Hoằng pháp trong vấn nạn bạo lực học đường

Thứ hai - 31/10/2016 08:24

Hoằng pháp trong vấn nạn bạo lực học đường

Trong Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2015 với chủ đề: “Sứ mạng Hoằng pháp-Hội nhập và Phát triển” tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 05 - 08/12/2015 đã dung nhiếp tất cả các hoạt động mang tính tôn vinh, định hướng và hoài niệm về nghiệp vụ Hoằng pháp. Phật pháp bất ly thế gian giác, BBT Website chúng tôi xin giới thiệu tham luận của ĐĐ Thich Huệ Pháp về vấn nạn bạo lực học đường và những giải pháp của Phật giáo trong vấn nạn này.

Gõ dòng chữ “bạo lực học đường” trên Google, chỉ trong 10 giây, chúng ta nhận được có đến 499,000 kết quả bài viết về vấn nạn đang báo động trong ngành giáo dục hiện nay ở nước ta. Trong lịch sử giáo dục ở nước ta, một nền giáo dục theo tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn” đã bị ô nhiễm bởi tinh thần “thượng võ” “tiên học võ, hậu học văn” ở khắp các trường trung học trong cả nước. Hình ảnh học trò đánh nhau, trò đánh thầy... trong sân trường hay ở ngoài đường không còn xa lạ trên mạng truyền thông. Đã có nhiều bài viết phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp của các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học v.v. về vấn nạn này. Tuy nhiên, kết quả chưa thật khả quan, mà lại còn có chiều hướng bùng phát mạnh mẽ hơn.

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhân Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, chúng tôi xin chọn đề tài tham luận “Hoằng pháp trong vấn nạn bạo lực học đường” không ngoài mục đích đóng góp thêm những giải pháp mà Phật giáo có thể làm để cùng nhau giải quyết vấn nạn này.

1.      Những con số đáng báo động

Theo số liệu thống kê của từ 38 sở Giáo dục và Đào tạo gởi về Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2009 có tới hơn 8000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và bị kỷ luật. Trong khi đó, chỉ riêng năm học 2009 – 2010 trên toàn quốc đã có hơn 1598 vụ, kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1558 học sinh và buộc thôi học có thời hạn 735 học sinh. Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê cho thấy, cứ 5260 học sinh lại xảy ra một vụ đánh nhau; và cứ 9 trường học lại có một vụ xảy ra; 10.000 học sinh thì có một học sinh bị kỷ luật khiển trách; 5.555 học sinh thì lại có 1 học sinh bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh nhau; cứ 11.111 học sinh thì có 1 học sinh bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

Năm 2008, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về hành vi bạo lực của nữ sinh trung học, khảo sát 200 phiếu tại hai trường THPT thuộc Quận Đống Đa (Hà Nội). Kết quả cho thấy có đến 96,7% số học sinh được hỏi cho rằng ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Kết quả khảo sát cũng cho biết có tới 64% các em nữ thừa nhận từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác. Trong các em nữ từng đánh nhau thì số nữ sinh một lần đánh nhau là 12,7%, 2-3 lần: 20,7%, 4-5 lần: 10,7% và 19,3% đánh nhau từ năm lần trở lên. Phần lớn các em nữ đã có hành vi đánh nhau cho rằng bạo lực giữa nữ sinh là “bình thường” (57,3%) và “chấp nhận được” (39,6%).

1.      Nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường hiện nay ở nước ta

Một số nguyên nhân xin đề ra đây không có gì mới, bởi lẽ đã có nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu về vấn đề này được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi chỉ xin nói lược để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn trong bài tham luận này.

2.1 Về cá nhân

- Có tiền sử bệnh án khi còn là thai nhi, nếu cha mẹ bệnh tâm thần thì đứa con sinh ra cũng sẽ có các chứng bệnh tương tự như vậy. Học sinh kém khả năng tập trung, căng thẳng khi xúc cảm, chỉ

số IQ thấp, học hành kém, không muốn học, học không theo kịp bạn bè, đã từng sử dụng ma tuý, rượu bia hay các chất kích thích khác v.v.

- Việc khẳng định cái “Tôi” bản ngã quá sớm, muốn chứng tỏ bản thân với bạn bè xung quanh nhưng với năng lực hạn chế đã khiến chúng nghiên về sử dụng bạo lực để giành phần vượt trội so với bạn bè.

2.2 Về gia đình

- Gia đình là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, với một gia đình mà cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp thì những đứa con sinh ra luôn có xu hướng làm những gì mà cha mẹ từng trải qua. Cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, dễ dãi thái quá, không nghiêm khắc, không kỷ luật, ly thân hay ly hôn v.v. sẽ tác động mạnh đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ.

2.3 Về cộng đồng xã hội và phương tiện truyền thông

- Hai đứa trẻ cùng tuổi, nhưng sống ở hai môi trường khác nhau thì tính cách sẽ khác nhau. Điều đó nói lên vai trò cộng đồng xã hội trong việc hình thành đạo đức nhân cách của trẻ. Với một cộng đồng xã hội phức tạp, đâm thuê, chém mướn, hút chích ma tuý, chửi thề, thì sẽ dễ dàng sản sinh ra một thế hệ không mấy tốt đẹp cho xã hội. Trẻ em như tấm giấy trắng, những hành động của người lớn sẽ là tấm gương để trẻ noi theo.

- Công nghệ truyền thông thế kỷ XXI đã lan khắp hang cùng ngõ hẻm; phim ảnh, trò chơi mang tính bạo lực phát triển mạnh mẽ đã khiến cho trẻ em sa lầy vào đó để thoả mãn nhu cầu bạo lực, lối sống ảo, xa rời cuộc sống thực tế đã khiến cho nhân cách các em phát triển theo chiều hướng lệch lạc.

3. Giải pháp đến từ Phật giáo

Chính vì đây là chuyện không của riêng ai nên chúng tôi xin mạnh dạn đề ra vài giải pháp mang tính chất hoằng pháp để góp phần vào việc ngăn chặn và hạn chế được phần nào vấn nạn đang gia tăng trong cộng đồng tuổi trẻ.

3.1. Mở lớp giáo lý ngắn và trung hạn

Tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường là nơi truyền tải đạo đức đến với xã hội, nơi nương tựa tâm linh của người Phật tử. Vì thế, chư Tôn đức Tăng, Ni thường xuyên quan tâm đến thế hệ trẻ qua việc mở các lớp giáo lý ngắn hay trung hạn để hướng dẫn dạy dỗ các em thanh thiếu niên đi theo con đường thiện, từ bỏ con đường ác.

Các khoá học giáo lý không nên đặt nặng về phần giáo lý mang tính nghiên cứu, triết lý cao siêu như Tánh không, Vô thường, Vô ngã..., mà chỉ nên truyền tải những nội dung mang tính thời sự xã hội. Xã hội và các em cần gì thì chúng ta hướng dẫn cái đó, không nên dạy những gì mình có.

Một tuần chỉ cần học một buổi vào sáng chủ nhật hay tối chủ nhật như các tôn giáo khác đã làm; mỗi chùa là một lớp học thì cũng đã góp phần giảm thiểu được phần nào tính bạo lực trong tính cách của các em.

3.2. Khoá tu dành cho thanh thiếu niên

Trong vài năm trở lại đây, các chùa trong nước đã và đang mở các khoá tu ngắn hay dài hạn dành cho các em thanh thiếu niên, đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục đạo đức và hướng đạo cho các em. Việc ấy đã mang lại kết quả rất tốt. Tuy nhiên, con số các chùa mở khoá tu cho các em còn chưa nhiều. Nhiều chùa mở khoá tu nhưng chưa đặt nặng việc hướng dẫn các em đi vào trọng tâm giải quyết những vấn đề mà các em gặp phải khi vào đời sống như quan hệ với bạn bè, thầy cô v.v.

Khoá tu “Gieo hạt từ tâm kỳ 36” tại Quan Âm tu viện – quận Phú Nhuận với chủ đề “Bạo lực học đường” dành cho các em học sinh có độ tuổi 15 đến 25 đã được quý thầy cô đặt ra nhiều tình huống “bạo lực học đường” để các tu sinh trẻ trực tiếp tham dự, trực tiếp giải quyết và xử lý vấn đề với vai trò là người trong cuộc, sau đó quý thầy cô sẽ nhận xét và tư vấn thêm cho các bạn trẻ dựa trên kinh nghiệm và nền tảng giáo lý Phật giáo là một mô hình đáng được khuyến khích mở rộng.

Hay như cách truyền thông kêu gọi cộng đồng thanh thiếu niên hưởng ứng chung tay lên án nói không với bạo lực học đường qua các tài khoản facebook cá nhân của “câu lạc bộ Nhân sinh” do quý thầy cô và Phật tử điều hành cũng là một hướng đi thích hợp để góp phần chung tay xây dựng một môi trường giáo dục tốt đẹp hơn.

3.2. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử

Hiện nay đã có lực lượng Gia đình Phật tử các tỉnh thành phố, tuy nhiên, các tiếp cận với những vấn nạn xã hội thời đại của tổ chức này chưa thật nhanh nhạy và có phần thiên về sinh hoạt nội bộ, chỉ hướng dẫn cho các đoàn sinh những gì mình đã được dạy hơn vài chục năm qua. Phật giáo phục vụ cộng đồng và truyền tải những giáo lý mà cộng đồng cần hơn là những gì mình có. Vì thế, việc thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử ở các tự viện, trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử, để nhạy bén giải quyết hay tư vấn các vấn nạn xã hội hiện nay mà các em thanh thiếu niên đối diện trong đường đời.

Câu lạc bộ này có thể sinh hoạt mỗi tuần, song song với lực lượng Gia đình Phật tử, không nặng về hình thức như Gia đình Phật tử, gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống cũng như áp dụng giáo lý để giải quyết vấn đề hơn là chỉ học để có kiến thức.

3.4. Đào tạo Hoằng pháp viên chuyên trách thanh thiếu niên Phật tử

Ban Hoằng pháp Trung ương đã có những hoạt động mạnh mẽ trong khoảng thời gian hơn 10 năm gần đây bằng việc tổ chức các khoá Hội thảo Hoằng pháp có quy mô lớn, số lượng người tham dự đông đảo, khoá tu trong Hội thảo thu hút nhiều thành phần tham gia. Tuy nhiên, để chung tay giải quyết các vấn nạn xã hội không chỉ bạo lực học đường mà còn nhiều vấn nạn khác, thiết nghĩ, việc đầu tư cho thanh thiếu niên – lực lượng tương lai của đất nước nói chung, Phật giáo nói riêng – cần chú trọng nhiều hơn bằng cách đào tạo những Hoằng pháp viên chuyên trách để thúc đẩy những hoạt động về thanh thiếu niên Phật tử cùng với chư Tăng để góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội.

4. Kết luận

Phật giáo có đi vào đời sống hay không, có giúp ích gì cho xã hội hay không là tuỳ thuộc vào sự nhận thức và nhập thế của những người ‘tải đạo vào đời’. Xã hội khiếm khuyết vấn đề gì thì Phật giáo nhanh nhạy chung tay giải quyết vấn đề đó, miễn đừng trái với luân thường đạo lý, trái với đạo đức xã hội và trái với lời Phật dạy; thì lúc đó giáo lý Phật giáo mới phát huy tối đa tâm nguyện từ bi cứu khổ ban vui như những gì mà đức Phật đã khuyên chúng đệ tử của Ngài du hành thuyết pháp độ sinh cách đây hơn 2500 năm: “Này các Tì-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.2

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Văn Lượt, Bạo lực học đường: Nguyên nhân và một số biện pháp hạn chế, Tạp chí Thế giới mới, số 864, ngày 14/12/2009

2.      Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020

3.      Mai Thị Tuyết, Những vấn đề nan giải của vị thành niên trong nhà trường (đường dẫn http://treem.molisa.gov.vn/SIte/vi- VN/13/367/17589/Default.aspx)

4.      Tương ưng Bộ Kinh, Hoà thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành - 1993

Đại đức Thích Huệ Pháp

Uỷ viên Ban Hoằng pháp GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây