Tiểu sử HT Thích Thiện Đức

Chủ nhật - 10/04/2022 16:33

Tiểu sử HT Thích Thiện Đức

1
  1. Thân thế:
Hòa thượng pháp danh Nhựt Chánh, hiệu là Thiện Đức, thế danh là Phù Xuân, sinh ngày 21 tháng 7 năm Đinh Hợi (1947) trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Cha tên Phù Nguyệt, mẹ tên Nguyễn Thị Bông; bà cụ quy y với Thiền sư Duy Lực được đặt pháp danh Truyền Bông. Cả hai ông bà đều là Phật tử thuần thành, thường tạo phước cúng dường Tam bảo và giúp đỡ người nghèo khó. Hòa thượng sớm chịu ảnh hưởng đức tính đó của cha mẹ nên tuy tuổi nhỏ nhưng bản tính khác với trẻ em cùng trang lứa.
 
  1. Thiếu thời:
Vốn bản chất thông minh nên từ thời còn là học sinh Tiểu học, rồi Trung học Hòa thượng đều đạt thành tích là học sinh giỏi của trường. Bản tính hiền hòa nên Hòa thượng được mọi người thương yêu kính trọng. Tính tình cương trực, quyết đoán, một khi nhận lãnh công việc gì, Thầy đều quyết làm cho bằng được. Chính nhờ thế mà Hòa thượng vững chãi trên con đường tu hành giải thoát. Hòa thượng vốn là người con chí hiếu nên được cha mẹ rất mực thương yêu, chị em quý mến. Có lẽ do túc duyên là người xuất thế tái lai nên lòng Hòa thượng lúc nào cũng ưu tư về lẽ vô thường của cuộc đời dù tuổi đời còn non trẻ.
 
  1. Xuất gia học đạo:
Năm 1960, Hòa thượng vừa 14 tuổi mà ý chí xuất trần dũng mãnh. Thầy lần theo dấu chân những người phá rừng, tìm lên Hang Mai, Núi Dinh một mình ẩn tu trong hang đá, lạnh lẻo hoang vu, ngày ăn măng rừng, bột đác, uống nước suối khe, đêm ngủ dưới màn sương, chiếu cỏ. Dù gian khổ nhưng lòng nhẹ tợ áng mây bồng bềnh tự do trên bầu trời cao rộng. Tuy nhiên, muốn thấu nguồn chơn phải có thầy dắt dẫn.

Năm 1965, Hòa thượng đến xuất gia với Hòa thượng Thích Hồng Quang, Trụ trì chùa Linh Sơn, xã Hội Bài, huyện Châu Thành, tỉnh Phước Tuy (tức Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay), được đặt pháp danh là Nhựt Chánh, pháp hiệu Thiện Đức.

Năm 1969, sau khi ân sư viên tịch, Hòa thượng cùng một huynh đệ ra miền Trung tìm minh sư học đạo. Tuy nhiên, vì thời chiến tranh loạn lạc, chính quyền VNCH nghi Thầy là Việt Cộng nên bắt giam quản thúc 2 năm.

Đến năm 1971, Thầy trở về Hội Bài và cất một am tranh ẩn tu giữa một cánh đồng vắng. Thầy tự tìm kinh sách để nghiên cứu tu tập. Thầy đã từng đến đạo tràng Thiền học của Thiền sư Thích Thanh Từ để nghe giảng về Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng (tức Thiền sư Trung Hoa) và Kinh Lăng Nghiêm.

Năm 1980, Hòa thượng thọ đại giới tại Giới đàn chùa Giác Sanh, Q.11, Chợ Lớn do Chư tôn giáo Phẩm Tăng già miền Nam tổ chức, thỉnh Hòa thượng Viện chủ chùa Giác Sanh làm Hòa thượng Đàn đầu (lúc đó GHPGVN chưa thành lập) và học lớp Phật học gia giáo tại đây.

 
  1. Nhân duyên với Thiền tông
Hoa nở đúng mùa, trăng tròn đúng tháng. Mọi việc trên đời đều có nhân duyên.
Năm 1982, cơ duyên đã chín, Hòa thượng gặp được Thiền sư Duy Lực tại chùa Từ Ân (Chợ Lớn) và từ đó bén duyên với Tổ sư thiền. Hòa thượng  xem Thiền sư như một bậc Thầy vô vàn khả kính khó tìm, trên đời khó gặp. Kể từ dạo đó, Hòa thượng thường lui tới chùa Từ Ân (Chợ Lớn) để học hỏi dự những khóa Thiền thất do Thiền sư tổ chức. Sự tu tập của Hòa thượng mỗi ngày một tinh tấn quên ăn, bỏ ngủ đến nỗi thân hình tìu tụy héo khô.

V. Hành đạo:
Năm 1984, được sự trợ duyên của phật tử Truyền Bông (mẫu thân của Hòa thượng), mua mãnh vườn khoảng hơn nữa mẫu, xây dựng một ngôi thiền đường nho nhỏ tại xã Hội Bài (tức Thiền Đường Liễu Quán 2) tựu chúng tu thiền.

Năm 1985, thừa lệnh Thiền sư Duy Lực, được sự hỗ trợ pháp lý của một Phật tử, Hòa thượng vào chân Núi Dinh khai khẩn khoảng gần 40 mẫu đất rừng, lập Tổ hợp trồng cây điều mang tên Đồng Tâm. Dưới hình thức đó, Hòa thượng có thể tựu chúng về cùng tu với danh nghĩa công nhân trồng điều. Tuy vậy, đời sống tu tập của đại chúng nơi đây có qui củ và rất tinh tấn tuy có phần đạm bạc và khắc khổ.

Ngày 24-7 âm lịch năm 1987, Hòa thượng cung thỉnh chư sơn thiền đức Giáo hội cùng môn phong cử hành lễ Đặt đá xây dựng THIỀN ĐƯỜNG LIỄU QUÁN. Ngôi Thiền đường thô sơ được vinh dự mang tên vị Thiền sư Việt Nam ra đời từ đó.

Năm 2019 và 2021, Hòa thượng được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu liên tiếp thỉnh làm Thập sư của 2 Đại giới đàn do Giáo hội tỉnh tổ chức.

 
  1. Viên tịch:
Thuận theo quy luật vô thường, có đến phải có đi, có sanh ắt có diệt. Từ tháng 5 năm 2021, Hoà thượng thấy trong người khiếm an, được Chư Tăng, phật tử đưa vào bệnh viện vài lần. Tuy nhiên, bệnh tình Hòa thượng ngày thêm trầm trọng. Trải qua gần một năm chống chọi với cơn bạo bệnh, để rồi vào 4 giờ 50’ Hòa thượng đã xả báo an tường tại Thiền Đường Liễu Quán 1 trong cảnh yên lặng tịch tĩnh của hành giả tham thiền. Thọ thế 76 năm, Hạ lạp 43 mùa An cư kiết hạ.
Chứng đạo ca có viết;
“Ngũ ấm phù vân vô khứ lai,
Tam độc, thủy bào hư xuất một”
Tạm dich;
Tam độc tợ bọt bèo chìm nổi,
Ngũ ấm dường mây nổi lại qua.

Hòa thượng đã gá thân mộng ảo dạo chơi trên đất vô thường trải qua hơn 70 năm tùy duyên hóa độ. Duyên lành với thiền tông nên hạnh ngộ minh sư là Thiền sư Duy Lực. Như Chứng Đạo Ca đã viết: “Từ ngày gặp pháp Tào Khê ấy, mới hay sanh tử chẳng liên quan”.
Hóa duyên đã mãn, Hòa thượng xả báo để trở về cõi vô tung bất diệt. Ngườ xưa đã nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Hòa thượng đã đến và đi, bình dị và đơn giản như chính cuộc đời Ngài. Nơi Ngài đến chắc chắn sẽ là cảnh bình yên và an lạc. Chỉ thương cho hàng đệ tử từ nay mất đi bậc thầy khả kính như đàn gà con lạc mẹ, côi cút bơ vơ!

Từ nay Thiền Đường vắng bóng tôn sư, nhưng pháp âm của Hòa thượng sẽ khắc sâu vào tâm thức của hàng môn nhơn đệ tử của Ngài.

Nam mô Thiền Đường Liễu Quán đường thượng, từ Tào Động Chánh Tông, ngũ thập tam thế. Thượng NHỰT hạ CHÁNH, tự THIỆN ĐỨC Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám!

Một số hình ảnh viếng tang:

 
tl 4

tl 1

tl 3

tl 5

 
tl 6

tl 7

tl 8

tl 9

tl 10

tl 11

tl 12

tl 13
Ban TTTT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây