Tổng quan về Kinh Pháp Hoa

Thứ hai - 22/11/2021 17:27

Tổng quan về Kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa, được các học giả phương Tây cho là một trong hai mươi Thánh thư phương Đông. Sự nghiên cứu về mặt lịch sử ra đời, cũng như khái quát bố cục nội dung kinh là điều cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu kinh Pháp Hoa.

Giới thiệu sơ lược Kinh Pháp Hoa

1.Thời gian, bối cảnh ra đời và sự hình thành kinh Pháp Hoa

a. Thời gian ra đời của kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây cho là một trong hai mươi Thánh thư phương Đông. Sự nghiên cứu về mặt lịch sử ra đời, cũng như khái quát bố cục nội dung kinh là điều cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu kinh Pháp Hoa.

Theo các tài liệu về lịch sử Phật giáo hiện đại như cuốn Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận của Kimura – Taiken, cũng như một số tài liệu khác thì Phật giáo Đại thừa xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch cho đến thế kỷ thứ I sau Tây lịch, tức là vào khoảng 500 năm sau khi Phật nhập diệt. Đại thừa Phật giáo phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ II trở đi, sự phát triển Phật giáo Đại thừa là tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Trước Pháp Hoa, các kinh điển Đại thừa khác đã xuất hiện khá phong phú như kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật..vv. Kinh Pháp Hoa xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ II, bằng chứng của sự xuất hiện là vào thời điểm này có Bồ tát Long Thụ, tác giả của bộ Đại Trí Độ Luận, sống vào cuối thế kỷ thứ hai, đã trích dẫn kinh Pháp Hoa. Sự xuất hiện của kinh Pháp Hoa là sự tổng hòa, dung hợp tư tưởng Đại thừa của các bộ kinh trên.

Bối cảnh ra đời của kinh Pháp Hoa

Sau khi Đức Phật nhập diệt 100 năm, do những quan điểm, giải thích giáo lý, giới luật có sự khác biệt giữa các nhóm, các phái và giữa các vùng khác nhau cho nên giáo đoàn bắt đầu phân phái. Tổng cộng có đến 20 bộ phái.

Tăng đoàn của mỗi phái cố gắng thiết lập cho mình một căn cứ địa về mặt địa lý cũng như về mặt tư tưởng để củng cố học thuyết và bộ phái của mình. Đường lối sinh hoạt và tu tập của chư Tăng ngày càng cách biệt với quần chúng và quần chúng cũng không biết theo ai. Sinh khí của giáo lý thực tiễn cứu khổ ban đầu bị xói mòn, khô cứng, dần dần đi vào tư biện triết học. Phật giáo Ấn Độ trong tình trạng như vậy bị co cụm với những lý thuyết khô khan.

Trong khi đó, triết lý Bà-la-môn đang có chiều hướng phát triển và tranh chấp ảnh hưởng với Phật giáo, nhu cầu phát triển đổi mới, tạo tác dụng thực tiễn của giáo lý vào đời sống xã hội là một nhu cầu bức xúc.

Kinh Pháp Hoa xuất hiện, chủ trương hòa giải mọi mâu thuẫn gay gắt của các dòng tư tưởng Phật giáo Đại thừa trước đó đối với giáo lý truyền thống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và đường lối Phật giáo.

Kinh Pháp Hoa xuất hiện, chủ trương hòa giải mọi mâu thuẫn gay gắt của các dòng tư tưởng Phật giáo Đại thừa trước đó đối với giáo lý truyền thống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và đường lối Phật giáo.

Trong bối cảnh ấy, Phật giáo Đại thừa xuất hiện, những người Phật tử trí thức và đầy tâm huyết muốn thấy Phật giáo có sự sống sinh động và có tác dụng tích cực như thời Đức Phật, họ đứng lên khởi xướng phong trào mới là Đại Thừa (Mahayana), tức cỗ xe lớn chứa được nhiều người đến nơi Phật quả.  Phật giáo truyền thống được coi là Tiểu thừa tức cỗ xe nhỏ, ích kỷ, chỉ thành tựu A-la-hán quả.

Sự va chạm giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa đã xảy ra một cách mạnh mẽ, đến độ không ai chấp nhận ai. Những kinh điển Đại thừa lần lượt xuất hiện phát dương lý tưởng Đại thừa, giải thích giáo lý mang tính tích cực và đại chúng hơn. Bát Nhã là bộ kinh lớn xuất hiện khá sớm, triển khai tư tưởng Chân không, tích cực đả phá Tiểu thừa, cho rằng Thanh văn và Duyên giác không phải là con của Phật. Kinh Hoa Nghiêm chủ trương pháp giới duyên khởi, nhưng vẫn coi Tiểu thừa là thấp kém hạ liệt. Đến Duy Ca Mật thì Tiểu thừa bị chỉ trích thậm tệ. Sự đả phá, chỉ trích lẫn nhau đã dẫn đến không chấp nhận nhau làm cho Phật giáo suy yếu. Nhu cầu về con đường hòa giải trở nên cấp thiết, xu hướng phê phán sự xung đột và mâu thuẫn trong Phật giáo ngày càng mạnh, tạo áp lực nhất định vào tâm tư của thời đại.

Trong bối cảnh đó, Kinh Pháp Hoa xuất hiện, chủ trương hòa giải mọi mâu thuẫn gay gắt của các dòng tư tưởng Phật giáo Đại thừa trước đó đối với giáo lý truyền thống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và đường lối Phật giáo. Mặt khác, kinh Pháp Hoa cũng tổng hợp những tư tưởng cốt tủy của kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma, đồng thời mở ra chân trời mới cho mọi con người trong xã hội: Mọi người đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật.

Sự hình thành kinh Pháp Hoa

Thể loại văn học của kinh điển Phật giáo có 12 thể loại khác nhau như Trường hàng, Trùng tụng, Cô khởi..vv. Trong kinh Pháp Hoa có đồng thời nhiều thể loại khác nhau, sự hình thành của kinh Pháp Hoa trải qua bốn giai đoạn.

– Giai đoạn thứ nhất: Hình thành phần Trùng tụng. Trùng tụng tức là phần kệ tụng ở trong kinh. Khi đọc kinh Pháp Hoa, phần trùng tụng là những đoạn thi kệ lập lại những ý đã được nói trong phần trường hàng.

Khi mới xuất hiện, kinh điển thường được viết bằng thi kệ mà không viết bằng văn xuôi, bởi hình thức kệ tụng truyền miệng dễ học thuộc hơn. Do đó với kinh Pháp Hoa, những phần trùng tụng xuất hiện trước, và đó là giai đoạn đầu kinh Pháp Hoa xuất hiện.

– Giai đoạn thứ hai: Hình thành phần Trường hàng. Trong giai đoạn thứ hai của sự hình thành kinh Pháp Hoa, người ta thêm vào phần văn xuôi, tức là phần trường hàng, với mục đích làm cho những đoạn trùng tụng rõ nghĩa hơn lên.

– Giai đoạn thứ ba:  Phát triển thêm phần Trường hàng. Giai đoạn thứ ba của sự hình thành Pháp Hoa là sự phát triển thêm phần trường hàng, tức là phần văn xuôi. Tại vì khi các học giả so các bản tiếng Phạn với nhau, thấy có những bản trong đó phần trường hàng ngắn hơn phần trường hàng của những bản khác.

– Giai đoạn thứ tư: Giai đoạn kinh được thêm vào những phẩm mới.

Ngôn ngữ – cấu trúc và nội dung kinh Pháp Hoa

a. Ngôn ngữ và cấu trúc kinh Pháp Hoa

Ngôn ngữ của con người chỉ biểu đạt được những thứ bình thường trong cuộc sống, có ý nghĩa tương đối, mang tính cách phiến diện. Trong khi đó chân lý thì toàn diện và siêu việt, có ý nghĩa tuyệt đối. Cho nên dù sử dụng ngôn ngữ tinh xảo bao nhiêu cũng không thể chuyển tải hết sự thật của chân lý.

Để biểu đạt, chuyển tải chân lý cho người nghe dễ hiểu, dễ linh ngộ, kinh Pháp Hoa sử dụng phương pháp truyền đạt chân lý cao siêu qua những thứ bình thường, thông dụng trong thế giới tương đối, gần gũi với đời sống con người.

Ngôn ngữ kinh Pháp Hoa sử dụng để diễn đạt mục tiêu không phải là sự kiện bên ngoài mà chính là sự thật chứa ở bên trong. Đó là ngôn ngữ mang tính biểu tượng, nói cách khác, ngôn ngữ kinh Pháp Hoa là ngôn ngữ biểu tưởng.

Bố cục của kinh Pháp Hoa được trình bày theo hình thức chương, hồi. Toàn kinh có 7 quyển và 28 phẩm: 1. Phẩm Tựa; 2. Phẩm Phương Tiện; 3. Phẩm Thí Dụ; 4. Phẩm Tín Giải; 5. Phẩm Dược Thảo Dụ; 6.Phẩm Thụ Ký; 7. Phẩm Hóa Thành Dụ; 8. Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký; 9. Phẩm Học Vô Học Thụ Ký; 10. Phẩm Pháp Sư; 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp; 12. Phẩm Đề Bà Đạt Đa; 13. Phẩm Trì; 14. Phẩm An Lạc Hạnh; 15. Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất; 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng; 17. Phẩm Phân Biệt Công Đức; 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Đức; 19. Phẩm Công Đức Pháp Sư; 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát; 21. Phẩm Như Lai Thần Lực; 22. Phẩm Chúc Lũy; 23. Phẩm Dược Vương Bồ tát; 24. Phẩm Diệu Âm Bồ tát; 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát; 26. Phẩm Đà la ni; 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự; 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ tát Khuyến Phát.

Kinh Pháp Hoa có vị trí quan trọng nhất trong hệ thống giáo lý Phật giáo.

Kinh Pháp Hoa có vị trí quan trọng nhất trong hệ thống giáo lý Phật giáo.

b. Nội dung kinh Pháp Hoa

Thông thường kinh Pháp Hoa được giới thiệu qua hai hình thức:

– Giới thiệu kinh qua chủ đề “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”: Phẩm Tựa trình bày tổng quát hiện tượng về bản thể của vũ trụ pháp giới. Từ phẩm 2 đến phẩm 10 là khai Phật tri kiến. Phẩm 11 là thị Phật tri kiến – Thị Phật tri kiến. Từ phẩm 12 đến phẩm 22 là ngộ Phật tri kiến. Từ phẩm Từ Phẩm 23 đến 28 là nhập Phật tri kiến.

– Giới thiệu kinh qua khái niệm về Tích môn và Bản môn của tông Thiên Khai: Kinh Pháp Hoa chia làm 2 phần: 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm sau thuộc Bản môn.

+ Phần Tích môn: Tích môn là phần giáo lý nói về dấu tích của Đức Phật có sinh ra, lớn lên, xuất gia, thành đạo, nhập diệt, dạy giáo lý thoát khổ ở cõi thế gian này. Trong kinh, phần nào thuyết pháp ở núi Linh Thứu thì thuộc về Tích môn, còn gọi là Chân lý tương đối.

+ Phần Bản môn: Bản môn là phần gốc, là nền tảng của Tích môn. Nghĩa là Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Phật hiện hữu suốt chiều dài của thời gian và phổ biến cả không gian. Chân lý của Bản môn là tuyệt đối. Nhờ giáo lý Bản môn mà lý giải tất cả chúng sinh đều thành Phật, vì tất cả chúng sinh đều có Phật tướng. Đây là điểm đặc thù của Pháp Hoa.

Vị trí – vai trò của kinh Pháp Hoa trong hệ thống kinh điển

a. Vị trí kinh Pháp Hoa

Khi nghiên cứu về bất cứ bộ kinh nào, đầu tiên là xác định xem bộ kinh đó có vị trí như thế nào trong hệ thống giáo lý nói chung, Kinh tạng nói riêng. Phán định về giáo lý, tông Thiên Thai đem giáo lý nói trong một đời của Đức Phật phân chia thành Ngũ thời, Bát giáo.

Ngũ thời

+ Thời Hoa Nghiêm: Sau khi thành đạo, bộ kinh Phật thuyết đầu tiên là “Kinh Hoa Nghiêm” trong 21 ngày. Bộ “Kinh Hoa Nghiêm” này có 3 quyển Thượng, Trung và Hạ. Theo truyền thuyết, trên nhân gian chúng ta chỉ có quyển Hạ; quyển Thượng và Trung đều được lưu giữ dưới long cung. Bồ tát Long Thụ sau khi học hết những văn tự ở nhân gian, Ngài liền đi đến Long cung đọc tụng tạng Kinh; quyển Hạ này do Bồ tát học thuộc dưới Long cung mà viết ra. Bồ tát Long Thụ có biệt tài xem qua liền thuộc, cho nên ngài đến Long cung xem qua một lượt bộ “Kinh Hoa Nghiêm” và truyền quyển Hạ này lên nhân gian.

+ Thời A Hàm: Thứ hai là “Thời A Hàm”. A Hàm là tiếng Phạn, dịch nghĩa “Vô tỉ pháp”, không có pháp nào lại có thể bì với pháp này. Tức là tất cả pháp của ngoại đạo đều không thể sánh với “A Hàm”, “A Hàm” cao hơn hết thảy pháp của ngoại đạo. Những điều Phật tuyên nói trong thời A Hàm đều có liên quan đến giáo lý trong tam tạng “Kinh, Luật, Luận”, nói pháp “Nhân duyên, Tứ đế” có sinh diệt, cho nên thời A Hàm thuộc về “ Tam tạng giáo”, còn gọi là “Tạng giáo”.

+ Thời Phương Đẳng: Thứ ba là “Thời Phương Đẳng”. “Phương” là bốn phương, “đẳng” là bình đẳng. Trong Hóa pháp, thời Phương Đẳng thuộc về Thông giáo. Vì sao gọi là Thông giáo? Vì nó “Thông tiền thông hậu, thông đại thông tiểu”, đã thông Tạng giáo của Tiểu thừa ở trước, lại thông Biệt giáo của Đại thừa ở sau; cũng chính là thông “A Hàm” ở trước, lại thông cả “Bát Nhã” ở sau. Thông giáo là cửa đầu tiên đến với đại thừa; “Phương Đẳng” này thuộc về Thông giáo, thông cả Tam thừa cùng học.

+ Thời Bát Nhã: Thời thứ tư là “Bát Nhã”. Bát Nhã thuộc về giáo nào trong Bát giáo? Trong Hóa pháp, Bát Nhã thuộc về Biệt giáo. Biệt giáo là cửa đầu tiên đến với đại thừa. Vì sao gọi là “Biệt giáo”? Vì Bát Nhã “Biệt tiền biệt hậu”, sai biệt với “A Hàm” và “Phương Đẳng” ở trước, lại khác luôn “Pháp Hoa” và “Niết Bàn” ở sau. Bát Nhã lại “Biệt tiểu biệt đại”, sai biệt với “Tạng giáo”và “Thông giáo” ở trước và “Viên giáo” ở sau, nên gọi là “Biệt”. Biệt giáo là điểm kết của Đại thừa, cũng chính là lúc phải “Chuyển giáo phú tài”. “Chuyển giáo” là chuyển đổi quyền giáo của tam thừa; “phú tài” là chuẩn bị nói một Phật thừa viên mãn của Pháp Hoa.

Bát Nhã đầy đủ 3 nghĩa: Văn tự Bát Nhã, Quán chiếu Bát Nhã, Thật tướng Bát Nhã.

Văn tự Bát Nhã: Tất cả mọi Kinh, Luật, Luận đều thuộc về Văn tự Bát Nhã. Đây là văn tự xuất thế gian, chẳng phải văn tự thế gian; văn tự thế gian không diễn đạt được Bát Nhã, chỉ nói được trí tuệ thế gian.

Quán chiếu Bát Nhã: Quán là quán tưởng, Chiếu là chiếu sáng. Quán tưởng, đồng thời dùng trí tuệ quán chiếu tất cả pháp, như “Tâm Kinh” nói: “Bồ tát Quán Tự Tại, khi thực hành chuyên sâu Bát nhã ba la mật đa, chiếu thấy năm uẩn đều không”, chính là chữ “Chiếu” này – quán chiếu; dùng trí tuệ để quán chiếu lý thật tướng. Quý vị hãy dùng trí tuệ của mình để quán chiếu loại Bát Nhã này nhé!

Thật tướng Bát Nhã: Thật tướng là gì? “Cái gọi thật tướng, chính là vô tướng vậy”, xưa nay vốn không có tướng, nhưng lại đầy đủ tất cả tướng, hàm nhiếp tất cả tướng; tất cả tướng đều lưu xuất từ vô tướng, đó chính là “Thật tướng” Bát Nhã. Dùng Văn tự Bát Nhã làm cơ sở cho Quán chiếu Bát Nhã, là tự tướng vốn có bên trong của tất cả mọi người. Đây gọi là “Bát Nhã”.

+ Thời Pháp Hoa và Niết Bàn: Thứ năm là “Thời Pháp Hoa và Niết Bàn”. Pháp Hoa chính là bộ Kinh Pháp Hoa hiện chúng ta đang học. Phật nói bộ Kinh Pháp Hoa trong suốt 8 năm, nói Niết Bàn trong vòng một ngày một đêm, nên nói “Pháp Hoa, Niết Bàn chung tám năm”. Kinh Pháp Hoa nói lên lý rốt ráo, là pháp môn cứu cánh nhất.

Đức Phật trước nói Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã đều vì dọn sẵn đường để nói Kinh Pháp Hoa, nên bộ kinh này được gọi là ‘Khai quyền hiển thật” (mở ra phương tiện để hiển bày lý chân thật). Kinh Pháp Hoa là chân tâm, chân thân, Pháp thân, đồng thời cũng là Ứng thân, Báo thân Phật. Cho nên những người nghiên cứu Phật pháp đều cho rằng kinh Pháp Hoa là một bộ kinh rốt ráo nhất trong các bộ kinh. Trong Phật giáo thường nói: “Khai tuệ đích Lăng Nghiêm, Thành Phật đích Pháp Hoa”.

Đạo Phật có nhiều bộ pháp khác nhau, khi Đại thừa Phật giáo xuất hiện thường chỉ trích Phật giáo Tiểu thừa.

Đạo Phật có nhiều bộ pháp khác nhau, khi Đại thừa Phật giáo xuất hiện thường chỉ trích Phật giáo Tiểu thừa.

Tức là bộ kinh để khai mở trí tuệ chính là “Kinh Lăng Nghiêm”; còn muốn thành Phật, nhất định phải học “Kinh Pháp Hoa”. Cho nên kinh Pháp Hoa có vị trí quan trọng nhất trong hệ thống giáo lý Phật giáo.

– Bát Giáo: Tông Thiên Thai lại phân định giáo lý thành Tám giáo. Trong tám giáo chia thành bốn Giáo Hóa Pháp và bốn Giáo Hóa Nghi. Bốn Giáo Hóa pháp và bốn Giáo Hóa nghi cũng giống như phương thuốc và vị thuốc; Bốn giáo Hóa nghi là cách thức, cách làm của Phật khi giáo hóa chúng sinh, giống như bác sĩ cho toa thuốc. Bốn giáo Hóa pháp là pháp môn giáo hóa chúng sinh, giống như vị thuốc được uống.

+ Bốn giáo Hóa pháp: Đó là Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo:

Tạng giáo: Chính là giảng về tam tạng “Kinh, Luật, Luận”, nói pháp “Nhân Duyên, Tứ Đế”, chủ yếu dạy cho hàng Nhị thừa, thứ đến dạy Bồ tát.

Thông giáo: Là điểm khởi đầu của Đại thừa, nói về “Tứ Chân Đế” và “Lục Độ” không sinh diệt, thông cả Tam thừa cùng học, là pháp Tam thừa cùng tu, lấy Bồ tát Thông giáo làm đối tượng chính, nhị thừa làm đối tượng phụ.

Biệt giáo: Là điểm kết của Đại thừa, dùng pháp Đại thừa vô thượng nói pháp môn Bát Nhã “Nhất thiết pháp không” để dạy Bồ tát Biệt giáo.

Viên giáo: Thuần viên độc diệu, nói “Trung đạo thật tướng” sự lý viên dung, chỉ một Phật thừa không xen tạp ba giao trước. Viên giáo lại chia làm 2 loại: “Đồng viên và Biệt viên”. Một thừa pháp chung căn cơ cho cả tam thừa, gọi là “Đồng viên”, như “Kinh Pháp Hoa”, chủ yếu dạy cho Bồ tát lợi căn tối thượng, kế dạy cho bậc Thánh tam thừa. Một thừa pháp hoàn toàn khác với căn cơ tam thừa, chỉ dành riêng cho bậc đại căn viên đốn, gọi là “Biệt viên”, như “Kinh Hoa Nghiêm”, lấy Bồ tát lợi căn tối thượng làm đối tượng.

+ Bốn giáo Hóa Nghi: Đó là Đốn giáo, Bí mật giáo và Bất định giáo:

Đốn giáo: Vì sao gọi là Đốn? Viên giáo chính là giáo viên dung tối thượng, nếu như thêm “Đốn” sẽ lập tức thành Phật, không cần chờ đợi, tức khắc thành Phật. Chữ Đốn là lập tức, hốt nhiên, hốt nhiên khai ngộ.

Tiệm giáo: Tiệm là tu hành từng bước, khai ngộ từ từ. Ba giáo A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã ở trước Kinh Pháp Hoa đều thuộc Tiệm giáo.

Bí Mật giáo: Bí mật giáo Bí Mật Phật thuyết. Giáo Bí Mật là gì? Là những thần chú đã được tuyên thuyết. Tất cả những thần chú này đều gọi là “Bí Mật”. Bí Mật là “Vị bỉ thuyết nhi thử bất tri,vị thử thuyết nhi bỉ bất tri”; dạy pháp cho người kia, người này không biết; dạy pháp cho người này, người kia cũng không biết, không biết lẫn nhau.

Bất định giáo: Là thuyết pháp không có nhất định, như nói “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn phải bỏ, huống gì chẳng phải pháp). Pháp luôn luôn hoạt động, nên không nhất định.

Tóm lại, trong hệ thống Kinh Tạng Phật giáo thì kinh Pháp Hoa có vị trí cao nhất, điều này thể hiện trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng: “Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như là sông, ngòi, kênh, rạch thì biển là lớn nhất; trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất”.

b. Vai trò của kinh Pháp Hoa.

Một đặc điểm khác đã đưa kinh Pháp Hoa lên ngôi vị cao nhất trong hệ thống kinh điển Đại Thừa là cái khả năng dung hợp, chấp nhận mọi bộ phái trong đạo Phật.

Đạo Phật có nhiều bộ pháp khác nhau, khi Đại thừa Phật giáo xuất hiện thường chỉ trích Phật giáo Tiểu thừa. Những người theo Đại thừa chê những người theo Tiểu thừa là “Tiêu nha bại chủng”. Tức những người theo Tiểu thừa là những người tiếp nhận hạt giống từ bi, trí tuệ, giải thoát, an lạc từ Phật Pháp, mà không gieo trồng và phát triển để những hạt giống này trở thành những gì tốt đẹp cho nhân loại, thì họ chỉ làm cho hỏng những hạt giống của Phật Pháp.

Kinh Pháp Hoa ra đời đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hàn gắn sự đổ vỡ của các trường phái Phật giáo. Mặt khác đặt lại giá trị của mọi đường lối tu tập và nhất là giá trị tâm thức hướng thiện, hướng thượng của mọi chúng sinh. Sự tồn tại của Đức Phật là vĩnh cửu, mọi hiện tượng dưới con mắt người giác ngộ đều là biểu hiện chân lý. Ý tưởng này đã làm nền tảng cho tư tưởng Đại thừa và con đường thực hành Bồ-tát hạnh.

Với một đường lối dung hòa, với tư tưởng phóng khoáng siêu thoát, Kinh Pháp Hoa đã đạt được mục đích của mình là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Có lẽ cũng vì vậy mà kinh được tôn thờ quý kính, hành trì và phổ biến một cách sâu rộng. Vì vậy cho nên vai trò của kinh Pháp Hoa rất lớn ở trong truyền thống Phật giáo Đại thừa.

Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, hoa sen có ba dụ: Vì có sen nên có hoa; Hoa nở thì sen hiện; Hoa rụng thì sen thành.

Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, hoa sen có ba dụ: Vì có sen nên có hoa; Hoa nở thì sen hiện; Hoa rụng thì sen thành.

Lịch sử phiên dịch và truyền bá kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa được phiên dịch từ tiếng Phạn ra nhiều thứ tiếng như tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Việt…vv.

a. Tại Trung Quốc: Kinh Pháp Hoa được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán từ rất sớm, những bộ Kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Hán như:

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh– 7 quyển, do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đời Diêu Tần dịch năm Hoằng Thủy thứ 4 (402 TL)

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – 8 quyển cũng do ngài Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch năm Hoằng Thủy thứ 8 (406 TL)

Pháp Hoa Tam Muội Kinh – 6 quyển, do ngài Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi) đời Ngô dịch năm 255 TL.

Tất Đàm Phần Đà Lị Kinh – 6 quyển, do ngài Pháp Hộ (Dharmaraksaq) đời Tây Tấn dịch khoảng năm 256 TL.

Tất Đàm Phần Đà Lị Kinh – 6 quyển, do ngài Đàm Ma La Sát dịch vào niên hiệu Thái Thủy thứ nhất đời Tấn Vũ Đế.

Chính Pháp Hoa Kinh – 10 quyển, cũng do ngài Pháp Hộ dịch năm 286 TL vào thời Tây Tấn.

Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – 7 quyển, do ngài Xà Na Hốt Đa và ngài Đạt Ma Cấp Đa cùng nhau dịch ở năm 601 TL đời Tùy.

Ngoài ra một số dịch bản khác vẫn được ghi lại trong Thư Mục Trung Quốc, nhưng không thấy lưu truyền. Trong những bản dịch vừa kể trên, bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập thì được phổ cập nhất.

b. Tại Việt Nam: Sự nghiệp phiên dịch kinh luận của người Việt Nam cũng được phát triển rất sớm và rất mạnh vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. Lịch sử dịch Kinh Pháp Hoa của người Việt Nam có thể chia làm ba thời kỳ khác nhau: thời kỳ chữ Hán, thời kỳ chữ Nôm và thời kỳ chữ Quốc Ngữ.

+ Thời kỳ chữ Hán: Đạo tràng phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Giao Châu đã được thành lập sớm nhất vào thời Hậu Hán, gọi là trung tâm  Luy Lâu. Tại trung tâm Luy Lâu, một bộ Kinh Pháp Hoa gồm 6 quyển được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào năm 256 TL và từ đó đạo tràng Giao Châu càng thêm sáng chói trên văn đàn Trung Quốc. Tiếp theo đó một số tu sĩ Việt Nam được Trung Quốc mời vào cộng đồng phiên dịch tại Trường An (theo tài liệu trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh).

+ Thời kỳ chữ Nôm: Các nhà sư Việt Nam rất tinh thông Hán học và cũng rất giàu lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc. Với tinh thần độc lập tự chủ sẵn có, các nhà sư này muốn thoát ly ảnh hưởng văn hóa Bắc thuộc, liền sử dụng ký hiệu Quốc Âm để chuyển ngữ kinh Phật thành ra chữ Nôm. Hiện nay nhiều tài liệu Phật Giáo bằng ảnh hưởng Quốc Âm (chữ Nôm) vừa mới tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam được xem là những tác phẩm sớm nhất. Bộ Quốc Dịch Pháp Hoa Kinh bằng chữ Nôm hiện còn giữ tại Đông Dương Văn Khố Tokyo đã nói lên tinh thần sáng tạo và độc lập tự chủ của tiền nhân.

+ Thời kỳ Quốc Ngữ: Người đầu tiên biên soạn thành bộ kinh Pháp Hoa bằng Việt Ngữ chính là cư sĩ Đoàn Trung Côn. Vào năm 1937, cư sĩ Đoàn Trung Côn dựa theo hai bản dịch của chữ Pháp và chữ Hán để biên soạn gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Mười năm sau, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh căn cứ vào bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bằng chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Việt Ngữ để giúp cho các giới Phật tử tiện việc trì tụng và nghiên cứu. Đến nay thì có rất nhiều bản dịch tiếng Việt kinh Pháp Hoa khác nữa như bản dịch của Hòa Thượng Tuệ Hải, Hòa Thượng Trí Quang..vv

Sự nghiên cứu và lưu truyền Kinh Pháp Hoa rất sâu rộng, ở Ấn Độ, Bồ tát Long Thụ khi trước tác Đại Trí Độ Luận đã dẫn chứng Kinh Pháp Hoa và Ngài có một tác phẩm giải thích Pháp Hoa và Pháp Hoa Thích Luận. Ngài Thế Thân, một Luận sư nổi tiếng có lược dịch và giải thích Pháp Hoa qua bộ Pháp Hoa Luận. Ở Trung Hoa, những bản chú giải, sớ giải về Pháp Hoa của các nhà nghiên cứu Phật học qua các thời đại rất nhiều, nổi bật là Trí Giả Đại sư, căn cứ vào kinh Pháp Hoa để thành lập lên của tông Thiên Thai, đồng thời trước tác các tác phẩm nổi tiếng như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú..vv.

Năm tầng huyền nghĩa Kinh Pháp Hoa

1. Thích Danh

a. Phương pháp lập đề

Trong năm tầng huyền nghĩa, đầu tiên là Thích danh, tức là giải thích tên kinh, đó là huyền nghĩa thứ nhất. Trước khi giải thích bất cứ một bài kinh nào, phải tìm hiểu phương pháp lập đề của bộ kinh đó là gì. Thông thường có bảy phương pháp lập đề như sau:

Đơn Nhân Lập Đề: Lấy riêng tên người để lập đề, như kinh Phật thuyết A Di Đà.

Đơn Pháp Lập Đề: Lấy riêng Pháp để lập đề, như kinh Niết Bàn. Niết Bàn vốn là một pháp; Niết nghĩa là bất sinh, Bàn nghĩa là bất diệt. Niết Bàn là pháp không sinh không diệt.

Đơn Dụ Lập Đề: Lấy riêng Dụ để lập đề, như Kinh Phạm Võng là dùng ví dụ đặt thành tên kinh.

Nhân Pháp Lập Đề: Phối hợp Nhân và Pháp để lập đề. Ví như kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã. Bồ tát Văn Thù là người, Bát Nhã là pháp.

Nhân Dụ Lập Đề: Phối hợp Nhân và Dụ để lập đề. Ví dụ như kinh Như Lai Sư Tử Hống Kinh. Như Lai là một trong 10 đức hiệu của Phật, Như Lai là người. Sư tử hống là dụ.

Pháp Dụ Lập Đề: Phối hợp Pháp và Dụ để lập đề. Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là dụ.

Cụ Túc Nhất Đề: Phối hợp cả Nhân – Pháp và Dụ thành một đề đầy đủ. Như Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Đại Phương Quảng là pháp, Phật là Nhân, Hoa Nghiêm là Dụ.

Tóm lại, kinh này lấy Diệu Pháp Liên Hoa làm tên. Tức là phối hợp Pháp và Dụ để lập đề. Vì Diệu Pháp là pháp khó hiểu, khó nắm bắt, nên dùng hoa sen làm ví dụ cho Diệu Pháp nhằm người nghe dễ hiểu.

Liên hoa biểu thị cho diệu pháp, liên hoa chính là diệu pháp, diệu pháp cũng chính là liên hoa.

Liên hoa biểu thị cho diệu pháp, liên hoa chính là diệu pháp, diệu pháp cũng chính là liên hoa.

b. Giải thích tên: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

– Giải thích từ Kinh: Chữ Kinh là tên chung, tất cả pháp Phật nói đều gọi là kinh. Chữ Kinh trong đạo Phật bao hàm các ý nghĩa cơ bản là Quán – Nhiếp – Thường – Pháp.

Quán: Tức là “xâu kết những đạo lý đã nói”, giống như dùng sợi chỉ, xỏ xuyên qua các ý nghĩa trong kinh, khiến cho đầu, giữa, cuối đều nhất quán. Như khi chúng ta viết một bài văn phải có “khai, hợp, chuyển, chiết” (mở đầu, kết hợp, chuyển ý và tóm yếu lại chủ đề).

Nhiếp: Nghĩa là “nhiếp trì sở hóa cơ” thâu nhiếp hết mọi căn cơ để hóa độ. Tất cả chúng sinh đều được hóa độ, người nào thích dùng vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn, trong kinh đều có đủ; ai thích tu theo pháp môn nào, trong kinh cũng không thiếu.

Thường: Là vĩnh viễn không đổi. Những kinh điển từ khi Phật nói cho đến nay, không ai có thể sửa đổi, một chữ cũng không thêm không bớt; không tăng không giảm, nên gọi là “Kinh”.

Pháp: Chính là “phương pháp”. Phương pháp trong kinh nói là phương pháp mà chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói. Tất cả chúng sinh trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều phải y chiếu theo những phương pháp đó mà tu học, nên gọi là “pháp”.

Chữ Kinh còn có rất nhiều nghĩa khác nữa. Kinh, theo tiếng Phạn là Tu-đa-la (Sutra); Trung Hoa dịch là Khế kinh. Khế tức là khế hợp, trên thì khế hợp với tâm Phật, dưới thì khế hợp với tâm chúng sinh. Cho nên, Phật, chúng sinh, tâm, cả ba đều không khác biệt nhau; đây cũng chính là nghĩa chữ kinh.

– Giải thích Diệu Pháp: Diệu là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn; Pháp là pháp môn để đạt đến sự giác ngộ cuối cùng. Diệu Pháp là pháp môn mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, vượt ra ngoài sự suy lường tính toán, đoạn tuyệt ngôn ngữ. Pháp môn mầu nhiệm này gọi là Phật tri kiến, Linh Giác căn bản (bản giác), hay Chân Tâm mầu nhiệm, Bản tướng chân thường..vv.

– Giải thích từ Liên Hoa: Liên hoa tức là hoa sen. Hoa sen có đặc tính hy hữu, siêu việt hơn các loài hoa khác ở chỗ nó sinh trưởng từ bùn lầy mà không nhiễm hôi tanh, vẫn tỏa hương thơm ngát. Hoa sen dụ cho Diệu Pháp, cho Chân tâm của chúng sinh..vv. Chúng sinh tuy sống ở cõi Ta bà uế trược nhưng chân tâm mầu nhiệm thường hằng thanh tịnh. Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng nói về hoa sen như sau:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng là xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, hoa sen có ba dụ: Vì có sen nên có hoa; Hoa nở thì sen hiện; Hoa rụng thì sen thành.

Hoa sen sở dĩ có ba dụ là vì Diệu Pháp nhiệm màu khó giải thích, phải mượn ví dụ để cho dễ hiểu. Hoa sen là biểu tượng cho Nhân (hoa) và Quả (sen) phát sinh cùng một lúc, cũng như Diệu Pháp là thể hiện Quyền (phương tiện) và Thật (chân thật) đồng một bản thể. Vì thế Đức Phật dùng hoa sen để dụ Quyền và Thật của Diệu Pháp.

+ Vì có sen nên có hoa: gồm hai thí dụ:

Dụ thứ nhất – vì Thật nói Quyền: Thật là pháp chân thật tức là Nhất Thừa và Quyền là pháp phương tiện tức là Tam thừa. Sen ở đây là dụ cho Thật và Hoa ở đây là dụ cho Quyền. Đức Phật vì pháp chân thật của Nhất Thừa mà thiết lập pháp Quyền (phương tiện) của Tam thừa. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Mặc dù chỉ bày nhiều thứ đạo, nhưng kỳ thật không ngoài Phật Thừa”.

Dụ thứ hai – Từ nơi Bản Môn hiển bày Tích Môn: Bản Môn nghĩa là chỉ cho pháp Thân căn bản của đức Phật Thích Ca đã có từ vô thủy, đã thành Phật từ lâu xa, cũng gọi là Cổ Phật. Tích Môn nghĩa là chỉ cho Hóa Thân của đức Phật Thích Ca, có dấu tích lịch sử đản sinh, xuất gia..vv. cũng gọi là Tân Phật. Sen ở đây là dụ cho Bản Môn (Cổ Phật) và Hoa ở đây là dụ cho Tích Môn (Tân Phật). Pháp Thân của đức Như Lai thuộc Bản Môn đã thành Phật từ lâu xa, nhưng vì muốn độ chúng sinh nên mới sinh vào nơi nước Ca Tỷ La Vệ làm Hóa Thân thuộc Tích Môn. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói: “Đúng ra ta thật sự đã thành Phật từ lâu xa, chỉ vì giáo hóa chúng sinh mà nói rằng, ta mới xuất gia và chứng đặng Tam Bồ Đề”.

+ Hoa nở thì sen hiện. Cũng có hai ví dụ:

Dụ thứ nhất – là khai Quyền hiển Thật. Khai Quyền nghĩa là mở bày pháp phương tiện và Hiển Thật nghĩa là thể hiện pháp chân thật. Hoa nở ở đây là dụ cho Khai Huyền và Sen Hiệu ở đây là dụ cho Hiền Thật. Thí dụ này là biểu tượng Đức Như Lai quyền khai ba thừa để hiển bày pháp chân thật của Nhất Thừa. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói: “Khai phương tiện môn để chỉ bày tướng chân thật”.

Dụ thứ hai – khai Tích hiển Bản: Khai Tích nghĩa là mở bày Hóa Thân thuộc Tân Phật và Hiền Bản nghĩa là hiển bày Pháp Thân thuộc Cổ Phật. Hoa Nở ở đây là dụ cho khai mở Tích Môn và Sen Hiện ở đây là dụ cho hiển bày Bản Môn. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả thế gian đều cho ta nay mới đắc đạo. Ta thật sự đã thành Phật từ vô lượng vô biên na do tha kiếp cho đến nay”.

– Hoa rụng thì sen thành. Cũng có hai thí dụ:

Dụ thứ nhất – bỏ Quyền lập Thật: Bỏ Quyền nghĩa là phế bỏ pháp phương tiện của Tam Thừa và lập Thật nghĩa là thiết lập pháp chân thật của Nhất Thừa. Hoa rụng ở đây là dụ cho bỏ Quyền và sen thành ở đây là dụ cho lập Thật. Thí dụ này là biểu tượng đức Như Lai phế bỏ pháp phương tiện của ba Thừa để kiến lập pháp chân thật của Nhất Thừa. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Đúng ra xả  bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng”.

Dụ thứ hai – bỏ Tích lập Bản: Bỏ Tích nghĩa là phế bỏ Tân Phật thuộc Hóa Thân và lập Bản nghĩa là thiết lập Cổ Phật thuộc Pháp Thân. Hoa rụng ở đây là dụ cho bỏ Tích (Tân Phật) và sen thành ở đây là dụ cho lập Bản (Cổ Phật). Cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Các đức Như Lai, pháp đều như thế; vì độ chúng sinh, thật sự không hư”.

Như vậy, Hoa sen biểu tượng cho nguyên lý nhân quả đồng thời.

Hoa sen có hai phần: Cánh và Nhụy của hoa thì thuộc về Nhân (hoa); Gương và Hạt thì thuộc về Quả (sen). Một đóa sen gồm có cánh nhụy và gương hạt đều thể hiện cùng một lúc gọi là nhân quả đồng thời, nghĩa là Quả không ngoài Nhân và Nhân không ngoài Quả. Quả tức là Nhân và Nhân tức là Quả. Từ ý nghĩa này người tu Diệu Pháp là tạo nhân thì Thể Tướng Chân Tâm nhất định hiện bày là quả.

Tóm lại, Liên hoa biểu thị cho diệu pháp, liên hoa chính là diệu pháp, diệu pháp cũng chính là liên hoa. Liên hoa là dụ cho bộ kinh này. Diệu Pháp Liên Hoa là biệt danh của bộ kinh này. Biệt nghĩa là “đặc biệt” bởi vì nó khác biệt, nó không cùng tên với các kinh điển khác của Phật.

Kinh Pháp Hoa lấy Vô Thượng Đề Hồ làm giáo tướng.

Kinh Pháp Hoa lấy Vô Thượng Đề Hồ làm giáo tướng.

2. Hiển Thể.

Sau khi giải thích về tên kinh, chúng ta phải làm rõ thể của bộ kinh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa lấy Thật Tướng làm thể. Trong kinh nói: “Thật Tướng vô tướng, vô sở bất tướng”. Tất cả các tướng đều do “Thật Tướng” sinh ra. Không chỉ tất cả tướng, mà tất cả chư Phật, tất cả Bồ Tát, tất cả Thanh văn, Duyên giác cũng đều từ “Thật Tướng” sinh ra, cho đến tất cả vạn sự vạn vật đều từ “thật tướng” sinh ra. Thể của bộ Kinh này, chính là “chư Pháp thật tướng”; cho nên tất cả chư Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, cho đến tất cả chúng sinh đều từ kinh Pháp Hoa sinh ra.

3. Minh Tông

Tên kinh đã biết, thể cũng đã nhận rõ, vậy rốt cuộc bộ kinh này lấy cái gì làm tông chỉ? Bộ kinh này lấy “Nhất Thừa nhân quả” làm tông chỉ. Ban đầu Phật nói có ba thừa, cuối cùng Đức Phật nói kinh Pháp Hoa, quy tất cả các thừa về một thừa duy nhất, đó chính là Phật thừa. Trong kinh nói: “Duy nhất Phật Thừa, cánh vô dư thừa”. Kinh Pháp Hoa dùng hoa sen để biểu đạt cho diệu pháp là để nói lên ý nghĩa nhân quả có cùng một lúc. Bởi đối với hoa sen thì khi hoa sen nở là có hạt sen, hoa quả đồng thời. Bộ kinh này lấy “Nhất Thừa nhân quả” làm tông; nhân là “nhân Phật”, quả là “quả Phật”, nên gọi là “nhất thừa nhân quả”.

4. Luận Dụng

Dụng tức là lực dụng, tác dụng của kinh điển. Kinh Pháp Hoa lấy việc đoạn nghi sinh tín làm dụng. Khi cơ duyên của chúng sinh tròn đầy, Đức Phật dùng Đại Thừa Diệu Pháp để khai thị, trên phương Tích Môn thì khiến họ dứt hẳn cái nghi về quyền để sinh cái tin về thật; trên phương diện Bản Môn thì khiến họ dứt hẳn cái nghi ngờ gần để sinh cái tin nơi xa. Tức dứt bỏ mọi nghi ngờ để tin vào Nhất Phật thừa nên gọi Đoạn Nghi Sinh Tín làm dụng.

5. Giáo Tướng

Kinh Pháp Hoa lấy Vô Thượng Đề Hồ làm giáo tướng. Thánh nhân tỏ lòng dạy bảo gọi là giáo, phân biệt đồng dị gọi là Tướng. Sự mầu nhiệm của kinh Pháp Hoa thì rất thuần nhất và tròn sáng, dung hợp tất cả Tam thừa về một Phật thừa duy nhất. Nhưng sự khác biệt của nó là biến ra từng mảng các giáo lý của kinh, cũng như dụ cho chất Đề Hồ. Cũng như Đề hồ vậy, sữa lấy từ bò, rồi từ sữa làm ra lạc, từ lạc làm ra sinh tô, từ sinh tô làm ra thục tô, thục tô tinh luyện làm đề hồ. Đề hồ mới là tinh túy nhất làm ra từ sữa, là hơn tất cả. Cho nên gọi Vô Thượng Đề Hồ làm giáo tướng.

Đại đức Thích Đạo Phong

Nguồn tin: phatgiao.org.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây