnh thoảng dẫn các em đi cùng các phái đoàn làm từ thiện để các em tiếp xúc và làm quen với những công tác thiện nguyện. Từ những công việc này, các em phát khởi từ tâm, đó là nguồn động lực mạnh mẽ, biết giới hạn trong hành động và vươn lên tìm lẽ sống thánh thiện hơn.

- Để các em tiếp cận giáo lý tốt hơn thì các bậc cha mẹ hãy ứng dụng công nghệ thông tin qua các hệ thống dĩa CD về các bài giảng Phật pháp, đố vui Phật pháp để gần gũi cuộc sống. Vận dụng giáo lý nhân quả, luân hồi và nghiệp báo trong câu chuyện, trong việc làm để các em nhận thức được giá trị cuộc sống và tích cực hơn, năng động hơn trong việc học tập cũng như ý thức cộng đồng cao, tránh xa tội lỗi. Hiện nay tinh thần hoằng pháp cho tuổi trẻ càng nhân rộng tại các tỉnh thành trên toàn quốc đặc biệt các dịp hè.

- Cần tổ chức những đợt tuyên truyền cho các em về những sự nguy hại do rượu, bia, các chất gây nghiện mang lại. Đồng thời kết hợp và đưa ra giải pháp đồng bộ chặt chẽ giáo dục trong thôn xóm, phường xã, nêu cao cái đẹp văn hóa và lên án những thành phần xấu xa ảnh hưởng chung cho cộng đồng cũng như tạo mối truyền thống gia đình, nhà trường và xã hội nhằm tạo tầm nhìn và kỹ năng sống ý thức xây dựng quê hương vươn tới những điều tốt đẹp.

- Giải pháp đạo đức và niềm tin, thiết nghĩ rất quan trọng đối với tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, cần xem xét và đưa môn học Nhân Quả vào chương trình giảng dạy tại các trường Trung học hay Đại học. Đây là yếu tố thiết yếu cần và đủ để nhắc nhở giới trẻ cẩn thận trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm giúp các em không vướng vào con đường tội lỗi, khổ đau cho bản thân, mất định hướng trong lối sống.

- Người xuất gia ngoài hướng đến đời sống giải thoát, thì thiết nghĩ hướng dẫn mọi người tu tập đúng với chánh pháp là việc làm chính đáng. Tinh thần tự lợi và lợi tha đã thúc giục Tăng ni dấn thân phụng sự, đóng góp cho tầng lớp tuổi trẻ hướng đến đạo Phật. Vẫn biết tuổi trẻ có những ước mơ, năng động, cởi mở dễ tiếp nhận nhưng để hướng dẫn chúng có tính thuyết phục, thay đổi tâm tánh thì điều quan trọng là người làm hoằng pháp trước tiên phải có tâm huyết biết hỷ xả, vị tha, thương yêu, chia sẻ để các em được cảm phục và kính mến đồng thời vẫn dụng những kỹ năng tâm lý tuổi trẻ trong mọi tình huống để chúng thấy và cảm nhận sự hấp dẫn qua sự hướng dẫn của quý Tăng ni mà quy phục nương náu. Một điều không thể thiếu đó là Tăng ni hay người làm hoằng pháp cần trang bị kiến thức Phật học và thế học thật khá vững chắc, thông thạo ngôn ngữ cũng như xử lý các thông tin truyền thông nối kết các mô hình tu tập khác làm cho chương trình phong phú hơn. Đây là cầu nối, là hình ảnh đẹp để đưa các bạn trẻ có chỗ dựa tinh thần và niềm vui thanh thoát từ sự hướng dẫn và cung cách đạo hạnh của người làm hoằng pháp.

IV. Kết luận
Như chúng tôi đã trình bày một cách tổng quát về nguyên nhân và giải pháp cũng như đề xuất một vài ý kiến góp phần trong tiến trình hoằng pháp cho tuổi trẻ. Nhất là tình hình bạo lực học đường ngày nay.

Chúng ta biết rằng, tương lai của đất nước nói chung, của đạo Phật nói riêng đều ở nơi thế hệ tuổi trẻ. Hãy quan tâm giáo dục tuổi trẻ trở thành những người hữu dụng, có phẩm chất tốt, lý tưởng cao đẹp, có ý thức về giá trị tâm linh truyền thống dân tộc. Bạo lực học đường sẽ tạm ổn khi cánh tay trí tuệ và đôi mắt từ bi của người làm hoằng pháp tỏa khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Chúng tôi mạn phép đưa ra bốn phạm trù xây dựng hạnh phúc, nếp sống cao thượng của Phật tử mà đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Tăng Chi - chương 4 pháp.
  • - Xây dựng lý tưởng hướng thượng, cũng cố niềm tin vào giá trị đạo đức, giải thoát qua nhân cách của Phật, Pháp và cộng đồng Tăng chúng.
  • - Thiết lập nguyên tắc sống với năm điều đạo đức (ngũ giới), hay mười giới. Qua đó giáo dục ứng xử chuẩn mực nơi hành vi và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý đạo đức.
  • - Xây dựng các mối quan hệ hài hòa như quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy tổ, lãnh đạo và nhân viên, tập thể, xã hội, quốc gia, nhân loại, thiên nhiên,... tựu chung là có thể sống hài hòa giữa con người với môi trường xung quanh.
  • - Phát triển trí tuệ, luôn luôn chánh niệm để chi phối bản năng: tham, sân, lười biếng, manh động, hoài nghi. Thiết lập một tâm hồn ổn định, trầm tĩnh, tự chủ và sáng suốt.
Qua đây chúng tôi xin cầu chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, những thành quả để lại sẽ đóng góp tích cực và định hướng hoằng pháp lợi ích trong hiện tại và mai sau.
ĐĐ. Thích Chánh Đức
Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế







Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây