Tưởng niệm ngày Đức Phật thành đạo - Nhớ về Bồ Đề Đạo Tràng

Thứ ba - 23/01/2018 18:23

Tưởng niệm ngày Đức Phật thành đạo - Nhớ về Bồ Đề Đạo Tràng

Sáng nay, một học trò gọi điện xin bài dẫn chương trình cho lễ Phật thành đạo, chúng tôi giật mình và nhìn sang tờ lịch thấy hôm nay là mồng 6 tháng 12, còn đúng 2 ngày nữa là kỷ niệm lễ Phật thành đạo (theo truyền thống Phật giáo Bắc tông). Ngày mà cách đây gần 26 thế kỷ, đức Phật chứng ngộ quả vị Chánh đẳng Chánh giác, và từ đó, đạo Phật được khai sáng, ánh sáng tỏa rạng khắp muôn nơi.
Mỗi lần đến ngày lễ này, bản thân chúng tôi đều có nhiều những cảm xúc và làm gì đó để tưởng nhớ về ngày lễ vía quan trọng này. Có thể là một bài viết cảm xúc về sự chứng ngộ của đức Phật hoặc sự kính ngưỡng đối với một bậc Thầy vĩ đại và giáo pháp của Ngài; hoặc đơn giản là lời phát nguyện với những hứa hẹn là sẽ dõng mãnh tinh tấn tu tập. Cũng có lúc, nhiệt huyết như trào dâng, chúng tôi tọa thiền hoặc tu tập suốt đêm trong dịp lễ vía. Nhớ ngày này năm trước, chúng tôi đã phát nguyện được về thăm quê hương của đức Phật. Có lẽ, những ai có niềm tin và lòng tôn kính đức Phật đều luôn có niềm khát khao đó. Và tâm nguyện của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Hành trình theo dấu chân xưa trở về Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya) đang hiện rõ trong tâm trí chúng tôi.

Từ rất sớm, khi màn sương đêm còn phủ kín, dân chúng quanh vùng vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ, chúng tôi đã có mặt tại khu thánh tích Bồ-đề Đạo tràng. Vừa xuống xe, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi những bước chân đầu tiên vừa đặt xuống khu thánh tích. Từ cổng vào bên trong khu Đại tháp là khoảng sân rộng, phía trên được treo rất nhiều cờ Phật giáo làm cho không khí vui tươi hẳn lên. Những bước chân reo vui như muốn đi nhanh hơn nữa để mong sớm được chiêm ngưỡng Đại tháp, gốc cây Bồ đề, nơi Bồ tát Tất-đạt-đa chứng ngộ và thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt, trên gương mặt, trên đôi môi, những nụ cười rạng rỡ của mọi người khi nhìn thấy Đại tháp. Thật hạnh phúc biết bao, ngôi Đại tháp cao sừng sững, uy nghiêm như là điểm tựa tinh thần cho những ai tìm về nơi đây. Những phiền muộn, ưu tư, những toan tính thiệt hơn như vỡ vụn, chỉ còn niềm hỷ lạc vô biên.

Không ai bảo ai, mọi người đều chắp tay búp sen xá chào ngôi Đại tháp trong niềm cung kính như kính lễ đức Phật. Trong không gian trầm lắng, lời kinh vang vọng, cảm nhận rõ từ trường năng lượng tâm linh đang lan tỏa khắp không gian, rung động đến lòng người. Để rồi, mỗi khách hành hương đều nhẹ nhàng nâng bước chân đi vì sợ làm động niệm đến đức Phật và hàng tứ chúng đang tu tập và cũng để cảm nhận trọn vẹn những gì đang diễn ra trong thân tâm của mình. Mỗi bước chân đặt xuống, chúng tôi đều có cảm giác rúng động lạ thường như có một sức mạnh vô hình nào đó đã tác động vào tâm thức. Có lẽ, đó là sức mạnh tâm linh, năng lực giác ngộ của đức Phật cũng như sự tu tập thanh tịnh của biết bao vị tiền bối Tổ sư và bao hành giả tu tập đặt trọn nơi đây. Năng lực ấy đã lan tỏa làm cho tất cả mọi người đều cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc này.

Theo sử liệu và những dòng chữ trên bia ký cho biết Bồ-đề Đạo tràng được vua A Dục khởi công xây dựng khi ông đến chiêm bái Thánh tích vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Ban đầu vua cho xây Kim Cang tòa ở dưới gốc cây Bồ-đề và một trụ đá để đánh dấu nơi thành đạo của Đức Phật. Về sau, ông cho xây dựng thêm một ngôi tháp và những rào chắn xung quanh để bảo vệ khu thánh tích. Thế rồi, khu thánh tích này đã trải qua những thăng trầm thịnh suy, bao nhiêu lần suy tàn, đổ nát, rồi lại được khôi phục trở lại. Bao triều đại đi qua với sự bào mòn của thời gian, ngôi tháp đã nhiều lần được tu sửa. Lần tu sửa gần nhất để có được ngôi Đại tháp như hôm nay là vào khoảng thời gian (1872-1884). Cuộc đại trùng tu được tiến hành bởi phái đoàn của vua Miến Điện, Mindon Min, được sự chấp thuận của chính quyền Ấn Độ dưới sự giám sát của những nhà chuyên môn Cunningham, Beglar và R. L. Mitra.
Đại Tháp Bồ-đề cao 180 feet (khoảng 55m), mỗi cạnh vuông là 15m, bao gồm một tháp lớn hình kiểu kim tự tháp và 4 tháp nhỏ nằm ở 4 góc, là những mô hình thu nhỏ của Đại tháp. Ở ba mặt trái, phải và sau của tháp, mỗi mặt gồm 15 phù điêu trang hoàng những hình tượng của đức Phật trong 4 tư thế căn bản: Thiền định, Xúc địa (tay chạm đất, tư tưởng nhập thế độ sanh), Chuyển pháp luân và Vô úy.
Vào bên trong Đại tháp, giữa đại điện là tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi trong tư thế kiết già, cao gần 2 mét, với nét mặt hiền hòa, điềm tĩnh và hoan hỷ được làm bằng đá đen vào thế kỷ 10 sau CN. Về sau, tượng được mạ vàng như hình ảnh hiện nay chúng ta đang chiêm bái. Bức tượng này được điêu khắc rất sắc xảo, hoàn mỹ và từng là kiểu mẫu, cảm hứng điêu khắc của bao nghệ nhân trên toàn thế giới.
Những khoảnh khắc lắng động để tưởng niệm về sự chứng ngộ của đức Phật, trang kinh (1) như sống lại, mỗi hình ảnh nơi đây đều gắn liền với những sự kiện về sự chứng ngộ của Ngài. Đặc biệt, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua bảy tuần với bảy địa điểm khác nhau.

1. Tuần thứ nhất (dưới cội Bồ-đề): chiêm nghiệm về sự chứng ngộ, giải thoát, Niết-bàn.
Tuần đầu tiên, đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề(2) này để chiêm nghiệm về sự chứng ngộ, giải thoát, Niết-bàn. Thời bấy giờ, khái niệm giải thoát, Niết-bàn được hiểu là trạng thái chứng ngộ của một người được hòa nhập vào Phạm thiên sau khi chết. Đức Phật đã hiển bày sự giải thoát ngay trong hiện tại khi thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền não tham, sân, si, v.v… Đây là tư tưởng giải thoát, Niết-bàn hoàn toàn mới lạ, nét đặc trưng của Phật giáo.
2. Tuần thứ hai (Tháp Animeslochana): lòng tri ân, báo ân
Tháp Animeslochana còn gọi là “đền không chớp mắt”. Sau khi rời cội Bồ-đề, Đức Phật đã đến ngồi ở đây suốt 7 nhìn vào cây Bồ-đề với lòng biết ơn sâu sắc. Ngài nhớ ơn vì cây đã che chở mưa nắng cho Ngài suốt một thời gian dài. Cội Bồ-đề này chính là nhân duyên thù thắng để Ngài đạt được vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Dưới cội Bồ-đề là tòa Kim cang được bảo quản cẩn mật, càng làm tăng thêm vẻ huyền bí linh thiêng tại nơi đây. Kim Cang tòa được xem là trọng điểm của trái đất, là điểm duy nhất được hình thành trên lớp địa tầng nguyên ủy vào thời kỳ hoàng kim của trái đất. Chỉ có tại nơi này bậc tu hành mới chứng đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề(3). Vì vậy, tất cả những khách hành hương đi ngang qua đây đều dừng chân đảnh lễ, cúi đầu trước cây Bồ-đề cũng như tòa Kim cang này như là một sự biết ơn, như cần một điểm tựa tinh thần vững chắc về mặt tâm linh.
3. Tuần thứ ba (Trụ Chankramenar): Nhân sinh quan, lấy con người làm trọng tâm
Từ bên ngoài nhìn vào, phía bên tay phải của Tháp, chạy dọc theo hành lang có một bệ xi-măng có hình 18 hoa sen được khắc nổi trên nền và cuối cùng là trụ Chankramenar. Nơi đây đánh dấu vào tuần lễ thứ ba, Đức Phật trong tư thế đi hành thiền và 18 hoa sen là hình tượng hóa bước chân của Phật. 18 bước chân sen tượng trưng 18 yếu tố hình thành nên nhân cách, tri thức, tầm nhìn và giá trị của con người, gồm: 6 căn, 6 trần và 6 thức.
Tư tưởng của các tôn giáo đương thời cho rằng con người là sản phẩm của thần linh, Phạm thiên hay Thượng đế. Đức Phật không thừa nhận điều này, Ngài khẳng định “con người là chủ nhân của nghiệp, là thai tạng, là quyến thuộc, là kẻ thừa tự của nghiệp…” (4) Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần sinh ra 6 thức, rồi phân biệt, so sánh, hơn thua… dẫn chúng ta tạo nghiệp, trầm luân trong sanh tử luân hồi. Vì vậy, con người chịu trách nhiệm về chính việc làm của mình chứ không có ai khác; hạnh phúc hay khổ đau đều là kết quả do chính mình tạo ra.
4. Tuần thứ tư (tại Đền Ratnagraha): học thuyết Duyên Khởi
Đền Ratnagraha là một ngôi đền nhỏ không mái, đánh dấu nơi đức Phật ngồi thiền trong tuần lễ thứ tư sau khi chứng ngộ. Trong tuần lễ này, Ngài quán chiếu về lý Duyên khởi, về sự sinh diệt của mọi hiện tượng vũ trụ. Đương thời có 3 học thuyết: duy thần, duy vật và duy tâm. Đức Phật không chủ trương như vậy, Ngài khẳng định: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt…” (5)  Mọi vật có mặt đều do nhiều nhân, nhiều duyên hợp lại mà thành, không có cái đầu tiên, cũng không có cái cuối cùng. Về sự sinh diệt của con người, đức Phật đưa ra vòng tuần hoàn của kiếp người gồm 12 mắc xích: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Khi một cái có mặt thì 11 chi phần kia có mặt và một chi phần đoạn diệt thì các chi phần kia cũng sẽ đoạn diệt.
5. Tuần thứ năm (cây Nigrodha): hình thành quan niệm về Đạo đức xã hội
Đức Phật đã ngồi thiền dưới cây Nigrodha (Ni-câu-đà) để chiêm nghiệm về sự giác ngộ trong tuần lễ thứ năm. Có một vị Bà-la-môn đến vấn nạn về ý nghĩa của Bà-la-môn, Đức Phật đã xóa bỏ chủ nghĩa giai cấp vốn đã thống trị ngàn đời tại đất nước này. Ngài cho rằng, con người tốt hay xấu, cao thượng hay hèn hạ không phải do dòng giống mà do suy nghĩ, nói năng, hành động tạo nên. Đây là một tư tưởng cách tân tạo nên một làn sóng tư tưởng thời bấy giờ.
6. Tuần thứ sáu (Hồ Muchalinda): Nơi đánh dấu sự kiện Đức Phật đang trong thiền định thì trời đổ mưa, rắn chúa Muchalinda lấy thân mình quấn vào Đức Phật và dùng đầu làm tràng cái để che chở cho Ngài khỏi bị mưa gió làm ướt. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng mà đức Phật muốn dạy cho chúng ta: giữ vững lập trường cho dù bị nhiều trở ngại; làm điều phước thiện trong sự kiên định, bền bỉ sẽ có quý nhân giúp đỡ; cuộc đời là bất như ý, vì vậy khi gặp những khó khăn, nghịch cảnh thì phải đối diện với nó, vững tâm, không chùn bước và vượt qua thử thách.
7. Tuần thứ bảy (Cây Ravyatna/ràjàyatana): có 2 sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần lễ này: 2 vị đệ tử tại gia đầu tiên và đức Phật hứa khả sẽ chuyển bánh xe pháp.
Khi đức Phật ở đây, hai vị thương gia đến cúng dường cháo mạch và mật ong. Sau khi đức Phật thọ dụng, hai vị này đã xin quy y với Ngài và là những đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật. Đầy đủ phước duyên, hai vị đã được đức Phật tặng tóc làm vật lưu niệm. Hiện tại xá lợi tóc này đang được tôn thờ tại Miến Điện.
Cũng trong tuần lễ này, các vị Phạm thiên đã tha thiết cầu thỉnh đức Phật tuyên thuyết chánh pháp. Nhận thấy cơ duyên đã đến, Ngài đã hứa khả. Nhờ vậy, sau tuần lễ này, Ngài đã tuyên thuyết giáo pháp và giáo pháp ấy là hồi chuông thức tỉnh biết bao kẻ trầm luân, đem lại sự lợi lạc cho chư thiên và loài người.
****
 
Ánh nắng vàng trải rộng khắp khu Bồ-đề Đạo tràng, đâu đâu cũng thấy mọi người hướng về ngôi Đại tháp lễ lạy một cách chí thành chí kính, lòng cảm thấy ấm áp lạ thường. Tất cả như lan tỏa một tinh thần tu tập đầy nhiệt tâm, tinh tấn khắp khu di tích. Mỗi bước chân đi nhiễu quanh tháp một lần nữa trước khi trở về nhưng lòng còn đầy luyến tiếc dấu chưa phai. Tòa đại tháp sừng sững hiên ngang như đức Phật đang hiện diện, người Cha già bao năm tháng chờ đàn con thơ trở về; cội Bồ đề xanh tươi, đầy nghĩa tình dang rộng đôi tay như réo gọi; tòa Kim cang vững chắc, nơi hội tụ những tinh ba của đất trời, v.v… Hành trình theo dấu chân xưa trở về chốn Bồ-đề Đạo tràng mang nhiều dấu ấn khó phai. Cảm xúc trào dâng, nghe lâng lâng niềm hạnh phúc, cảm nhận như đức Phật đang hiện diện ở nơi đây, Ngài im lặng, không nói một lời và đang nhìn những đứa con xa xứ trở về cố hương…
Tiếng chuông tỉnh thức vang lên, giật mình quay về với thực tại, giờ thiền tối nay đong đầy những cảm xúc, chợt nhận ra mình sao quá nhỏ bé, quá mông lung. Bao năm rồi xuất gia tu tập với bao lời nguyện ước cao vời, nay mái đầu sắp điểm bạc mà vẫn còn lặn hụp trong sông mê, thật đáng hổ thẹn biết bao. Chợt nghe khóe mắt cay cay, nghe lòng ngực đau nhói, tôn tượng Phật như nhòe đi… tự hận trách mình sao quá yếu hèn bạc nhược, đã bao lần tự hứa với lòng là sẽ nỗ lực nhưng đến nay vẫn còn lắm những rối ren, phiền muộn… bỗng dưng nghe đâu đây lời kinh vang vọng và thôi thúc: Hãy tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác để rời bỏ những vọng chấp, những tham lam, tật đố, si mê, quay về nương tựa chánh pháp, lấy chánh pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa.. (6)

Không gian lắng động, chỉ nghe hơi thở vào ra nơi lồng ngực, lan tỏa khắp châu thân, xin dành trọn đêm nay để được ngồi bên chân đức Phật. Xin được thắp sáng ngọn đèn trí tuệ từ Ngài để soi sáng con đường chúng con đi, ánh sáng đi đến đâu thì bóng tối tan biến đến đó. Nguyện dâng đóa hoa lòng kính cúng dường đấng Từ Phụ nhân ngày kỷ niệm Ngài thành đạo, đem ánh sáng chân lý soi sáng khắp thế gian này. Xin nguyện mãi theo dấu chân Ngài đi trên con đường ấy, mong ngày tìm lại chính mình, làm chủ đời mình và tỉnh thức trong từng phút giây.
Minh Hoa
Ban Văn hoá PG Tỉnh
 
 

(1) Xem Kinh Trung Bộ, Tập I, Bài kinh số 36
(2) Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự hủy hoại, chặt phá của một số thế lực cũng như sự biến đổi, hủy diệt của lưỡi búa thời gian, cây Bồ-đề đã nhiều lần bị chặt phá nhưng cũng nhiều lần được chiết ra và trồng lại. Đến năm 1876, cây Bồ-đề già bị ngã trong một trận bão và một cây con được trồng lại chính ngay chỗ cũ và đó chính là cây Bồ đề hiện tại nơi Thánh tích này và nay đã được 142 tuổi, là thế hệ thứ 26 của cây Bồ-đề đầu tiên.
(3) Kinh Tiểu Bộ, Chuyện Tiền Thân
(4) Kinh Trung Bộ, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt
(5) Kinh Tiểu Bộ, Tập I, tr.291
(6) Kinh Trường Bộ, Kinh Đại-bát Niết-bàn

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây