Vụ sư cô bị sát hại, nghĩ về môi trường an ninh của giới tu sĩ Phật giáo

Thứ bảy - 04/08/2018 18:38

Vụ sư cô bị sát hại, nghĩ về môi trường an ninh của giới tu sĩ Phật giáo

Những am, cốc hay tịnh thất do một hay rất ít tu sĩ tu tập đơn lẻ đương nhiên có hệ số an ninh thấp. Các chùa ít tu sĩ, rất cần nhận được sự quan tâm của phật tử thay nhau đến gần gũi, sinh hoạt, chia sẻ... cùng bậc xuất gia theo cách phù hợp? Đây là cả một vấn đề không nhỏ, cần bàn thảo chu đáo.

Hàng loạt tờ báo lớn, các mạng xã hội đang đồng loạt đưa tin về cái chết của sư cô Thích Nữ Hải Hiếu tại tịnh thất trong hẻm ở quận Tân Phú,Tp.HCM. Thi thể sư cô được tìm thấy với các vết đâm, cắt cùng nghi án giết người do động cơ trộm, cướp tài sản, theo nhận định từ nhà chức trách. 
Sư cô Hải Hiếu thế danh Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1967, hàng ngày đến làm việc tại Chùa Phước Long bên quận 10 cùng thành phố, sống tốt với cộng đồng dân cư và thường giúp đỡ tận tâm trẻ nhỏ bệnh nặng hoặc chết yểu. 
Án mạng chỉ được phát hiện khi sư trú trì ở Chùa Phước Long do không thấy vị nữ tu đến làm việc, gọi điện không nghe, nghi ngờ và đến tận tịnh thất kiểm tra. Bà con trong khu vực vô cùng bất ngờ và bàng hoàng trước vụ việc.
 Sư cô Thích Nữ Hải Hiếu và các em thiếu nhi sinh hoạt, học tập tại tịnh thất - Ảnh Facebook

Theo quan sát cá nhân người viết, ở Việt Nam thường thấy bởi thuộc tính Luật pháp đi sau, cho nên, dù công tác điều tra có tốt đến đâu, nội vụ có được nhanh chóng kết luận và thủ phạm qui án sớm nhất và đền tội, thì nhân mạng một nữ tu sĩ đã kết thúc, tổn thất không thể bù đắp!
Từ vụ án mạng này, buộc phải suy nghĩ và suy nghĩ nhiều về an ninh cho giới tu sĩ Phật giáo, hay khái quát hơn, an ninh trật tự ở các cơ sở tu tập của Đạo Phật trên cả nước, dù vấn đề không hề mới mẻ, song chính vụ án cho thấy cần cảnh báo tín hiệu SOS để đánh động dư luận và nhận được sự quan tâm tương thích.

Do đặc thù đời sống tu học, mọi hệ phái và mọi pháp môn tu của Phật giáo, nhất là thiền cần không gian thanh tịnh: vắng, cách biệt, môi trường kín đáo và cộng đồng an trú lặng lẽ trong tu học, lao động, sinh hoạt... Các cơ sở Phật giáo chính thức thuộc Giáo hội hay thậm chí đến các chốn tu tập tại gia đều tuân thủ đến mức cao nhất có thể "yêu cầu" đã nêu. 
Am, thất, niệm phật đường, thiền viện, chùa... đều tọa lạc ở những chốn thanh tịnh nhất có thể... Và, điều đó có từ thuở sơ khai, ngay lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, việc tu tập thường thực hiện trong các cánh rừng, cạnh suối hay hồ nước... Sự thanh tịnh của môi trường xã hội và tự nhiên là phương tiện để quá trình và hiệu quả tu học cao, như một điều kiện cần. Ở Việt Nam, không ít bà con vẫn gắn quan niệm về sự tu của đạo Phật với núi non: lên núi tu, lên non tìm Thầy...
Xã hội vận động nhanh, đô thị hóa cùng vấn nạn tội phạm "tăng trưởng" khiến môi trường thanh tịnh cần thiết đối với các tu sĩ Phật giáo gánh thêm cản lực: Nguy cơ an ninh. Hàng loạt vụ mất cắp tài sản có khi có giá trị rất lớn, như cổ vật, đã xảy ra khắp nơi đến mức có chùa đã "bế quan"! Về góc độ nghiệp vụ an ninh, cơ sở tôn giáo do đặc thù "thanh tịnh" ở các chốn hẻo lánh đồi núi, vùng sâu xa... trở nên dễ tổn thương trước áp lực tội phạm xã hội, cơ sở tôn giáo cùng tu sĩ nghiễm nhiên trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. 

Đi nhiều, vãn nhiều cảnh chùa thuộc nhiều vùng miền, khi đọc tin bàng hoàng về cái chết quí quý sư cô ở Tân Phú, trong thất ở hẻm nhỏ, chợt thấy vấn đề cấp thiết hơn, cần nói.
Do đặc điểm đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, với cơ quan an ninh sở tại, các cơ sở tu học cùng tu sĩ không dễ tiếp cận để bảo vệ, trừ những cơ sở quan yếu về hành chính của Giáo hội hay các sự kiện chính thức được Nhà nước chủ động bảo đảm an ninh. Tu sĩ Phật giáo sống trong môi trường đặc thù, mọi can dự có thể bị nhìn từ góc độ "làm phiền" hay "không thuận" cho sự tu học. An ninh cho tu sĩ Phật giáo và cơ sở tu học của Đạo Phật thuộc một mảng rất riêng trong công tác an ninh, không hề dễ.
Từ vụ sư cô bị sát hại ở hẻm nhỏ trên Tp.HCM, hy vọng nhà chức trách càng nhìn sâu hơn vào vấn đề vốn đã khó: nắm tình hình trị an trong khu vực có cơ sở Phật giáo và bảo đảm an ninh cho tăng, ni cùng phật tử tu học.

Bên cạnh đó, rất cần góc nhìn cởi mở, phù hợp hơn của Giáo hội cùng các quý tu sĩ về an ninh cho chính mình: đặc thù môi trường tự nhiên xã hội của các cơ sở tu học khiến công tác đảm bảo an ninh cần nhấn mạnh hơn nữa cũng như sự hợp tức tốt hơn với nhà chức trách để phòng ngừa tội phạm tấn công. Các cơ sở Phật giáo cần khắc phục tình trạng biệt lập, tu tập đơn lẻ, khép kín bằng sự giao lưu sinh hoạt thường xuyên của phật tử, tương tác giữa các chùa, tự viện cùng gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Những am, cốc hay tịnh thất do một hay rất ít tu sĩ tu tập đơn lẻ đương nhiên có hệ số an ninh thấp. Các chùa ít tu sĩ, rất cần nhận được sự quan tâm của phật tử thay nhau đến gần gũi, sinh hoạt, chia sẻ... cùng bậc xuất gia theo cách phù hợp? Đây là cả một vấn đề không nhỏ, cần bàn thảo chu đáo.
Luật pháp đi sau, làm sao tránh sự đáng tiếc. Viết vì cái nghiệp chung...
Nguyễn Thành Công

Nguồn tin: phatgiao.org.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây