ĐẠO TỪ CỦA HÒA THƯỢNG ĐƯỜNG ĐẦU TRÍ NGHIÊM THƯỢNG NHÂN

Thứ năm - 15/10/2020 14:40

ĐẠO TỪ CỦA HÒA THƯỢNG ĐƯỜNG ĐẦU TRÍ NGHIÊM THƯỢNG NHÂN

Giới pháp của Phật rất nhiều nhưng căn bản trước nhất là năm giới. Năm giới ấy làm cho con người có nhân phẩm, làm cho gia đình được hòa thuận, làm cho xã hội được an ổn. Như vậy, năm giới ấy rất quan trọng, người Phật tử tại gia phải cố gắng giữ gìn nó, người xuất gia cũng lấy đó làm nền tảng.
ht tri nghiem
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thưa quý liệt vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức cùng các Giới tử.
Trong đạo Phật có nhiều lễ, nhưng lễ truyền giới cho tương lai là lễ lớn nhất, quan trọng nhất. Như lời của Hòa thượng Yết-ma vừa mới nói.
Giới pháp là căn bản của đạo Phật. Đạo Phật tồn tại hơn 2500 năm kể từ khi đức Phật ra đời cho đến nay, và Giới pháp của Phật luôn luôn được hoằng truyền.

Hôm nay, nơi Đại Tòng Lâm, một vùng đất trước kia là rừng hoang gò đống, Giới đàn Thiện Hòa được tổ chức rất long trọng và qui mô. Đó là phước đức lớn lao của những người tôn trọng Giới luật, những người hâm mộ hạnh phúc của đạo Phật. Và chỉ có những người biết giữ Giới pháp, chánh pháp mới được trường tồn làm lợi ích cho nhiều người.
Lễ truyền trao Giới pháp là ngày lễ quan trọng nhất của người Phật tử. Ngày mai những người Phật tử có giữ đúng lời Phật dạy hay không? Là do ngày nay lãnh thọ Giới pháp.

Hỡi các Giới tử!
Giới của Phật không lãnh thọ thì thôi, mà lãnh thọ rồi phải hành trì, bởi vì có hành trì mới có được sự lợi ích an vui. Giới là biệt biệt giải thoát, tu giới nào thì được giải thoát ngay giới ấy. Tu ngũ giới thì được giải thoát các điều tội lỗi của ngũ giới cho đến tu 250 giới thì giải thoát được các tội lỗi của 250 giới, …
Hỡi các Giới tử!
Giới pháp của Phật rất nhiều nhưng căn bản trước nhất là năm giới. Năm giới ấy làm cho con người có nhân phẩm, làm cho gia đình được hòa thuận, làm cho xã hội được an ổn. Như vậy, năm giới ấy rất quan trọng, người Phật tử tại gia phải cố gắng giữ gìn nó, người xuất gia cũng lấy đó làm nền tảng. Từ xưa đến nay, Giới đàn mở ra rất nhiều, nhưng mỗi Giới đàn đều mang một tính chất riêng. Giới đàn Thiện Hòa này rất nổi tiếng và đặc biệt là được mang danh hiệu của một vị Hòa thượng khai sơn ra Đại Tòng Lâm.
Bốn năm về trước, Đại Tòng Lâm có mở một Giới đàn. Nay lại tổ chức một Đại Giới Đàn thì chúng ta tin tưởng rằng 3 năm sau sẽ có một Giới đàn tốt hơn cao thượng hơn. Giới đàn tốt hơn cao thượng hơn là do ân đức của Phật tổ và do quá trình thọ giới và giữ giới.
Tổ chức một Đại Giới Đàn như thế này hao tốn biết bao tâm niệm, sức khỏe, tài chánh. Thời gian trước đây ba bốn tháng Chư Tăng Ni, Chư Phật tử gần xa đã về đây chung sức, chung lòng, lo lắng cho Giới đàn. Ngày nay mới được thành công viên mãn. Đó là do biết bao tâm niệm hướng về lo cho Đại Giới Đàn.

Hỡi các Giới tử!
Thiết lập một Giới đàn như thế này, từ nhà trên đến nhà dưới, từ bàn Phật đến bàn Tổ, từ nhà khách đến nhà trù, mỗi người đều gánh một nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào, trách nhiệm nào cũng đều là Phật sự cả. Trong một bài cảm tạ của một Đại Giới Đàn có viết một câu thế này bằng chữ Hán: “Vận thủy ban sài chủng chủng công phu đệ nhất”. Nghĩa là: Người xách nước, người bửa củi, người cắm bông, người cắm nhang cho đến tất cả mọi việc: lớn có, nhỏ có, việc nặng có, việc nhẹ có v.v…cũng đều được gọi là đệ nhất công phu. Không có sự phân biệt cao thấp, tốt xấu. Không phải người ngồi trên cao ghế đẹp là đệ nhất. Người làm việc dưới bếp là không phải đệ nhất. Bởi vì không có người nấu nướng ở dưới bếp thì người ngồi ở trên cao cũng không thể yên được. Nghĩa là giữa sự việc này và sự việc nọ tương quan nhân duyên sanh, mà nhân duyên thì lớn có, nhỏ có, xa gần có, trực tiếp có, gián tiếp có, đại khái là như vậy. Một bình hoa nơi Giới đàn cũng cần phải có nơi Giới đàn.
Tóm lại, các hàng Giới tử phải thọ giới, tu giới, rồi các ngươi ngày mai cũng sẽ là người đem đạo pháp truyền bá khắp nơi làm lễ cho nhiều người. Suốt gần ba ngàn năm đạo pháp được hoằng truyền theo kiểu ấy. Từ Ấn Độ sang Tàu, từ Tàu sang Việt Nam, biết bao sự nghiệp truyền thừa cũng đều nhờ đến các Trai đàn, Giới đàn như thế này. Rõ ràng hơn hết, tất cả đều do tâm niệm của con người…

Điều cuối cùng, tôi xin nhắc cho các Giới tử, từ giờ phút này cho đến giờ phút lãnh thọ Giới pháp, tâm niệm của các ngươi phải nhất tâm cần cầu Giới pháp, có nhất tâm cầu Giới pháp thì mới đắc giới. Giới pháp của Phật thật bất khả tư nghì, nó sẽ thấm nhuần và làm cho con người tam nghiệp thanh tịnh…
Giờ đây, giây phút thiêng liêng này, đứng trước khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh này, các ngươi được chư Tôn đức chỉ dạy, nhắc nhở những điều cốt yếu để thọ nhận Giới pháp của chư Phật ba đời. Các Phật tử phải nhớ rằng: Đức Phật Thích Ca nhờ giới mà thành đạo. Lúc Ngài sắp nhập Niết bàn cũng nhắc nhở về Giới. Giới luật là thầy của các ngươi, dù ta có sống ở đời đi nữa cũng chẳng khác, dù Phật có ngồi nơi Tòng Lâm Thiện Hòa đi nữa các ngươi cũng phải tôn trọng Giới Pháp, chứ không phải Phật rời nơi Tòng Lâm, chúng ta mới tôn trọng giới được đâu. Người tu hành mỗi lúc có một nỗi vui mừng. Khi các ngươi được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia, đều vui mừng từ ấy đến nay chúng ta ở Tòng Lâm Tu viện, các chùa đó là điều vui mừng. Nhưng điều vui mừng lớn nhất là ngày hôm nay được thọ giới.
Có mấy lời như vậy thôi, tôi cũng như các vị Hòa thượng đều có tâm niệm thật tâm chung quy về đây cầu cho các ngươi được thanh tịnh thân tâm, giữ gìn Giới Pháp để duy trì Phật pháp. Thay mặt cho Hội Đồng Thập Sư và tất cả các Hội đồng trong Giới đàn, chúng tôi cầu nguyện trên đức Phật và tất cả chư vị Thiên Long Bát Bộ gia hộ cho các vị Giới tử thân tâm an lạc, ý chí mạnh mẽ, tinh tấn tu hành.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
(Đại Giới đàn Thiện Hòa II - năm 1996)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây